ISSN-2815-5823
Minh Hằng
Thứ hai, 14h25 19/02/2024

Cổ phiếu ngân hàng năm 2024: Kỳ vọng bay cao

(KDPT) - Là nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam, cổ phiếu ngành ngân hàng được kỳ vọng sẽ bay cao và tiếp tục dẫn dắt thị trường trong năm 2024.

“Bắt mạch” nhóm cổ phiếu ngân hàng

Có thể thấy, trong những tuần đầu của năm 2024, thị giá cổ phiếu ngân hàng ghi nhận đà tăng tích cực, trong đó nhiều mã tăng hơn 5% như BID, VCB, ACB, CTG, EIB, TCB, MBB, OCB… Còn nếu tính trong vòng 1 tháng qua thì mức tăng khoảng 10%.

Mặc dù có sự phân hóa ở những mã cổ phiếu đầu ngành nhưng nhìn chung giá cổ phiếu ngân hàng đang có sự chuyển biến nhờ một số yếu tố hỗ trợ như lợi nhuận kinh doanh năm 2023 ở nhóm ngân hàng có vốn nhà nước chi phối và một số ngân hàng tư nhân lớn đạt mức tỷ USD.

Chuyên gia phân tích đến từ Công ty Chứng khoán VPS (VPS) nhận định, ngành ngân hàng trong năm 2023 được đánh giá thành công khi phần lớn các cổ phiếu ngân hàng đều tăng giá. Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn chưa phải nhóm thu hút dòng tiền do những khó khăn của nền kinh tế. Bên cạnh đó, trong năm vừa qua, phần lớn giá cổ phiếu ngân hàng đều chưa đạt đến đỉnh của tháng 4/2022, nhiều cổ phiếu giao dịch ở mức định giá thấp, quanh 1 lần P/B.

Những tuần đầu năm 2024, cổ phiếu ngân hàng đã trở thành “trụ cột” quan trọng giữ cho VN-Index không giảm điểm. (Ảnh minh họa)

Bước sang năm 2024, tuy còn khó khăn, song nhóm cổ phiếu ngân hàng đã thể hiện là “trụ cột” quan trọng khi giúp chỉ số VN-Index không giảm điểm. Những tuần đầu năm, VN-Index đã xuất hiện tình trạng “xanh vỏ đỏ lòng” khi đa số các nhóm ngành có diễn biến điều chỉnh nhưng nhóm cổ phiếu ngân hàng lại nhận được sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư. Điều này giúp nhiều cổ phiếu ngân hàng tăng trong những tuần đầu năm.

Cùng với đó là việc thanh khoản thị trường cung và của nhóm cổ phiếu này đã tăng lên khi giá trị giao dịch duy trì ở mức bình quân 17.000 tỷ đồng/phiên.

Đội ngũ chuyên gia VPS đánh giá, giai đoạn nửa đầu năm 2024, nhóm ngân hàng sẽ có nhiều động lực tăng trưởng khi mặt bằng lãi suất thấp thúc đẩy nhu cầu tín dụng phục vụ cho sản xuất kinh doanh. Theo đó, Agribank, BIDV và VietinBank tiếp tục giảm lãi suất huy động đối với kỳ hạn dưới 12 tháng từ ngày 17/1. Trước đó, ngân hàng Vietcombank cũng đã thay đổi biểu lãi suất huy động, đồng thời tiếp tục giảm 0,1-0,2 điểm % ở loạt kỳ hạn.

Lãi suất huy động liên tục giảm thời gian qua, trong bối cảnh thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào với lượng tiền gửi tăng mạnh trong những tháng cuối năm. Khi lượng tiền gửi tăng mạnh, mức lãi suất huy động trên thị trường chỉ còn dao động trong khoảng 6,5%/năm.

Bên cạnh đó, những vướng mắc của các doanh nghiệp bất động sản cũng đang dần được tháo gỡ, qua đó tạo điều kiện cho thị trường bất động sản dần hồi phục. Những động thái của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản được các doanh nghiệp đánh giá cao, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các dự án về pháp lý, hạ lãi suất cho vay…

Chuyên gia VPS nhận định, nhóm cổ phiếu ngân hàng hiện đang ở mức định giá hợp lý, P/B trung bình ngành điều chỉnh xuống dưới mức bình quân 10 năm. Trải qua một năm nhiều khó khăn, mặt bằng giá cổ phiếu ngân hàng được đại diện bởi chỉ số P/B đã điều chỉnh xuống dưới mức bình quân 10 năm, về mức -1 độ chuẩn và đang được giao dịch tại vùng 1.4x - gần mức đáy 1.3x của năm 2020 và 2022.

