Kỷ niệm 46 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2021) Người lính được xét kết nạp Đảng trước cửa Dinh Độc Lập
Những trận đánh lịch sử
Chúng tôi gặp ông vào một ngày tháng Tư khi ngoài phố những cánh hoa bách hợp theo chân người bán hàng rong ruổi khắp phố phường, báo hiệu đất trời sắp chuyển mùa. Căn nhà nằm sâu trong một con ngõ trên phố Đại Từ (quận Hoàng Mai – Hà Nội) yên tĩnh, vắng vẻ khi chỉ có mình ông ở nhà. Vợ và các con đều bận bịu với công việc, giờ đây người lính trẻ năm xưa mái tóc đã bạc, hàng ngày ở nhà vui thú điền viên và tham gia các hoạt động xã hội của phường, quận.
Chẳng để chúng tôi hỏi nhiều, sau vài lời giới thiệu, ông lần lượt đưa chúng tôi quay trở về quá khứ của những năm 1970. Ký ức của người đàn ông sắp vào ngưỡng tuổi “cổ lai hy”, trải qua bao phen sinh-tử vẫn rất rõ nét, sống động như những thước phim quay chậm.
Khi ấy, tuổi mới 18-19, chàng trai Lê Văn Chinh ghi danh vào bộ đội, nhưng bị loại “ngay từ vòng gửi xe” vì sức khỏe chỉ đạt hạng B3. Bằng quyết tâm và lòng yêu nước, cuối cùng ông cũng được đi bộ đội. Buổi lễ tiễn quân, cả làng Đại Từ khi ấy xúc động tiễn 7 người ra chiến trường. Nhưng vì một sơ suất nào đó, chỉ có 6 nắm cơm được chuẩn bị để cho những người lính ra trận ăn trên đường hành quân. Thế là 6 nắm cơm được san sẻ, chia ra thành 7, vừa vặn cho anh lính Lê Văn Chinh mang theo lên đường. Cũng trong buổi lễ, Lê Văn Chinh được kết nạp vào Đoàn.
Vậy là, như bao chàng trai thời ấy, một ba lô, cây súng trên vai, Lê Văn Chinh vào chiến trường và lần lượt trải qua những năm tháng quân ngũ đầy gian khó mà cũng rất đỗi tự hào.
Cùng đồng đội, ông đã trải qua những trận đánh nổi tiếng như: La Vang, giải phóng Quảng Trị, Thừa Thiên, Mỹ Chánh, Thượng Đức,… Nhưng vinh quang cũng đi cùng mất mát, sau nhiều trận đánh vang danh, khiến kẻ thù chỉ nghe tiếng trung đoàn 66, Sư 304 là bỏ chạy tháo thân, đồng đội của ông chỉ còn đúng một người, còn lại đều hi sinh. Nói đến đây, nước mắt bỗng tuôn rơi trên khuôn mặt lầm tấm đồi mồi của người lính từng vào sinh ra tử. Ông cho biết, hàng năm vẫn dành thời gian đi tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, đồng đội mình. Có lẽ, đó là việc làm thôi thúc một cách tự nhiên về trách nhiệm của người còn sống với đồng đội suốt những năm qua.
Ngày 30/4 không thể nào quên
Ngày giải phóng, thống nhất đất nước, dĩ nhiên đã đi vào lịch sử với mốc son chói lọi. Nhưng với riêng người lính Lê Văn Chinh, ngày này cũng đi vào lịch sử của cuộc đời ông. Sáng sớm ngày 30/4/1975, sau khi chiến thắng tại căn cứ Nước Trong, Tam Hiệp, Hố Nai, những cứ điểm cuối cùng trên đường tiến vào dinh lũy ngụy quân, ông cùng đồng đội cơ động bằng xe cơ giới, tiến thẳng vào Dinh Độc lập. Bữa ấy, trời Sài Gòn mưa lất phất. Ông là một trong những người lính đầu tiên tiến vào tiếp quản Dinh, giải giáp lính Việt Nam Cộng hòa, hạ cờ và tháo ảnh Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu từ bức tường lớn trong Dinh Độc lập. “Lúc đó những người phía bên kia đều sợ bị bắn, nhưng chúng tôi đã trấn an họ rằng, chúng tôi đảm bảo an toàn cho họ” – ông Chinh nhớ lại. Rồi những gì diễn ra tiếp theo đã được lịch sử ghi nhận và truyền lại đến nay. Sau khi công việc tiếp quản đã xong, niềm vui chiến thắng dường như được nhân đôi với anh lính trẻ Lê Văn Chinh khi chi bộ tổ chức xét kết nạp vào Đảng cộng sản Việt Nam ngay tại thềm Dinh Độc lập trong những ngày đất nước hân hoan niềm vui chiến thắng. Quả là một sự thú vị của lịch sử, ngày lên đường nhập ngũ, anh được kết nạp vào Đoàn, và 4 năm sau người lính trẻ đã được kết nạp vào Đảng.
Người lính ấy khi ra đi chỉ mang theo một nắm cơm được san sẻ cùng đồng đội, và số tiền 1 đồng được bố cho. “4 năm trong quân ngũ không có dịp để tiêu, nên ngày giải phóng tôi đã ra chợ để mua đồ ăn và tiêu hết số tiền đó, lúc đó sướng lắm, giải phóng rồi mà, sống rồi” – ông Chinh kể lại.
Bốn năm quân ngũ trong đội hình Sư đoàn 304, ông đã tham dự gần 100 trận đánh lớn nhỏ, kết thúc chiến dịch giải phóng miền Nam năm 1975, ông được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba, một phần thưởng xứng đáng dành cho người lính cụ Hồ.
Sau ngày chiến thắng, ông có nhiều lựa chọn, từ làm công tác quản lý cho đến trở thành sĩ quan quân đội. Nhưng như nhiều người khác, ông chọn trở về Hà Nội làm một công dân bình thường của một đất nước thống nhất, tự do, độc lập. Trải qua nhiều công việc, đến nay ông luôn nhận được sự tín nhiệm của đồng nghiệp và nhân dân, vẫn ngày ngày góp sức cùng địa phương trong các hoạt động đoàn thể dù sức khỏe yếu (thương binh hạng 2/4.
Trải lòng trước những ngày tháng Tư lịch sử, ông cho rằng chiến thắng mùa Xuân năm 1975 đã đưa đất nước sang trang sử mới, trang sử của sự thống nhất, độc lập và tự do và phát triển. Đến nay, trải qua hơn 40 năm, đất nước có nhiều đổi thay tích cực, cần được nhân lên những điều tốt đẹp hơn, để không phụ lòng những người đã nằm xuống cho ngày thống nhất đất nước. “Những giá trị đã và đang hun đúc, tạo thành sức mạnh đoàn kết để mỗi chúng ta nỗ lực phấn đấu xây dựng đất nước ta “Đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như lời mong ước của Bác Hồ. Riêng đối với thế hệ trẻ hôm nay, tôi muốn nói rằng, mỗi phút giây lịch sử đã phải đổi bằng bao xương máu, đó như là lời nhắn gửi, là hành trang để các bạn luôn mang theo bên mình trên bước đường học tập, lao động và công tác, kế tục sự nghiệp cha ông, nối dài thêm “Mùa xuân toàn thắng” trên mặt trận mới” – cựu chiến binh Lê Văn Chinh chia sẻ.
BÍCH NGA – DUY KHÁNH