ISSN-2815-5823
VIỆT ANH
Thứ tư, 16h42 08/11/2023

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong bảo tồn di sản văn hóa

(KDPT) - Với một hệ thống di sản văn hóa vô cùng phong phú, việc ứng dụng công nghệ số là một trong những giải pháp quan trọng để lưu trữ dữ liệu, quản lý và bảo tồn di sản. Các bảo tàng, di tích đã không ngừng tìm tòi, đưa công nghệ hiện đại vào các chương trình bảo tồn di sản góp phần đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị di sản một cách hiệu quả và bền vững.

Bảo tồn di sản bằng các kỹ thuật công nghệ số

Số hóa được coi là bước phát triển cao của lưu trữ và lưu truyền di sản văn hóa, đồng thời là bước tiến mới của quá trình quảng bá, bảo tồn và phát huy giá trị tư liệu theo hướng kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. Hướng đi này đang được nhiều đơn vị làm nhiệm vụ lưu trữ, bảo tồn di sản tư liệu áp dụng triển khai nhằm quản lý, khai thác hiệu quả di sản văn hóa, lịch sử quý giá của dân tộc.

Lấy ví dụ từ Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV tại tỉnh Lâm Đồng là đơn vị lưu trữ đầu tiên của Việt Nam ra mắt không gian triển lãm số, đưa người xem trải nghiệm ứng dụng Hologram (kỹ thuật chụp lại và tái dựng hình ảnh 3 chiều của vật thể) để hiểu về câu chuyện mộc bản.

Tại không gian triển lãm số, người xem được sử dụng công nghệ thực tế ảo VR 360 để tìm hiểu mộc bản và quá trình hình thành bộ tư liệu quý giá này qua những chuyên đề cụ thể: “Mộc bản-Bảo vật hoàng triều”, sử dụng công nghệ 3D mapping và công nghệ cảm ứng trên kính đã truyền tải chân thực về lịch sử hình thành mộc bản dưới triều Nguyễn; “Quy trình biên soạn và khắc in mộc bản”; “Thiên hùng ca sử Việt”, những tác phẩm bất hủ “Chiếu dời đô”, “Hịch tướng sĩ”, bài thơ thần “Nam quốc sơn hà”, “Bình Ngô đại cáo”... được giới thiệu bằng công nghệ thực tế ảo VR 360.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong bảo tồn di sản văn hóa
Không gian bảo tàng được thiết kế lồng ghép công nghệ, màn hình tương tác đem đến trải nghiệm thú vị cho khách tham quan. Ảnh minh họa

Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng: Việc ra mắt không gian triển lãm số tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV mở ra quá trình quảng bá, bảo tồn và phát huy giá trị tài liệu Mộc bản triều Nguyễn theo hướng kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. Các hoạt động này giúp Trung tâm trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn, gần gũi và bổ ích cho khách du lịch, các chuyên gia trong và ngoài nước.

Trên thế giới, công nghệ thực tế ảo (Virtual Reality-VR) đã được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau và được dự báo sẽ trở thành một xu hướng mới. VR là sử dụng công nghệ 3D scanning tái hiện không gian một cách chân thực, sống động dựa trên các dữ liệu đã được số hóa. Với sự trợ giúp của kính đeo VR, tai nghe, người xem ở bất kỳ nơi nào có kết nối internet đều có thể ngắm nhìn, khám phá, thậm chí tương tác gần như thực tế với các cảnh quan.

Đặc biệt, không chỉ hiển thị đơn thuần dưới dạng hình ảnh 3D, một số hệ thống VR còn có thể mô phỏng âm thanh, thậm chí cả mùi khá chân thực. Đối với lĩnh vực di sản, ứng dụng công nghệ VR trong việc tái hiện, phục dựng các di tích, thắng cảnh đến nay không còn quá mới mẻ. Hầu hết các di tích lớn như: đấu trường La Mã, các lăng tẩm Ai Cập cổ đại, cố đô Nara (Nhật Bản), Đại Minh cung (Trung Quốc), đền Ananda Ok Kyaung (Bagan, Myanmar), cung điện Al Azem Palace (Damascus, Syria), thành phố cổ Chichen Itza (Mexico)... đều đã ứng dụng công nghệ này.

Còn những khó khăn trong việc ứng dụng công nghệ

Bản chất của ứng dụng công nghệ trong bảo tàng, di tích là sử dụng công nghệ để tinh chỉnh, thiết kế thông tin thêm cuốn hút và dễ dàng thẩm thấu hơn, qua đó góp phần thay đổi trải nghiệm văn hóa, làm cho nó trở nên hấp dẫn hơn đối với công chúng.

Bên cạnh những kết quả khả quan, việc ứng dụng khoa học công nghệ tại bảo tàng, di tích hiện nay vẫn còn những hạn chế nhất định, như: Chưa có sự đa dạng trong các phần mềm ứng dụng, chưa có giải pháp công nghệ đột phá; đối tượng hướng tới trong các chương trình giáo dục di sản còn bó hẹp; việc triển khai thường xuyên gặp nhiều khó khăn do thiếu nhân lực…

Theo ông Lê Vũ Huy - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế nêu trên, trong đó việc thiếu đầu tư nhân lực, vật lực cho ứng dụng công nghệ là vấn đề cốt lõi. “Công nghệ hiện đang thay đổi rất nhanh chóng. Nhiều công nghệ ở trong nước đang tiếp cận đã lạc hậu so với thế giới. Trong khi đó, các chương trình phải thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức thu hút, tránh gây nhàm chán. Do đó, nếu không có sự đầu tư bài bản, đồng bộ thì việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động giáo dục di sản sẽ còn gặp nhiều thách thức".

Để khắc phục phần nào thách thức kể trên, Trưởng phòng Quản lý bảo tàng và di sản tư liệu, Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Hải Ninh chỉ rõ, các bảo tàng, di tích cần xác định mục tiêu của mình để triển khai công nghệ mới trong các hoạt động giáo dục. Chẳng hạn, mục tiêu có thể là nâng cao khả năng tiếp cận, tăng mức độ tương tác của khách tham quan hay cung cấp cơ hội học tập từ xa. Cùng với đó là nghiên cứu và xác định các công nghệ phù hợp, xây dựng kế hoạch ngân sách, đào tạo nhân viên và tình nguyện viên. Đồng thời, cần thường xuyên đánh giá hiệu quả vận hành công nghệ trên cơ sở phản hồi của công chúng, chỉ số tương tác… để thực hiện các điều chỉnh cho phù hợp.

Để có các sản phẩm số hóa di sản như hiện nay, các nhà di sản học, khảo cổ học, người làm công tác nghiên cứu phải kết hợp các công ty tư nhân, nguồn lực bên ngoài thực hiện các gói số hóa hiện vật. Cũng vì vậy, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần sớm xây dựng cơ sở dữ liệu số, thể chế phục vụ chuyển đổi số, có chiến lược về đào tạo cán bộ để tương lai gần sẽ có các nhà di sản số đầu tiên đảm đương được các mục tiêu trong chương trình số hóa di sản Việt Nam.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 27/07/2024