ISSN-2815-5823
Tâm Phạm
Thứ tư, 09h16 28/02/2024

Đánh giá thực tiễn hoạt động P2P Lending tại Việt Nam

(KDPT) - Ở Việt Nam, P2P Lending (cho vay ngang hàng) đang phát triển mạnh. Có 40/100 công ty công nghệ tài chính đang hoạt động có dịch vụ này. Mặc dù vậy, thị trường này ở Việt Nam còn tiềm ẩn rủi ro khi chưa có hành lang pháp lý, thông tin thiếu minh bạch...

Tổng quan P2P Lending - Cho vay ngang hàng

Cho vay ngang hàng là mô hình kinh doanh dựa trên việc sử dụng một nền tảng công nghệ số (thường là một ứng dụng di động) để có thể kết nối trực tiếp giữa người có vốn nhàn rỗi muốn cho vay (còn gọi là nhà đầu tư hoặc bên cho vay) với người đang có nhu cầu sử dụng vốn (cá nhân hoặc doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn, gọi tắt là bên vay).

Dựa trên nền tảng công nghệ số và việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), các thông tin về nhu cầu vay vốn và khả năng trả nợ của bên vay được thu thập, phân tích cũng như gửi tới bên cho vay vốn để quyết định việc cho vay hoặc là không cho vay vốn. Định chế trung gian kết nối giữa người có tiền nhàn rỗi và có nhu cầu cho vay và người thiếu tiền có nhu cầu được vay tiền chỉ là doanh nghiệp/công ty cung cấp nền tảng kết nối chứ không phải là tổ chức chuyên thực hiện hoạt động nhận tiền nhàn rỗi từ người có nhu cầu cho vay để chuyển cho người có nhu cầu vay tiền như các định chế ngân hàng thương mại (trung gian tài chính truyền thống).

Như thế, trong quan hệ cho vay ngang hàng, xuất hiện một bên trung gian là chủ thể cung cấp nền tảng công nghệ số (một phần mềm ứng dụng) để có thể kết nối người vay với người cho vay. Để hoạt động cho vay ngang hàng có thể diễn ra, phải xuất hiện quan hệ 3 bên: bên cho vay, bên vay và bên cung cấp dịch vụ nền tảng số kết nối.

Ở Việt Nam, P2P Lending (cho vay ngang hàng) đang phát triển mạnh. (Ảnh minh họa)

Xét về nguyên tắc, các quan hệ này được hình thành dựa trên ý chí và sự ưng thuận của các bên theo quan hệ hợp đồng. Bên cho vay và bên vay đều có quan hệ hợp đồng với bên cung cấp dịch vụ nền tảng số kết nối đồng thời với quan hệ vay tài sản giữa bên cho vay, bên vay nhưng bên cho vay và quan hệ vay tài sản giữa bên cho vay, bên vay nhưng bên cho vay và bên vay không có quan hệ hợp đồng vay tài sản trực tiếp với bên cung cấp dịch vụ nền tảng kết nối.

Bằng sự hỗ trợ của nền tảng kết nối trực tuyến cùng công nghệ xử lý thông tin dựa vào dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, chi phí kết nối, xử lý giao dịch giữa bên cho vay, bên vay được giảm thiểu. Nhờ đó mà hoạt động cho vay ngang hàng có thể cung cấp các khoản vay với lãi suất thậm chí là thấp hơn so với hoạt động tương tự của các tổ chức tín dụng. Thêm vào đó, dựa vào khả năng đánh giá tín nhiệm cũng như đánh giá khả năng trả nợ của người vay tiền chuẩn xác hơn nhờ vào sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo, hoạt động cho vay ngang hàng cũng có thể tạo ra cơ hội cho cả những người vay tiền không có tài sản đảm bảo tiếp cận tín dụng mà thường các tổ chức tín dụng sẽ từ chối cho vay.

Thực trạng của hoạt động cho vay ngang hàng ở Việt Nam

Thời gian vừa qua, ngành ngân hàng thế giới nói chung, ngành ngân hàng Việt Nam nói riêng đã chứng kiến được việc ứng dụng mạnh mẽ các công nghệ mới gắn với thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0 như điện toán đám mây (Cloud), phân tích dữ liệu lớn (Big data Analytics), chia sẻ dữ liệu mở qua giao diện lập trình ứng dụng (open API), chuỗi khối (Blockchain), trí tuệ nhân tạo (AI)... vào các mô hình kinh doanh và cung ứng sản phẩm, dịch vụ, phù hợp và chi phí hợp lý.

Ngoài ra, ở Việt Nam, xu hướng phát triển Fintech còn được thể hiện rõ nét qua việc các công ty khởi nghiệp công nghệ, các tổ chức không phải là ngân hàng có thế mạnh công nghệ tham gia vào các mảng hoạt động ở trong lĩnh vực ngân hàng - tài chính (công ty Fintech) dưới hình thức phát triển các giải pháp hỗ trợ hoạt động ngân hàng mà không trực tiếp cung ứng dịch vụ đến người dùng cuối (end-users) hoặc là trực tiếp cung ứng giải pháp, dịch vụ mới một cách độc lập. Chi tiết hơn, một vài năm trở lại đây đã chứng kiến được sự hình thành và phát triển của số lượng lớn các công ty Fintech tham gia vào nhiều mảng hoạt động ở thị trường Việt Nam. Số lượng các công ty có hoạt động hoặc là tham gia cung ứng dịch vụ, giải pháp Fintech ở Việt Nam đã tăng nhanh chóng từ khoảng 40 công ty vào cuối năm 2016 lên đến khoảng 200 công ty ở người tiêu dùng.

P2P Lending ra đời cũng góp phần hạn chế được tín dụng đen nhưng ở mức khá khiêm tốn bởi vì hoạt động này thường chỉ xuất hiện ở những vùng có hạ tầng mạng phát triển.(Ảnh minh họa)

Cụ thể, sau thời gian hơn 5 năm hoạt động đã có đến hơn 100 công ty Fintech cung cấp dịch vụ cho vay ngang hàng chính thống với quy mô không ngừng tăng lên. Có hơn 10 công ty trong số đó đến từ Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Singapore,… Bên cạnh đó, đa phần các công ty này có trụ sở hoạt động ở TP. Hà Nội và TP.HCM. Điều này cũng thể hiện được tầm nhìn của các nước phát triển ở trong khu vực đối với thị trường Việt Nam, cũng là sự đón đầu kịp thời của 2 thành phố lớn trước làn sóng thay đổi trong Cách mạng công nghiệp 4.0.

Ngoài việc P2P Lending nổi lên ở Việt Nam trong giai đoạn gần đây, một số công ty đã lấy danh nghĩa mô hình P2P Lending lợi dụng sự thiếu kiến thức và hiểu biết của người dân để lừa bịp, gian dối, quảng cáo sai sự thật, hứa hẹn sẽ có lợi nhuận cao,... gây tác động tiêu cực đến cuộc sống của người dân. Một số thỏa thuận giữa các bên tham gia trong mô hình P2P Lending thiếu rõ ràng, minh bạch, thiếu sự ràng buộc có tính pháp lý và chưa có cơ chế giám sát, hậu kiểm đối với việc sử dụng, quản lý vốn vay đúng mục đích của người đi vay cho nên có thể dẫn đến tranh chấp khiếu kiện giữa các bên.

Dù vậy, P2P Lending ra đời cũng góp phần hạn chế được tín dụng đen nhưng ở mức khá khiêm tốn. Bởi vì hoạt động này thường chỉ xuất hiện ở những vùng có hạ tầng mạng phát triển. Cụ thể đó là trang web là nền tảng kết nối trực tiếp người vay với người cho vay, được đại diện bởi công ty cung cấp dịch vụ P2P Lending.

