Đa dạng sinh học và thực tiễn tại Việt Nam

Theo các nhà khoa học, Việt Nam xếp thứ 16 trong số 25 quốc gia có đa dạng sinh học cao nhất thế giới. Báo cáo quốc gia về đa dạng sinh học cho biết ở Việt Nam có khoảng 7.500 loài chủng vi sinh vật; 20.000 loài thực vật bậc cao trên cạn và dưới nước; 10.500 loài động vật trên cạn; 1.000 loài cá nước ngọt; dưới biển có trên 7.000 loài động vật không xương sống, khoảng 2.500 loài cá và xấp xỉ 50 loài rắn biển, rùa biển và thú biển. Ngoài ra, Việt Nam còn có nhiều loại hệ sinh thái khác nhau như rừng nhiệt đới, đầm lầy nội địa, cát trắng, đồng bằng ven biển, cửa sông, thảm cỏ biển, rạn san hô và biển sâu. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia quan trọng nhất thế giới về bảo tồn linh trưởng với 25 loài linh trưởng được tìm thấy ở đây, trong đó 11 loài nguy cấp cực kỳ và ba loài chỉ có ở Việt Nam.

Vậy đa dạng sinh học là gì? Đa dạng sinh học là một từ khái quát để chỉ về các giống loài khác nhau trong tự nhiên. Các giống loài này bao gồm thực vật, động vật, vi sinh vật, các hệ sinh thái và các quá trình sinh thái mà các loài trên là một bộ phận trong đó.

Đa dạng sinh học có ý nghĩa vô cùng quan trọng với cuộc sống của chúng ta. Các thành phần của đa dạng sinh học - gen, loài và hệ sinh thái - cung cấp cho xã hội nhiều loại hàng hóa và dịch vụ. Ví dụ như các gen được sử dụng để phát triển các giống cây trồng mới; các loài được sử dụng cho nhiều loại thực phẩm, thuốc, và sản phẩm công nghiệp; và các hệ sinh thái cung cấp các dịch vụ như lọc nước và kiểm soát lũ lụt. Đa dạng sinh học cũng đảm bảo an ninh lương thực và sức khỏe của con người bằng cách cung cấp một loạt các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng và nguồn gốc của nhiều loại thuốc quý. Đa dạng sinh học là nền tảng của sự thích ứng liên tục đối với các điều kiện thay đổi và là nguồn tài nguyên thiên nhiên quan trọng cho sự phát triển bền vững.

Tuy nhiên con người chưa thực sự có ý thức cần phải bảo vệ đa dạng sinh học. Sự gia tăng dân số và nhu cầu tiêu dùng của con người đã dẫn đến sự tăng cường khai thác các tài nguyên sinh vật để đáp ứng nhu cầu về thực phẩm, nguyên liệu, thuốc men và giải trí. Chặt phá rừng bất chấp để lấy gỗ, đốt rừng làm rẫy, khai thác huỷ diệt thuỷ sản như nổ mìn, hoá chất đang được sử dụng, đặc biệt các vùng ven biển.

Theo một báo cáo mới được WWF Việt Nam và Cục Bảo tồn Đa dạng Sinh học (BCA) công bố, hai lĩnh vực có ảnh hưởng lớn nhất đến đa dạng sinh học ở Việt Nam là khai thác tài nguyên sinh vật (chiếm 38%) và chuyển đổi mục đích sử dụng đất (chiếm 32%).

Theo báo cáo của Global Forest Watch (GFW), Việt Nam có 14.5 triệu ha rừng tự nhiên vào năm 2010, chiếm hơn 50% diện tích đất nước. Trong năm 2021, Việt Nam đã mất 137 nghìn ha rừng tự nhiên, tương đương với 67.3 triệu tấn khí CO2 thải ra. Điều này làm giảm khả năng cung cấp các sản phẩm lâm nghiệp cho nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của con người, cũng như làm suy giảm các dịch vụ sinh thái do rừng cung cấp như bảo vệ đất, điều tiết khí hậu, lọc không khí, du lịch sinh thái... Nguyên nhân chính gây ra sự mất rừng là sự chuyển đổi đất sang nông nghiệp và khai thác gỗ trái phép.

