Giải pháp toàn diện để phát triển bền vững nghề nuôi tôm ở ĐBSCL
Nghề nuôi tôm phát triển nhanh
ĐBSCL có điều kiện tự nhiên rất thuận lợi để phát triển nghề NTTS. Vài năm trở lại đây, các tỉnh trong khu vực phát triển khá nhanh về nghề này. Trong đó, con tôm là đối tượng nuôi được nông dân lựa chọn nhiều nhất, trở thành nghề sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, làm thay đổi cơ cấu kinh tế vùng; góp phần giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo cho người dân nông thôn và làm thay đổi nhiều bộ mặt làng quê. Với tổng diện tích nuôi tôm nước lợ hơn 600 nghìn ha, chiếm hơn 70% diện tích và 80% sản lượng NTTS của cả nước. Các tỉnh có diện tích nuôi tôm lớn như: Cà Mau khoảng 280.000 ha, Bạc Liêu 125.623 ha; các tỉnh Sóc Trăng, Kiên Giang, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang, Long An … có diện tích từ 20.000 đến 80.000 ha. Khoảng 90% số hộ nuôi tôm theo mô hình công nghiệp – bán công nghiệp, siêu thâm canh – công nghệ cao; còn lại nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến đã mở ra hướng đi mới cho nghề nuôi tôm ở ĐBSCL.
Tỉnh Cà Mau có tốc độ phát triển khá nhanh về nghề nuôi tôm. Hiện, Cà Mau có diện tích nuôi tôm và sản lượng tôm lớn nhất cả nước cũng như khu vực ĐBSCL. Với diện tích khoảng 280.000 ha, năm 2019 sản lượng tôm nuôi đạt 190.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu 1,115 tỷ USD. Trong đó, mô hình nuôi tôm siêu thâm canh phát triển mạnh ở các huyện Cái Nước, Tân Phú. Năm qua, huyện Cái Nước có gần 300 hộ dân nuôi tôm siêu thâm canh với diện tích khoảng 400 ha, sản lượng đạt hơn 1.300 tấn. Mặc dù, số ao tôm siêu thâm canh chỉ chiếm khoảng 1% diện tích nhưng chiếm đến 5% sản lượng tôm của huyện. Mô hình đã góp phần quan trọng giúp tăng sản lượng tôm của địa phương.
Đây là loại hình nuôi ứng dụng công nghệ cao, tỷ lệ nuôi thành công từ 70 – 80%, năng suất bình quân đạt 40 – 50 tấn/ha/năm, mỗi năm có thể nuôi hai đến ba vụ. Trong khi các mô hình nuôi tôm bán thâm canh và thâm canh được người dân áp dụng sớm, nhưng hiện nay đang gặp nhiếu khó khăn, thì mô hình nuôi tôm siêu tâm canh mang lại hiệu quả kinh tế cao đang là một hướng đi mới của nghề nuôi tôm Cà Mau nói riêng và các tỉnh ĐBSCL nói chung. Điển hình, hộ ông Huỳnh Thanh Triều, ở ấp Giải Phóng, xã Tân Hưng Đông (Cái Nước). Năm 2017, gia đình ông chuyển sang mô hình nuôi tôm siêu thâm canh đã cho lợi nhuận rất lớn. Hiện gia đình ông và 36 hộ dân trong ấp nhân rộng khoảng 20 ha cho hàng chục ao nuôi, mỗi năm thu hoạch hai vụ, tổng sản lượng đạt gần 600 tấn tôm. Với giá tôm tươi từ 92.000 đến 97.000 đồng/kg, sau khi trừ hết chi phí, lợi nhuận ròng khoảng 15 – 20%, tính ra mỗi ha nuôi tôm lãi hơn 500 triệu đồng/năm.
Sóc Trăng là địa phương dẫn đầu cả nước về mô hình nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh, với hơn 49.000/55.000 ha diện tích nuôi tôm toàn tỉnh. Những năm qua, tỉnh đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng cho 45 dự án phát triển NTTS. Xây dựng hệ thống thủy lợi với hàng chục công trình kênh tạo nguồn, hàng trăm km kênh dẫn kết hợp giao thông nông thôn, cùng với hàng chục công trình điện khí hóa nông thôn phục vụ cho các vùng nuôi tôm trọng điểm ở các huyện Long Phú, Cù Lao Dung, Trần Đề, Mỹ Xuyên, Vĩnh Châu. Nếu như năm 2015 Sóc Trăng chỉ có khoảng 48.000 ha nuôi tôm chính vụ thì đến nay tăng lên 55.000 ha. Các mô hình nuôi tôm ngày càng đa dạng, với số lượng thả nuôi hơn 10 tỷ con giống/năm. Công nghệ nuôi được cải tiến theo hướng thân thiện với môi trường, nhất là nuôi tôm bằng công nghệ sinh học.
