Màu xanh cho những tầm cao mới của Việt Nam
Tạp chí điện tử Kinh doanh và Phát triển phát hành ấn phẩm đặc san Xuân Giáp Thìn 2024 |
Để có được kết quả đó là sự nỗ lực không ngừng, thích ứng nhanh nhạy, sáng tạo đột phá và hơn hết là những quyết sách, chiến lược phát triển kịp thời mà Đảng, Nhà nước đã đưa ra. Cùng với đó là sự đồng thuận, cống hiến vì một Việt Nam hưng thịnh, hùng cường của người dân, cộng đồng doanh nghiệp, các nhà khoa học đầy trí tuệ và bản lĩnh. Trong những thành quả góp vào sức tăng trưởng, sự phát triển bền vững của đất nước trong năm qua là việc ứng dụng kinh tế tuần hoàn, đổi mới sáng tạo vào nền kinh tế một cách hữu hiệu và quyết liệt.
1 - Mặc dù nền kinh tế Việt Nam đang phải vươn mình vượt qua những khó khăn, thách thức bởi bối cảnh nhiều biến động của kinh tế thế giới. Song, với tầm nhìn phát triển bền vững, với sự vào cuộc của các Bộ, ngành từ trung ương tới địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, nhiều mô hình sáng tạo đích thực chuyển đổi từ phương thức kinh tế cũ sang kinh tế tuần hoàn đã được nhiều doanh nghiệp Việt triển khai mạnh mẽ, năng động, đầy cảm hứng, lan tỏa rộng khắp.
Và kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam đã có những “trái ngọt đầu mùa” như một tổng kết được công bố: Thứ nhất, các nội dung về kinh tế tuần hoàn được đưa vào các luật, nghị định và văn kiện đại hội Đảng cho thấy, nội dung về kinh tế tuần hoàn đã được thể hiện trong rất nhiều các chiến lược, chính sách phát triển đất nước trong giai đoạn vừa qua. Điều này cho thấy Việt Nam đang hòa cùng xu thế chung của toàn cầu là chuyển dịch từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn. Đồng thời khẳng định, Việt Nam đã xây dựng được nền tảng chính sách, pháp lý khá đầy đủ để thúc đẩy thực hiện về kinh tế tuần hoàn. Đặc biệt, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên ở ASEAN thể chế hóa quy định về về kinh tế tuần hoàn trong Luật.
Thứ hai, thông qua thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn, các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất đã nhận thức rõ hơn và chủ động áp dụng các giải pháp về sản xuất sạch hơn (SXSH) nhằm giảm mức phát sinh chất thải, tiêu thụ nguyên vật liệu, năng lượng và nước, tiết kiệm chi phí sản xuất cho doanh nghiệp. Nhờ đó, mô hình SXSH đã được đẩy mạnh triển khai áp dụng rộng rãi. Theo thống kê của Bộ Công Thương, tính đến nay, đã có gần 350 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất được hỗ trợ đánh giá nhanh, 90 doanh nghiệp được hỗ trợ áp dụng SXSH trở thành các mô hình điểm về áp dụng SXSH. Qua 12 năm triển khai Chiến lược SXSH trong công nghiệp, đến nay đã có 68,5% doanh nghiệp nhận thức được lợi ích của việc áp dụng SXSH, tăng 20,5% so năm 2010. 46,9% cơ sở sản xuất áp dụng SXSH, tăng 35,9% so năm 2010, 12% trong số đó đã đạt mức tiết kiệm 8% trở lên trong giảm năng lượng, nguyên nhiên liệu trên một đơn vị sản phẩm. Ngoài ra, đã có 21% doanh nghiệp vừa và lớn có bộ phận chuyên trách về hoạt động sản xuất sạch hơn. Có thể thấy, các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất đã dần chủ động thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.
Năng lượng mặt trời là xu hướng mới không gây ô nhiểm môi trường được triển khai rộng rãi. (Ảnh minh họa) |
Thứ ba, việc triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn đã giúp huy động mọi nguồn lực xã hội thực hiện mọi giải pháp về sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả để đạt được mục tiêu đến năm 2025. Cụ thể: Đạt mức tiết kiệm năng lượng 5-7% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2025; giảm mức tổn thất điện năng xuống thấp hơn 6,5%; giảm mức tiêu hao năng lượng bình quân cho các ngành/phân ngành công nghiệp so với giai đoạn 2015-2018.
