Nhiều giải pháp để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng
Trong bối cảnh trẻ em sử dụng điện thoại và máy tính ngày càng tăng, công tác bảo vệ trẻ em Việt Nam trên môi trường mạng đang đặt ra nhiều thách thức. (Ảnh: Duy Khánh) |
Sự vào cuộc của cơ quan chức năng
Thời gian qua, tình hình các đối tượng xấu sử dụng các dịch vụ trên môi trường mạng tiếp cận, xâm hại trẻ em diễn ra phức tạp trên địa bàn cả nước. Nhiều clip, livestream những nội dung phản cảm, như: Một số kênh Youtube như Hưng Vlog, Hưng Troll… đã bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính vì liên quan đến một số nội dung đăng tải được cho là phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục, ảnh hưởng trẻ em. Hay sự việc tài khoản mạng xã hội của Youtube Thơ Nguyễn trước đây đã đăng tải clip người này ôm một con búp bê, tay cầm sợi dây chuyền và tự giới thiệu là để “xin vía học giỏi” cho học sinh khiến cộng đồng mạng phản ứng gay gắt và cơ quan chức năng phải vào cuộc.
Và gần đây nhất là hiện tượng hướng nghiệp nhảm nhí trên TikTok khi có những người tự nhận mình là thầy giáo, giáo viên đưa ra những lời khuyên lệch lạc như đừng đọc sách, bằng đại học là vô dụng, từ đó tạo ra thông tin sai lệch; rồi những vụ việc gây “tai tiếng” như cô đồng "Đúng nhận, sai cãi", video miệt thị người nghèo của Nờ Ô Nô hay video phân biệt vùng miền... gây bức xúc trong xã hội. Đối mặt với những nội dung không phù hợp, không đúng này có thể làm thay đổi lệch lạc thế giới quan của giới trẻ.
Khảo sát của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) năm 2022 cho thấy, 82% trẻ em Việt Nam từ 12-13 tuổi sử dụng Internet hàng ngày, con số này ở lứa tuổi 14-15 là 93%. (Ảnh: Hoàng Nhung) |
Trước tình hình đó, Cục Trẻ em và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có nhiều biện pháp, hoạt động, sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng nhằm nâng cao nhận thức của trẻ em nói riêng và xã hội nói chung để giảm thiểu tình trạng xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.
Theo đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 130/2021/NĐ-CP trong đó quy định về xử phạt vi phạm hành chính và một số biện pháp yêu cầu khắc phục hậu quả với các hành vi vi phạm quy định về cấm công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em, về trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
Tổng đài 111 cũng trở thành một kênh thông báo trực tuyến về các vấn đề liên quan đến trẻ em trên môi trường mạng với Tổng đài 111 bao gồm các công tác tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng; phát hiện, kết nối tới mạng lưới ứng cứu và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng và chủ động phối hợp xác minh, xử lý các trường hợp xâm hại hoặc nghi ngờ xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Được biết, trong hai năm 2021 và 2022, có 877 cuộc gọi đến Tổng đài 111 với nội dung về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Từ đầu năm 2023 tới nay, đã có 282 cuộc gọi đến Tổng đài 111 với nội dung về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng (trong đó có 267 cuộc gọi tư vấn và 15 ca can thiệp).
