Làm gì để lành mạnh thị trường sách hiện nay?
Thị trường sách: trăm hoa đua nở
Sách từ lâu vốn dĩ đã là món ăn tinh thần không thể thiếu được đối với nhiều người bởi nó là kho trí thức bất tận của nhân loại, nó cung cấp cho độc giả một khối lượng kiến thức khổng lồ trong mọi lĩnh vực đời sống để từ đó hình thành và tạo nên một thói quen gọi là văn hoá đọc.
Đới với những người đam mê đọc thì từ việc đọc này họ lại tạo cho mình một niềm đam mê nữa là tự mày mò tìm kiếm những cuốn sách có nội dung hay, trình bày đẹp hoặc có những điểm đặc trưng nổi bật theo sở thích của mỗi cá nhân để lưu giữ cho mình như một tài sản riêng. Và vậy là sưu tầm sách đã ra đời như là một “nghề” của những người đam mê sách.
Theo “bật mí” của một người được coi là chuyên gia trong việc sưu tầm sách thì để trở thành người sưu tầm sách, đầu tiên phải là người thật sự đam mê sách, đam mê những giá trị và vẻ đẹp do những cuốn sách mang lại. Thứ hai là phải có hiểu biết, có kiến thức. Không có hiểu biết thì chơi rất nông cạn, không có sự mở mang, không có sự thăng tiến trong bộ sưu tập. Thứ ba quan trọng không kém là tiền. Theo nhịp sống xã hội, thú chơi sách cũng có nhiều biến đổi. Giới trẻ bây giờ thích sưu tầm sách ấn bản đặc biệt với những thiết kế ấn tượng và có độ “hot” trên trị trường.
Có lẽ, để đáp ứng được thú vui và tạo ra một trào lưu mới cho giới sưu tầm sách – đặc biệt là đối với giới trẻ – những năm gần đây, nhiều nhà xuất bản cũng như các công ty kinh doanh các sản phẩm văn hoá đã tập trung chăm chút, đầu tư vào những “đứa con tinh thần” của mình để cho ra đời những ấn bản sách đặc biệt.
Dạo qua một vòng thị trường sách hiện nay, độc giả như bị mê hoặc bởi những ấn phẩm sách xuất hiện trên các quầy sách. Không chỉ đa dạng về chủng loại mà dường như các đơn vị phát hành đã thổi hồn vào những cuốn sách đó bằng những cách thiết kế, trình bày ấn tượng, trau chuốt và tinh tế. Điều này không chỉ thay đổi diện mạo của thị trường sách mà còn góp phần nâng tầm giá trị của văn hoá đọc cho công chúng. Và đối với những người có thu vui sưu tầm sách thì đây là một cơ hội không thể bỏ qua để có thể bổ sung cho bộ sưu tập của mình những cuốn sách hay, độc và lạ. Những cuốn sách này luôn tạo ra sự khác biệt và thu hút được sự chú ý của giới sưu tầm sách bởi nó được trình bày đẹp đẽ, công phu và được các nhà xuất bản gọi là các “ấn bản đặc biệt” (hay còn được gọi là phiên bản S – Special) để phục vụ thú chơi, sưu tầm sách của độc giả. Các phiên bản giới hạn đặc biệt mà giới trẻ hay sưu tầm là S50, S100, S500….
Tạo dấu ấn bằng việc “độ” bìa sách?
Đối với giới sưu tầm sách trẻ hiện nay thì Công ty CP Văn hoá Đông A đang là một đơn vị thuộc hàng “top” trong việc cho ra đời những ấn phẩm sách đặc biệt kiểu này.
Còn nhớ vào khoảng tháng 12.2020, trong bài trả lời phỏng vấn của Doanh nhân Sài Gòn online, ông Trần Đại Thắng – Giám đốc công ty Cổ phần Văn hoá Đông A (sau đây xin được gọi là công ty Đông A) đã cung cấp thông tin cho biết : Ý tưởng làm các phiên bản sách đặc biệt đã hình thành ngay từ khi Đông A mới thành lập, tức là 16 năm trước, từ năm 2004. Tên gọi S100, logo của bộ sách… đều đã định danh, định hình từ những ngày đó.