Thứ tư, nhiều sáng kiến quản trị doanh nghiệp bền vững và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường mô hình hợp tác công - tư đang được đề xuất và từng bước triển khai. Một số chương trình nổi bật, như chương trình thu gom và tái chế rác thải của nhóm doanh nghiệp chuyên nghiệp và nhóm doanh nghiệp lớn; sáng kiến không xả thải vào môi trường, các khu công nghiệp sinh thái ở một số thành phố lớn. Một số kết quả cụ thể từ mô hình kinh tế tuần hoàn đang được áp dụng thành công trong các doanh nghiệp lớn, như Heineken Việt Nam, Unilever Việt Nam, doanh nghiệp vừa và nhỏ, như chuỗi cung ứng nuôi và sản xuất cá tra, hoặc dự án của Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hiệp Quốc (UNIDO) về Khu công nghiệp sinh thái đang triển khai tại 6 khu công nghiệp ở các tỉnh Ninh Bình, TP. Đà Nẵng và TP. Cần Thơ. Tất cả những sáng kiến và mô hình kinh tế này đã đặt nền tảng đầu tiên cho quá trình dịch chuyển của nền kinh tế.
Năm 2023 ghi những dấu ấn mới trong cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển những ngành, lĩnh vực mới nổi, thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ. Chuyển đổi số quốc gia được tích cực thúc đẩy, ước cả năm 2023 tỷ trọng kinh tế số đạt khoảng 15% GDP. Đề án phát triển, ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử (Đề án 06) được chỉ đạo và thực hiện quyết liệt với quyết tâm cao và đạt nhiều kết quả ấn tượng, góp phần hạn chế tiêu cực, tiết kiệm thời gian, công sức cho người dân, doanh nghiệp, là một "điểm sáng" trong chuyển đổi số ở nước ta.
Việt Nam triển khai quyết liệt các chương trình hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải, chuyển đổi năng lượng theo tuyên bố chính trị về chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP), lần đầu tiên bán tín chỉ carbon và phát hành trái phiếu xanh, thể hiện trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế đưa phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050. |
Thị trường khoa học công nghệ có bước phát triển. Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia phát triển mạnh; khánh thành Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC); tập trung xây dựng, hoàn thiện 3 Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia tại Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam xếp hạng 46/132, tăng 2 bậc so với năm 2022. Năm 2023 cũng đánh dấu bước nhảy vọt của Việt Nam trong lĩnh vực bán dẫn với hàng loạt thỏa thuận, dự án hợp tác phát triển với các đối tác hàng đầu, những tập đoàn, doanh nghiệp khổng lồ trên thế giới. Việt Nam triển khai quyết liệt các chương trình hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải, chuyển đổi năng lượng theo tuyên bố chính trị về chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP), lần đầu tiên bán tín chỉ carbon và phát hành trái phiếu xanh, thể hiện trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế đưa phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.
2 - Bên cạnh đó hơn lúc nào hết Việt Nam đang đột phá mạnh mẽ, hiệu quả trong đổi mới sáng tạo, ứng dụng các giải pháp công nghệ số vượt trội, đã và đang định hình Việt Nam trên bản đồ đổi mới sáng tạo của thế giới. Trong lĩnh vực nông nghiệp, khoa học và công nghệ đã góp phần thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa nông sản đạt trên 53 tỷ USD/năm, thặng dư thương mại ngành đạt hơn 11 tỷ USD, mức cao nhất trong những năm gần đây và chiếm trên 42,5% xuất siêu cả nước, trong đó có 6 sản phẩm nông nghiệp có giá trị xuất khẩu trên 3 tỷ USD.
Lĩnh vực công nghiệp, giao thông, xây dựng đã nghiên cứu, chế tạo thành công nhiều sản phẩm công nghiệp với tỷ lệ nội địa hóa cao, giá trị kinh tế lớn, từng bước tiếp thu, làm chủ các công nghệ cao của Cách mạng công nghiệp 4.0. Đặc biệt, các kỹ sư Việt Nam đã hoàn toàn làm chủ các khâu từ thiết kế đến thi công các công trình phức tạp như cầu Mỹ Thuận 2 và nhiều công trình hạ tầng quy mô lớn khác, tiết kiệm lượng lớn kinh phí cho ngân sách nhà nước.
Trong lĩnh vực khoa học y - dược, ghép tạng tiếp tục được ghi nhận là điểm sáng từ việc đầu tư, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ; đã thực hiện thành công ca ghép đa tạng gồm tim và thận từ người hiến đa tạng chết não; phối hợp ghép tạng xuyên Việt; nghiên cứu thành công quy trình sử dụng tế bào gốc tạo máu tự thân trong điều trị bệnh nhân nhược cơ và lupus ban đỏ hệ thống... là những thành tựu đáng ghi nhận của các nhà khoa học.
Trong lĩnh vực công nghệ cao, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với các Bộ, ngành giải quyết các vấn đề quan trọng cho việc tiếp cận công nghệ sản xuất chip bán dẫn. Tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao đạt gần 50% tổng giá trị hàng hoá xuất khẩu. Đồng thời, triển khai hiệu quả các nhiệm vụ khoa học công nghệ về phát triển các công nghệ chủ chốt của công nghiệp 4.0 Việt Nam có lợi thế như trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu lớn, internet kết nối vạn vật, robot tiên tiến, in 3D, công nghệ thực tế ảo...
