ISSN-2815-5823

Đến 2030, hình thành 1 triệu héc-ta vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp

(KDPT) - Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã ký Quyết định số 1490/QĐ-TTg ngày 27/11/2023 phê duyệt Đề án "Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030".
Đề xuất Danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính thực hiện kiểm kê khí nhà kính Việt Nam đang nỗ lực triển khai các cam kết quốc tế về giảm phát thải ròng khí nhà kính về 0

Mục tiêu chung của Đề án là hình thành một triệu héc-ta vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp đạt một triệu héc-ta.

Về canh tác bền vững: Giảm lượng lúa giống gieo sạ xuống dưới 70 kg/héc-ta, giảm 30% lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, giảm 20% lượng nước tưới so với canh tác truyền thống. 100% diện tích áp dụng ít nhất một quy trình canh tác bền vững như 1 phải 5 giảm, tiêu chuẩn sản xuất lúa bền vững (Sustainable Rice Platform - SRP), tưới khô xen kẽ và các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt được chứng nhận và được cấp mã số vùng trồng.

Về tổ chức sản xuất: 100% diện tích sản xuất vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp có liên kết giữa doanh nghiệp với tổ hợp tác, hợp tác xã hoặc các tổ chức của nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; tỷ lệ cơ giới hóa đồng bộ đạt trên 70% diện tích; trên 1.000.000 hộ áp dụng quy trình canh tác bền vững.

Mục tiêu chung của Đề án là hình thành một triệu héc-ta vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp. (Ảnh minh họa)

Về bảo vệ môi trường và tăng trưởng xanh: Tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch dưới 8%; 100% rơm được thu gom khỏi đồng ruộng và được chế biến tái sử dụng; giảm trên 10% lượng phát thải khí nhà kính so với canh tác lúa truyền thống.

Về thu nhập người trồng lúa, giá trị gia tăng: Giá trị gia tăng trong chuỗi lúa gạo tăng 40%, trong đó tỷ suất lợi nhuận người trồng lúa đạt trên 50%.

Về xây dựng thương hiệu và xuất khẩu: Lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu chất lượng cao, phát thải thấp chiếm trên 20% tổng lượng gạo xuất khẩu của toàn vùng chuyên canh.

Triển khai Đề án tại 12 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long

Đề án được triển khai tại 12 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long gồm: An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An, Sóc Trăng, Cần Thơ, Bạc Liêu, Trà Vinh, Hậu Giang, Cà Mau, Tiền Giang và Vĩnh Long với diện tích một triệu héc-ta.

Đề án sẽ triển khai theo 2 giai đoạn:

Giai đoạn 1 (2024-2025): Tập trung củng cố các diện tích đã có của Dự án chuyển đổi Nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) là 180.000 héc-ta, bao gồm công tác tập huấn, xây dựng kế hoạch, xây dựng hệ thống Đo đạc - Báo cáo - Thẩm định (MRV), kiểm đếm và thí điểm cấp tín chỉ carbon cho những vùng lúa đạt chuẩn, củng cố các hợp tác xã, duy tu bảo dưỡng một số công trình và chuẩn bị kế hoạch cho giai đoạn 2026-2030.

Giai đoạn 2 (2026-2030): Xác định cụ thể khu vực trọng tâm để lập dự án đầu tư phát triển vùng lúa chuyên canh chất lượng cao giảm phát thải mới ngoài vùng Dự án VnSAT và sẽ mở rộng thêm 820.000 héc-ta. Giai đoạn này sẽ tập trung vào các hoạt động chủ yếu như đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho những vùng diện tích mới, tổ chức lại sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị, hoàn thiện hệ thống MRV, đồng thời duy trì sản xuất bền vững ở những vùng Đề án trong giai đoạn 2024-2025.

Tiêu chí lựa chọn vùng tham gia Đề án

Có 4 tiêu chí lựa chọn vùng tham gia Đề án gồm:

1- Tiêu chí về quy hoạch và cơ sở hạ tầng: Được quy hoạch là đất chuyên trồng lúa trong quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030, phù hợp với quy hoạch cấp tỉnh và Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long, có diện tích liền mảnh tối thiểu là 50 héc-ta; có hệ thống hạ tầng thủy lợi được đầu tư cơ bản; hạ tầng điện, viễn thông và hậu cần đảm bảo hỗ trợ tốt cho sản xuất, chế biến kinh doanh lúa gạo.

2- Tiêu chí canh tác bền vững và tăng trưởng xanh: Vùng được đề xuất hiện có trên 20% diện tích canh tác lúa đã áp dụng một trong các quy trình canh tác bền vững như 1 phải 5 giảm, tưới ngập khô xen kẽ tiêu chuẩn SRP hoặc các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt được chứng nhận, trên 70% diện tích canh tác lúa đã sử dụng giống lúa xác nhận hoặc tương đương; 100% hộ trong vùng cam kết thu gom rơm khỏi đồng ruộng để chế biến tái sử dụng.

3- Tiêu chí về tổ chức sản xuất: Diện tích đã liên kết đạt trên 30% tổng diện tích, trong đó có 50% số hộ trong vùng tham gia liên kết thông qua các hợp tác xã, tổ hợp tác và liên kết với doanh nghiệp; trên 40% hộ trong vùng đã được tập huấn quy trình canh tác bền vững như 1 phải 5 giảm, tưới ngập khô xen kẽ, tiêu chuẩn sản xuất lúa bền vững hoặc các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt được chứng nhận; có tổ chức khuyến nông tham gia hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân.