Đại diện Cục Trẻ em cho biết, để tăng cường sự tương tác lành mạnh, sáng tạo tương tác trên môi trường mạng, nâng cao nhận thức của cha mẹ và trẻ em, đơn vị này đã xây dựng các sản phẩm: Tờ rơi, tài liệu, clip hướng dẫn kỹ năng an toàn trên mạng cho trẻ em, cha mẹ. Các các cuộc thi như “Sáng tạo ý tưởng trò chơi về bảo vệ trẻ em”, “Học sinh với an toàn thông tin” cũng thu hút được nhiều trẻ em, phụ huynh tham gia, góp phần vào công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
Gia đình đóng vai trò rất quan trọng
Việc thiếu các kiến thức, kỹ năng để trẻ em có thể tự bảo vệ an toàn trên không gian số đang là một hạn chế, thách thức. (Ảnh: Hoàng Nhung) |
Internet mang lại cho thế giới nhiều nội dung tích cực nhưng cũng luôn rình rập các nguy cơ, rủi ro và việc trẻ em sử dụng mạng xã hội là điều không thế tránh khỏi trong cuộc sống hiện đại, do vậy rất cần giáo dục trẻ em cách ứng xử thông minh, sử dụng mạng xã hội an toàn để tránh nguy cơ vô tình hoặc cố ý tiếp cận và bị tác động, ảnh hưởng bởi các thông tin xấu độc. Thực chất đây cũng chính là việc cung cấp cho trẻ kiến thức, kỹ năng để tự bảo vệ bản thân và tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng, để trẻ em có thể tự bảo vệ mình trước những cái xấu, độc hại trên môi trường mạng và có những tương tác lành mạnh, sáng tạo trên không gian mạng.
Cha mẹ và những người thân trong gia đình là những người gần gũi, trực tiếp tác động đến trẻ và cũng là những người thầy đầu tiên của trẻ, do vậy đóng vai trò rất quan trọng mang tính quyết định trong việc định hướng, giáo dục con em mình. Cha mẹ và các thành viên trong gia đình cần quan tâm, trò chuyện, động viên, khuyến khích trẻ truy cập vào những trang web có nội dung lành mạnh, định hướng cho trẻ cách sử dụng và cảnh báo những nguy cơ trẻ có thể gặp phải trên môi trường mạng.
Thường xuyên quan tâm, tìm hiểu, cập nhật các vấn đề trên môi trường mạng (do môi trường mạng luôn không ngừng biến đổi và biến đổi rất nhanh) để từ đó có kiến thức, kỹ năng dạy trẻ em.
Gần đây nhất, ngày 23-24/11/2023, tại diễn đàn công nghệ thông tin ASEAN lần thứ hai về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng tổ chức tại Thái Lan, các nước tham gia diễn đàn cũng trao đổi, thảo luận và nhấn mạnh vai trò của gia đình, nhà trường đối với công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
Để bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, cha mẹ đóng vai trò rất quan trọng, đại diện Cục Trẻ em khuyến nghị phụ huynh cần tạo nguyên tắc đối với trẻ. Trong đó, cần trao đổi với trẻ để cùng đưa ra nguyên tắc về sử dụng internet và điện thoại di động như: Không sử dụng điện thoại di dộng trong phòng ngủ vào buổi tối hoặc không sử dụng điện thoại sau khi đã tắt đèn đi ngủ; đặt thời gian biểu truy cập không gian mạng để khống chế thời gian các em sử dụng mạng cho mục đích giải trí; khuyến khích tất cả mọi người dành thời gian cho các hoạt động không sử dụng công nghệ hay truy cập không gian mạng; đặt các thiết bị truy cập mạng như máy tính để bàn, laptop, máy tính bảng trong phòng khách/phòng chung của gia đình để giám sát việc sử dụng của con cái mình.
Ngoài ra, Cục Trẻ em cũng khuyến nghị phụ huynh có thể sử dụng giải pháp công nghệ trong việc bảo vệ trẻ trên môi trường mạng. Cụ thể, cài đặt thiết bị, phần mềm chống, chặn, lọc nội dung người lớn/xấu/độc/không phù hợp với trẻ em trên các thiết bị truy cập mạng con em mình thường xuyên sử dụng để hạn chế sự tiếp cận/sử dụng của các em.
Theo dõi lịch sử truy cập mạng hoặc sử dụng ứng dụng, thông tin trên các thiết bị dùng chung giữa phụ huynh và trẻ em để đưa ra lời nhắc nhở, chỉ dẫn phù hợp.
Lưu ý, việc sử dụng các giải pháp công nghệ để khống chế, theo dõi hoạt động của con bạn nếu không khéo léo hoặc dựa trên sự đồng thuận dễ dẫn đến sự ngăn cách, mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái.