Hiện toàn tỉnh có hơn 90% số hộ nuôi tôm ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào vụ nuôi. Năm 2015, năng suất bình quân chỉ đạt 2,4 – 3 tấn/ha/vụ, thì đến năm 2019 tăng lên 5 – 7 tấn/ha/vụ. Sau mỗi vụ nuôi có đến 80-90% số hộ nuôi có lãi, nhiều nông dân có lãi ròng từ 200 đến 250 triệu đồng/ha/vụ; còn nuôi theo mô hình siêu thâm canh đạt năng suất rất cao, bình quân từ 8 đến 10 tấn/ha/vụ. Cá biệt có hộ nuôi đạt 12 tấn/ha/vụ, nhiều hộ lãi cả tỷ đồng như hộ ông Nguyễn Hữu Danh, Trần Són, Quách Văn Nam… (huyện Trần Đề ), ông Huỳnh Văn Thưởng, Huỳnh Hồng Lân, Trương Văn Bol (huyện Vĩnh Châu )…Năm 2019, Sóc Trăng đạt sản lượng gần 160 nghìn tấn tôm, tạo nguồn nguyên liệu dồi dào cho các nhà máy chế biến xuất khẩu, đem lại thu nhập cao cho nhiều hộ gia đình.
Bến Tre cũng là một tỉnh được đánh giá khá thành công về nghề nuôi tôm, nhất là nuôi tôm theo mô hình bán thâm canh và thâm canh. Trước đây, bà con nông dân ấp 4 (xã Bình Thới, huyện Bình Đại) vốn rất nghèo khó, quanh năm suốt tháng sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa, trồng dừa, chăn nuôi nhỏ lẻ nên đời sống gặp rất nhiều khó khăn. Một bộ phận khá lớn người dân phải bỏ quê lên TP Hồ Chí Minh, Bình Dương làm thuê, làm mướn kiếm sống qua ngày. Nay mọi thứ đã thay đổi nhanh chóng khi người dân đem con tôm sú về nuôi trên ruộng lúa, rồi chuyển qua nuôi tôm thẻ chân trắng theo hình thức công nghiệp.
Nông dân Nguyễn Thanh Tâm nhớ lại:“ Từ khi đem con tôm về nuôi, hiệu quả kinh tế cao, nhiều bà con đã làm giàu, xây được nhà kiên cố, mua sắm đầy đủ tiện nghi trong gia đình. Nhờ đó, mà con em được ăn học đàng hoàng hơn trước.” Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, hiện nay con tôm là một trong tám sản phẩm chủ lực của địa phương. Nhận thấy lợi ích lớn, nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư nên diện tích nuôi tôm tăng đáng kể, góp phần tăng sản lượng hàng hóa và đáp ứng nhu cầu xuất khẩu của tỉnh. Riêng diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng đang được mở rộng với 780 ha, sản lượng đạt 12.000 tấn. Đây là tiền đề để địa phương mở hướng đột phá mới trong chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp nông thôn và là nguồn sản phẩm xuất khẩu quan trọng của tỉnh…
Thiếu quy hoạch tổng thể
ĐBSCL có lợi thế phát triển NTTS nhưng vẫn chưa tương xứng tiềm năng sẵn có. Sự tăng nhanh về diện tích và sản lượng NTTS các tỉnh ĐBSCL trong những năm qua chủ yếu theo chiều rộng, chưa có tính ổn định và bền vững. Đến nay, diện tích nuôi thủy sản ở ĐBSCL đạt hơn một triệu ha, trong đó có hơn 600.000 ha nuôi tôm nước lợ (chủ yếu là nuôi tôm sú, thẻ chân trắng). Việc chuyển dịch diễn ra khá nhanh, vượt các dự tính quy hoạch, khả năng về cơ sở vật chất, công nghệ, kỹ thuật hiện có và trình độ quản lý. Công tác quy hoạch và chỉ đạo thực hiện quy hoạch chưa tốt, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, chưa gắn kết giữa các ngành kinh tế.
Thực tế, hiện nay vẫn có địa phương chưa có quy hoạch tổng thể hoặc chưa có quy hoạch chi tiết ở từng vùng nuôi tôm. Nơi đã có quy hoạch thì việc thực hiện còn lúng túng. Cùng với quy hoạch diện tích nuôi ở các địa phương là quy hoạch sản xuất giống thủy sản, hệ thống dịch vụ, hậu cần cho nuôi thủy sản. Các khâu kỹ thuật quan trọng từ sản xuất giống, công nghệ nuôi năng suất cao, công nghệ sản xuất thức ăn, đến các khâu phòng trừ dịch bệnh…chưa đáp ứng nhu cầu phát triển hiện nay của NTTS.
