ISSN-2815-5823
BÌNH AN
Thứ sáu, 09h34 08/12/2023

Giải bài toán cho du lịch Hạ Long từ hiện tượng “No list 2024”

(KDPT) - Theo doanh nhân Phạm Hà, Chủ tịch HĐQT LuxGroup, câu chuyện vịnh Hạ Long bị đưa vào “No list 2024” là lời nhắc nhở đối với việc phát triển du lịch bền vững tại nơi được xướng danh là di sản thiên nhiên thế giới.

Tạp chí du lịch nổi tiếng của Mỹ - Fodor’s Travel mới đây đã công bố danh sách “No list 2024” (các điểm nên dừng ghé thăm trên thế giới). Đáng chú ý, trong đó có vịnh Hạ Long của Việt Nam.

Thông tin này đã gây xôn xao dư luận, đặc biệt đối với cộng đồng kinh doanh du lịch tại vịnh Hạ Long nói riêng, tỉnh Quảng Ninh nói chung. Để có cái nhìn sâu hơn về câu chuyện này, Tạp chí điện tử Kinh doanh và Phát triển đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Hà, Chủ tịch HĐQT LuxGroup, người đã có hơn 20 năm hoạt động trong ngành du lịch.

PV: Ông nhìn nhận thế nào về việc Tạp chí Fodor’s Travel xếp vịnh Hạ Long vào danh sách “No list 2024”?

Ông Phạm Hà: “No list 2024” được tạo ra dựa trên các tiêu chí chính gây ảnh hưởng đến du lịch như: quá tải khách, tạo rác thải, chất lượng và nguồn nước. Vịnh Hạ Long bị đưa vào danh sách này là do vấn đề rác thải. Điều này là một thực trạng đáng buồn song tôi cho rằng không đáng quan ngại sâu sắc, bởi nếu hành động quyết liệt thì vấn đề hoàn toàn có thể được giải quyết triệt để.

Rác thải trên vịnh Hạ Long xuất phát từ một vài sự cố hy hữu, hoặc có tính thời điểm, về cơ bản không làm biến đổi môi trường vịnh. Hạ Long trước sau vẫn là một điểm đến tuyệt vời của du khách trong và ngoài nước. Mặt khác, chính Tạp chí Fodor's Travel cũng nêu rõ việc xếp Hạ Long vào “No list” không nhằm “hạ bệ hay chê bai” mà ngược lại, thể hiện sự trân trọng và muốn bảo vệ điểm đến.

Dù vậy, chúng ta cũng phải thấy rằng “No list 2024” là lời nhắc nhở về việc phát triển du lịch một cách bền vững với những hành động thiết thực và quyết liệt hơn.

p
Ông Phạm Hà, Chủ tịch HĐQT LuxGroup. (Ảnh: Bình An)

PV: ​​Phát triển du lịch bền vững trong trường hợp này cụ thể cần như thế nào, thưa ông?

Ông Phạm Hà: Nhiều tàu du lịch trên vịnh Hạ Long hiện nay là tàu gỗ đã cũ nên không đảm bảo an toàn cho du khách trong khi tỉnh Quảng Ninh đã chủ trương thay thế tàu vỏ gỗ bằng tàu vỏ thép phục vụ vận chuyển khách ra vịnh. Hơn nữa, các tàu này không có hệ thống lọc nước thải như tàu lớn chất lượng nên phát thải nước thải có dầu ra vịnh, gây ô nhiễm nguồn nước.

Hình ảnh “suối rác" ở vịnh Hạ Long cũng khiến nhiều du khách quan ngại, đặc biệt là vào thời điểm nước cạn, rác tập trung thành dòng. Cần triển khai các hoạt động thu gom và xử lý rác với các công nghệ tiên tiến. Đặc biệt, cần ưu tiên thu gom rác ở những nơi mà khách hay thấy nhất như khu vực chèo đò, chèo kayak, điểm ngủ…

Việt Nam có thể học Philippines trong việc đóng biển một thời gian để làm sạch. Nếu không đóng biển thì có thể vừa làm vừa thu gom rác, việc này sẽ cho du khách thấy được nỗ lực của địa phương. Công tác truyền thông để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cũng đồng thời đóng vai trò quan trọng.

