Năm 2022, TP. Hà Nội đã tổ chức 172 hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch góp phần phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô sau đại dịch COVID-19. HPA đã phối hợp với các sở, ngành nghiên cứu, đổi mới phương thức tiếp xúc, đối thoại, hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước, quốc tế mở rộng sản xuất. HPA đồng thời tổ chức các chương trình tuần hàng, festival... quảng bá, giới thiệu sản phẩm, kết nối đối tác doanh nghiệp; tổ chức lễ hội du lịch, lễ hội ẩm thực... quảng bá, xúc tiến phục hồi du lịch.

HPA cũng đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố, các tổ chức, đối tác quốc tế như Nhật Bản, Mỹ, Bỉ, Hàn Quốc… để nâng cao kim ngạch xuất khẩu, thu hút vốn đầu tư nước ngoài; quảng bá, xuất khẩu sản phẩm Việt tới thị trường quốc tế, thu hút du khách nước ngoài đến Hà Nội.

Hội nghị triển khai chương trình xúc tiến TP. Hà Nội năm 2023

Dù vậy, theo Giám đốc HPA Nguyễn Ánh Dương, hoạt động xúc tiến dù đạt được những kết quả tích cực nhưng trong quá trình triển khai gặp không ít khó khăn. Thông tin, dữ liệu phục vụ công tác xúc tiến thu hút vốn đầu tư nước ngoài như thông tin quy hoạch, giá đất, lao động... chưa đáp ứng được yêu cầu. Các Sở, ngành TP. Hà Nội cũng cho rằng, hoạt động xúc tiến còn dàn trải, chưa đi vào chiều sâu, dẫn đến việc kết nối, cung cấp thông tin, hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Cơ sở hạ tầng phục vụ công tác xúc tiến còn hạn chế; TP. Hà Nội chưa có Trung tâm Hội chợ, Triển lãm có quy mô lớn nên việc tổ chức hội chợ tầm cỡ quốc tế gặp nhiều khó khăn, thiếu không gian giới thiệu sản phẩm Hà Nội.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng tham quan gian hàng của TP. Hà Nội tại Hội nghị triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển Vùng Đồng bằng sông Hồng (ảnh minh họa)

Năm 2023, TP. Hà Nội dự kiến sẽ triển khai 167 hoạt động xúc tiến, trong đó có 50 hoạt động cấp thành phố. Theo các Sở, ngành, thời gian tới HPA cần thay đổi mô hình, cách thức tổ chức xúc tiến theo hướng đổi mới sáng tạo, phù hợp thực tế, nhằm phát huy hiệu quả hoạt động xúc tiến. Cần tăng cường hoạt động xúc tiến, gọi vốn đầu tư từ các thị trường trọng điểm Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc, Mỹ, châu Âu. Đẩy mạnh liên kết khu vực đầu tư nước ngoài với đầu tư trong nước; phát huy vai trò của các cơ quan xúc tiến đầu tư đối với tổ chức ngoại giao, khu vực kinh tế vốn đầu tư nước ngoài; tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu mới, giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc... Đẩy mạnh tổ chức đoàn xúc tiến chuyên đề, chuyên sâu cả đầu tư, thương mại, du lịch; gắn kết hoạt động xúc tiến với chương trình công tác của Thành ủy, UBND TP. Hà Nôi, qua đó nâng tầm sự kiện, hiệu quả của công tác xúc tiến, quảng bá hình ảnh của Thủ đô.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng thăm quan gian hàng của TP. Hà Nội tại Hội nghị triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển Vùng Đồng bằng sông Hồng (ảnh minh họa)

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nêu rõ, thời gian tới, trong quá trình triển khai hoạt động xúc tiến, HPA nên xây dựng kế hoạch phù hợp với nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của TP. Hà Nội theo hướng dài hạn, phù hợp xu thế chung của quốc tế. “Hoạt động xúc tiến năm 2023 cần triển khai theo hướng có trọng tâm, trọng điểm trong đó chú trọng đẩy mạnh hoạt động xúc tiến tại những thị trường xuất khẩu trọng điểm của Hà Nội. Đề nghị các Sở, ngành đẩy mạnh phối hợp với HPA trong việc tổ chức các sự kiện xúc tiến quốc tế, hạn chế tổ chức sự kiện mang tính dàn trải, hiệu quả thu được không được như mong muốn” - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh.