Muốn thành công, ngành năng lượng cần đầu tư mạnh cho công nghệ
(KDPT) – Để phát triển năng lượng quốc gia bền vững, việc ứng dụng công nghệ được coi là mấu chốt trong bối cảnh hiện nay. Do đó, trong các ngành điện, than, dầu khí đã chứng kiến sự đầu tư mạnh mẽ vào khoa học và công nghệ (KH&CN).
Thời gian qua, mô hình trạm biến áp không người trực cấp điện áp 110 kV và 220 kV được nghành điện triển khai trên diện rộng. Công nghệ cao cũng được ứng dụng trong việc phát triển nguồn điện, lưới điện, hệ thống điều khiển – điều độ – thông tin – viễn thông điện lực. Hay trong ngành dầu khí, đã triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu lớn về dầu khí, thống nhất định dạng các tài liệu để ứng dụng vào công tác thăm dò, khai thác dầu khí.
Đặc biệt trong công nghiệp mỏ, đã hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất thử nghiệm dầu thủy lực vi nhũ ở quy mô công nghiệp 500 tấn/năm và thử nghiệm thành công tại Tổng công ty Đông Bắc. Đây là sản phẩm quan trọng phục vụ khai thác than, có nhu cầu sử dụng hàng năm khoảng 4.000 tấn, tuy nhiên phần lớn phải nhập khẩu từ nước ngoài. Dầu thủy lực vi nhũ từ quá trình sản xuất thử nghiệm có giá thành chỉ bằng 63,2% so với giá của sản phẩm nhập khẩu.
Đây là một trong các ví dụ cho thấy sự đóng góp và sức lan tỏa của KH&CN trong ngành năng lượng. Trước vấn đề này, ông Nguyễn Văn Vy – Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam – khẳng định, ngành dầu khí hiện đang ứng dụng những công nghệ hiện đại nhất so với các ngành công nghiệp khác ở trong nước. Hoạt động KH&CN được triển khai ở tất cả khâu thượng nguồn – trung nguồn – hạ nguồn, các lĩnh vực kinh tế, quản lý, an toàn và môi trường dầu khí.
Còn trình độ KH&CN ngành điện đã tiệm cận trình độ tiên tiến trong khu vực với rất nhiều nghiên cứu và ứng dụng thành tựu KH&CN vào lĩnh vực sản xuất – kinh doanh. Ngành than cũng đã chủ động nghiên cứu công nghệ tiên tiến, đầu tư đổi mới, hiện đại hóa công nghệ. Phần lớn các đơn vị hầm lò đã thực hiện đồng bộ thiết bị cơ giới hóa trong khai thác.
Nâng cao tỷ lệ nội địa hóa
Theo Bộ KH&CN, thời gian qua, Bộ đã hợp tác, phối hợp với các cơ quan có liên quan nỗ lực thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển KH&CN, nhằm tạo môi trường pháp lý thuận lợi nhất để thúc đẩy chuyển giao công nghệ, đổi mới công nghệ nói chung và trong ngành năng lượng nói riêng. Đáng chú ý, trong Chiến lược phát triển KH&CN đến năm 2020, Bộ KH&CN đã xác định chú trọng đẩy mạnh nghiên cứu làm chủ công nghệ chế tạo thiết bị nhà máy thủy điện, nhiệt điện công suất trung bình và lớn; nghiên cứu ứng dụng các dạng năng lượng mới, năng lượng tái tạo cũng như nghiên cứu các giải pháp KH&CN nhằm sử dụng tiết kiệm và hiệu quả trong các khâu sản xuất, truyền tải và tiêu thụ năng lượng.
Ông Nguyễn Văn Vy cho rằng, để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp năng lượng, Việt Nam cần nghiên cứu nâng cao tỷ lệ nội địa hóa trong các dây chuyền thiết bị đồng bộ của các nhà máy nhiệt điện, thủy điện; các giàn khoan khai thác dầu khí và các thiết bị, kết cấu siêu trường, siêu trọng khác phục vụ ngành công nghiệp dầu khí. Nghiên cứu, nhập khẩu công nghệ, chuyển giao và phát triển công nghệ nhằm làm chủ chế tạo các thiết bị năng lượng.
Bên cạnh đó, khuyến khích, hỗ trợ hình thành, phát triển các tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong doanh nghiệp, đặc biệt là tại các tập đoàn kinh tế. Đa dạng hóa các hình thức đầu tư trong chế tạo các thiết bị năng lượng. Xây dựng, phát triển các tập đoàn mạnh trong chế tạo các thiết bị năng lượng.
Quỳnh Nga