ISSN-2815-5823

Đặc điểm tín ngưỡng thờ mẫu ở Vĩnh Long

(KDPT) – Tín ngưỡng thờ Mẫu là đặc trưng văn hoá của người Việt, ra đời từ chính đặc điểm của nền nông nghiệp lúa nước. Những vùng văn hoá khác nhau sẽ có những dạng thức thờ Mẫu khác nhau. Theo tín ngưỡng thờ Mẫu, Mẫu vừa là người mẹ có công lao vô cùng to lớn đối với sự hoài thai một hình hài, nhân cách con người; vừa là khát vọng, mong muốn về cuộc sống ấm no hạnh phúc, mùa màng tươi tốt, thoát khỏi thiên tai… Tín ngưỡng thờ Mẫu không ngoài mục đích là bày tỏ lòng biết ơn đối với thần linh mà còn cầu mong các vị thần chở che, bảo vệ con người.

Tượng Ngũ Hành Nương Nương trong tín ngưỡng thờ mẫu

Nam bộ là vùng đất mới nên trong quá trình khai hoang mở đất cũng là quá trình cư dân mang theo hành trang tinh thần của mình từ nhiều vùng, miền khác nhau khi đến sinh sống tại Nam Bộ. Tín ngưỡng ở Nam Bộ vì vậy càng trở nên phong phú, đa dạng hơn. Mặt khác, tín ngưỡng ở Nam Bộ còn là sản phẩm của quá trình giao lưu văn hóa giữa các cộng đồng cư dân.

Vĩnh Long là vùng đất nằm ở trung tâm Đồng bằng Sông Cửu Long, giữa hai nhánh sông Tiền và sông Hậu thuộc hệ thống sông Cửu Long. Nơi đây, từ sớm là vùng đất thuộc sự cai quản của Chúa Nguyễn thuộc dinh Long Hồ, sau là tỉnh Vĩnh Long trong Nam kỳ lục tỉnh. Người Kinh đến đây chung sống với người Khmer và sau người Hoa Minh Hương được Chúa Nguyễn bảo hộ cũng định cư tại nơi này.

Nét văn hoá Vĩnh Long là văn hoá giao thoa giữa người Kinh – Hoa – Khmer và cũng là nền tảng văn hoá tiêu biểu cho vùng Nam bộ. Tín ngưỡng Thờ Mẫu nơi đây cũng mang màu sắc biểu trưng của văn hoá Nam bộ.

Tục thờ Nữ thần của người Kinh nơi đây tương đồng với Tục thờ Nữ thần ở miền Bắc và miền Trung, tuy nhiên ở đây không có Thánh Mẫu, Cô hay Mẫu Thiêng. Ở Nam Bộ nói chung hay Vĩnh Long nói riêng, Nữ thần được gọi chung bằng Bà. Người dân nơi đây thờ những vị thần tiêu biểu:

Bà Chúa Xứ: được thờ ở các vùng Cây Chôm, Nhơn Bình, Trà Ôn, Rạch Sâu. Hầu hết những nới này thờ Bà Chúa Xứ trong Miếu, gọi là Miếu Bà Chúa Xứ kèm theo tên gọi địa danh. Quy mô Miếu không lớn bằng Đình, bằng Chùa nhưng phạm vi cai quản theo tín ngưỡng khá lớn, được xét trên Thổ Công, Địa Thần.

Ngũ Hành Nương Nương và Thất Mẫu (7 Bà): Bảy Bà được thờ riêng tại một Miếu nổi tiếng ở Vĩnh Long là Miễu Bảy Bà. Ngũ Hành Nương Nương là năm vị nữ thần tương đồng ngũ vị nguyên tố Kim – Mộc – Thuỷ – Hoả – Thổ, năm vị này được thờ trên ban thờ ở hầu hết các Đình và một số Chùa. Tục thờ Ngũ Hành Nương Nương bắt nguồn từ sự giao thoa văn hoá với người Hoa.

