ISSN-2815-5823
HÀ THU
Thứ năm, 16h44 14/09/2023

Nhiều dự báo thị trường BĐS sẽ "ấm" trở lại vào năm 2024

(KDPT) - Từ cuối năm 2022 đến nay, thị trường bất động sản gần như đóng băng. Bất động sản Việt Nam đang chứng kiến giai đoạn trầm lắng và các giao dịch gần như bất động. Trên đà trượt dài, các nỗ lực về Chính sách nhằm kéo lại thế lực cho thị trường nhưng tác động còn chậm do Chính sách mang tính độ “trễ”. Nhiều dự báo cho răng, phải chờ đến năm 2024, thị trường bất động sản mới "ấm" trở lại.

Nhìn vào thực trạng của thị trường BĐS

Bắt đầu từ cuối quý IV/2022, đến nay, doanh nghiệp và người dân đang phải trải qua thời kì khó khăn của thị trường bất động sản. Thị trường BĐS đóng băng, các giao dịch gần như không có, bên bán thì ế ẩm, bên mua thì dè chừng.

Số lượng doanh nghiệp bất động sản tuyên bố ngưng hoạt động, giải thể tăng đáng kể so với cùng kì năm 2022. Đa số các doanh nghiệp phải giảm quy mô đầu tư từ cơ sở vật chất, quy mô dự án, tái cơ cấu nợ và tinh giản tối đa bộ máy nhân sự hoạt động nhằm tối ưu hóa chi phí vận hành. Nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn kẹt trong dòng vốn, ách tắc pháp lý khiến đình trệ dự án, tiến thoái lưỡng nan.

Thị trường bất động sản đối diện với nhiều khó khăn, thách thức
Thị trường bất động sản đối diện với nhiều khó khăn, thách thức.

Môi giới mất việc làm, ghi nhận tình trạng cắt giảm nhân sự là môi giới bất động sản từ cuối năm 2022. Theo khảo sát của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, số lượng nhân viên môi giới bất động sản hiện nay hoạt động trên thị trường chỉ còn khoảng 30-40% so với thời điểm cuối năm 2022. Riêng trong 5 tháng năm nay, các doanh nghiệp môi giới đã tiếp tục sa thải thêm 10-20% nhân sự so với cuối năm 2022. Thị trường ghi nhận một lượng lớn môi giới bất động sản phải nghỉ việc cả vì lý do chủ động do thu nhập không đủ sống, và bị động do doanh nghiệp sa thải, doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, doanh nghiệp phá sản…

Về phía nhà đầu tư, nhiều người cho biết, phải ôm nợ vì cố gồng lãi bất động sản. Nhiều nhà đầu tư tiến hành thoái thác bất động sản bằng hình thức rao bán cắt lỗ, trả nợ ngân hàng nhưng càng bán càng không có người mua. Nhất là thị trường bất động sản tỉnh. Theo giới đầu tư, chỉ khu đô thị, trung tâm thành phố lớn, cư dân đông, thanh khoản của bất động sản mới khả quan. Đối với loại hình đất đấu giá, đất thổ cư ở khu vực mật độ dân cư thấp, gần như thị trường đóng băng. Đây là nỗi ám ảnh với những nhà đầu tư vay ngân hàng mua đất, đứng trước khoản nợ gốc lãi lớn.

Ở góc độ kinh tế, dòng vốn chảy vào bất động sản đóng băng khi trái phiếu bị siết chặt trong khi đó, lãi suất cho vay ngân hàng cũng tăng cao, có những ngân hàng cho vay với lãi suất lên tới 14%/năm.