Thứ ba là cùng trao đổi, chia sẻ. Theo đó, điều quan trọng nhất của mọi giải pháp, hãy trao đổi cởi mở, trò chuyện với con để:
- Biết được con thường truy cập, sử dụng nội dung nào và vì sao để hướng dẫn con cách tìm kiếm, sử dụng thông tin, hình ảnh phù hợp.
- Hướng dẫn con cách kết bạn, giao tiếp (không chấp nhận lời kết bạn với người mình không biết ngoài đời thực; trên mạng mọi người có thể nói dối, đôi khi họ mạo danh người khác; trên mạng có thể có người xấu có thể lừa đảo, xâm hại người khác; không được chat webcam với người mình không biết ngoài đời thực.
- Hướng dẫn con cách xử trí nếu gặp rắc rối hoặc lo lắng trên mạng thì cần nói lại với cha mẹ, thầy cô giáo ngay hoặc sử dụng dịch vụ Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 để được tư vấn, trợ giúp.
Tổng đài 111 cũng là địa chỉ để cha mẹ, người chăm sóc trẻ em có thể liên hệ nếu cảm thấy bối rối, khó giải quyết, chưa tìm được giải pháp tháo gỡ.
Tạo “vắc-xin” số cho trẻ em
Gia đình, nhà trường cần quan tâm, trang bị kỹ năng, kiến thức cho trẻ em để có thể phần nào tự bảo vệ mình trước các thông tin xấu, độc trên môi trường mạng. (Ảnh: Hoàng Nhung) |
Thực tế, bản thân nhận thức về an toàn của trẻ em trên môi trường mạng đang có nhiều khoảng trống lớn chưa được lấp đầy. Do đó, cần trang bị kỹ năng, kiến thức cho trẻ em để có thể phần nào tự bảo vệ mình trước các thông tin xấu, độc trên môi trường mạng và tránh các hiểm họa từ môi trường mạng, hay nói cách khác chính là việc tạo “vắc-xin số” cho trẻ em, để trẻ em có thể tự bảo vệ mình trước những cái xấu, độc hại trên môi trường mạng và có những tương tác lành mạnh, sáng tạo trên không gian mạng.
Trang bị kiến thức, kỹ năng cho trẻ em rất cần đến vai trò, sự đồng hành của nhà trường (thầy, cô giáo, bạn bè) và gia đình (cha, mẹ, các thành viên trong gia đình) và chính bản thân trẻ em.
Nhà trường cần có thêm các nội dung chính khóa hoặc ngoại khóa để dạy cho trẻ em về: Kỹ năng sử dụng mạng an toàn, các tình huống và cách phòng tránh.
Cha mẹ và các thành viên trong gia đình cũng cần: Quan tâm, trò chuyện, động viên, khuyến khích con truy cập vào những trang web có nội dung lành mạnh, định hướng cho con cách sử dụng và cảnh báo những nguy cơ có thể gặp phải trên môi trường mạng; thông tin, thông báo kịp thời khi con thấy không an toàn và khi bị bắt nạt, đe dọa, lừa đảo, tiếp xúc với nội dung, hình ảnh không phù hợp, bị xâm hại trên môi trường mạng.
Đồng thời có vai trò quan trọng không thể thiếu đó chính là vai trò của các nhà báo, phóng viên, các kênh thông tin truyền thông đại chúng, các cơ quan quản lý nhà nước nhằm cung cấp những thông tin, bài học, kỹ năng để cha mẹ, thầy cô giáo nhận thức và cập nhật các vấn đề trên môi trường mạng (do môi trường mạng luôn không ngừng biến đổi và biến đổi rất nhanh) để từ đó có kiến thức, kỹ năng dạy trẻ em.
Bản thân trẻ em cũng cần tìm hiểu, thực hành các kỹ năng an toàn trên môi trường mạng và chia sẻ, lan tỏa những kiến thức, kỹ năng hay đến bạn bè của mình./.