Ở một số tỉnh, mặc dù diện tích nuôi tôm tăng nhanh, nhưng công tác kiểm dịch, kiểm tra giống còn nhiều bất cập, chưa chủ động sản xuất được các giống sạch bệnh, thiếu công nghệ quản lý môi trường theo hướng bền vững. Việc đầu tư hệ thống thủy lợi phục vụ NTTS hạn chế, chưa đáp ứng đủ yêu cầu về cấp nước, thoát nước. Sự phối hợp giữa các địa phương trong vùng, giữa yêu cầu thủy lợi nông nghiệp với thủy lợi thủy sản, bảo vệ rừng ngập mặn với NTTS, giữa ngành thủy sản với các ngành khác chưa chặt chẽ, dẫn đến tranh chấp mặn – ngọt phục vụ nuôi tôm, sản xuất lúa. Quá trình phát triển nghề nuôi tôm ở ĐBSCL có bước phát triển, nhưng công nghệ nuôi nhìn chung còn lạc hậu, nuôi quảng canh truyền thống vẫn là chủ yếu, năng suất đạt thấp, chưa đáp ứng được nguồn nguyên liệu phục vụ cho các nhà máy chế biến xuất khẩu. Ngành kinh tế thủy sản vốn được xem là thế mạnh nhưng chưa phát huy được tiềm năng vốn có của nó…
Để nghề nuôi tôm phát triển bền vững
Khắc phục những hạn chế để nghề nuôi tôm ở ĐBSCL phát triển bền vững, các địa phương trong khu vực đã và đang tích cực triển khai thực hiện nhiều giải pháp. Trong đó, chú trọng hoàn thiện quy hoạch phát triển thủy sản một cách đồng bộ, đặc biệt là quy hoạch thủy lợi phục vụ cho NTTS; đầu tư các trại sản xuất con giống có quy mô lớn, bảo đảm chất lượng; mở rộng diện tích nuôi tôm công nghiệp – bán công nghiệp, siêu thâm canh… xem đây là mặt hàng công nghiệp để có mức đầu tư thỏa đáng; tổ chức lại hệ thống đại lý cung cấp thức ăn, thuốc thú y thủy sản; tăng cường công tác khuyến ngư nhằm chuyển giao tiến bộ kỹ thuật – khoa học công nghệ cho người nuôi; chủ động tìm các giải pháp vượt qua khó khăn, nhất là các rào cản thương mại, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và hạ giá thành sản phẩm.
Để nghề nuôi tôm tiếp tục giành thắng lợi, việc quy hoạch vùng nuôi thủy sản phải dựa vào điều kiện sinh thái, sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất-kỹ thuật hiện có; cải tạo, đầu tư các công trình thủy lợi nhằm đáp ứng yêu cầu của NTTS là cần thiết. Hướng tới, các địa phương vùng ven biển ĐBSCL sẽ thực hiện tiêu chí cho từng vùng nuôi và đánh số cơ sở nuôi tôm, nhằm thực hiện truy xuất nguồn gốc để nghề nuôi tôm phát triển bền vững hơn. Thực hiện mục tiêu này, tỉnh Cà Mau đang tích cực tiến hành quy hoạch các vùng nuôi tôm công nghiệp tập trung ở những nơi có điều kiện phù hợp để mở rộng diện tích. Phấn đấu đến cuối năm 2020 nâng diện tích nuôi tôm công nghiệp lên hơn 10 nghìn ha. Tiếp tục triển khai thực hiện các dự án, mô hình sản xuất thí điểm về nuôi tôm công nghiệp, siêu thâm canh. Đẩy mạnh việc chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật cho người nuôi tôm; tổ chức lại và nâng cao năng lực sản xuất con giống bảo đảm chất lượng, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản với người nuôi tôm theo hướng liên kết bốn nhà để giải quyết tiêu thụ sản phẩm ổn định cho người dân.
Theo ông Trần Văn Chuyện – Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng: “Phát huy lợi thế NTTS trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp; trong xóa đói, giảm nghèo và tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Tỉnh đề ra mục tiêu đến năm 2021, tổng sản lượng đạt hơn 160.000 tấn tôm nguyên liệu, 90.000 ha NTTS, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt xấp xỉ 1 tỷ USD. Tỉnh ưu tiên đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống thủy lợi và hạ tầng cơ sở vùng nuôi tôm một cách đồng bộ; mở rộng diện tích nuôi theo hình thức công nghiệp, bán công nghiệp trên cơ sở quy hoạch 50.000 ha, hình thành vùng nuôi tôm tập trung theo công nghệ cao. Đầu tư con giống, xử lý bảo vệ môi trường, tăng cường công tác quản lý giá thức ăn, thuốc thú y thủy sản. Tạo điều kiện cho ngư dân vay vốn, đào tạo nguồn lao động có kỹ thuật đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất. Ngoài việc thực hiện ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp chế biến với người sản xuất tôm, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, giúp người dân yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống”.
Bài và ảnh: ĐỖ NAM