Có lẽ để hiện thực hoá ý tưởng đó nên Công ty Đông A liên tục cho ra đời những cuốn sách với phiên bản đặc biệt. Trên trang fanpage Đông A Gallery hiện đang giới thiệu rất nhiều mẫu sách do Đông A phát hành. Điều đặc biệt là những cuốn sách này được thiết kế phần bìa rất bắt mắt với những hoạ tiết cầu kỳ, màu sắc rực rỡ và đa dạng về chất liệu thể hiện.
Ví dụ cụ thể như ấn bản Cuốn theo chiều gió, Đông A Gallery mô tả cụ thể cuốn sách này có phần bìa sách được bọc bằng da bò màu xanh Avocado nhập khẩu chính hãng từ thành phố Vicenza, Italia. Lõi bìa kết cấu 3 lớp gồm MDF và carton chống cong vênh, các cạnh bìa đều được mài tay vát cạnh để tạo sự mềm mại và thanh thoát với phần hoa văn dập chìm. Tên sách, tên tác giả và họa tiết làn gió mạ nhũ vàng và nhũ nâu. Bìa 4 có logo chữ V. Được biết ấn bản đặc biệt này thuộc loại S100 (tức là chỉ có 100 cuốn như thế này được phát hành).
Hoặc như cuốn Napoleon Bonaparte được mô tả: Bìa sách được bọc bằng da PU. Hoa văn dập chìm. Tên sách và một số họa tiết ép nhũ. Sách có 3 màu: màu xám Smoke, màu xanh Navy, màu đỏ Santa Claus. Cũng theo lời giới thiệu trong Đông A Gallery thì cuốn sách này thuộc loại S500 tức là chỉ có 500 bản giới hạn, đánh số nhảy NP 001 đến NP 500. Mỗi bản được phát hành đều là duy nhất.
Phải thừa nhận một điều là những cuốn sách được “độ” bìa của Công ty Đông A đều được thực hiện khá công phu. Cách ‘độ’ bìa là sử dụng những vật liệu cao cấp như da, gỗ, giấy cao cấp, vàng, trạm khắc hoa văn… để thay đổi diện mạo bên ngoài của cuốn sách giúp nó trở nên đẹp hơn, sang trọng hơn và có giá trị hơn. Nếu so sánh với những cuốn sách cũ có phần bìa xộc xệch, màu nâu xỉn hoặc ố vàng thì những cuốn sách mới dạng S này đã thổi một làn gió mới vào xu hướng sưu tầm sách của những người đam mê, mang lại sự hấp dẫn, mới mẻ và tạo ra một diện mạo mới đối với công chúng.
Không biết việc “độ” lại bìa sách đã tạo ra một xu hướng đón nhận mới của giới sưu tầm hay là sức tiêu thụ của thị trường sách S quá lớn hay không mà ngoài các đầu sách thông thường thì Đông A còn liên tục cho ra đời các ấn phẩm phiên bản S. Theo lời kể của một người có thể nói là chuyên gia về lĩnh vực sách S thì cho đến thời điểm hiện nay công ty Đông A đã cho xuất bản gần 30 đầu sách với những phiên bản giới hạn đặc biệt. Có thể kể đến những ấn phẩm như Bố già (S100), Kiêu hãnh và Định kiến (S100), Hán Sở diễn nghĩa (S100), Khát vọng sống (S100), Một chiến dịch ở Bắc kỳ (S500), Quo Vadi (S500), Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp (S500), Truyện cổ Grimn (S500), Đông Dương xinh đẹp và kỳ vĩ (S365), Napoleon Bonaparte (S500), Việt Nam sử lược (S500), Cuốn theo chiều gió (S365)…..và nhiều ấn phẩm loại S khác nữa.
Như vậy nếu chỉ tính sơ sơ thì các ấn phẩm phiên bản S do Đông A phát hành ra ngoài thị trường đã lên tới hàng nghìn cuốn. Điều đó chứng tỏ định hướng phát triển của công ty Đông A đã đúng với kỳ vọng của ông Trần Đại Thắng khi dám mạnh dạn đem đến một luồng gió mới vào thị trường của các nhà sưu tầm sách hiện nay.
Vậy nhưng việc “độ” lại bìa sách có tuân thủ theo đúng luật?
Để có thêm những thông tin cụ thể về một thị trường vô cùng thú vị này, phóng viên đã tìm hỏi ý kiến những chuyên gia có thâm niên về việc chơi sách, sưu tầm sách.
