ISSN-2815-5823
Phan Mai
Thứ năm, 09h55 15/08/2024

Động thổ là gì? Bật mí cách thực hiện lễ động thổ suôn sẻ

Lễ động thổ là gì? Đây là một phong tục truyền thống của người Việt và một số nước phương Đông với hy vọng cầu mong quá trình thi công xây dựng được suôn sẻ, may mắn.

Theo quan niệm của người phương Đông, trên mỗi khu đất đều sẽ có long mạch và các vị Thổ Địa cai quản quyết định đến tài lộc, sức khỏe, may mắn của gia chủ. Do đó, tại Việt Nam và nhiều nước phương Đông thường có tập tục thờ cúng Thần linh, Thổ Địa hay còn gọi là lễ động thổ trước khi quyết định xây dựng.

Động thổ là gì?

Vậy khái niệm động thổ là gì? Đây là một nghi thức quan trọng trong văn hóa của người Việt Nam và một số nước phương Đông có tín ngưỡng sâu sắc về Thần linh, đánh dấu một sự khởi đầu trong quá trình xây dựng công trình mới. Bóc tách theo nghĩa đen, cụm từ "động thổ" có nghĩa là "động - đụng, chạm" và "thổ - đất", tức là bắt đầu đụng chạm, xây dựng hay sửa chữa trên mảnh đất xây dựng.

Khi xây dựng, sửa chữa sẽ tác động trực tiếp như tháo dỡ, đào, lấp... làm ảnh hưởng đến Thổ Địa và long mạch. Do đó, việc tiến hành chọn ngày, giờ và chuẩn bị các lễ vật phù hợp để làm lễ động thổ nhằm mục đích thông báo, xin phép Thần linh, Thổ Địa cai quản và cầu mong sự thuận lợi và suôn sẻ cho quá trình xây dựng. 

Lễ động thổ là gì mà nhiều người quan tâm khi bắt đầu thực hiện thi công xây dựng
Lễ động thổ là gì mà nhiều người quan tâm khi bắt đầu thực hiện thi công xây dựng

Nguồn gốc của lễ động thổ 

Hiểu rõ khái niệm động thổ là gì nhưng nguồn gốc của nghi thức động thổ này vẫn là một dấu chấm hỏi đối với nhiều người. Nguồn gốc của lễ động thổ bắt nguồn từ một nét văn hóa của người Trung Hoa được ghi chép trong sách cổ bắt nguồn từ nông nghiệp và ảnh hưởng sang các hoạt động kinh doanh, thi công, xây dựng khác.

Nguồn gốc của lễ động thổ trong nông nghiệp

Nguồn gốc của lễ động thổ trong nông nghiệp bắt nguồn vào năm 112 trước Công nguyên khi Vua Hán Vũ nhận thấy các nghi thức của triều đình chưa có tục tế Đất. Điều này đã khiến vua Hán Vũ quyết định tổ chức họp các quần thần lại để bàn việc thực hiện nghi thức lễ hậu thổ. 

Nghi thức này được tổ chức nhằm mục đích tạ ơn và dâng lên Thần Đất những lễ vật tượng trưng cho Đất, bày tỏ lòng thành trước những điều con người đã được thiên nhiên ưu ái ban tặng.

Từ đó, nghi thức này được tổ chức hàng năm vào ngày mùng 2 Tết Nguyên Đán để cầu mong một năm đất đai tốt tươi giúp việc nuôi trồng của người dân thuận lợi.

Nguồn gốc của lễ động thổ trong xây dựng

Lễ động thổ trong thi công xây dựng bắt nguồn từ những quan niệm của người Việt và một số nước phương Đông nhằm cúng bái, xin phép Thần linh, Thổ Địa cho phép bắt đầu thi công, ban phước lành. Điều này giúp quá trình thi công xây dựng được suôn sẻ, đúng tiến độ. 

Hơn nữa, đối với những công trình xây dựng có quy mô thì lễ động thổ còn đóng vai trò giúp chủ đầu tư quảng bá về công trình được xây dựng và sắp đưa vào hoạt động như công viên, chung cư, trung tâm thương mại...

Động thổ trong thi công xây dựng là nghi thức quan trọng không được bỏ qua
Động thổ trong thi công xây dựng là nghi thức quan trọng không được bỏ qua

Ý nghĩa của lễ động thổ

Từ ngàn đời nay, lễ động thổ là truyền thống văn hóa tâm linh quan trọng trong xây dựng nhà cửa của người Việt. Đây là một nghi thức quan trọng được thực hiện trước khi bắt đầu công việc thi công, xây dựng, thể hiện sự tôn trọng và cầu mong sự bảo trợ của Thần linh. Bởi vậy, lễ động thổ mang nhiều ý nghĩa quan trọng không chỉ về mặt tâm linh mà còn về mặt xã hội và văn hóa như sau: 

  • Lễ động thổ là cách để gia chủ xin phép và thể hiện sự tôn trọng đối với Thổ Công, mong cầu sự che chở và bảo vệ trong suốt quá trình dự án xây dựng. Hơn nữa, trong các văn hóa đất đai được xem là một thực thể sống và có linh hồn riêng nên việc xin phép và nhờ sự bảo vệ là quan trọng. 

  • Trong phong thủy, chọn ngày giờ động thổ phù hợp với chủ nhà hay người đứng đầu công trình giúp đảm bảo công trình được xây dựng hợp phong thủy, suôn sẻ và gia chủ gặp nhiều thuận lợi. 

