IMF dự báo, kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 6% trong năm 2021.

Theo đó, triển vọng tăng trưởng của các nước phát triển trong năm nay đã được cải thiện 0,5%, trong khi các nền kinh tế đang phát triển lại có sự giảm sút đáng kể. Dự báo vào năm 2022, tăng trưởng toàn cầu đạt 4,9%, tăng so với dự báo trước đó là 4,4%. Nhưng sự tăng trưởng này chủ yếu đến từ các nền kinh tế phát triển, còn đối với nền kinh tế đang phát triển thì sự gia tăng là rất khiêm tốn.

Có thể thấy nguyên nhân rõ nhất của sự khác biệt này là tỷ lệ tiêm vắc-xin giữa các nhóm đối tượng ở các quốc gia. Theo ước tính, đến nay có gần 40% dân số ở các nước có nền kinh tế tiên tiến được tiêm phòng đầy đủ, lớn hơn rất nhiều so với con số 11% ở các nước đang phát triển. Bên cạnh đó, sự khác biệt trong chính sách cũng là nguyên nhân tạo nên khoảng cách ngày càng lớn. Hầu hết, các chính sách hỗ trợ kinh tế chỉ tập trung ở Hoa Kỳ và các nước Liên minh châu Âu trong khi các biện pháp hỗ trợ các nước đang phát triển đã dừng lại vào năm 2020.

Dư chấn từ sự biến động năm ngoái đã đặt ra nhiều thách thức đối với nền kinh tế toàn cầu khi nhu cầu tăng mà chuỗi cung ứng có nhiều nút thắt nên đã gây áp lực lên giá dẫn đến lạm phát gia tăng. Tuy nhiên, theo dự báo vào năm 2022, lạm phát ở các nền kinh tế phát triển sẽ giảm xuống mức trước đại dịch trong khi ở các nền kinh tế đang phát triển, lạm phát tiếp tục gia tăng vì liên quan đến áp lực giá lương thực và đồng tiền mất giá.

Đối mặt với tình trạng này, rất nhiều khuyến cáo được đưa ra để khắc phục. Yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất chính là việc đảm bảo khả năng tiếp cận vắc-xin, chẩn đoán và điều trị nhanh chóng và đồng đều. Bên cạnh đó cũng cần ưu tiên, đảm bảo các nền kinh tế đang phát triển tiếp cận được các khoản vay quốc tế để cân bằng phát triển, vượt qua khó khăn.

Đối với các chính sách cấp quốc qua của nền kinh tế đang phát triển cũng cần có những chính sách phù hợp và kịp thời để đảm bảo cho sự phục hồi như: ưu tiên chi tiêu cho y tế để thoát khỏi khủng hoảng; hỗ trợ tài chính và tiền tệ rộng rãi hơn để các doanh nghiệp dễ tiếp cận, nhanh chóng phục hồi; và cuối cùng là đầu tư cho tương lai, thúc đẩy các mục tiêu dài hạn, tăng năng lực sản xuất, đẩy mạnh chuyển đổi số và đảm bảo lợi ích được chia sẻ một cách công bằng.

HUY VŨ