ISSN-2815-5823

Những hiệp sĩ của thú rừng

(KDPT) - Cùng nhau, đội tuần tra trên cao nguyên Langbiang đã thực hiện khoảng 500 ngày xuyên rừng, gỡ trên dưới 60 chiếc bẫy và chưa khi nào muốn ngừng tình yêu với núi rừng.
Tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trong mùa khô Chuỗi hoạt động kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh

Cuộc gọi bất ngờ

Một sớm đầu tháng 4/2023, Kơ Să Ra Đáp vừa định xách dao vào rừng như mọi ngày thì bất ngờ nhận được cuộc gọi. Đầu dây bên kia là một số lạ, tự giới thiệu là người thuộc Ban quản lý Rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim.

Sinh năm 1999 nhưng sương gió núi rừng khiến Đáp trông như gần 40 tuổi. Nước da chai sạm, bàn tay chằng chịt những vết sẹo, vết rách đang lên da non vì đi rừng nhiều. Đáp bảo, gần như khắp các ngọn núi ở Đa Nhim, cậu đều đã đặt chân qua. Có những đêm trăng sáng, Đáp lại cùng người anh em đồng niên Kra Jan Ha Tri mắc võng, ngủ hẳn lại trong rừng.

Yêu rừng, gắn bó với rừng tự nhiên như hơi thở hàng ngày, nhưng cuộc gọi điện thoại kia vẫn khiến Đáp thoáng sững đôi chút. Chàng thanh niên dân tộc K’Ho được mời vào làm trong Đội tuần tra tháo gỡ bẫy, thuộc Ban quản lý. “Vào rừng nhiều rồi, ngủ cả lại nữa, nhưng chưa bao giờ em phải xa nhà lâu đến thế”, cậu nhớ lại giây phút đầu tiên ấy, ánh mắt khẽ mơ màng trượt lên những rặng núi xanh thẫm phía xa.

Chàng thanh niên dân tộc K’Ho được mời vào làm trong Đội tuần tra tháo gỡ bẫy, thuộc Ban quản lý. “Vào rừng nhiều rồi, ngủ cả lại nữa, nhưng chưa bao giờ em phải xa nhà lâu đến thế”, cậu nhớ lại giây phút đầu tiên ấy, ánh mắt khẽ mơ màng trượt lên những rặng núi xanh thẫm phía xa.

Bản năng của con người là thường e dè trước những điều mới mẻ, đặc biệt là khi đứng trước đại ngàn hùng vĩ. Đáp không phải ngoại lệ. Nếu như ngày trước, thanh niên 24 tuổi chỉ vào rừng đôi ba ngày là về, thì nay anh phải mất ít nhất nửa tháng đi xuyên các cánh rừng, săm soi từng gốc cây, dưới những lớp lá mục để tìm bẫy thú mà người đi săn để lại. Bỡ ngỡ, hồi hộp là sự khó tránh nhưng Đáp vẫn mạnh dạn gật đầu.

Háo hức ban đầu trôi qua nhanh như bóng trăng qua cửa. Đáp, Tri cùng 2 người anh em nữa là Lieng Jrang Ha Khiết (sinh năm 1990) và Lơ Mu Ha Thắng (sinh năm 1992) cùng đội trưởng Đặng Văn Thanh bắt đầu thấm thía nhiệm vụ mà họ đang thực hiện gian nan đến nhường nào.

Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim chịu trách nhiệm quản lý cho gần 46.700 ha rừng thuộc huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng. Trong đó đa phần là cây lá kim, một phần nhỏ là rừng lá rộng thường xanh với các loại thú chủ yếu là lợn rừng, khỉ, chồn, nhím... Cả đội 5 người phải vạch ra lộ trình cho từng tuyến hành quân trong địa phận quản lý của Ban quản lý, sao cho không để sót, để lọt bất cứ một sơ hở nào.

Đội tuần tra trên cao nguyên Langbiang

Trước mỗi chuyến đi, 5 thành viên trong đội phải chuẩn bị đầy đủ tư trang. Nếu mang đầy đủ, chiếc balo của họ ngót nghét gần 20 kg, bao gồm những thiết bị không thể thiếu như đồ bảo hộ, quần áo, ba lô, bản đồ, định vị GPS, ống nhòm, smart phone, túi ngủ, võng, dao. Ngoài việc giúp xác định vị trí, các thiết bị này còn theo dõi được hành trình, xây dựng được những báo cáo chi tiết của từng lần đi tuần tra. Đội trưởng sẽ là người chịu trách nhiệm thao tác các hoạt động theo trình tự có sẵn để báo cáo công tác tuần tra của cả đội. Ngoài ra, với những tuyến tuần dài, họ phải chuẩn bị thêm gạo, nước, thịt, mắm muối, cá khô... nhưng vẫn phải đảm bảo tiêu chí nhẹ nhất có thể.