Dưới tác động của những lời đồn thổi, hầu hết các sản phẩm hoặc bộ phận ĐVHD quý, hiếm đều được mua bán trái phép với giá “trên trời” kèm theo nội dung quảng cáo về tác dụng bị thổi phồng như có thể điều trị ung thư, chữa mọi chứng nan y. Nuôi nhốt ĐVHD làm linh vật phong thuỷ, thú cảnh; sử dụng sản phẩm từ ĐVHD làm đồ trang sức ngày càng có chiều hướng gia tăng. Khảo sát về tiêu thụ thịt động vật hoang dã do WWF -Việt Nam thực hiện năm 2021 cho thấy, điểm đến của 90% thú rừng bị săn bắt trái phép chính là các nhà hàng và các kênh tiêu thụ khác ở khu vực thành thị. Chỉ có 10% được tiêu thụ bởi những cá nhân sống gần khu vực săn, bẫy.

Không chỉ vậy sự phát triển chóng mặt của nền kinh tế cũng gây ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên. Việt Nam được đánh giá có tốc độ phát triển kinh tế nhanh trong khu vực và trên thế giới, bình quân 6,53%/năm trong giai đoạn từ năm 2000-2017 (số liệu của Tổng cục Thống kê). Các khu công nghiệp cũng xuất hiện ngày càng nhiều với mục đích tập trung các doanh nghiệp sản xuất, chế biến hàng hóa, thực hiện dịch vụ cho sản xuất công nghiệp.

Hậu quả của phát triển ồ ạt các khu công nghiệp chính là ô nhiễm môi trường. Diện tích các khu vực có các hệ sinh thái quan trọng dần bị thu hẹp. Nhiều vùng nước bị lấp đầy để lấy mặt bằng sản xuất, xây dựng nhà ở. Số loài và số lượng cá thể của các loại thực, động vật hoang dã có nguy cơ diệt vong, các nguồn gen hoang dã đang trên đà suy thoái nhanh.

Trong tổng số 232 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, hiện chỉ có 143 khu công nghiệp xây dựng được hệ thống xử lý nước thải và hơn 30 khu công nghiệp đang tiến hành xây dựng hệ thống này. Điều đáng nói là ngay cả số đã xây dựng thì hiệu quả xử lý cũng không cao.

Không chỉ phát sinh nước thải gây ô nhiễm, các khu công nghiệp còn gây ô nhiễm không khí từ nguồn khí thải và gây ô nhiễm đất từ lượng chất thải rắn, chất thải nguy hại không được thu gom, xử lý. Ô nhiễm khí thải chủ yếu đến từ các nhà máy cũ, sử dụng công nghệ lạc hậu hoặc chưa xây dựng hệ thống khử lý khí thải. Theo thống kê của Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, hiện nay, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang là nơi tập trung nhiều khu công nghiệp có phát thải gây ô nhiễm không khí nhiều nhất.

Rõ ràng áp lực phát triển kinh tế và bảo tồn đa dạng sinh học đòi hỏi các quốc gia phải thay đổi cách tiếp cận trong phát triển kinh tế, hướng đến một nền kinh tế phát triển bền vững, có thể thấy rằng Việt Nam cũng không thể tránh khỏi xu thế đó.

Đa dạng sinh học ở khu công nghiệp

Đa dạng sinh học trong khu công nghiệp Nam Cầu Kiền.
Đa dạng sinh học trong khu công nghiệp Nam Cầu Kiền.

Năm 2014 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án Triển khai sáng kiến khu công nghiệp sinh thái hướng tới mô hình khu công nghiệp bền vững tại Việt Nam với tổng vốn viện trợ không hoàn lại trên 4,5 triệu USD từ Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF), Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) và Tổ chức phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) được thực hiện trong thời gian 2015-2018.

