ISSN-2815-5823
HÀ THU
Thứ tư, 14h56 22/11/2023

Dự báo về động lực tăng trưởng cho thị trường bất động sản năm 2024

(KDPT) - Cho đến nay, thị trường bất động sản đang từng bước trải qua giai đoạn khó khăn nhất trong một chu kỳ bất động sản. Thị trường đang dần có sức gượng dậy do ảnh hưởng tiêu cực từ thị trường chung, phải từ năm 2024 trở đi, thị trường mới có tín hiệu phục hồi rõ nét. HoREA đưa ra dự báo thị trường bất động sản có triển vọng phục hồi và tăng trưởng trở lại từ nửa cuối năm 2024 trở đi.

Thị trường bất động sản đã qua đáy?

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, 10 tháng năm nay, cả nước có 1.067 doanh nghiệp bất động sản giải thể, tăng 9,5% so với cùng kỳ. Bất động sản là ngành chứng kiến lượng doanh nghiệp giải thể lớn nhất trong kỳ này.

Báo cáo tài chính quý III của nhiều doanh nghiệp bất động sản cho thấy, việc cắt giảm nhân sự tiếp tục được thực hiện “mạnh tay”, qua 9 tháng, hàng trăm nhân viên mất việc. Các chuyên gia nhận định số liệu này phản ánh đúng tình hình khó khăn của thị trường bất động sản hiện nay. Thời kỳ đỉnh cao của doanh nghiệp bất động sản đã qua nên số lượng thành lập mới đang sụt giảm mạnh. Thậm chí, nếu đà khó khăn vẫn tiếp diễn thì số doanh nghiệp phải "bỏ cuộc chơi" trong thời gian tới cũng sẽ gia tăng.

Theo TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia nhận định, khó khăn lớn nhất là đáy của thị trường vào tháng 5 - 6 vừa qua và bắt đầu "nhúc nhích" từ tháng 7 năm nay. Các doanh nghiệp đã nỗ lực hết sức bằng việc tái cấu trúc sản phẩm, hoạt động, quản trị; tiết giảm chi phí, giảm nhân sự.

Có những doanh nghiệp phải bán tháo dự án, thực hiện mua bán - sáp nhập (M&A) dự án, đồng thời tung ra các gói chính sách hấp dẫn để bán hàng. Cùng với đó là hoạt động đàm phán, giãn, hoãn nợ, phát hành trái phiếu doanh nghiệp mới, mua lại trái phiếu, hoán đổi trái phiếu bằng sản phẩm, cơ cấu lại nguồn vốn cũng như tích cực kiến nghị cơ chế, chính sách…

Theo ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, "Thực trạng sức khỏe của các doanh nghiệp đã có dấu hiệu được cải thiện, tuy nhiên chưa phải hoàn toàn và vẫn đang rất khó khăn. Điều này được thể hiện bởi số lượng doanh nghiệp bất động sản quay trở lại hoạt động, tuyển dụng ghi nhận tăng ở một số địa phương có thị trường bất động sản phục hồi tốt.

Ông Hải nhận định, với doanh nghiệp còn hoạt động sẽ tiếp tục đối diện với khó khăn về nguồn vốn do không bán được hàng, không huy động được nguồn vốn trả trước của khách hàng. Đây là khoảng thời gian hết sức quan trọng, mang tính quyết định cho sự chuyển mình của thị trường bất động sản. Cùng với các nút thắt về pháp lý, nguồn vốn, thì niềm tin của khách hàng, nhà đầu tư chính là chốt chặn cuối cùng cần giải tỏa để thị trường bất động sản thực sự trở về trạng thái bình thường mới.

3 động lực chính cho sự phát triển của thị trường

Tại báo cáo thị trường bất động sản 10 tháng đầu năm 2023, Hiệp Hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) nhận định thị trường địa ốc đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất. Mặc dù tình hình hiện tại, thị trường vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn nhưng HoREA vẫn đưa ra 3 động lực chính cho sự phát triển của thị trường bất động sản.

Thứ nhất, các dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Luật Đấu giá tài sản (sửa đổi) được kỳ vọng khi ban hành bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, sát với thực tế,... Qua đó, tạo điều kiện tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho khoảng 1.000 dự án bất động sản trong cả nước, kéo giảm giá nhà về mức hợp lý.

Thứ hai, hiện nay, tổng cầu nhà ở đáp ứng nhu cầu thực của người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp trong xã hội vẫn rất lớn, nhất là nhà ở giá vừa túi tiền, nhà ở xã hội.

Cuối cùng, tầng lớp trung lưu vẫn đang tiếp tục xu thế tăng trưởng vững chắc, dù thu nhập của các tầng lớp dân cư nhìn chung đang bị sụt giảm.

Ngoài ra, liên quan đến tình hình giao dịch trên thị trường, theo Bộ Xây dựng thì trong 10 tháng đầu năm 2023, lượng giao dịch bất động sản giảm 50% so với cùng kỳ năm 2022. Còn theo báo cáo của Ban IV, đến cuối tháng 9/2023, hàng tồn kho bất động sản rất lớn, có tổng giá trị lên đến 301.600 tỷ đồng (tăng 5% so với cùng kỳ).

Trên cơ sở đó, HoREA kiến nghị cần phải có giải pháp để tháo gỡ, đưa lượng hàng tồn kho rất lớn này trở lại thị trường. Qua đó vừa tạo dòng tiền, vừa tạo thanh khoản, đồng thời giúp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và tăng nguồn cung nhà ở trên thị trường.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 10/05/2024