ISSN-2815-5823
Thứ sáu, 05h49 02/04/2021

Hướng tới cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp: Không đưa vào hiệp thương lần 3 với những người ứng cử đạt dưới 50% tín nhi

(KDPT) – Theo bà Nguyễn Lan Hương, Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, quy trình hiệp thương lần thứ 3 nhằm giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND thành phố được tổ chức dân chủ, khách quan, không phân biệt, thực hiện theo đúng Luật và đúng quy định về bầu cử. Trong đó, Hà Nội sẽ không đưa vào danh sách hiệp thương lần thứ ba những người ứng cử không đạt 50% tín nhiệm của cử tri nơi cư trú.

Nối tiếp tuyến bài chuyên đề về cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Kinh doanh và Phát triển đã có cuộc phỏng vấn bà Nguyễn Lan Hương – Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội về công tác tiến hành tổ chức bầu cử tại Thủ đô.

BÀI LIÊN QUAN
»
Hướng tới cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp: Doanh nhân phải bố trí thời gian khoa học để làm tròn hai vai
» Hướng tới bầu cử Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp: Chuẩn bị kỹ lưỡng cho ngày hội toàn dân
» Hướng tới cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp: Đại biểu phải có mối quan hệ gần gũi, gắn bó mật thiết với cử tri

Với vai trò, nhiệm vụ của mình, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp của thành phố sẽ tham gia vào những nội dung nào của công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND thành phố khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026, thưa bà?

Bà Nguyễn Lan Hương: Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước và Thủ đô, là nơi cử tri phát huy quyền và nghĩa vụ công dân, lựa chọn ra những người tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền làm chủ của mình trong cơ quan quyền lực Nhà nước ở Trung ương và địa phương, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Nhiệm vụ của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong bầu cử đã được quy định trong Luật MTTQ Việt Nam và Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015. Theo đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thực hiện 8 nhiệm vụ, gồm: Tham gia thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử. Chủ trì tổ chức hiệp thương, lựa chọn giới thiệu những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND. Chủ trì phối hợp với chính quyền cùng cấp ở xã, phường, thị trấn tổ chức hội nghị cử tri ở nơi cư trú, để lấy ý kiến nhận xét và sự tín nhiệm của cử tri trước khi tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ ba lựa chọn, lập danh sách chính thức giới thiệu người ứng cử. Chủ trì tổ chức các hội nghị cử tri để ứng cử viên gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri, thực hiện quyền vận động bầu cử. Tham gia tuyên truyền, vận động cử tri thực hiện quyền bầu cử, tự mình đi bỏ phiếu trong ngày bầu cử và thực hiện quyền giám sát việc bầu cử thông qua việc cử đại diện của Ủy ban MTTQ tham gia các đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, HĐND, hoặc tự mình tổ chức các đoàn giám sát thực hiện các công việc bầu cử. Phối hợp với Ủy ban bầu cử, Ban bầu cử các cấp, các cơ quan có liên quan trong việc tiếp công dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại tố cáo của công dân. Thực hiện công tác thi đua, khen thưởng, phát động đợt thi đua thực hiện tốt các nội dung Mặt trận tham gia bầu cử gắn với nội dung thi đua thực hiện Chương trình phối hợp và thống nhất hành động năm 2021.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hà Nội, bà Nguyễn Lan Hương.

Với vị trí là trung tâm chính trị-kinh tế-văn hóa của đất nước, đến thời điểm hiện tại, MTTQ Việt Nam các cấp của thành phố Hà Nội đã triển khai công tác bầu cử như thế nào?

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố đã ban hành kế hoạch và hướng dẫn MTTQ Việt Nam các cấp tham gia công tác bầu cử và Hướng dẫn hệ thống Mặt trận tham gia thực hiện các nhiệm vụ trong bầu cử, đảm bảo đúng tiến độ. Đến thời điểm hiện tại, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp Thành phố đã tổ chức thành công hội nghị hiệp thương lần thứ hai. Qua đó, đã thống nhất danh sách sơ bộ 72 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, 188 người ứng cử đại biểu HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI, 2.060 người ứng cử đại biểu HĐND cấp huyện, 21.399 người ứng cử đại biểu HĐND cấp xã. Mặt trận các cấp đang khẩn trương triển khai thực hiện bước bốn quy trình hiệp thương giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026 tại các cơ sở, đảm bảo dân chủ, đúng luật, đúng tiến độ.

Vậy quy trình hiệp thương lần thứ 3 ở Hà Nội có điều gì cần lưu ý?

