ISSN-2815-5823
Thứ tư, 02h34 06/06/2018

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Còn nhiều vấn đề trong dự án Luật đặc khu cần xem xét lại

(KDPT) – Dự thảo Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc đã được đưa ra Quốc hội và đang nhận được nhiều ý kiến tranh luận về thời hạn cho nhà đầu tư thuê đất lên đến 99 năm tại kì họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV và dự kiến được đưa ra bàn thảo tiếp tại kì họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV đang diễn ra. Xung quanh dự luật này, nhiều chuyên gia kinh tế, các đại biểu Quốc hội đã có ý kiến nhận định về dự luật, đặc biệt xoay quanh vấn đề giao đất với thời hạn 99 năm cho các nhà đầu tư. Chúng tôi xin được trích đăng ý kiến của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng về vấn đề này. .

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan.

Có quá nhiều vấn đề trong dự luật cần xem xét lại

Thứ nhất là rất cần phải hỏi ý kiến của đông đảo người dân. Bởi vì trong những ngày vừa qua, khi tôi đi các nơi, kể cả gặp những người rất bình thường, hoặc là ngồi trên xe taxi, thì những người lái xe taxi cũng chia sẻ với tôi nỗi bức xúc, lo lắng của họ trước dự luật này.

Đứng về góc độ kinh tế, góc độ chuyên gia, chúng tôi cũng thấy trong thời đại của cách mạng công nghiệp 4.0 và toàn cầu hóa hiện nay, trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia các FTA, Hiệp định Thương mại Tự do với các nước khác nhau trên thế giới, với những cam kết rất cao về mở cửa thị trường ở Việt Nam để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư từ các nước đến làm ăn kinh doanh với Việt Nam, thì những mô hình như đặc khu kinh tế thực sự không cần thiết nữa.

Hơn nữa những đặc khu đó được đưa ra trong dự thảo luật cùng với các văn bản, phụ lục kèm theo, đưa ra những lợi ích vô cùng to lớn cho các nhà đầu tư vào đó, thì điều đó trái với những cam kết FTA của Việt Nam để tạo môi trường bình đẳng cho các nhà đầu tư khác nhau trên mảnh đất Việt Nam. Và đặc biệt nó gây hiệu ứng chèn lấn đối với doanh nghiệp Việt Nam, đối với công dân Việt Nam, về rất nhiều việc mà vốn dĩ luật pháp chưa cho người Việt Nam làm trên đất nước mình, thì lại mở ra cho người nước ngoài làm.

Kể cả những điều kiện kinh doanh chẳng hạn, vốn dĩ điều kiện kinh doanh được lập ra là nhằm bảo vệ lợi ích cho xã hội, cho người dân, hoặc là môi trường, trong những lĩnh vực cần kiểm soát, thì bây giờ vào đặc khu, cũng mở ra rất nhiều điều kiện kinh doanh, dỡ bỏ đi để cho nhà đầu tư tự do làm, thì điều đó có thể gây phương hại vô cùng to lớn cho xã hội, cho người dân, không chỉ ở trong đặc khu đó. Tôi cho là, có quá nhiều vấn đề trong dự luật đặc khu này cần phải xem xét lại.

Tôi rất mong là Quốc hội lần này dừng lại, chưa thông qua luật này, để có thể lắng nghe nhiều hơn ý kiến của người dân, của doanh nghiệp, của tất cả các đối tượng khác trong xã hội, đặc biệt là các chuyên gia đang vô cùng bức xúc về vấn đề này.

Theo dự Luật Đặc khu, Việt Nam sẽ xây dựng 3 đặc khu hành chính – kinh tế (Vân Đồn, Vân Phong và Phú Quốc)

Lo sợ lợi ích nhóm

Xưa nay chúng ta vẫn nói đến “ý đảng, lòng dân”, thì lần này ý đảng nên nghe thêm lòng dân, để có thể thực sự hòa hợp được với nhau. Vì tôi thực sự e rằng, chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước không đi được vào các chi tiết, mà nhiều khi vướng mắc ở các chi tiết, chứ không phải ở bản thân các văn bản pháp luật.

Tôi cũng xin chia sẻ kinh nghiệm cá nhân tôi tham gia rất nhiều vào việc đóng góp vào các dự thảo luật lâu nay, cũng như các dự thảo chính sách của Nhà nước, thì tôi luôn luôn e sợ nhất là việc các nhóm lợi ích cài cắm những lợi ích riêng của mình. Nhiều khi chỉ vào một vài từ trong văn bản pháp luật, thì nó có thể làm lệch lạc hoàn toàn ý tưởng của luật đó đi.

Ví dụ, khi luật muốn tạo điều kiện tự do kinh doanh hoặc cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp với nhau, nhưng chỉ cần cài cắm vào đó vài điều thôi, như việc cụ thể này do Chính phủ ban hành các quy định. Như vậy thôi, cũng có thể làm cho những ý tưởng của luật vốn dĩ là tốt, thì có thể bị méo mó, bị lệch lạc hết, trong quá trình ban hành văn bản tiếp theo, nhất là trong quá trình thực hiện sau này.

Nhìn vào Dự luật đặc khu này, tôi cũng có thể thấy rất nhiều điều cài cắm lợi ích theo kiểu đó.

Nên đầu tư mạnh hơn vào các khu kinh tế sẵn có

Ở Trung Quốc thập niên 70-80 của thế kỉ trước, ông Đặng Tiểu Bình chủ trương phát triển Thẩm Quyến là trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang rất muốn có cải cách kinh tế mạnh mẽ hơn. Từ những người có tư tưởng cải cách mạnh mẽ như Đặng Tiểu Bình, nhưng không thể áp dụng rộng rãi trên toàn quốc được, cho nên phải tìm một chỗ để thí điểm mô hình đó. Từ đó chứng minh lợi ích của việc cải cách của những chính sách mới thông thoáng, mở cửa hơn, thay vì chính sách tập trung vào trong tay nhà nước như trước đó, để từ đó nhân rộng ra.

