Cổ phiếu ngân hàng vẫn còn cơ hội trong năm 2024
Diễn biến ngành ngân hàng qua các giai đoạn
Là nhóm nhóm vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán và được mệnh danh là “cổ phiếu vua”, cổ phiếu ngân hàng được kỳ vọng sẽ hút dòng tiền trong năm 2024.
Nhìn lại các giai đoạn của ngành ngân hàng, giai đoạn từ 2014-2016, lợi nhuận toàn ngành ghi nhận mức tăng trưởng thấp nhất lịch sử khi đạt dưới 10%/năm trong năm 2014-2015. Theo đó, chất lượng tài sản của nhiều ngân hàng suy giảm do chịu ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng của thị trường bất động sản, trong khi các quy định về quản trị rủi ro chưa chặt chẽ như hiện nay.
Tuy nhiên, đây là thời kỳ tái cơ cấu hậu khủng hoảng bất động sản với hàng loạt quy định mới được Ngân hàng Nhà nước bổ sung như Thông tư 36/2014/TT-NHNN và Thông tư 41/2016/TT-NHNN.
Giai đoạn 2017-2020 ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận toàn ngành đạt mức cao kỷ lục, đạt 30-40%/năm trong năm 2017-2018. Đồng thời, chất lượng tài sản được cải thiện mạnh mẽ (bao gồm cả số dư nợ xấu nội bảng và nợ bán cho VAMC), dù tín dụng tăng trưởng cao.
Trong giai đoạn này, cả BIDV (mã chứng khoán BID) và Vietcombank (mã chứng khoán VCB) đều thực hiện phát hành riêng lẻ trong năm 2019. Ngoài ra, cũng có nhiều ngân hàng thực hiện IPO như VPBank (mã chứng khoán VPB) năm 2017; HDBank (mã chứng khoán HDB), Techcombank (mã chứng khoán TCB), TPBank (mã chứng khoán TPB) năm 2018.
Với giai đoạn 2020-2022, biên lãi ròng (NIM) của ngành ngân hàng tăng mạnh trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát với tín dụng tăng trưởng ổn định, hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận (hơn 30%/năm trong năm 2021-2022). Bên cạnh đó còn có các sự kiện Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, SCB, căng thẳng tỷ giá và thanh khoản vào cuối năm 2022.
Giai đoạn hiện tại, vấn đề chất lượng tài sản quay trở lại cùng nhu cầu tín dụng thấp là những thách thức với lợi nhuận ngành ngân hàng. Dù vậy, sự thuận lợi đến từ cả chính sách tiền tệ và tài khóa cùng các cơ chế tái cơ cấu cho khách hàng gặp khó khăn sau đại dịch Covid-19. Các quy định quản trị rủi ro chặt chẽ hơn cùng với sức khỏe bảng cân đối được cải thiện là những điểm khác biệt lớn nhất trong chu kỳ hiện tại. Cùng với đó, Luật Các tổ chức tín dụng đã được sửa đổi theo hướng giảm rủi ro cho hệ thống sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2024.
Biên lãi ròng của các ngân hàng kỳ vọng sẽ cải thiện mạnh mẽ trong năm 2024. (Ảnh minh họa) |
Trong năm 2024, chủ đề đầu tư ngành ngân hàng sẽ dựa trên 4 luận điểm chính: (1) Môi trường lãi suất thấp cùng triển vọng kinh tế phục hồi giúp tăng trưởng tín dụng và NIM cải thiện nhờ mức nền mới của chi phí vốn; (2) Việc tăng cường xử lý nợ xấu trong năm 2023 tạo dư địa để ghi nhận lợi nhuận từ thu hồi nợ trong năm 2024; (3) Tăng trưởng lợi nhuận năm 2024 kỳ vọng khả quan hơn; (4) Mức định giá trong vùng phù hợp tích lũy.
Bên cạnh đó, yếu tố rủi ro dự báo có thể đến từ tốc độ phục hồi nhu cầu tín dụng chậm hơn so với dự kiến; chất lượng tài sản có thể tiếp tục giảm và thời điểm lợi nhuận của ngành có sự tăng trưởng đáng kể có thể phải đợi đến nửa cuối năm 2024.
Nhiều cổ phiếu ngân hàng đang thu hút nhà đầu tư
Theo ghi nhận, nhóm cổ phiếu ngân hàng trong gần 3 tháng qua đã có mức tăng trưởng khá tốt. Đặc biệt, nhiều mã vốn hóa lớn có mức tăng đến hàng chục phần trăm (tính đến hết phiên 21/2/2024) như CTG (+30,7%), MBB (+27,32%), TCB (+21,5%), HDB (+18,09%), BID (+15,7%), ACB (+13,3%)…
Một điểm có thể nhận thấy là dù diễn biến tích cực, nhưng đà tăng chỉ tập trung ở những mã vốn hóa lớn. Trong khi đó, nhiều mã cổ phiếu ngân hàng cỡ nhỏ tăng rất ít, thậm chí giảm như VBB giảm 0,94%, hay EIB và ABB chỉ tăng vỏn vẹn 1,9% và 2,44%. Một số mã vừa và nhỏ cũng tăng nhưng mức độ khá thấp, có thể kể đến KLB (+6,09%), NAB (+5,7%), VPB (+4,77%)…
Nhìn chung, nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng trưởng tốt nhờ hiệu ứng tâm lý tích cực của nhà đầu tư sau những thông tin về hỗ trợ của hành lang pháp lý, đặc biệt với thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản. Bên cạnh đó, một trợ lực khác đến từ kết quả kinh doanh tích cực. Cụ thể, nhóm “cổ phiếu vua” đóng góp chính vào lợi nhuận toàn thị trường trong quý IV/2023. Lãi ròng nhóm này tăng 22,5% so với cùng kỳ trong quý IV/2023 và tăng 3,8% trong cả năm 2023.