Từ nhiều yếu tố khách quan, chủ quan khiến thị tường bất động sản trên dà rơi tự do, mà chưa tìm được lối ra. Trước những khó khăn ấy, Nhà nước, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách tích cực giúp khơi thông thị trường bất động sản. Giới chuyên gia cho rằng những chính sách được đưa ra là kịp thời, nhanh chóng tuy nhiên, chúng lại mang tính độ trễ khiến thị trường chưa thể xốc lại tinh thần ngay lập tức mà phải chờ thời gian ngấm dần. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp bất động sản chất lượng chứng minh khả năng tồn tại khi thị trường gặp khó khăn.

Thị trường sẽ "ấm" trở lại vào năm 2024?

Chia sẻ tại một sự kiện mới đây, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, tình hình kinh tế - xã hội trong nước vừa trải quãng thời gian đặc biệt khó khăn trong những tháng đầu năm 2023. Riêng ngành Xây dựng đã phải đối mặt với sự sụt giảm ở hầu hết các phân khúc thị trường xây dựng trong 6 tháng đầu năm.

Nhận định về thị trường, bộ trưởng cho biết: "Tình hình kinh tế - xã hội cả nước và ngành xây dựng đã có sự chuyển biến tích cực trong những tháng gần đây. Các dự án bất động sản đã và đang được tháo gỡ sẽ góp phần đảm bảo nguồn cung, thúc đẩy thị trường trong thời gian tới. Dự báo thị trường bất động sản sẽ ấm dần lên trong các tháng cuối năm và có sự phát triển trở lại trong năm 2024, đồng thời sẽ kéo theo nhu cầu của thị trường vật liệu xây dựng, thị trường lao động".

Thị trường bất động sản đối diện với nhiều khó khăn, thách thức

Trước những tác động tích cực từ thị trường như: từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã giảm 4 lần các mức lãi suất điều hành với tổng mức giảm từ 0,5 - 2,0%/năm. Mặt bằng lãi suất thị trường có xu hướng giảm, hứa hẹn người dân và các doanh nghiệp bất động sản có khả năng tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, nhiều dự án bất động sản gặp khó khăn đã được chỉ đạo tháo gỡ và được tái khởi động trở lại, phần nào giúp doanh nghiệp hồi sinh.

Quan trọng nhất là, một loạt các chính sách được ban hành đã đến độ “chín muồi”, các chính sách dần đi vào thực tiễn, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp và nhà đầu tư như: Nghị quyết 33, Nghị định 08, Thông tư 06, Thông tư 10 của Ngân hàng Nhà nước…

Trước những tín hiệu tích cực đó, công ty Chứng khoán VPBank cho rằng thị trường đã ghi nhận tín hiệu đảo chiều khoảng 1,5 năm sau khi Ngân hàng Nhà nước có động thái hạ trần lãi suất huy động trong giai đoạn 2008 - 2014. Căn cứ vào trường hợp trên, đơn vị kỳ vọng thị trường bất động sản sẽ phục hồi từ quý II/2024.

Đồng quan điểm với nhận định trên, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cũng cho rằng thị trường địa ốc sẽ phục hồi, phát triển lành mạnh, minh bạch và chuẩn mực hơn từ quý II hoặc quý III/2024. Còn từ nay đến cuối năm, thị trường vẫn sẽ ở trong giai đoạn trầm lắng.

Theo TS Phạm Anh Khôi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đất Xanh (DXS-FERI), dẫn kết quả khảo sát của DXS-FERI cho thấy niềm tin thị trường sẽ dần quay trở lại từ cuối năm 2023, đầu năm 2024 khi các chính sách của Chính phủ phát huy tác dụng và trở thành động lực thị trường khởi sắc.

Đặc biệt là Chỉ thị số 08/CT-TTg của Thủ tướng về đẩy mạnh giải ngân đầu tư công và việc hàng loạt dự án giao thông trọng điểm đã được khởi công. Đây được kỳ vọng sẽ trở thành lực đẩy giúp cho thị trường bất động sản cùng nhiều ngành nghề khác phục hồi và đảo chiều tăng trưởng trở lại trong nửa cuối năm 2023, đầu năm 2024.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 26/12/2024