ISSN-2815-5823
Minh Hằng
Thứ năm, 14h34 22/02/2024

Chuyên gia VinaCapital chỉ ra 3 yếu tố giúp chứng khoán hút dòng tiền trong thời gian tới

Ông Michael Kokalari - Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường của VinaCapital đã chỉ ra 3 yếu tố giúp thị trường chứng khoán Việt Nam thu hút dòng tiền nhiều hơn trong quý 1 và cả năm 2024.

Xuất khẩu tăng trưởng nhờ sản phẩm điện tử và Tết

Trong chia sẻ mới đây, ông Michael Kokalari - Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường của VinaCapital đã đưa ra những phân tích về tình hình hoạt động xuất khẩu của Việt Nam và tác động đến nền kinh tế cũng như thị trường chứng khoán.

Cụ thể, vị chuyên gia cho biết, xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2023 lần đầu tiên ghi nhận tăng trưởng âm kể từ cuộc Khủng hoảng tài chính toàn cầu, gây ảnh hưởng nặng nề đến tăng trưởng GDP 2023 trong bối cảnh giá trị xuất khẩu đạt bình quân 90% GDP trong giai đoạn 2019-2022. Xuất khẩu tiếp đà tăng vào quý 4/2023 và tăng mạnh 42% so với cùng kỳ vào tháng 1/2024 nhờ mức tăng 33% của mảng xuất khẩu sản phẩm điện tử công nghệ cao (chiếm 1/3 tổng xuất khẩu của Việt Nam).

Mức tăng cao của tháng 1/2024 chủ yếu do lấy mốc so sánh thấp khi xuất khẩu của Việt Nam giảm vào đầu năm 2023 (giảm 12% trong quý 1/2023), đồng thời đây cũng là thời điểm của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2023. Tuy nhiên, sang tháng 1/2024 đã ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, dù trùng đợt nghỉ Tết và/hoặc do xuất khẩu sụt giảm trong năm trước đó.

Ông Michael Kokalari - Giám đốc Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường của VinaCapital

VinaCapital kỳ vọng số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng trong các tháng tới nhờ sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ, thể hiện qua niềm tin của người tiêu dùng Mỹ đạt mức cao nhất kể từ khi mở cửa hậu đại dịch Covid-19.

VinaCapital nhận định, sự tăng trưởng mạnh của xuất khẩu Việt Nam trong tháng đầu tiên của năm 2024 là do mức tăng gần 60% so với cùng kỳ trong mảng xuất khẩu máy tính và sản phẩm điện tử. Dù doanh thu ngành PC toàn cầu giảm 30% so với cùng kỳ vào đầu năm 2023, nhưng đã tăng trưởng trở lại vào cuối năm ngoái, một phần do người dùng nâng cấp cấu hình cao hơn để xử lý AI. Tương tự, doanh thu mảng điện thoại thông minh toàn cầu cũng tăng trưởng trở lại từ cuối năm 2023, nhưng sự phục hồi không rõ rệt như mảng máy tính do các sản phẩm mới thiếu các chức năng đủ hấp dẫn để thúc đẩy người dùng nâng cấp. Tại thị trường Việt Nam, xuất khẩu điện thoại thông minh tăng 16% so với cùng kỳ trong tháng 1/2024 nhờ sự kiện mở bán mẫu điện thoại Samsung S24 mới trong tháng.

Ngoài ra, một lý do khác giúp xuất khẩu Việt Nam tăng mạnh vào tháng 1/2024 là do tháng này có nhiều hơn 25% ngày làm việc so với tháng 1/2023 (Tết Nguyên đán diễn ra từ ngày 21-27/1/2023). Cách tính đơn giản này cho thấy xuất khẩu thực chất nên tăng 25% vào tháng 1/2024 theo cách tính dựa trên số ngày làm việc nhiều hơn, do đó, mức tăng trưởng 42% của xuất khẩu trong tháng 1 là ấn tượng kể cả khi tính tới thời gian nghỉ Tết.

VinaCapital kỳ vọng số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới

Ngành sản xuất tăng 19,3% so với cùng kỳ trong tháng 1/2024, vì thế tăng trưởng xuất khẩu vượt xa tăng trưởng sản xuất. Đồng nghĩa, hàng tồn kho của các nhà sản xuất đã giảm vào tháng trước (PMI của Việt Nam tháng 1/2024 cũng xác nhận sự sụt giảm tồn kho hàng thành phẩm). Sự kết hợp của sụt giảm hàng tồn kho và tăng đơn hàng mới đồng nghĩa với với hoạt động sản xuất của các nhà máy tại Việt Nam cần đẩy mạnh hơn để đáp ứng nhu cầu tăng cao.