Theo lời chuyên gia này thì trên thế giới, thú chơi sách như thế này đã có từ lâu và ở Việt Nam cũng không còn là ngoại lệ. Ngay từ thời xa xưa, người sưu tầm đã tìm kiếm để sở hữu cho mình các phiên bản đặc biệt thường có chữ ký, triện son của tác giả hoặc dịch giả. Bìa sách được thiết kế riêng thủ công, có thể mạ vàng, bọc vải, đánh số thứ tự cho từng cuốn khiến ấn bản trở nên đặc biệt và duy nhất. Và cũng chỉ có số ít những người đam mê và am hiểu về sách mới có thú chơi đó.
Cũng theo lời vị chuyên gia này, những cuốn sách khi đã được sưu tầm thì nó trở thành tài sản riêng của người sưu tầm, họ có thể làm bất cứ điều gì đối với tài sản của mình như giao lưu, trao đổi với người cùng sở thích hoặc bảo quản nó bằng cách “chế” hoặc “độ” lại bìa sách theo cách của riêng mình.
Tuy nhiên đối với các đơn vị xuất bản và phát hành sách thì việc “độ” lại bìa sách cần tuân thủ các quy định của pháp luật về xuất bản, in ấn và phát hành các ấn phẩm văn hoá, cụ thể là phải thực hiện theo đúng các quy định được nêu rõ trong Luật Xuất bản năm 2012.
Để tìm hiểu kỹ hơn, chúng tôi đã “mục sở thị” cuốn Napoleon Bonaparte phiên bản giới hạn S500 do Công ty Văn hoá Đông A phối hợp với Nhà xuất bản Văn học phát hành vào tháng 4.2021 mới đây và đã được chuyên gia này chỉ ra những dấu hiệu bất thường của cuốn sách.
Cụ thể phần bìa trước của cuốn sách này không ghi tên nhà xuất bản, không ghi tên Công ty Đông A, không ghi tên tác giả, tên dịch giả; gáy sách không có tên và logo của nhà xuất bản; bìa sau không ghi giá sách, không hiển thị mã vạch, số ISBN. Với những thiếu sót này có thể nhận thấy Công ty Đông A đã có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng Luật Xuất bản hiện hành của Việt Nam (Điều 27 Luật Xuất bản 2012).
Đối với độc giả thì việc ghi đầy đủ thông tin trên bìa sách là thể hiện sự tôn trọng của đơn vị phát hành; sự tôn trọng đối với tác giả, dịch giả, và quan trọng nhất là sự tôn trọng đối với pháp luật Việt Nam mà ở đây là Luật Xuất bản 2012.
Ngoài dấu hiệu vi phạm Luật Xuất bản 2012, cuốn sách này còn bị nghi vấn là đã vi phạm nghiêm trọng thông tư 05/2016/ TT- BTTTT của Bộ Thông tin & Truyền thông về việc quản lý và sử dụng mã số sách tiêu chuẩn quốc tế (mã ISBN), cụ thể là các nội dung được quy định tại điều 6 và điều 7 của Thông tư này.
Tìm hiểu các đầu sách tiếp theo, chúng tôi cũng nhận thấy rất nhiều các ấn phẩm phiên bản S do Đông A phát hành đều có chung lỗi này. Có thể kể đến các ấn phẩm như Truyện cổ Grimn, Cuốn theo chiều gió, Bố già….
Không những thế, căn cứ vào quy định phải nộp bản lưu chiểu sau khi in, chúng tôi đã tìm đến thư viện Quốc gia để tra cứu thông tin liên quan đến cuốn Napoleon Bonaparte thì điều bất ngờ là trên hệ thống lưu trữ và tra cứu của Thư viện Quốc gia không cho ra kết quả tìm kiếm của ấn phẩm này.
Như vậy, để lành mạnh hoá thị trường sách hiện nay, đưa sách về quỹ đạo vốn có của nó và góp phần nâng tầm tri thức văn hoá cho nhân loại, tạo được sân chơi công bằng cho các nhà sưu tầm sách đồng thời cũng là dịp để chấn chỉnh lại những hoạt động mang tính tự phát trong lĩnh vực này thì rất cần sự chung tay vào cuộc của những người có trách nhiệm.
PV