Trong năm 2023, thị trường khoa học và công nghệ tiếp tục được quan tâm xúc tiến cùng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, các chợ công nghệ, sàn giao dịch, ngày hội khởi nghiệp sáng tạo, chương trình kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo quy mô quốc gia, vùng, địa phương và quốc tế.
Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia ngày càng phát triển về quy mô và hình thức hoạt động, được đánh giá là một trong những hệ sinh thái năng động nhất Châu Á và đứng thứ 58 thế giới. TP. Hà Nội lần đầu tiên lọt vào top 200 thành phố khởi nghiệp sáng tạo toàn cầu. |
Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia ngày càng phát triển về quy mô và hình thức hoạt động, được đánh giá là một trong những hệ sinh thái năng động nhất Châu Á và đứng thứ 58 thế giới. TP. Hà Nội lần đầu tiên lọt vào top 200 thành phố khởi nghiệp sáng tạo toàn cầu. Đầu tư cho khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo giữ được mức phát triển tốt so với các nước khu vực ASEAN (với 56 dự án, tổng vốn đầu tư gần 500 triệu USD trong 6 tháng đầu năm 2023). Hệ thống tiêu chuẩn quốc gia và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia thường xuyên được rà soát, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn và mức độ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế.
Bên cạnh đó, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo luôn được các cấp, các ngành quan tâm, chú trọng. Một số chủ trương quan trọng về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học, xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước đã được cấp có thẩm quyền ban hành. Các luật chuyên ngành trong lĩnh vực khoa học và công nghệ đã được tổng kết, đánh giá toàn diện những kết quả đạt được và xác định các tồn tại, bất cập để đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thi hành Luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Năm 2024, để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tăng cường xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật.
Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi và chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo để bắt kịp xu thế phát triển. (Ảnh minh họa) |
Đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030. Tập trung triển khai hiệu quả, đồng bộ các Chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia trung hạn đến năm 2025 và dài hạn đến năm 2030. Ưu tiên phát triển công nghệ trọng điểm, công nghệ lõi, công nghệ cao...
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn nhấn mạnh: Cần đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, đột phá trong tư duy hoạch định chính sách, pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, cũng như cần phải sửa đổi, bổ sung kịp thời những luật có liên quan, nhất là Luật Khoa học và Công nghệ 2013.
Trong đó, tập trung vào xây dựng một số chính sách, cụ thể: Xây dựng cơ chế tài chính đặc thù cho hoạt động khoa học công nghệ; Gắn kết giữa giáo dục đào tạo đại học với các hoạt động khoa học công nghệ; Nâng cao hiệu quả hoạt động, đơn giản hóa tối đa thủ tục thanh, quyết toán, bảo đảm hiệu quả, tránh lãng phí, tiêu cực; thúc đẩy triển khai cơ chế thí điểm, thử nghiệm và đặc thù đối với các loại hình, mô hình kinh tế mới dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Đúng như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định tại phát biểu trong Lễ trao giải thưởng Nhân tài đất Việt lần thứ XVII “Trong bối cảnh tình hình thế giới biến đổi nhanh chóng, khó lường, khó dự báo, xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đặc biệt là cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 tác động mạnh mẽ lên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế và xã hội, mỗi quốc gia, doanh nghiệp và từng cá nhân muốn phát triển phải không ngừng học tập, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ để tạo ra những giá trị mới phù hợp với tiến trình phát triển mới. Trong quá trình đó, con người là trung tâm, chủ thể, là nguồn lực, động lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển”.
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 xác định nhiệm vụ: "Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài. Thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; góp phần hướng tới mục tiêu đến năm 2030, nước ta là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
3 - Chúng ta đang bước vào năm Giáp Thìn 2024 với những niềm tin và hy vọng về một đất nước Việt Nam hùng cường và hưng thịnh. Một bức tranh toàn cảnh về Việt Nam đang ngời sáng hướng tới tương lai. Trong bức tranh đó có một màu xanh đầy ước mơ và hy vọng - ước mơ của ấm no và hạnh phúc.
Nhà thơ Tố Hữu đã từng viết:
“Tôi nhìn lại, như đôi mắt trẻ thơ
Tổ quốc tôi, Chưa đẹp thế bao giờ!
Xanh núi, xanh sông, xanh đồng, xanh biển
Xanh trời, xanh của những giấc mơ...”
và
“Tôi lại mơ... Trên Thái Bình Dương
Tổ quốc ta như một thiên đường
Của muôn triệu anh hùng làm nên cuộc sống
Của tự do, hy vọng, tình thương...”
Với một màu xanh cho kinh tế đất nước, cho tăng trưởng và phát triển bền vững đang được bắt đầu từ ngày hôm nay. Đó là nền tảng vững chắc để chúng ta xây nên một Việt Nam “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như mong ước của Bác Hồ lúc sinh thời./.
AN PHONG