Hướng giải quyết những rủi ro trong hoạt động P2P Lending ở Việt Nam

Dưới đây là một số giải pháp để có thể giải quyết những rủi ro trong hoạt động P2P Lending tại Việt Nam:

Đầu tiên, cần xây dựng một khung pháp lý để quản lý, tránh những tiềm ẩn rủi ro, hệ lụy tiêu cực trên một số phương diện như là cạnh tranh công bằng, ổn định tài chính, an ninh mạng cùng với bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Việc này cũng góp phần thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hạn chế sự cạnh tranh không lành mạnh, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật nhân danh Fintech, bảo vệ lợi ích của những người sử dụng dịch vụ. Song song với đó là quá trình vận hành khung khổ này cung cấp cơ sở thực tiễn để cho các cơ quan quản lý nhà nước liên quan sửa đổi, bổ sung quy định hiện hành, hoàn thiện khung khổ pháp lý, ban hành quy định quản lý theo hướng tạo thuận lợi và thích ứng đối với hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng trong thời gian sắp tới.

Thứ hai đó là cần chọn lọc kỹ nhằm mục đích đảm bảo các công ty tham gia lĩnh vực P2P Lending này phải đúng nghĩa đó là cho vay ngang hàng - nghĩa là chỉ kết nối bên vay và bên cho vay, công ty cần phải có địa chỉ rõ ràng, phải có vốn điều lệ nhất định. Không để mang danh là kết nối tuy nhiên lại hoạt động như một tổ chức tín dụng, áp lãi suất cắt cổ, người vay không trả được nợ thì lại gây áp lực và chiếm đoạt tài sản.

Dựa trên nền tảng công nghệ số và việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), các thông tin về nhu cầu vay vốn và khả năng trả nợ của bên vay được thu thập, phân tích cũng như gửi tới bên cho vay vốn để quyết định việc cho vay hoặc là không cho vay vốn.​​​​​ (Ảnh minh họa)

Thứ ba, cơ quan quản lý cần phải quy định cụ thể về hạn mức cho vay để nếu như có rủi ro xảy ra cũng không gây ảnh hưởng quá lớn đến xã hội. Bên cạnh đó, cũng phải yêu cầu các công ty P2P Lending có vốn pháp định bao nhiêu, bảo hiểm là bao nhiêu phần trăm. Điều này đến từ nguyên nhân là công ty tài chính huy động vốn, cho vay và chịu trách nhiệm về rủi ro, các sàn P2P chỉ kết nối và thu phí, người cho vay phải tự chịu trách nhiệm về khoản đầu tư của mình nên rủi ro rất cao. Đây cũng là giải pháp nhằm ngăn ngừa những rủi ro từ việc các công ty cho vay ngang hàng cố tình thực hiện sai Luật định.

Bên cạnh quy định hạn mức cho vay qua hoạt động này, Ngân hàng Nhà nước cần quản lý dữ liệu và thậm chí có máy chủ kết nối trực tiếp với sàn của các doanh nghiệp P2P Lending. Theo đó, bất kỳ một khoản vay qua sàn này đều được cập nhật về máy chủ của Ngân hàng Nhà nước. Bởi vì tất cả đều qua hạ tầng công nghệ, người vay và người cho vay không gặp nhau, không ký hợp đồng bằng giấy trắng mực đen. Trong trường hợp bị mất hết dữ liệu thì người đi vay và cho vay lúc đó không còn chứng cứ để đòi, trả nợ sẽ rất nguy hiểm.

Ngoài ra, cần nghiên cứu những mô hình cho vay ngang hàng trên thế giới, kinh nghiệm quản lý và giám sát hoạt động này để từ đó xây dựng khung khổ pháp lý tối ưu để phát huy được những mặt tích cực của sản phẩm dịch vụ này. Đồng thời cũng phòng ngừa, giảm thiểu những rủi ro, tác động tiêu cực đến các chủ thể tham gia, đảm bảo an toàn cho người dân và doanh nghiệp để từ đó thúc đẩy phát triển tài chính toàn diện ở Việt Nam./.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 19/05/2024