Một vấn đề nữa cần đề cập là tình trạng quá tải khách quá tại một thời điểm và một điểm đến. Giờ cao điểm mà chỉ có đúng một tuyến tàu được phép hoạt động sẽ gây tắc nghẽn trong khi nhiều tuyến khác cũng có những hang động đẹp và hoang sơ, hấp dẫn mà lại quá vắng. Cần triển khai giải pháp có thể đi liên tuyến để giảm bớt tình trạng này.

Vịnh Hạ Long có tới gần 50 hang động nhưng số lượng được mở để tham quan còn quá ít. Cả vịnh Hạ Long rộng lớn nhưng chỉ có một bãi tắm được cấp phép và mở cửa đón du khách cho cả 4 tuyến du lịch trên vịnh là Ti Tốp.

Tôi cho rằng, cần bỏ bớt các quy định lỗi thời để mở rộng các hang tham quan, tuyến 4 cần có bãi tắm, mở rộng sang Bái Tử Long và Cát Bà. Có như vậy, vịnh Hạ Long mới có thể giảm bớt tình trạng quá tải điểm đến và gia tăng trải nghiệm cho du khách. Qua đó, họ mới quyết định ở lại lâu hơn và muốn quay trở lại cũng như giới thiệu cho bạn bè, người thân.

Chúng ta cần làm du lịch bền vững hơn, phải bảo vệ để “vịnh rồng" luôn xanh, sạch, đẹp và là nơi "phải đến" của du khách quốc tế. Du lịch ở vịnh Hạ Long cần luôn S - Sun, Sea, Sail, Scenery, Safe, Smile, Service…

PV: Để giải quyết vấn đề môi trường ở Hạ Long, một trong những phương pháp Fodor’r Travel chỉ ra là “cần phải giảm số lượng du khách”. Điều này là một mâu thuẫn với định hướng tăng cường thu hút khách du lịch của địa phương. Ông nghĩ sao về điều này?

Ông Phạm Hà: Như trên đã nói, lý do chính khiến Hạ Long bị xếp vào “No list 2024” là do vấn đề rác thải, không phải vì “quá tải du khách” như một số điểm đến khác trên thế giới bị gọi tên. Điều chúng ta cần làm là thay đổi ý thức về du lịch bền vững thay vì giảm số lượng khách. Lượng khách giảm nhưng các yếu tố gây tổn hại môi trường vẫn còn đó thì cũng vô nghĩa.

Trên thực tế, lượng khách đến với Hạ Long vẫn còn khá ít. Theo thống kê của Ban quản lý vịnh Hạ Long, tính đến 20/11/2023, Hạ Long đón khoảng 2,39 triệu lượt khách, cả năm ước tính là 2,5 triệu lượt khách. Con số này còn thua xa năm 2019 (gần 4,5 triệu lượt). Bởi vậy, tôi cho rằng khuyến nghị giảm số lượng du khách để bảo vệ vịnh là không chính xác.

Tuy nhiên, khuyến nghị của Tạp chí Fodor's Travel có lý ở một góc độ khác. Chúng ta hiểu rằng mục tiêu của phát triển du lịch không phải là cố gắng có được số lượng du khách lớn nhất, mà là tạo ra hiệu quả (doanh thu) du lịch cao nhất. Để đạt được hiệu quả cao nhất có nhiều con đường, và tôi cho rằng Hạ Long có thể chọn con đường tập trung phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch cao cấp, thay vì phát triển tràn lan nhằm có được sự tăng trưởng lượng khách hằng năm.

PV: Ông có thể nói rõ hơn về quan điểm của mình?

Ông Phạm Hà: Một điểm đến nổi tiếng như Hạ Long có rất nhiều loại hình, sản phẩm, dịch vụ du lịch khác nhau về nhà cung cấp, chất lượng, đối tượng phục vụ, giá cả. Nếu dàn hàng ngang mà tiến, chúng ta sẽ thấy được đồng thời 2 kết quả: Số du khách tăng, doanh thu du lịch tăng. Nhưng hệ lụy khó tránh là theo thời gian, môi trường vịnh có thể bị tác động, mà việc bị xếp vào “No list 2024” là một ví dụ.