Ngay sau Hội nghị hiệp thương lần hai, theo quy định, Ủy ban MTTQ Việt Nam các địa phương đang phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan tổ chức Hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với người được giới thiệu ứng cử, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người được giới thiệu ứng cử về khu dân cư của mình để lắng nghe ý kiến nhận xét của cử tri nơi cư trú. Trong đó, việc tổ chức hội nghị phải bảo đảm dân chủ, khách quan, không phân biệt, thực hiện theo đúng Luật và đúng quy định về bầu cử. Mặt trận các cấp còn phải đặc biệt chú trọng kiểm tra, giám sát việc ứng xử của các cơ quan, tổ chức, cá nhân với người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp để đảm bảo công bằng, công khai, không phân biệt đối xử và lưu ý điểm mới của cuộc bầu cử lần này là không đưa vào danh sách hiệp thương lần thứ ba những người ứng cử không đạt 50% tín nhiệm của cử tri nơi cư trú.

MTTQ Việt Nam các cấp của thành phố Hà Nội đã làm gì và triển khai ra sao để góp phần vào thành công của cuộc bầu cử?

Như tôi vừa nói ở trên, trong quy trình hiệp thương giới thiệu năm nay, những người ứng cử không đạt 50% tín nhiệm của cử tri nơi cư trú sẽ không đưa vào danh sách hiệp thương lần 3. Mặt khác, thành phố Hà Nội cũng thực hiện thí điểm chính quyền đô thị nên sẽ không còn tổ chức HĐND cấp phường. Đây là những nét mới trong lần bầu cử này.

Thời gian tới, MTTQ Việt Nam các cấp sẽ tiếp tục chuẩn bị thật tốt các nội dung để tổ chức bầu cử, trước mắt là tiếp tục tổ chức tốt hội nghị hiệp thương lần 3; tổ chức hội nghị tiếp xúc cư tri để ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND thành phố khóa XVI vận động bầu cử. Tiếp tục triển khai kế hoạch kiểm tra, giám sát của MTTQ trong công tác bầu cử, cử người tham gia tổ chức bầu cử, nhất là thành viên ban Công tác Mặt trận ở địa bàn dân cư; tham gia tổ bầu cử ở khu vực bỏ phiếu, tổ chức hội nghị cử tri để người ứng cử vận động bầu cử; thường xuyên nắm bắt tình hình nhân dân; tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia bầu cử, tạo thành công của cuộc bầu cử…

MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội sẽ thực hiện vấn đề giám sát như thế nào để cuộc bầu cử đảm bảo dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật?

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố đã thành lập 5 đoàn kiểm tra, giám sát công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026 nhằm nắm bắt tình hình, kết quả tổ chức, triển khai công tác bầu cử tại 30 quận, huyện. Ủy ban MTTQ Việt Nam 30/30 quận, huyện, thị xã cũng thành lập đoàn kiểm tra, giám sát công tác bầu cử HĐND cấp huyện, cấp xã nhằm phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai để kịp thời hướng dẫn, chỉ đạo hoặc kiến nghị nhằm giúp các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương có biện pháp khắc phục kịp thời, góp phần bảo đảm cuộc bầu cử dân chủ, đúng luật, an toàn, tiết kiệm thực sự là ngày hội của nhân dân.

Việc kiểm tra, giám sát thời gian tới sẽ tập trung vào việc tổ chức lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử; việc lập, niêm yết danh sách cử tri; việc lập, niêm yết danh sách những người ứng cử; việc tuyên truyền, vận động bầu cử; việc vận động bầu cử thông qua hội nghị tiếp xúc cử tri; việc vận động bầu cử thông qua phương tiện thông tin đại chúng; trình tự bỏ phiếu, việc kiểm phiếu; việc tiếp nhận, xử lý giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh liên quan đến công tác bầu cử. Bên cạnh việc tăng cường giám sát trực tiếp của cán bộ Mặt trận các cấp, Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố cũng quan tâm, vận động nhân dân tham gia giám sát để cuộc bầu cử thật sự dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch.

Ngoài ra, để cuộc bầu cử diễn ra thành công, MTTQ Việt Nam các cấp của Thành phố đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền, nắm và định hướng tình hình dư luận Nhân dân, vận động Nhân dân phát huy quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm tham gia bỏ phiếu, để ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 thực sự là ngày hội của toàn dân.

Trân trọng cảm ơn bà!

NGUYỄN NGÂN (thực hiện)



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 20/09/2024