Khi mới lên nắm quyền, Tổng thống Trump chê trách nợ quốc gia dưới thời người tiền nhiệm Obama. Ảnh: AP

Trang Asia Times cho rằng gánh nặng tài chính để lại sau thời Tổng thống Donald Trump nắm quyền sẽ gây ảnh hưởng tới nước Mỹ trong nhiều thập kỷ.

Nợ quốc gia của Mỹ đã tăng gần 7,8 triệu USD trong thời kỳ ông Trump ở Nhà Trắng. Con số này gấp gần hai lần tổng cộng nợ sinh viên, nợ mua xe, nợ thẻ tín dụng và mọi loại nợ khác (không kể các khoản nợ thế chấp). Con số đó cũng tương đương khoảng 23.500 USD nợ liên bang mới cho mỗi người dân trong nước.

Tốc độ tăng thâm hụt hàng năm dưới thời Tổng thống Trump được xếp ở mức cao thứ ba, tính tương ứng với quy mô của nền kinh tế, của bất kỳ chính quyền nào tại Mỹ trong lịch sử – theo tính toán của nhà nghiên cứu ngân sách hàng đầu Washington, Eurgen Steuerle, người đồng sáng lập Trung tâm Chính sách thuế Urban-Brookings.

Các nhà kinh tế đồng ý rằng nước Mỹ cần chi tiêu thâm hụt lớn trong cuộc khủng hoảng COVID-19 nhằm ngăn chặn cơn đại hồng thủy kinh tế, nhưng nền tài chính liên bang thực tế đã tệ hơn ngay từ trước đại dịch.

Chi phiếu hỗ trợ dịch COVID được gửi cho người dân Mỹ vào ngày 29/4/2020 tại Washington DC. Ảnh: Getty Images

Điều đó xảy ra ngay cả khi nền kinh tế bùng nổ và tỉ lệ thất nghiệp ở mức thấp trong lịch sử. Theo mô tả của chính quyền Tổng thống Trump, mức nợ quốc gia trước đại dịch đã ở mức “khủng hoảng” và là một “mối đe dọa nghiêm trọng”.

Sự kết hợp giữa chính sách giảm thuế năm 2017 của ông Trump và việc không có bất cứ biện pháp hạn chế chi tiêu nghiêm túc nào đã khiến cả thâm hụt và nợ tăng cao. Vì vậy khi thảm họa COVID-19 càn quét đất nước, chính phủ phải ném hơn 3 ngàn tỷ USD cho các gói kích thích, thì không còn chỗ cho bất cứ sai sót nào nữa.

Từ cam kết đến thực tế

Việc nợ công chìm sâu hơn vào ranh giới đỏ là điều trái với những tuyên bố mà ông Trump tuyên bố khi lên làm tổng thống. Ngày 31/3/2016, ứng cử viên tổng thống Trump nói có thể giảm nợ quốc gia, khi đó là 19 ngàn tỷ USD “trong khoảng thời gian 8 năm” bằng cách thúc đẩy đàm phán thương mại và tăng trưởng kinh tế.

Sau khi lên nắm quyền, ông Trump dự đoán tăng trưởng kinh tế được tạo ra nhờ cắt giảm thuế năm 2017, kết hợp với tiền thu được từ thuế quan mà ông áp đặt với nhiều loại hàng hóa từ các quốc gia, có thể giúp giảm bớt thâm hụt ngân sách và cho phép Mỹ bắt đầu trả nợ.

Ngày 27/7/2018, Tổng thống Mỹ cho biết: “Chúng ta đã nợ 21 ngàn tỷ USD. Khi luật giảm thuế 2017 có hiệu lực, chúng ta sẽ bắt đầu trả số nợ đó như nước vậy”. 9 ngày sau, ông đăng trên Twitter: “Nhờ các loại thuế quan, chúng ta sẽ có thể bắt đầu trả khoản nợ lớn 21 ngàn tỷ USD tích tụ nhiều từ chính quyền Obama”.