4- Tiêu chí doanh nghiệp tham gia liên kết: Doanh nghiệp tham gia Đề án phải có liên kết với hợp tác xã hoặc tổ chức nông dân ít nhất về bao tiêu sản phẩm; doanh nghiệp cam kết tham gia Đề án và có năng lực để tổ chức, giám sát quá trình sản xuất lúa gạo ở vùng liên kết.

Đề xuất thí điểm chính sách và cơ chế chi trả tín chỉ các-bon dựa vào kết quả cho vùng chuyên canh

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương vùng Đồng bằng sông Cửu Long hướng dẫn tổ chức triển khai Đề án. Phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện Đề án. Tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ hàng năm. Tổ chức sơ kết thực hiện Đề án vào năm 2025 và tổng kết tình hình thực hiện Đề án vào năm 2030.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng, triển khai thực hiện quy định về đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm phát thải khí nhà kính phục vụ thực hiện Đề án, phù hợp với quy định quốc tế và điều kiện cụ thể của Việt Nam. Xây dựng, đề xuất thí điểm chính sách và cơ chế chi trả tín chỉ carbon dựa vào kết quả cho vùng chuyên canh.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm xây dựng hệ thống theo dõi, đánh giá (M&E) dựa trên các chỉ số đầu ra của Đề án và các mục tiêu cụ thể; chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan làm việc và tiếp nhận nguồn vốn tài trợ từ các tổ chức quốc tế.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì báo cáo cơ quan có thẩm quyền xác định vốn đầu tư ngân sách nhà nước chi cho đầu tư phát triển theo ngành, lĩnh vực trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm để thực hiện các dự án theo quy định của Luật Đầu tư công.

Căn cứ khả năng cân đối của ngân sách trung ương, trên cơ sở đề xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành liên quan, Bộ Tài chính chủ trì trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí sự nghiệp từ ngân sách trung ương để thực hiện các chế độ, chính sách được cấp có thẩm quyền ban hành theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và pháp luật liên quan…

Trước đó, ngày 24/11, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan trao đổi với đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long trao đổi về những giải pháp để triểu khai Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng Xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030".

Khẳng định tại cuộc trao đổi, các đại biểu cho rằng, sản xuất lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long là lợi thế của vùng và có vai trò nòng cốt đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế, ổn định xã hội nâng cao vị thế của Việt Nam. Xây dựng vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp ở Đồng bằng sông Cửu Long mang tính đột phát trong tổ chức lại sản xuất ngành hàng lúa gạo, nâng cao giá trị gia tăng trong toàn chuỗi, bảo đảm phát triển ngày càng bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng tăng, đóng góp vào tăng trưởng xanh và góp phần thực hiện cam kết của Chính phủ tại hội nghị COP 26, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.

Ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết: "Chúng tôi đã rà soát các diện tích và điều kiện như: hợp tác xã, quy trình thâm canh, canh tác. Về mặt thuận lợi nông dân trồng lúa ở Cà Mau đã có kinh nghiệm áp dụng được các tiến bộ kỹ thuật áp dụng một số tiêu chuẩn về sản xuất lúa hữu cơ, theo hướng hữu cơ, VietGap và áp dụng các quy trình "3 giảm, 3 tăng". Đề nghị Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt Đề án để địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về cơ chế, chính sách hỗ trợ cho nông dân và doanh nghiệp, tính được tín chỉ cacbon để tập huấn cho bà con nông dân"

Ông Lê Hữu Toàn, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cho biết: "Kiên Giang đã sẵn sàng tham gia Đề án, về phía tỉnh đặc biệt quan tâm Đề án là một trong những điểm then chốt trong tổ chức lại sản xuất. Qua tuyên truyền người dân nhận thức được việc sản xuất gắn với môi trường gắn với tăng trưởng xanh giảm phát thải đây là xu thế tất yếu".

Đại diện các doanh nghiệp tham gia đề án này, ông Nguyễn Như Thuận, Tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời chia sẻ, đây là mong mỏi của doanh nghiệp khi liên kết với nông dân tham gia sản xuất lúa một cách bền vững.

"Doanh nghiệp mong muốn Đề án hội đủ 3 yếu tố: quy chế rõ ràng, có sự hướng dẫn cụ thể và có sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật để định hướng cho bà con nông dân và doanh nghiệp tổ chức sản xuất lúa một cách bền vững. Tập đoàn cam kết cùng với bà con nông dân liên kết sản xuất tập thể, tuân thủ tất cả các tiêu chí mà Đề án đưa ra", ông Thuận cho biết.

Chia sẻ với đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, mục tiêu Đề án 1 triệu héc-ta vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đề án góp phần hiện thực hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc hội và Chính phủ về phát triển nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long theo hướng bền vững, "thuận thiên", nâng cao thu nhập cho người trồng lúa và bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, thúc đẩy xuất khẩu; huy động tổng hợp các nguồn lực và các thành phần kinh tế tham gia. Bộ trưởng Lê Minh Hoan mong muốn đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long lan tỏa ý nghĩa của Đề án khi tiếp xúc với cử tri ở địa phương.

"Những gì chúng ta gieo sự thay đổi từ đề án này thì chúng ta sẽ gặt hái được nhiều giá trị. Tích hợp đa giá trị, nền nông nghiệp tuần hoàn bán được tín chỉ carbon, bán cả gói sản phẩm từ gạo, đó là đích đến. Đây là Đề án của 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long chứ không chỉ là Đề án của mình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên chúng ta cần chung tay giúp nông dân, chuyển tải được những thông điệp của đề án đến được với bà con nông dân", Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết./.

HƯƠNG LAN



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 25/11/2024