Khu công nghiệp sinh thái ra đời nhằm tăng tính bền vững của sản xuất công nghiệp, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đảm bảo lợi ích kinh tế và xã hội của các khu công nghiệp. khu công nghiệp sinh thái liên quan đến mức độ phối hợp, hợp tác giữa các ngành công nghiệp, hay “cộng sinh công nghiệp”, trong đó năng lượng và nguyên vật liệu sản xuất bởi một ngành công nghiệp được tiêu thụ như là đầu vào của ngành hay doanh nghiệp khác. Thông qua việc hợp tác này, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp sinh thái có thể giảm thiểu các đầu vào, sử dụng hiệu quả hơn nguồn năng lượng cho sản xuất, đặc biệt là việc áp dụng sản xuất tuần hoàn, góp phần giảm thiểu, hướng đến triệt tiêu, các loại rác thải trong quá trình sản xuất. Có thể nói, nhờ mối quan hệ cộng sinh khu công nghiệp sinh thái có thể cải thiện hiệu suất môi trường, tăng lợi nhuận và thúc đẩy phát triển kinh tế vùng (UNC, 2008).

Trong thời gian từ tháng 1/2016 đến tháng 12/2021, có 8 khu công nghiệp ở Việt Nam tham gia thực hiện thí điểm chuyển đổi sang khu công nghiệp sinh thái với sự hỗ trợ kỹ thuật của UNIDO. Các khu công nghiệp gồm: Amata và Long Thành tại Đồng Nai, Deep C 1&2 tại Hải Phòng, Hiệp Phước tại TP Hồ Chí Minh, Hòa Khánh tại Đà Nẵng, Khánh Phủ tại Ninh Bình, Phố Nối A tại Hưng Yên và 1&2 tại Cần Thơ.

Mỗi năm, nhóm 68 doanh nghiệp thuộc 8 khu công nghiệp này tiết kiệm được hơn 17 triệu kWh điện, giảm 429 ngàn m3 nước và cắt giảm đáng kể khác về nguyên nhiên vật liệu và hóa chất, qua đó đem lại lợi ích kinh tế được quy đổi tương đương hơn 75,7 tỷ đồng mỗi năm, và những lợi ích cụ thể về cải thiện môi trường như mỗi năm giảm 1.155 tấn chất thải rắn, 36.470 m3 nước thải (năm), 34.216 tấn CO2 thải ra 3.288 tấn COD và 7.100 µg Teq PCDD/F.

"Rác thải là tài nguyên". Nền tảng chủ chốt của khu công nghiệp sinh thái là mối quan hệ cộng sinh giữa các doanh nghiệp. Trong mối quan hệ này, đầu ra, chất thải, phế liệu... của một doanh nghiệp trở thành đầu vào cho sản xuất kinh doanh của một doanh nghiệp khác, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả kinh tế và hạn chế tác động môi trường của sản xuất.

Ba khu công nghiệp Trà Nóc 1&2, khu công nghiệp Hoà Khánh, khu công nghiệp Khánh Phú đã đều thành công trong việc xác định và thực hiện các cộng sinh công nghiệp trong khu công nghiệp của mình. Đây là một trong các tiêu chí bắt buộc phải đáp ứng để trở thành khu công nghiệp sinh thái theo quy định tại Nghị định 82. Với tổng 18 cộng sinh công nghiệp đề xuất đem lại tỷ lệ lợi nhuận lên đến 150%, giúp cắt giảm 72.103 tấn CO2, giảm đáng kể lượng chất độc Dioxin và Furan thải ra mỗi năm.

Nhận thức về các lợi ích mang lại khi thực hiện cộng sinh công nghiệp đã được nâng lên đối với các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, đặc biệt là các khu công nghiệp đã thực hiện thí điểm hoặc ở các doanh nghiệp đã thực hiện giải pháp cộng sinh công nghiệp trước đó. Các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương liên quan đã đẩy mạnh tuyên truyền kiến thức về cộng sinh công nghiệp, khu công nghiệp sinh thái và tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tìm kiếm các liên kết cộng sinh công nghiệp góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp cụ thể hóa các tiềm năng cộng sinh công nghiệp của các doanh nghiệp.

Khuôn viên Vườn Nhật tại KCNST Nam Cầu Kiền
Khuôn viên Vườn Nhật tại KCNST Nam Cầu Kiền

Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền cũng là một mô hình điểm tiên phong về áp dụng Kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Đồng hành và đóng góp cho phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, Nam Cầu Kiền đã thành công trong phát triển khu công nghiệp sinh thái gắn với kinh tế tuần hoàn, mang đến nhiều hiệu quả lâu dài về môi trường đầu tư an toàn, xây dựng các chuỗi liên kết giá trị công nghiệp lợi ích tối đa cho doanh nghiệp, góp phần to lớn giảm thiểu các tác động môi trường và đồng thời đóng góp các giá trị sinh thái bên vững cho mai sau.