Nhưng thực tế không diễn ra như vậy. Khi ông Trump nhậm chức vào tháng 1/2017, Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) dự kiến thâm hụt ngân sách liên bang sẽ chiếm 2-3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong nhiệm kỳ của Tổng thống Trump. Thay vào đó, thâm hụt thực tế đã lên tới gần 4% GDP trong năm 2018 và 4,6% năm 2019.

Nợ quốc gia đã lên đến mức khổng lồ, nếu so sánh tương đương với nền kinh tế, gần cao bằng mức cuối Thế chiến thứ hai. Trong ảnh là biểu đồ thể hiện tăng nợ quốc gia dưới thời Tổng thống Obama và Trump. Nguồn: ProPublica

Những “thủ phạm”

Có nhiều thủ phạm cho những con số này. Chính sách cắt giảm thuế của ông Trump, đặc biệt là giảm mạnh thuế doanh nghiệp từ 35% xuống 21%, đã lấy đi một phần lớn doanh thu liên bang. CBO ước tính vào năm 2018 rằng việc cắt giảm thuế sẽ giảm khoảng 1,9 ngàn tỷ USD trong 11 năm.

Vào năm 2018, chính quyền bắt đầu tăng thuế với nhôm, thép và nhiều sản phẩm khác, khởi đầu thương chiến với Trung Quốc, EU và các nước khác.

Thuế quan đã mang lại nguồn doanh thu bổ sung. Năm tài chính 2019, Mỹ thu thuế nhập khẩu khoảng 71 tỉ USD, tăng 36 tỷ USD so với năm cuối của Tổng thống Obama. Nhưng con số đó chỉ chiếm không đầy 1/750 của nợ quốc gia. Và 36 tỷ USD cũng chỉ đủ trả tiền lãi trong hơn 3 tuần của nợ quốc gia.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản, ngày 29/6/2019. Ảnh: AFP

Đến đầu năm 2019, nợ quốc gia leo lên 22 ngàn tỷ USD. Đề xuất ngân sách của ông Trump cho năm 2020 kêu gọi đây là “mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự thịnh vượng xã hội và kinh tế của chúng ta”, cho rằng Mỹ đang hứng chịu một “cuộc khủng hoảng nợ quốc gia”.

Cuối năm 2019, nợ quốc gia của Mỹ tăng lên 23,2 ngàn tỷ và giới chức liên bang bắt đầu báo động. “Chưa bao giờ kể từ Thế chiến II, đất nước chứng kiến thâm hụt lớn như vậy trong khi tỷ lệ thất nghiệp lại thấp”, Philip Swagel, Giám đốc CBO phát biểu.

Chỉ vài tuần sau, đại dịch COVID-19 nổ ra và khiến tình hình tài chính tồi tệ hơn nhiều. Tính đến 31/12/2020, nợ quốc gia của Mỹ đã nhảy vọt lên 27,75 ngàn tỷ USD, tăng 39% từ mức 19,95 ngàn tỷ USD khi ông Trump nhậm chức.

Chính phủ đã kết thúc năm tài chính 2020 với tỷ lệ nợ quốc gia thuộc về các nhà đầu tư tương đương khoảng 100% GDP. Trong khi mới gần một năm trước, CBO còn dự đoán phải tới năm 2030, nước Mỹ mới gần đạt mức nợ đó. Nếu tính hàng ngàn tỷ USD nợ các quỹ ủy thác chính phủ, thì tổng nợ công của Mỹ hiện tương đương khoảng 130% GDP.

THU HẰNG/ Báo Tin tức

Bạn đang đọc bài viết Nợ khổng lồ thời Tổng thống Trump dù không phát động cuộc chiến nào
tại chuyên mục Thế giới.
Cung cấp thông tin, liên hệ đường dây nóng:
03694529040977600308.
Hoặc Email: [email protected]
[email protected]