Hà Nội: Đề xuất cách ly y tế tại nhà với trường hợp F1
(KDPT) – Mới đây, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hà Nội đã có Tờ trình gửi Sở Y tế Hà Nội về việc ban hành Hướng dẫn tạm thời cách ly y tế tại nhà phòng, chống dịch Covid-19 cho người tiếp xúc gần (F1) trên địa bàn TP nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm chéo và giảm chi phí cho người được cách ly.
Theo đó, đối tượng áp dụng gồm: Người tiếp xúc gần (F1) và không phải là người trong cùng gia đình, trong phòng làm việc, trong cùng bàn ăn uống với ca bệnh xác định.
Các F1 bắt buộc phải có người chăm sóc, hỗ trợ là trẻ em dưới 12 tuổi, người tàn tật, phụ nữ sau sinh và cho con bú trong vòng 12 tháng;
Người trực tiếp chăm sóc, hỗ trợ F1 được cách ly cùng F1 tại nhà.
Tất cả người sống trong một nhà/nơi cú trú đều là F1;
Những người đang cách ly tập trung (F1 hoặc về từ vùng dịch) đủ 7 ngày, có kết quả xét nghiệm Realtime RT-PCR ngày thứ 7 âm tính với virus SARSCoV-2 được chuyển về cách ly tại nhà;
Đối với các F1 nguy cơ cao: F1 trong gia đình hoặc cùng phòng làm việc, cùng bàn ăn với trường hợp xác định thì Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch cơ sở cân nhắc các điều kiện cách ly tại nhà và các yếu tố nguy cơ dịch bệnh để quyết định.
Về thời gian thực hiện cách ly y tế tại nhà:
Cách ly y tế tại nhà/nơi cư trú 14 ngày liên tục kể từ ngày bắt đầu cách ly. Riêng người đã được cách ly tập trung 7 ngày thì tiếp tục cách ly tại nhà 7 ngày.
Sau cách ly y tế tiếp tục theo dõi sức khỏe tại nhà 14 ngày tiếp theo.
Trong thời gian cách ly y tế tại nhà phải được lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 ít nhất 3 lần vào ngày thứ nhất, ngày thứ 7 và ngày 14 kể từ khi bắt đầu cách ly. Riêng người đã được cách ly y tế tập trung thì lấy mẫu xét nghiệm vào ngày thứ 7 cách ly tại nhà.
Các điều kiện về nơi ở, vệ sinh của người thực hiện cách ly cũng như trách nhiệm của người cách ly, nhân viên y tế, lực lượng chức năng trên địa bàn F1 cư trú được quy định như Hướng dẫn chung của Bộ Y tế về cách ly tại nhà.
Trao đổi với phóng viên PL&XH để làm rõ hơn một số nội dung được nêu trong Dự thảo, bà Lã Thị Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội cho biết: “Thực hiện hướng dẫn của Bộ Y tế, chúng tôi đã cụ thể hóa các đối tượng F1 thuộc diện cách ly tại nhà để cơ sở dễ phân loại và thực hiện. Trong các đối tượng tiếp xúc gần, cũng có những người có nguy cơ lây nhiễm cao, có người có nguy cơ lây nhiễm thấp. Vì thế chúng tôi phân loại kỹ, cụ thể đối tượng F1 nào có nguy cơ thấp hơn thì cho cách ly tại nhà để giảm lây nhiễm chéo trong khu cách ly tập trung, tạo tâm lý thoải mái cũng như giảm chi phí cho F1. Đồng thời sự phân loại rõ ràng này giúp cho các địa phương không bị lúng túng khi thực hiện”, bà Lan nhấn mạnh.
Ngoài việc nêu rõ việc thực hiện xét nghiệm với trường hợp F1 cách ly tại nhà thì trong bản Dự thảo, CDC Hà Nội cũng quy định rõ trách nhiệm của người thực hiện cách ly cũng như người nhà, gia đình (thể hiện ở bản cam kết tuân thủ cách ly tại nhà); quy định rõ trách nhiệm của các bên liên quan như Tổ Covid cộng đồng, tổ dân phố, chính quyền cơ sở… “Khi quy rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể, đơn vị với quy trình cụ thể thì việc thực hiện sẽ được chặt chẽ, nghiêm túc”-Phó giám đốc CDC Hà Nội nói.
Hà Nội nên thí điểm cách ly F1 tại nhà để “tập dượt”
Nhận định về tình hình dịch trên địa bàn Hà Nội, PGS- TS. Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết: Gần đây, TP phát hiện nhiều trường hợp dương tính qua sàng lọc những ca ho, sốt tại cộng đồng, xuất hiện nhiều chùm ca bệnh như chuỗi lây nhiễm tại nhà thuốc ở Láng Hạ… Điều đó, cho thấy các ca bệnh không rõ nguồn lây nằm rải rác.
Những ca phát hiện qua sàng lọc các trường hợp ho, sốt chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”. TP sẽ còn những ca bệnh lẩn khuất ở trong cộng đồng mà chưa phát hiện ra. Vì thế, Hà Nội cần thực hiện nghiêm việc giãn cách theo Chỉ thị 16 đến từng hộ gia đình, đồng thời thực hiện tốt 5K để cắt đứt chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng.
Cùng với các biện pháp để ngăn chặn, khống chế dịch lan rộng, TS. Trần Đắc Phu cho rằng: Hà Nội cần lên phương án cho cách ly, điều trị cần thiết nếu số ca mắc tăng cao. Bởi khi số mắc tăng cao thì số trường hợp nặng nhiều hơn, bệnh nhân tử vong cũng nhiều.
Trong bối cảnh này, Hà Nội nên triển khai thí điểm cho cách ly F1 tại nhà, điều kiện là cần đảm bảo đúng theo quy định của Bộ Y tế. “Ban chỉ đạo Phòng chống dịch Quốc gia đã cho phép, Hà Nội nên triển khai. Việc làm này vừa để thí điểm vừa để tập dượt sẵn sàng cho tình huống khi các ca bệnh nhiều lên”, TS. Trần Đắc Phu bày tỏ.
PHONG CHÂU
Nguồn link gốc: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ha-noi-de-xuat-cach-ly-y-te-tai-nha-voi-truong-hop-f1-250602-250602.html