Tác dụng của Thẩm Quyến không phải chỉ làm cho vùng Thẩm Quyến phát triển, mà quan trọng nhất là những thể chế đó sau đó được áp dụng trên toàn Trung Quốc và làm cho Trung Quốc mạnh lên về mặt kinh tế.

Đối với Việt Nam bây giờ cũng vậy, trải qua ngần ấy năm cải cách rồi, như tôi đã nói, Việt Nam còn đang tham gia các FTA, với những cam kết rất mạnh mẽ về mở cửa thị trường. Có thể nói, các FTA thế hệ mới như TPTPP hoặc EVFTA mà Việt Nam đang tham gia là những FTA được coi là của thế hệ mới, trong đó có những cam kết rất mạnh mẽ về đổi mới thể chế ở Việt Nam nữa. Tôi cho rằng, với việc như vậy, Việt Nam nên tập trung vào thực hiện những cam kết của mình đã có với các nước và nên xem xét lại trong thời gian vừa qua, trong quá trình cải cách của mình, còn những gì nữa cần phải thực hiện tiếp để cho nền kinh tế có thể phát triển mạnh mẽ hơn trên cả nước.

Và nếu có thí điểm, thì thí điểm là những chính sách khó, là những biện pháp khó cho những FTA thế hệ mới mà Việt Nam chưa dám làm ngay trên quy mô cả nước, thì có thể làm trong phạm vi hẹp.

Ví dụ như việc người ta đưa ra những yêu cầu về bảo hộ sở hữu trí tuệ để cho công nghệ cao có thể phát triển, thì có thể trong các khu công nghệ cao rất cần áp dụng một chế độ bảo hộ sở hữu trí tuệ thật mạnh, để làm cho các nhà đầu tư mạnh dạn chuyển giao công nghệ cho Việt Nam. Đấy là cách thí điểm thể chế.

Mọi thí điểm thể chế là để sau đó nhân rộng ra cho tất cả, chứ không phải gom lại mỗi đặc khu như thế này, nó biến thành một quốc gia nhỏ trong một quốc gia lớn, trong đó có những thể chế riêng biệt mà không áp dụng được cho cả nước. Tôi nghĩ cái đó không phải. Hơn nữa Việt Nam cũng chưa cần phải học nhiều ở các nước khác, mà học ngay bài học của chính mình. Ở Việt Nam lớn nhỏ đã có chừng gần 500 các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao… đã được hình thành trong những năm vừa qua, hay như các khu kinh tế ven biển…

Nhưng trong thời gian vừa qua, kể cả một số chính sách đặc biệt được tạo ra cũng vẫn chưa đủ để làm các đặc khu này phát triển lên. Do vậy, Việt Nam cần phải có một nghiên cứu, đánh giá thấu đáo, tại sao các chính sách này lại chưa làm được cho những khu mà Việt Nam đã từng chủ trương tạo cho nó những cơ chế đặc biệt để phát triển, mà lại chưa phát triển được. Trên cơ sở đó thì rút kinh nghiệm, thấy thể chế nào cần bồi đắp cho nó thì tập trung bồi đắp, để cho những khu mà Việt Nam đã hoạch định rồi có thể phát triển lên và từ đó nhân rộng ra cả nước.

Tôi nghĩ đấy là cách đơn giản hơn nhiều. Tiêu biểu như khu Công nghệ cao Hòa Lạc vẫn chưa phát triển được như mong muốn. Số nhà đầu tư nước ngoài mang công nghệ cao vào đó vẫn còn rất hạn hẹp. Tại sao lại như vậy?

Khi Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cùng đoàn ĐBQH đến thẩm tra mới hiểu ở đó, mặc dù Chính phủ đã ban hành rất nhiều những chính sách tốt cho khu công nghệ cao này, nhưng không áp dụng được trên thực tế, bởi nó vướng 13 luật pháp khác chưa sửa, để làm cho những chính sách này được thực thi. Và vì vướng ở 23 luật này, mà khu CNC Hòa Lạc không có điều kiện để phát triển được.

Theo tôi nghĩ nên tập trung sửa những quy định trong 13 luật pháp đang cản trở khu công nghệ cao Hòa Lạc, áp dụng vào nó để xem công nghệ Hòa Lạc có bật được lên hay không. Đấy là một cái cách để thí điểm thể chế, đâu cần tìm những kinh nghiệm khác ở đâu xa nữa cho VN?

Điều cuối cùng tôi muốn nói là, trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 như thế này, thì không có những ngành nghề, những lĩnh vực gì nó kéo dài quá đâu. Nếu Việt Nam cứ mong muốn là dùng những chính sách ưu đãi thật nhiều, kéo dài thật lâu về thuế, về tiền thuê đất, về thời hạn sử dụng đất… thì những cái đó cũng vô nghĩa. Trong thời đại hiện nay, nó không có tác dụng thực sự với những người đầu tư sử dụng công nghệ mà tuổi thọ hay vòng đời của các sản phẩm nó ngắn lại rất đáng kể và nó phải thay đổi liên tục để cạnh tranh, trong khi đó nó lại chỉ tạo cơ hội cho những người đầu cơ, đặc biệt là đầu cơ trục lợi trên đất đai.

Phạm Chi Lan – Chuyên gia kinh tế

(Tiêu đề do Ban biên tập đặt)



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 28/12/2024