Trong khi đó, chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh nhận định, mặc dù còn nhiều khó khăn, song có nhiều yếu tố vĩ mô hỗ trợ cho các cổ phiếu ngân hàng. Trong đó, ở trong nước là môi trường lãi suất thấp, kinh tế phục hồi thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, doanh thu dịch vụ gia tăng... Còn với bên ngoài là nền kinh tế Mỹ được dự báo sẽ “hạ cánh mềm”, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phát tín hiệu lãi suất đã đạt đỉnh và sẽ sớm cắt giảm trong năm nay, đồng USD giảm giá...

Ngoài ra, ngay từ đầu năm 2024, ngành ngân hàng đã cấp hết hạn mức (room) tăng trưởng tín dụng 15% cho các ngân hàng nhằm đẩy mạnh cho vay. Cùng với đó, các giải pháp gỡ khó cho thị trường trái phiếu, bất động sản dần có hiệu quả, doanh nghiệp bắt đầu mạnh dạn vay vốn trở lại.

Khi thị trường tích cực, cổ phiếu ngân hàng thường là nhóm dẫn dắt.

Công ty Chứng khoán SSI đặt kịch bản cơ sở rằng, tăng trưởng GDP năm 2024 đạt khoảng 6-6,5%, lãi suất trung bình cả năm duy trì quanh mức thấp nhất 10 năm qua, tín dụng tăng trưởng trở lại mức 15% và Ngân hàng Nhà nước sẽ linh hoạt với cơ chế ghi nhận và trích lập dự phòng nợ xấu. Nếu theo kịch bản này, tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng niêm yết top đầu dự kiến ở mức khoảng 15,4% trong năm 2024.

Tăng trưởng tín dụng khả quan cùng với biên lợi nhuận (NIM) được cải thiện nhờ môi trường lãi suất thấp duy trì. Theo đó, biên lợi nhuận ngành ngân hàng dự báo sẽ tăng trưởng khả quan năm nay, dù áp lực trích lập dự phòng vẫn lớn.

Ông Michael Kokalari - Giám đốc Phân tích Kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường của VinaCapital đánh giá, cổ phiếu ngân hàng sẽ hưởng lợi từ sự tăng trưởng lợi nhuận, từ khoảng 7% năm 2023 lên 18% trong năm 2024 và định giá cổ phiếu ngân hàng tại Việt Nam hiện thấp hơn so với mức trung bình 5 năm.

Vị chuyên gia đến từ VinaCapital kỳ vọng, lợi nhuận của các ngân hàng sẽ được thúc đẩy bởi tăng trưởng tín dụng trong năm 2024, không chỉ riêng cho vay với chủ đầu tư bất động sản mà cả người mua nhà mới, phù hợp với kỳ vọng về sự phục hồi của thị trường bất động sản năm nay.

Dư địa tăng giá của cổ phiếu “vua” vẫn rộng mở

Năm 2024, giới phân tích đều có cái nhìn lạc quan đối với ngành ngân hàng. Tuy nhiên, sẽ có sự phân hóa rõ nét giữa ngân hàng có chất lượng tài sản tốt và kém, nhưng triển vọng của ngành sẽ tác động tích cực lên giá cổ phiếu “vua”.

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh - nhà sáng lập FinPeace, những nhà đầu tư sở hữu cổ phiếu ngân hàng vừa đi qua một cơn sóng tăng khoảng hơn 10%. Thế nhưng, mức tăng này còn khiêm tốn so với giai đoạn 2020-2022 hay “thời hoàng kim’ những năm 2006-2007. Do đó, dư địa tăng giá của nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn rộng mở nếu nhà đầu tư tích lũy sớm.

Đơn cử, trong năm 2024, với cổ phiếu BID của BIDV, tăng trưởng tín dụng ngân hàng này kỳ vọng đạt 13,4% nhờ hoạt động kinh tế Việt Nam được dự báo khởi sắc hơn. Nhờ tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cải thiện và lợi thế từ nguồn vốn giá rẻ, NIM của BIDV trong năm nay ước tính đạt 2,93%. Dự phóng tỷ lệ nợ xấu năm nay của nhà băng này đạt 1,59% và chi phí trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu là 29,752 tỷ đồng, tăng 20%. Không những thế, câu chuyện phát hành riêng lẻ của BIDV đang được xúc tiến sẽ trở thành một trong những yếu tố hấp dẫn đối với cổ phiếu BID.