  • Lễ động thổ là dịp để gia chủ thể hiện sự tôn trọng đối với các truyền thống tôn giáo cụ thể của dân tộc, thể hiện niềm tin và sự kính trọng đối với thần linh của đất đai.

Nghi thức động thổ mang nhiều mặt ý nghĩa quan trọng
Nghi thức động thổ mang nhiều mặt ý nghĩa quan trọng

Bật mí cách thực hiện lễ động thổ để thi công suôn sẻ

Để lễ động thổ diễn ra suôn sẻ, cần tuân theo các bước như sau:

Lựa chọn ngày lành tháng tốt

Ngày, giờ động thổ cần được lựa chọn kỹ lưỡng, không nên chọn những ngày, giờ kỵ xấu trong tháng/năm hoặc đặc biệt không hợp tuổi với gia chủ hoặc người đứng đầu công trình. Thông thường, gia chủ sẽ nhờ đến thầy xem phong thủy hoặc các chuyên gia để lựa chọn ngày, giờ làm lễ động thổ phù hợp. 

Ngoài ra, một số ngày xấu không nên tiến hành làm lễ động thổ được liệt kê dưới đây như sau: 

  • Ngày Tam Nương (ngày 3,7,13,18,22 và 27 Âm lịch)

  • Nguyệt Kỵ (ngày 5,14,23 Âm lịch)

  • Sát Chủ

  • Xích Khẩu

  • Độc Hỏa, Thiên Hỏa, Địa Hỏa

Một số ngày tốt có thể tiến hành lễ động thổ như Đại Cát và Tiểu Cát. Hướng khởi công tốt theo phong thủy phải kể đến hướng Huyền Không Phi Tinh, tuy nhiên mỗi năm có một hướng khác nên chủ công trình cũng cần tìm hiểu và lựa chọn chính xác.

Chuẩn bị lễ vật

Lễ vật cần chuẩn bị đầy đủ và chu đáo, thường bao gồm các vật phẩm, lễ vật bao gồm:

  • 1 Đĩa xôi

  • 1 con gà trống luộc/heo quay

  • 1 con cua hoặc 1 con tôm luộc

  • 3 quả trứng luộc

  • 1 miếng thịt heo luộc

  • 1 chén muối trắng

  • 1 chén gạo tẻ

  • 3 ly nước trà

  • 1 ly rượu trắng

  • 1 đĩa hoa quả

  • Bình hoa

  • Nến

  • Các loại bánh kẹo

  • Giấy, tiền, vàng mã

  • 1 bó nhang thơm

 Tiến hành nghi thức

Sau khi đã lựa chọn được ngày giờ và chuẩn bị đầy đủ vật phẩm, gia chủ tiến hành nghi thức lễ động thổ.

  • Ban đầu, gia chủ bày biện lễ vật lên mâm và đặt lên bàn ở giữa công trình.

  • Lựa chọn khu đất đã dọn sạch sẽ nếu là động thổ đào móng.

  • Đối với gia chủ là nam thì thắp 7 cây nhang, nữ thì thắp 9 cây nhang, sau đó thắp 2 cây nến.

  • Cắm 3 cây nhang trên mâm đặt lễ vật cúng, 3 cây nhang cắm xuống đất và 1 cây còn lại để vái.

  • Trang phục làm lễ cúng lịch sự, chỉnh tề. 

  • Tiến hành vái lạy bốn phương tám hướng rồi quay trở lại mâm lễ vật đọc bài khấn.

  • Đọc bài khấn xong, gia chủ đợi cho nhang tàn thì tiến hành đốt giấy, tiền vàng mã và rải muối, bánh kẹo, gạo ra công trình. Gia chủ không được mang hoa về mà cắm xuống đất.

  • Tiếp đến cầm cuốc hoặc búa gõ nhẹ vào khu đất và lấy viên gạch đầu tiên đặt tại vị trí chính xác, không thay đổi hoặc di dời trong suốt quá trình thi công.

  • Cuối cùng gia chủ cúng động thổ xong thì đơn vị thi công thắp nhang và khấn vái. Điều này giúp Tổ Nghề phù hộ trong suốt công trình được an toàn và suôn sẻ.

Tiến hành đúng nghi thức động thổ giúp lễ động thổ thành công tốt đẹp (Ảnh minh hoạ)
Tiến hành đúng nghi thức động thổ giúp lễ động thổ thành công tốt đẹp (Ảnh minh hoạ)

3 lưu ý khi tiến hành lễ động thổ 

Bên cạnh việc tìm hiểu khái niệm động thổ là gì và những cách thức thực hiện nghi lễ thì gia chủ cũng nên lưu ý một số điều như sau để quá trình thực hiện lễ động thổ và thi công xây dựng được suôn sẻ.

  • Các thành viên không hợp tuổi nên tránh mặt (cách ít nhất 50m trở lên)

  • Nếu gia chủ không hợp tuổi thi công có thể làm thủ tục mượn tuổi và tránh mặt trong khi làm lễ. Lưu ý nên mượn tuổi của người nam cùng huyết thống, ưu tiên người nhiều tuổi.

  • Gạo, nước và muối dùng trong mâm cúng sẽ được giữ lại đến ngày nhập trạch đem vào bếp thờ cúng Táo Quân. 

Lễ động thổ là một phong tục truyền thống quan trọng của người Việt thể hiện sự tôn kính và cầu mong sự phù hộ của các thần linh, tổ tiên đối với công trình sắp được xây dựng. Thực hiện đúng cách, lễ động thổ sẽ mang lại nhiều may mắn, thuận lợi cho quá trình thi công./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 21/11/2024