Ngành sản xuất chiếm gần 25% GDP của Việt Nam, do đó việc đẩy mạnh hoạt động sản xuất sẽ thúc đẩy tăng trưởng GDP. Thêm nữa, gần 10% lực lượng lao động của Việt Nam đang làm việc cho các công ty FDI với mức lương khá cao. Tổng cục Thống kê cho biết, các công ty FDI đã cắt giảm nhân công vào đầu năm 2023, đây cũng là một lý do khiến GDP của Việt Nam chỉ tăng 3,3% trong quý 1/2023, nhưng sau đó lao động trong ngành sản xuất đã phục hồi. Lương nhân công nhà máy cũng hồi phục 5-7% sau khi chạm đáy vào năm ngoái.

Theo đó, nền kinh tế sẽ được thúc đẩy từ việc tăng cường hoạt động sản xuất và mức tiêu dùng trong năm nay cao hơn, cộng thêm được hỗ trợ bởi việc gia tăng việc làm trong lĩnh vực sản xuất. Bên cạnh đó, niềm tin của người tiêu dùng và nhu cầu tiêu dùng nội địa - những điểm yếu trong năm 2023 do cắt giảm nhân công và các vấn đề của ngành bất động sản được cho là sẽ hồi phục trở lại. Mặc dù không kỳ vọng chi tiêu cho tiêu dùng tăng trưởng mạnh trong quý 1/2024, nhưng ông Michael Kokalari vẫn kỳ vọng mức chi tiêu cho tiêu dùng cũng như nhu cầu tiêu dùng nội địa mạnh hơn trong giai đoạn sau của năm 2024.

Chứng khoán vẫn là kênh hấp dẫn để “xuống tiền” trong thời gian tới

Giám đốc Phân tích VinaCapital kỳ vọng nhà đầu tư trong nước sẽ rót tiền vào thị trường chứng khoán nhiều hơn trong quý 1 và cả năm 2024 nhờ 3 yếu tố sau:

Thứ nhất, lãi suất tiền gửi ngân hàng của Việt Nam đang gần mức thấp nhất.

Thứ hai, hồi phục kinh tế trên diện rộng như phân tích ở trên sẽ thúc đẩy lợi nhuận doanh nghiệp, nhất là ngành ngân hàng và các công ty tiêu dùng.

Thứ ba, định giá thị trường hiện đang rất hấp dẫn.

Bên cạnh đó, sự phục hồi của ngành bất động sản tại Việt Nam cần nhiều thời gian hơn vì các biện pháp giúp giải quyết các vấn đề của thị trường vẫn đang được triển khai. Do đó, vị chuyên gia đến từ VinaCapital nhận định thị trường chứng khoán hiện là kênh đầu tư hấp dẫn nhất để người dân rót tiền trong thời gian tới.

Đương nhiên, không phải cổ phiếu nào cũng có thể gặt hái thành công và một số công ty cũng không có triển vọng tích cực. VinaCapital đang chọn lọc ra những công ty có triển vọng tăng trưởng lợi nhuận hơn 20% trong năm nay và lưu ý nhiều công ty như vậy hiện đang giao dịch ở mức định giá rất thấp.

Chứng khoán vẫn là kênh hấp dẫn nhất để rót tiền trong thời gian tới

Theo thống kê của FiinGroup, dù lợi nhuận sau thuế quý 4/2023 của toàn thị trường tăng trưởng đột phá từ mức đáy cùng kỳ năm trước, nhưng sự phục hồi mạnh trong quý 4 vừa qua chưa đủ để bù đắp cho kết quả cả năm. Lợi nhuận sau thuế toàn thị trường năm 2023 giảm -6,7%, thậm chí còn lớn hơn mức giảm năm 2020 (khi đại dịch Covid-19 bùng phát).

Mặc dù nhiều ngành ghi nhận lợi nhuận sau thuế cả năm 2023 giảm nhưng đã có tín hiệu hồi phục hoặc tiếp tục tăng trong quý 4. Đơn cử như Ngân hàng, Công nghệ Thông tin, Tài nguyên cơ bản (chủ yếu là Thép), Thực phẩm, Hàng cá nhân, Xây dựng và Vật liệu.