Hay như ACB (mã CK: ACB), năm 2024, tăng trưởng tín dụng trong hạn mức cho phép của Ngân hàng Nhà nước là 15%. Bên cạnh đó, môi trường lãi suất thấp và sự phục hồi kinh tế toàn cầu cũng sẽ thúc đẩy nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực hiện chiếm 24% tổng dư nợ cho vay của ACB, bên cạnh các khoản vay kinh doanh cho khách hàng lẻ.

Hay như MBBank cũng được kỳ vọng tăng trưởng tín dụng cho giai đoạn 2023-2024 quanh mức 18%. Đồng thời, NIM có thể tiếp tục cải thiện nhẹ trong thời gian tới. Dự phóng lợi nhuận trước thuế năm 2024 của ngân hàng này đạt 29.593 tỷ đồng, tăng 16%.

Với các cổ phiếu có chất lượng tài sản tốt như Vietcombank được nhà đầu tư ưa thích nhờ hoàn tất xử lý nợ xấu sớm hơn so với các cổ phiếu cùng ngành. Trong 2 năm qua, VietinBank đã đẩy mạnh trích lập dự phòng, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận được cho sẽ có bước ngoặt vào cuối năm 2024 hoặc đầu năm 2025. Còn với Sacombank sẽ là câu chuyện lạc quan xoay quanh tiến độ tái cơ cấu...

Triển vọng của ngành được dự báo sẽ tác động tích cực lên giá cổ phiếu “vua”.

Bà Nguyễn Ngọc Linh - Giám đốc Tự doanh, Công ty Chứng khoán DNSE cho rằng, trong năm 2024, cổ phiếu ngân hàng sẽ hút dòng tiền mạnh mẽ, qua đó hỗ trợ tốt cho thị trường chứng khoán.

Đồng quan điểm, ông Trần Ngọc Báu - nhà sáng lập và Giám đốc điều hành WiGroup cũng nhận định, các cổ phiếu đóng góp lượng vốn hóa lớn như ngân hàng khi tạo sóng sẽ tác động tích cực đến thị trường chứng khoán, đồng thời vị chuyên gia dự báo tăng trưởng lợi nhuận năm 2024 của các nhà băng sẽ khả quan.

Về động lực tăng trưởng đến NIM phục hồi nhờ sự chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi vay, nguồn thu ngoài lãi kỳ vọng sẽ cải thiện hơn… Điểm đáng chú ý là tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng đang tăng nhanh, lên trên ngưỡng 3%, ngược lại, tỷ lệ bao phủ nợ xấu lại có xu hướng giảm xuống dưới mức 100% thay vì luôn trên mức này như trước đây.

Ngoài ra, các ngân hàng cũng không còn nhiều “của để dành” để trích lập dự phòng cũng như ưu tiên hơn cho lợi nhuận khi chỉ số này có dấu hiệu sụt giảm. Dù vậy, nếu như Thông tư 02/2023/TT-NHNN về tái cơ cấu nợ được gia hạn, sự phục hồi của nền kinh tế sẽ góp phần giảm nhẹ gánh nặng nợ xấu. Do đó, kỳ vọng cổ phiếu “vua” bay cao trong năm 2024 là hoàn toàn có cơ sở.

TS. Lê Anh Tuấn - Phó tổng giám đốc Tư vấn đầu tư Dragon Capital cho rằng, do mặt bằng định giá thấp nên nhà đầu tư có xu hướng dịch chuyển dòng tiền vào cổ phiếu ngân hàng hơn so với các ngành khác đã tăng trước đó. Mặt khác, khi tín dụng năm 2024 tăng trở lại, lợi nhuận của các ngân hàng cũng sẽ cải thiện hơn.

Ông Tuấn cho biết thêm, 2 yếu tố sẽ dẫn dắt xu hướng biến động của cổ phiếu ngân hàng là dòng tiền khối ngoại và kết quả kinh doanh của các ngân hàng. Nếu đạt được 2 yếu tố này, thị giá cổ phiếu “vua” sẽ tăng ổn định trong năm nay vì mặt bằng giá đang thấp hơn so với thị trường chung./.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 20/05/2024