Bên cạnh hành lý, tư trang, các thành viên trong đội còn được học một lớp cấp tốc về cách sinh tồn và sơ cứu người bị nạn ở trong rừng. Đáp nhớ lại, rằng các thầy khi dạy đều nhấn mạnh một điều là khi không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc ở lại qua đêm trong rừng và không mang theo lều, hãy tự xây nơi trú ẩn mới. Đầu tiên là chọn một cành cây lớn xếp cành cây nhỏ hai bên thành hình chữ Y, sau đó phủ một lớp lá cây khô hoặc cỏ dài từ 15 đến 25 cm xuống mặt đất. Tiếp theo, đặt đan xe các lớp cành cây nhỏ khác tạo thành thân lều. Cuối cùng, phủ kín chúng bằng một lớp lá, bít lối vào bằng lá cây để buổi đêm gió lạnh không lùa vào. Nhờ cách dựng lều độc đáo này, Đáp không ít lần chống chọi được với mưa rừng để an toàn vượt qua chuỗi tuần rừng dài đằng đẵng.

Khó nhất với chàng thành niên K’Ho có lẽ là sơ cứu người bị thương. Từ việc khâu vết thương giống như vắt sổ quần áo cho đến cách chữa chân, tay bị trật khớp. Cậu bảo, phải làm đi làm lại hàng chục lần với những người bạn trong đội, khi thì đặt bạn mình nằm trên mặt đất rồi cho chân kẹp vào nách họ, nắm chặt cổ tay và kéo dọc theo cơ thể cho đến khi nghe thấy tiếng xương kêu tách; lúc lại nhẹ nhàng đỡ bạn nằm lên một khúc gỗ, tỉ mỉ buộc một vật nặng khoảng 5-6kg vào cánh tay rồi đứng cạnh động viên nằm im từ 15-20 phút cho đúng bài cứu chữa. “Bọn em học nhiều lắm. Cũng may là chưa phải làm thực tế lần nào”, Đáp cười nói.

Chi phí trang bị tư trang, các khóa học của đội tuần tra rừng đều do Dự án "Quản lý Rừng bền vững và Bảo tồn Đa dạng sinh học ở Việt Nam” (VFBC) tài trợ. Tính đến nay, dự án đã đào tạo và hướng dẫn đội tuần tra sử dụng thành thạo hệ thống định vị trên đường làm nhiệm vụ, giúp họ xây dựng được các báo cáo chi tiết cho mỗi chuyến tuần tra.

Tình yêu với những cánh rừng

Trong xã hội hiện đại, mọi hoạt động đều trở nên tinh vi. Điều ấy cũng đúng với tình trạng mua bán các loại bẫy thú rừng. Theo những hiệp sĩ đang ngày đêm lăn lộn giữa núi rừng Đa Nhim, việc mua bán này ngày càng tràn lan và công khai trên mạng xã hội. Siêu lợi nhuận từ buôn bán động vật hoang dã cũng đẩy vấn nạn bẫy bắt thú rừng diễn ra phức tạp, tinh vi, khó lường. Không cách nào hơn, đội tuần tra của anh Đặng Văn Thanh phải tăng cường tuần tra, phát hiện gỡ bẫy.

Đội tuần tra bàn phương án đi tuần

Nếu như trước đây, thú rừng còn tương đối nhiều, các đối tượng vi phạm thường đặt bẫy ở bìa rừng, thì nay các bẫy lại tập trung ở vùng lõi, có khi phải đi mấy ngày liền mới phát hiện ra. Đặc biệt là giai đoạn mùa mưa, thời điểm mà giới săn bắt coi là thuận lợi nhất để bẫy thú rừng, nhiệm vụ của Khiết, Thắng, Đáp, Tri lại nặng nề hơn một bậc. Dấu chân mùa mưa khó phát hiện hơn, đường cũng khó đi hơn, chưa kể những cơn mưa rừng bất chợt. Vất vả là thế, nhưng tính đến nay, cả đội đã thực hiện được ngót nghét 500 ngày công xuyên rừng và gỡ được trên dưới 60 chiếc bẫy.

Các loại bẫy thường gặp trong rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim là bẫy kẹp, bẫy hàm nhọn và bẫy rút. Chúng luôn được ngụy trang kỹ, lẫn với màu lá rừng, đồng thời được đặt trên lối mòn thường đi của các loài thú. Nếu không được những thành viên dày dạn kinh nghiệm trong đội chỉ dẫn thì người thường ít ai có thể nhận ra được chiếc bẫy này.