Theo VNDirect, kết quả kinh doanh tích cực của các nhà băng là nhờ tăng trưởng tín dụng được đẩy nhanh trong kỳ, thu nhập ngoài lãi tăng mạnh, toàn ngành tăng 20% và chi phí trích lập dự phòng giảm 5%. Dễ dàng nhận thấy, những ngân hàng có cổ phiếu tăng 2 chữ số đều là các đơn vị có lãi ròng năm 2023 tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước.
Ông Lã Giang Trung - CEO Passion Investment khẳng định, ngân hàng sẽ là nhóm cổ phiếu của năm 2024. Quan điểm này được vị chuyên gia đưa ra dựa trên việc nền lãi suất thấp duy trì và nền định giá thấp với P/E 5-6 lần, P/B khoảng 1- 1,2 lần và cổ phiếu ngân hàng sẽ có nhiều lợi thế tăng mạnh.
Đồng quan điểm, ông Michael Kokalari - Giám đốc Phân tích Kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường của VinaCapital nhận định, cổ phiếu ngân hàng sẽ được hưởng lợi từ sự tăng trưởng lợi nhuận, từ khoảng 7% trong năm 2023 lên mức 18% trong năm 2024 và định giá cổ phiếu ngân hàng tại Việt Nam hiện đang thấp hơn 1 độ lệch chuẩn so với trung bình 5 năm.
“Chúng tôi kỳ vọng lợi nhuận của các ngân hàng Việt Nam sẽ được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng tín dụng nhanh chóng đối với cả nhà phát triển bất động sản và người mua nhà mới, phù hợp với kỳ vọng về sự phục hồi khiêm tốn trong phát triển bất động sản năm nay”, ông Michael Kokalari cho hay.
Còn theo Công ty Chứng khoán BSC nhìn nhận, triển vọng lợi nhuận của ngành ngân hàng trong năm 2024 đang trở nên sáng hơn. BSC kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận toàn ngành sẽ phục hồi với động lực chính đến từ sự nở ra của NIM. Tuy nhiên, tốc độ nhanh hay chậm phụ thuộc vào diễn biến của cầu tín dụng và chất lượng tài sản. Dù vậy, công ty chứng khoán này cho rằng định giá của ngành đã phản ánh những yếu tố bất định trên.
Kỳ vọng ngành ngân hàng năm 2024 sẽ dần phục hồi nhờ nhiều yếu tố hỗ trợ liên quan tới mặt bằng lãi suất giảm hỗ trợ người vay vốn và thị trường bất động sản phục hồi. (Ảnh minh họa) |
Tương tự, Công ty Chứng khoán ABS cũng kỳ vọng ngành ngân hàng năm 2024 sẽ dần phục hồi nhờ nhiều yếu tố hỗ trợ liên quan tới mặt bằng lãi suất giảm hỗ trợ người vay vốn và thị trường bất động sản phục hồi.
Cụ thể là hành lang pháp lý được cải thiện với việc ra đời của Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Bên cạnh đó, việc Thông tư 02 và Thông tư 06 vẫn còn hiệu lực tới giữa năm 2024 sẽ giúp các ngân hàng có thể chủ động trong việc hỗ trợ các khách hàng đang gặp khó khăn. Đồng thời, mặt bằng lãi suất thấp dự kiến vẫn duy trì trong 2-3 quý đầu năm, hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí vốn, cải thiện lợi nhuận, tăng nhu cầu tín dụng để sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, NIM dự kiến cải thiện từ việc lãi suất cho vay giảm chậm hơn lãi suất huy động. Dòng tiền các doanh nghiệp cải thiện giảm áp lực nợ xấu cho ngân hàng, đặc biệt là từ ngành bất động sản.
Trong khi đó, SSI Research lưu ý năm 2024 tiếp tục là một năm đầy thách thức đối với ngành Ngân hàng về chất lượng tài sản. Dù vậy, tình hình chung sẽ được cải thiện hơn so với năm ngoái, phần lớn nhờ vào chi phí vốn đã giảm về mức thấp hơn và lợi nhuận trước dự phòng có sự cải thiện giúp các ngân hàng có dư địa để tạo một bộ đệm dự phòng tốt hơn.
Theo số liệu từ SSI Research, bộ đệm dự phòng tại đa số các nhà băng đều thấp hơn so với giá trị của các khoản vay có vấn đề. Mặc dù đơn vị này cho rằng, ngân hàng cần phải trích lập thêm dự phòng để cải thiện chất lượng tài sản nhưng thời gian trích lập có thể được kéo dài.
SSI Research nhấn mạnh: “Chúng tôi duy trì quan điểm trung lập đối với ngành ngân hàng trong năm 2024 do quá trình củng cố bộ đệm dự phòng tiếp diễn khiến lợi nhuận toàn ngành chưa thể bứt tốc mạnh mẽ ngay. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn ưa thích những cổ phiếu có chất lượng tài sản tốt vì các ngân hàng này sẽ hoàn tất xử lý nợ xấu sớm hơn nhiều so với các cổ phiếu cùng ngành”./.