ISSN-2815-5823
VIỆT ANH
Thứ sáu, 16h25 20/10/2023

Những bóng hồng tỏa sáng trên bầu trời khoa học - công nghệ

(KDPT) - Hiện nay, ngày càng nhiều phụ nữ thành công trên lĩnh vực nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ. Phụ nữ làm khoa học gặp nhiều khó khăn, song vẫn có những nhà khoa học nữ ghi dấu ấn với loạt thành tích đầy nổi bật. Cùng với việc ghi nhận thành tích của các nhà khoa học nữ, xã hội cũng cần chia sẻ với họ khi chọn lĩnh vực nhiều trở ngại, vất vả này.

Những năm qua, tỷ lệ phụ nữ tham gia nghiên cứu khoa học (NCKH) không ngừng tăng. Những năm gần đây, nhiều đề tài khoa học mang lại giá trị thiết thực trong đời sống là của giới nữ. Đây là một sự tiến bộ so với trước. Với những nghiên cứu của mình, các nhà khoa học nữ đã đóng góp ngày càng tích cực vào sự phát triển chung của đất nước. Nhiều nhà khoa học nữ được đào tạo bài bản trong và ngoài nước về nhiều lĩnh vực đã và đang làm chủ các phương pháp công nghệ hiện đại góp phần tăng năng suất, chất lượng cao, tăng khả năng cạnh tranh cho nền kinh tế nước ta.

Giáo sư (GS) Nguyễn Thục Quyên (SN 1970, Đắk Lắk)

Hiện GS Nguyễn Thục Quyên đang làm việc tại Đại học California, Mỹ. Theo đánh giá của Thomson Reuters và Clarivate Analytics, Giáo sư Nguyễn Thục Quyên nằm trong top 1% nhà nghiên cứu khoa học vật liệu được trích dẫn nhiều nhất thế giới.

GS Nguyễn Thục Quyên

Theo đó, các nghiên cứu của GS Quyên xoay quanh tính chất điện tử của Polyelectrolytes liên hợp, giao diện trong các thiết bị quang điện tử, vật liệu mới cho các ứng dụng pin mặt trời hữu cơ, tự lắp ráp phân tử, xử lý vật liệu, đặc tính kích thước nano của pin mặt trời hữu cơ và vật lý thiết bị.

PGS.TS Hồ Thị Thanh Vân (sinh năm 1980, Đồng Tháp)

Xuất thân từ gia đình có truyền thống về giáo dục. Năm 1998, PGS Vân được tuyển thẳng vào trường Đại học Bách Khoa TP.HCM, Đại học Quốc gia TP.HCM. Sau khi ra trường được giữ làm cán bộ giảng dạy môn Hóa vô cơ, thuộc khoa Hóa của trường.

Năm 2022, PGS.TS Hồ Thị Thanh Vân được nhận giải thưởng Nhà khoa học trẻ tài năng thế giới. Giải thưởng danh giá này nằm trong khuôn khổ chương trình Vì sự phát triển của phụ nữ trong khoa học, do Quỹ L’Oréal và UNESCO khởi xướng, vinh danh các nhà khoa học nữ trong các lĩnh vực Khoa học sự sống, môi trường, vật lý, toán học và khoa học máy tính. Trước đó là vào năm 2020, PGS.TS Thanh Vân lọt vào top 23/100 nhà khoa học tiêu biểu Châu Á do tạp chí Asian Scientist bình chọn.

PGS.TS Hồ Thị Thanh Vân được nhận giải thưởng Nhà khoa học trẻ tài năng thế giới

PGS Trần Thị Lý (SN 1975, Quảng Trị)

Bà là nhà khoa học nữ Việt Nam đầu tiên được trao Giải thưởng Noam Chomsky 2020. Hiện nay, PGS Trần Thị Lý đang công tác tại khoa Nghệ thuật và Giáo dục, Đại học Deakin, Australia.

Theo đó, PGS Lý đã có nhiều nghiên cứu liên quan đến Việt Nam, đặc biệt là các nội dung đổi mới giáo dục đại học Việt Nam nhìn từ phương diện quốc tế, mối tương quan giữa chương trình giáo dục đại học và thị trường lao động, khả năng làm việc của sinh viên mới tốt nghiệp, quốc tế hóa giáo dục đại học Việt Nam...

PGS. TS Lương Chi Mai (Viện Công nghệ thông tin - Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam)

đã có nhiều đóng góp cho việc tạo ra các hệ thống nhận dạng có hiệu quả ngay từ những năm 1980, khi lý thuyết nhận dạng vẫn còn mới mẻ ở nước ta. Đến nay, chị đã đạt được những thành công bước đầu trong việc số hóa tiếng Việt với những đặc trưng nổi bật của ngôn ngữ có thanh điệu.

PGS.TS Phan Thị Tươi (Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh)

PGS.TS Phan Thị Tươi tạo dấu ấn khi là một trong những người đi tiên phong ở lĩnh vực xử lý ngôn ngữ tự nhiên bằng máy tính, góp phần quan trọng vào việc hình thành hướng nghiên cứu về “xử lý ngôn ngữ tự nhiên và tiếng Việt”, nâng cao chất lượng dịch tự động song ngữ Anh - Việt.