Ngay từ khi mới bắt đầu hoạt động (năm 2008), Nam Cầu Kiền đã được định hướng trở thành khu công nghiệp đa ngành với diện tích phủ xanh lớn và hệ thống hạ tầng phụ trợ xử lý phát thải. Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp có thể tận dụng phụ phẩm, phế thải của nhau làm đầu vào cho sản xuất.

Tháng 12 năm 2019, Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền với những nỗ lực của mình và sự khác biệt trong tư duy quản lý đã thành công trong việc trở thành đơn vị thí điểm xây dựng Khu công nghiệp sinh thái tại Hải Phòng nằm trong “Kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng xanh của thành phố”. Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền phối hợp với Trung tâm giảm thiểu Carbon Khu vực châu Á thành phố Kitakyushu và mạng lưới Ecotown ký kết “Biên bản thỏa thuận hợp tác xây dựng thí điểm mô hình Khu công nghiệp sinh thái tại Nam Cầu Kiền” góp phần đánh dấu thêm sự hợp tác gắn bó giữa hai thành phố.

Cho đến nay, Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền đã hoàn thiện được 8 tiêu chí trong Nghị định 82/NĐ-CP/2018 và đang tiếp tục đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu các giải pháp quản lý hiệu quả với mục tiêu nhân rộng và phát triển nhiều hơn nữa các mô hình khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam.

KCN Nam Cầu Kiền đã xây dựng thành công Khu Công Nghiệp Sinh Thái theo đúng nghĩa (Nguồn photo: Nam Cầu Kiền)
KCN Nam Cầu Kiền đã xây dựng thành công Khu Công Nghiệp Sinh Thái theo đúng nghĩa (Nguồn photo: Nam Cầu Kiền)

Nam Cầu Kiền - Môi trường sống hài hoà giữa con người và thiên nhiên

Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền sẵn sàng dùng hơn 30% trong tổng số gần 300 hecta đất để sử dụng cho các công trình xanh.

Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp cũng được đặc biệt khuyến khích trồng nhiều cây xanh, vườn tiểu cảnh và cây bóng mát trong các khoảng vườn trước nơi làm việc và các phân xưởng.

Hệ thống thực vật trong khu công nghiệp rất đa dạng, gồm có nhiều tầng khác nhau, giữa các tầng thực vật có mối liên kết và tương trợ lẫn nhau chặt chẽ, góp phần nâng cao cảnh quan trong khu vực. Ngoài ra, các tầng thực vật cũng cung cấp môi trường sống tự nhiên cho các loài sinh sản, trú ẩn, thụ phấn. Theo ước tính, hệ thống thực vật tại Nam Cầu Kiền hấp thụ được 6791,44 tấn CO2/ năm.

Tầng thực vật trên cao gồm các cây như bạch đàn, phi lao, long nhãn... Đây là những cây có khả năng sinh trường tốt, phát triển nhanh, dễ dàng thích ứng với môi trường, chịu được nắng nóng, khô hạn. Không chỉ có tác dụng chắn bụi, chắn gió, các loại cây này còn là một cái máy quang hợp rất hiệu quả. Điều đó có nghĩa là rất nhiều carbon lơ lửng ngoài không khí được thu nạp và quản lý tốt, điều đó tăng việc cải thiện độ phì nhiêu của đất. Khả năng tích tụ CO2 ở lá, thân, cành 46,71 ± 4,9 tấn/ha. Các tác dụng khác như lấy gỗ, làm thuốc.

Tầng thực vật trung gian có nhiều cây xanh cảnh quan và các loại cây ăn quả đa dạng phong phú. Cây xanh cảnh quan là những cây có giá trị thẩm mỹ cao, tạo bóng mát, điều hòa khí hậu và làm đẹp cho cảnh quan sân vườn. Một số loại cây xanh cảnh quan tiêu biểu ở tầng này là chà là, đa, tre, gạo, phong linh, phượng hoàng lửa, ban, phượng, huỳnh liên,...