Đội trưởng Thanh giơ một chiếc bẫy vừa phát hiện sau chuyến đi rừng và bảo, nhìn đơn giản như vậy nhưng chiếc bẫy gần như không cho bất cứ loài thú nào trốn thoát nếu chẳng may bị sập. Qua nhiều lần “độ”, “chế”, những kẻ săn thú sẽ gia cố lực siết bằng dây cáp (thường lấy từ phanh xe đạp, xe máy) nối rồi uốn cong tạo sức bật. Phần dây cáp để nằm dưới mặt đất quấn thành vòng tròn, khi bật ra sẽ rất mạnh, khiến các con thú càng vũng vẫy thì càng bị thắt chặt.

Chiếc bẫy đội tuần tra thu được khi đi rừng

“La bàn nhiều lúc còn hư, chứ chúng tôi thì không”, anh Thanh tếu táo bảo. Nụ cười, trên đôi mắt nhiều nếp nhăn, có lẽ là thứ mà lâu lắm Kơ Să Ra Đáp mới thấy. Đáp kể, những ngày đầu đi gỡ bẫy, cậu bị người nhà phản đối. Theo tập quán địa phương, việc họ vào rừng đặt bẫy nhưng bị người khác phá hay giải thoát thú là kiêng cữ. Trong quan niệm của người dân, làm vậy là có tội với thần rừng, bởi từ bao đời nay họ sống nhờ thần rừng giúp đỡ.

Xác định nâng cao nhận thức là nhiệm vụ quan trọng trong việc giảm tình trạng săn bắt thú rừng, mỗi cán bộ của đội tuần tra thường xuyên trò chuyện, động viên người thân, bạn bè và họ hàng, làng xóm giao nộp bẫy thú, cũng như thông tin kịp thời về những cá thể động vật hoang dã thả bị bắt, hoặc dính bẫy. Dù quy mô vi phạm không còn như trước nhưng suốt 7 tháng qua, chưa lúc nào anh Thanh cùng cộng sự ngừng vận động quần chúng, nhân dân.

E dè, nên mấy tháng đầu, Đáp chỉ dám “lén lút” đi làm nhiệm vụ, chứ không đi tuần đông đủ như hiện tại. Nhưng nhờ vậy, chàng thanh niên dân tộc K'Ho rèn được khả năng là vừa di chuyển gỡ bẫy, vừa duy trì vị trí để quan sát thấy đồng đội. Ngoài ra, là những giao tiếp, báo hiệu bằng động tác tay, thay vì gọi lớn, tránh ảnh hưởng đến động vật sinh sống trong khu vực.

Trịnh Công Quyền, nhân viên Phòng Kỹ thuật Ban quản lý Rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim, người thường theo đội tuần tra gỡ bẫy thú, nói “bất ngờ” trước sự thích ứng và thành quả của các thành viên. Quyền bảo, không biết nhờ nguồn sức mạnh nào mà các đồng nghiệp bỏ nghề làm nông đơn thuần để dấn thân vào một nhiệm vụ chưa từng có trên cao nguyên Langbiang này.

Song song với công tác gỡ bẫy thú, cán bộ kiểm lâm tại các khu rừng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng còn đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ. Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà vừa được cung cấp hơn 100 bẫy ảnh, nhằm theo dõi, ghi lại hình ảnh về động vật hoang dã cũng như hoạt động của con người tại các điểm đặt bẫy. Thông qua các hình ảnh thu thập, những người bảo tồn động vật hoang dã sẽ điều chỉnh phương thức tuần tra, hoạt động sao cho sát thực tiễn, đảm bảo hiệu quả cao nhất.

Đi rừng băng băng, bất kể ngày đêm là thế nhưng anh Thanh, Khiết, Thắng và Tri cũng bỗng trở nên bẽn lẽn vì câu hỏi đường đột. Một lúc khá lâu, Đáp - chàng trai trẻ nhất đội - mới huơ con dao rừng dắt ngang hông vào đám cây um tùm phía trước. Dường như muốn che bớt sự bối rối, thanh niên người K’Ho thẽ thọt: “Ngày xưa, em mê bắt chim lắm. Nhưng một lần ngủ trong rừng, đột nhiên không nghe thấy tiếng hót quen thuộc, tự dưng thấy sờ sợ…”

Khu rừng im ắng. Thảng hoặc có tiếng gió khẽ xào xạc trên tầng cao như muốn nghe thấy từng lời./.

PHAN NGUYÊN



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 30/10/2024