GS.TS Nguyễn Kim Phi Phụng

Giảng viên bộ môn Hóa hữu cơ, Khoa Hóa học, Trường Đại học Khoa học tự nhiên ĐHQG TPHCM trong việc tìm ra hoạt chất ức chế bệnh ung thư. Nhà nghiên cứu khoa học nữ này là người dày công theo đuổi hướng nghiên cứu khảo sát thành phần hóa học một số loài thực vật hoặc địa y Việt Nam, đặc biệt là các loài chưa được nghiên cứu. Từ đó, bà đã phát hiện được nhiều hợp chất tự nhiên có hoạt tính ức chế tốt sự phát triển của các tế bào ung thư ở người như ung thư cổ tử cung, ung thư vú, ung thư phổi hoặc ức chế các loại enzyme liên quan đến bệnh tiểu đường nám da, Alzheimer…

GS Nguyễn Thị Cành

Bà đã có 10 năm du học rồi chuyển tiếp nghiên cứu sinh chuyên ngành kinh tế ở Nga. Từ năm 2002, GS Nguyễn Thị Cành về công tác tại khoa Kinh tế ĐHQG TPHCM, nay là Trường ĐH Kinh tế - Luật.

Khi tham gia các dự án quốc tế, GS.Nguyễn Thị Cành có cơ hội làm quen với khái niệm về tài chính công và các công cụ phân tích tài chính công. Khi đó ở Việt Nam chưa có môn học này, mà chỉ có môn học Quản lý tài chính Nhà nước được giảng dạy ở các trường ĐH Kinh tế - Tài chính. Khi sang Mỹ, bà chủ động tìm hiểu và nhờ sự ủng hộ của các đồng nghiệp Mỹ, bà đã mang được bộ giáo trình tài chính công về nước và giới thiệu rộng rãi thành môn học quan trọng cho sinh viên.

GS Ngô Kiều Nhi

Với niềm đam mê máy móc cơ khí bà đã bắt tay triển khai ứng dụng nhiều công trình mang tính khoa học, trong đó nổi bật là dự án máy cân bằng động dùng để đo lực rung động do mất cân bằng của các chi tiết quay nhanh trong máy bay, tàu thủy, ôtô, xe máy, thiết bị khai thác dầu khí... Thời điểm đó, chỉ một số nước trên thế giới chế tạo được máy cân bằng động, song GS.Ngô Kiều Nhi quyết tâm thực hiện sản phẩm “made in Viet Nam”. Ngày nay, những chiếc máy cân bằng động “made in Viet Nam” của GS Ngô Kiều Nhi có mặt tại khắp mọi nơi.

PGS.TS Nguyễn Thị Hòe

Nhận giải thưởng danh giá Kovalevskaya, có tên trong danh sách 1.000 phụ nữ được đề cử nhận giải Nobel hòa bình năm 2005, PGS.TS Nguyễn Thị Hòe, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sơn Kova là người phụ nữ nổi danh trong lĩnh vực khoa học và ngành sơn. Bà luôn ấp ủ ý tưởng nghiên cứu về một loại sơn đặc biệt vừa đáp ứng yêu cầu khí hậu nóng ẩm ở Việt Nam, lại vừa đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ. Năm 1993, PGS.TS Nguyễn Thị Hòe được trao tặng giải thưởng Kovalevskaya. Sau khi nhận giải thưởng danh giá này, bà quyết định dấn thân vào con đường kinh doanh. Sản phẩm sơn chống thấm do bà nghiên cứu được đặt tên là Kova.

Xóa bỏ những rào cản, định kiến

Bên cạnh những khó khăn mà nam giới cũng gặp phải trong công tác nghiên cứu, phụ nữ đôi khi phải đương đầu với những rào cản từ chính hoàn cảnh riêng của mỗi người. Thách thức lớn nhất đối với phụ nữ làm khoa học là việc cân đối giữa công việc và gia đình, là làm sao để người phụ nữ có thể dồn hết tâm lực vào công việc khoa học nhưng cũng phải có một gia đình hạnh phúc. Bởi, với thiên chức rất quan trọng là làm vợ, làm mẹ, thì cho dù có làm công tác gì, người phụ nữ cũng không thể sao nhãng việc gia đình, không thể không quan tâm chăm lo gia đình.

Phụ nữ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Ảnh minh họa

Tại Việt Nam, trong khi những bộn bề thường nhật gói gọn trong 2 chữ “việc nhà” lấy đi không ít thời gian của người phụ nữ thì các dịch vụ xã hội để chăm lo cho gia đình giúp chị em, nhất là người có con nhỏ đỡ gánh nặng việc nhà vẫn chưa phát triển. Đây là trở ngại không nhỏ ảnh hưởng đến khả năng tham gia công tác xã hội của phụ nữ nói chung và nhà khoa học nữ nói riêng.

Cùng những yếu tố chủ quan, một yếu tố khách quan ảnh hưởng tới tỷ lệ phụ nữ thành công trong lĩnh vực khoa học là “định kiến giới trong xã hội còn tồn tại dưới nhiều hình thức”. Việc khuyến khích con gái, em gái mình đi vào nghiên cứu khoa học, nhất là khoa học cơ bản chưa phải là xu hướng của xã hội ta. Thấy làm khoa học phải lao tâm khổ tứ nên nhiều bậc cha mẹ muốn hướng con gái vào những nghề đỡ vất vả hơn.

Vì vậy, để đẩy mạnh phát triển nguồn lực khoa học công nghệ, cần xóa bỏ những rào cản, định kiến về việc phụ nữ làm nghiên cứu, sáng tạo công nghệ. Với những dấu ấn thiết thực của các nhà khoa học nữ đã nêu ở trên, tin chắc rằng trong tương lai nếu nhận được chia sẻ nhiều hơn từ phía gia đình và xã hội, phụ nữ có thể đạt được nhiều thành công và có những đóng góp to lớn hơn nữa trong chặng đường phát triển cho nền khoa học công nghệ nước nhà.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 18/10/2024