Ngoài ra còn các loài hoa sinh trưởng và tạo phong cảnh đẹp trong khu vực như hoa hồng, hoa mười giờ, hoa giấy, thiên điểu, ngọc bút, dừa cạn, cây lan...

Các loại cây ăn quả là những cây có giá trị kinh tế cao, cung cấp nguồn dinh dưỡng và vitamin, vừa cung cấp thực phẩm cho nhân viên trong khu công nghiệp, vừa có giá trị về kinh tế. Một số loại cây ăn quả tiêu biểu trong khu công nghiệp như xoài, đu đủ, bưởi, nhãn, hồng xiêm, chuối, rau,...

Tầng thảm cỏ gồm có cỏ lạc, cỏ Nhật, cỏ ba lá... Cỏ bề mặt giúp bám giữ đất, hấp thụ CO2. 1ha thảm có có thể hấp thụ 360kgCO2/ngđ, thải ra 240kg O2/ngđ.

Hệ thống cây xanh tầng mặt nước nhằm thanh lọc nguồn nước thải sau xử lý, nước cảnh quan cho suối, hồ, thác, tạo môi trường sống cho các loài thuỷ sản. Các loại thực vật được ưu tiên như sen, súng, thuỷ trúc, cỏ đồng tiền, chuối hoa...

Ngoài ra quản lý nguồn nước cũng đóng vai trò rất quan trọng trong bảo vệ đa dạng sinh học.Nhà máy xử lý rác thải chính là trái tim của khu công nghiệp Nam Cầu Kiền. Để tận dụng nguồn nước, tiết kiệm tài nguyên, khu công nghiệp đã nghiên cứu thiết kế mô hình sản xuất nước sạch tuần hoàn từ chính nguồn nước thải. Nước thải từ các nhà máy sau khi xử lý được đưa trở lại để nuôi dưỡng cây xanh, rửa đường, trở thành môi trường sống cho các loài thuỷ sản và một phần quay lại cho các khâu sản xuất. Để cá có sức khoẻ vững bền, nước nuôi cá phải luôn được giữ trong sạch, chất lượng nước, nhiệt độ, pH, NH3... Nồng độ pH luôn phải từ 7 – 7.5, kiểm soát nồng độ oxy trong phạm vi cho phép. Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền đã tạo được những hồ nuôi cá từ chính nguồn nước thải như hồ điều hoà nuôi cá trê, rô phi; và các hồ nuôi cá Koi.

Cao hơn nữa, Nam Cầu Kiền hướng tới đạt được lượng phát thải bằng 0 với việc xây dựng các hệ kinh tế tuần hoàn. Hiện nay khu công nghiệp đã xây dựng được 3 hệ kinh tế tuần hoàn. Hệ kinh tế tuần hoàn ngành thép bao gồm 18 nhà đầu tư tạo thành chuỗi khép kín các dịch vụ sản xuất, logictics, tiêu thụ sản phẩm, xử lý chất thải làm nguyên liệu phục vụ sản xuất các ngành công nghiệp khác, đem lại giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Tiếp theo là hệ kinh tế tuần hoàn ngành nhựa, một chuỗi sản xuất xử lý tái chế các nguyên liệu nhựa phế thải thành hạt nhựa nguyên sinh và sản phẩm nhựa phục vụ làm nguyên liệu cho các nhà máy. Thứ ba là hệ kinh tế tuần hoàn ngành điện điện tử và công nghiệp phụ trợ đem lại giá trị cao, rút ngắn công đoạn cung ứng nguyên liệu cho các nhà máy lớn tiết kiệm được nhiên liệu, nguyên liệu phục vụ sản xuất.

Quy hoạch đa dạng sinh học phải đảm bảo hài hoà giữa bảo tồn và phát triển kinh tế. Từ đó, tất cả các mối liên kết cộng sinh này sẽ là một chuỗi giá trị gia tăng khép kín đem lại lợi nhuận cho từng nhà máy, từng công đoạn sản xuất và đem đến giá trị xã hội của từng sản phẩm. Phấn đấu đến hết năm 2024, khu công nghiệp Nam Cầu Kiền sẽ trung hoà được rác thải.