Ngược lại, nếu Hạ Long chọn lọc, tập trung phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch cao cấp để xứng tầm với di sản thế giới, tổng số lượng du khách có thể suy giảm, đi ngang hoặc tăng chậm, song hiệu quả du lịch vẫn đạt được sự tăng trưởng tốt do nguồn khách tới đều là khách trung - cao cấp, có mức chi tiêu mạnh. Nhờ vậy, Hạ Long vừa không phải lo lắng về việc cảnh quan vịnh bị tác động bởi sự bùng nổ du khách, vừa có nguồn lực lớn để tiến hành bảo tồn di sản.

Ngoài ra, với việc trở thành điểm đến của giới trung - cao cấp, Hạ Long sẽ định vị mình trên bản đồ du lịch thế giới với tư cách của thành phố du lịch sang trọng, thượng lưu. Điều này không chỉ có lợi cho Hạ Long, cho Quảng Ninh mà còn cho nền kinh tế không khói của Việt Nam.

Vịnh Hạ Long rơi vào No list 2024
Vịnh Hạ Long bị đưa vào "No list 2024" là lời nhắc nhở đối với việc phát triển du lịch bền vững. (Ảnh: Bình An)

PV: Như ông phân tích, dường như Hạ Long đang rất thiếu các sản phẩm, dịch vụ du lịch cao cấp?

Ông Phạm Hà: Trên thực tế, số lượng đơn vị phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch cao cấp hiện nay ở Hạ Long còn khá ít ỏi. Đơn cử như dịch vụ thăm vịnh bằng tàu thuyền, đa phần là sử dụng tàu thuyền không chuyên, do đó chất lượng phục vụ không thực sự tốt.

Toàn vịnh hiện không có nhiều doanh nghiệp sở hữu du thuyền sang trọng, đủ sức “chiều” nhóm khách cao cấp hoặc khách quốc tế sang trọng. LuxGroup với 2 du thuyền Emperor Legacy Hạ Long và Heritage Bình Chuẩn là một trong số những cái tên được giới du lịch thượng lưu săn đón khi tìm về với Hạ Long. Trên các du thuyền này, du khách không chỉ được cung cấp các dịch vụ tốt nhất mà còn được tìm hiểu và trải nghiệm những giá trị văn hóa, lịch sử đặc sắc về ẩm thực, kiến trúc, phong tục, con người… Việt Nam.

Đây chính là một cách làm du lịch bền vững, vừa khai thác những giá trị thiên nhiên ban tặng, vừa biến văn hóa quê hương và di sản thành bản sắc sản phẩm, một “signature” (dấu ấn) độc bản, không thể sao chép, khiến du khách phải quay lại nhiều lần hoặc giới thiệu rộng rãi ra bên ngoài, tạo nên sự đột phá cho hiệu quả du lịch.

PV: Những điều ông chia sẻ có thể là một công thức để áp dụng không chỉ cho riêng Hạ Long?

Ông Phạm Hà: Đúng thế, ngành du lịch Việt Nam rất cần những chuyển đổi như vậy ở mọi điểm đến, nhằm nâng cao chất lượng, tạo ra hiệu quả cao nhất, trong khi vẫn bảo vệ được những di sản thiên nhiên ban tặng và cha ông trao truyền.

Câu chuyện của Hạ Long với “No list 2024” là một “cá biệt” hay sẽ là một “điển hình” cho ngành du lịch Việt Nam, điều đó phụ thuộc rất lớn vào hành động của chúng ta, từ những nhà quản lý tới các doanh nghiệp trong việc định hướng phát triển. Tôi luôn trông mong Hạ Long nói riêng và nước ta nói chung sẽ luôn nằm trong “Go list” (thay vì “No list”) của bất kỳ tổ chức quốc tế nào, bởi du lịch tất yếu sẽ là mũi nhọn của kinh tế Việt Nam./.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 09/05/2024