Mười hai Bà Mụ: ở Vĩnh Long nói riêng và Nam Bộ nói chung rất khó tìm thấy việc thờ tự, nhưng trong văn hoá tín ngưỡng vẫn tồn tại sâu sắc, biểu thị là tục cúng căng vào các độ tuổi: Đầy (1) tháng-Thôi nôi (1 tuổi)-3-6-9-12 tính theo tuổi ta âm lịch.Việc cúng này thể hiện cầu mong mười hai Bà Mụ đã tạo nặn ra hình hài đứa trẻ, tiếp tục hoàn thiện và dạy dỗ đứa trẻ.

Thiên Hậu (hay Thánh Mẫu/Ma Tổ Nương Nương): Tín ngưỡng này thờ Nữ Thần là Chánh thần trong Miếu của người Hoa. Nơi đây còn là hội quán sinh hoạt, dân gian gọi là Chùa Bà. Theo truyền thuyết, Thiên Hậu là nữ thần có thật, sinh ra và sống dưới thời Tống ở khu vực quần đảo Ma Tổ, Phúc Kiến, Trung Quốc. Bà từng cứu giúp nhiều người và hiển thánh nên được tôn thờ. Thiên Hậu Thánh Mẫu được thờ tự ở Vĩnh Long tại Miếu Thiên Hậu và các ban thờ Thánh Mẫu, các Miếu, Hội quán, Chùa Tàu như: Thất phủ Miếu, Chùa Quan Thánh… thường là những đô thị có đông người Hoa sinh sống (Thành phố Vĩnh Long, Trà Ôn, Tam Bình, Vũng Liêm).

Tín ngưỡng thờ Bà Thiên Hậu đã theo chân người Hoa di dân đến Việt Nam từ hàng trăm năm trước.

Quan Âm Bồ Tát: Tuy là một nhân vật của Phật giáo nhưng ảnh hưởng của Quan âm Bồ Tát đã vượt ra khỏi tôn giáo trở thành một nữ vị được tôn thờ trong tâm thức người dân Nam Bộ nói chung và Vĩnh Long nói riêng. Quan Thế Âm Bồ tát thường được gọi là Phật Bà, Mẹ Quan Âm, Quan Âm Nam Hải và là đức tin mỗi khi người dân gặp vấn đề về tinh thần. Quan Âm Bồ tát trong hoá thân Du hải là hình tượng đứng, có khi cưỡi rồng, thường được thờ trên ban thờ trong các Chùa, Đình, Miếu của cả người Việt lẫn người Hoa.

Nữ thần Kây-no: Là nữ thần của người Khmer. Người Khmer hiện tại hầu hết theo đạo Phật giáo Khmer Nam tông, việc thờ Thần là di sản của đạo Bà-la-môn dưới thời đế chế Angkor. Kây-no là nữ thần gần gũi với nữ thần Apsara trong Hindu giáo, là nữ thần đầu người, mình trên là người, có tay, có cánh và chân chim. Nữ thần theo truyền thuyết của người Khmer được cho là bảo hộ Đức Phật và Phật giáo. Hình tượng Nữ thần Kây-no được điêu khắc, chạm trổ trên các công trình tôn giáo – Chùa của người Khmer. Ở Vĩnh Long có thể tìm thấy trong các khu vực sinh hoạt cộng đồng người Khmer tại Thành phố Vĩnh Long, Thị xã Bình Minh, Huyện Tam Bình, Trà Ôn, Vũng Liêm.

Như vậy, tín ngưỡng thờ Mẫu ở Nam bộ nói chung và Vĩnh Long nói riêng là một sự tiếp nối của tục thờ mẫu truyền thống. Qua đó thể hiện ước mơ của con người mong muốn vạn vật được sinh sôi nảy nở nhằm đem lại cuộc sống no ấm cho con người. Đồng thời thể hiện đức tin của con người vào sự linh thiêng, phù hộ độ trì của các vị Thánh Mẫu để con người được bình yên trong cuộc sống. Tục thờ mẫu cũng thể hiện tâm lý uống nước nhớ nguồn của con người Việt Nam, Nam bộ nói chung và Vĩnh Long nói riêng khi được sức khỏe, tài lộc và may mắn thì nhớ ơn những người đã phù hộ độ trì cho mình. Đây chính là giá trị nhân bản, giá trị đạo đức và giá trị truyền thống Việt Nam.

TRUNG HIẾU



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 20/09/2024