Có thể thấy, câu chuyện hồi phục đã được phản ánh vào giá cổ phiếu ở nhiều nhóm ngành, bao gồm cả những ngành có tăng trưởng kém xa kỳ vọng, thậm chí lợi nhuận vẫn đang “dò đáy”. Triển vọng lợi nhuận phục hồi tiếp tục là động lực cho giá cổ phiếu trong năm 2024, nhưng sẽ khó diễn ra trong diện rộng mà chỉ tập trung ở các ngành có câu chuyện thực sự.

Đội ngũ phân tích FiinGroup đã xem xét mối quan hệ giữa thay đổi về giá, lợi nhuận và định giá để xác định một số nhóm ngành tăng giá trong thời gian qua là do lợi nhuận phục hồi hay do sự mở rộng của mặt bằng định giá do kỳ vọng của nhà đầu tư. Từ đó đưa ra một số nhóm ngành phổ biến sau:

Các ngành có giá tăng nhờ kỳ vọng phục hồi bao gồm: Hóa chất, Xây dựng, Bán lẻ, Thủy sản, Điện, Bất động sản khu công nghiệp, Vận tải biển,... Đây là những ngành có giá tăng mạnh trong giai đoạn vừa qua nhưng lợi nhuận lại suy giảm. Giá tăng chủ yếu nhờ kỳ vọng lợi nhuận sớm hồi phục và tăng trưởng trở lại sau giai đoạn kinh doanh bị gián đoạn vì dịch Covid-19. Các câu chuyện kỳ vọng này đã thu hút dòng tiền tham gia và đẩy định giá tăng cao.

Trên thực tế, kỳ vọng về sự phục hồi mạnh mẽ của các nhóm ngành này chưa thành hiện thực trong năm 2023. Đồng thời, đây cũng là những nhóm ngành cần phải có tăng trưởng lợi nhuận vượt trội trong năm 2024 để bù đắp cho các kỳ vọng đã được trả giá trong giai đoạn qua. Tuy nhiên, sang năm 2024, trong bối cảnh tiêu dùng vẫn khá thấp, triển vọng lợi nhuận ở đa số các ngành này khó có thể hồi phục mạnh mẽ.

Với nhóm Bất động sản Khu công nghiệp, động lực hỗ trợ giá tiếp tục đến từ những thông tin tích cực liên quan đến hoạt động giải ngân vốn FDI. Còn với nhóm Thủy sản, sự hồi phục về hoạt động xuất khẩu đang gặp trở ngại do cầu tiêu dùng vẫn tương đối yếu ở các thị trường xuất khẩu chủ lực (Mỹ, Trung Quốc) và chi phí vận chuyển tăng lên.

Các ngành có giá tăng nhờ định giá và lợi nhuận cùng tăng bao gồm: Chứng khoán, Công nghệ thông tin, Ống nhựa, Chuyển phát nhanh và Thép. Những ngành này có hiệu suất về giá vượt trội so với thị trường chung trong năm 2023 nhờ lợi nhuận phục hồi mạnh mẽ từ vùng đáy cũng như định giá tăng mạnh.

Nhóm phân tích FiinGroup cho rằng, lợi nhuận của hầu hết các ngành này đã qua giai đoạn phục hồi và đang bước vào pha tăng trưởng. Do đó, khó có thể tạo ra động lực tăng giá trên diện rộng, đặc biệt là trong bối cảnh dòng tiền trên thị trường hiện nay đang thiếu ổn định.

Các ngành có giá tăng nhờ lợi nhuận tăng trưởng, nền giá chưa tăng hoặc tăng thấp có nhóm Ngân hàng. Đây là nhóm ngành với kỳ vọng lợi nhuận sẽ hồi phục mạnh trên nền thấp của năm 2023.

Theo FiinGroup, mặt bằng định giá duy trì ở mức thấp hơn hơn 1 năm qua sẽ là động lực về giá cho ngành ngân hàng. Thêm vào đó, lợi nhuận của nhóm ngành này kỳ vọng tích cực trong năm 2024 nhờ mặt bằng lãi suất thấp và thanh khoản dồi dào hỗ trợ ngân hàng giảm chi phí vốn cho hoạt động tín dụng và tạo dư địa cải thiện về NIM. Tuy nhiên, cần lưu ý rủi ro kinh tế tăng trưởng không như kỳ vọng, cầu tín dụng yếu và thị trường bất động sản trầm lắng kéo dài có thể khiến nợ xấu phình to và kéo chi phí dự phòng tăng lên./.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 19/05/2024