ISSN-2815-5823
Thứ tư, 09h56 03/06/2020

Pháp luật về quảng cáo đang bị “thả nổi” tại nhiều ngân hàng

(KDPT) – Khoản 2, điều 18 Luật số 16/2012/QH13 (Luật Quảng cáo) về tiếng nói, chữ viết trong quảng cáo quy định rõ: “Trong trường hợp sử dụng cả tiếng Việt, tiếng nước ngoài trên cùng một sản phẩm quảng cáo thì khổ chữ nước ngoài không được quá ba phần tư khổ chữ tiếng Việt và phải đặt bên dưới chữ tiếng Việt; khi phát trên đài phát thanh, truyền hình hoặc trên các phương tiện nghe nhìn, phải đọc tiếng Việt trước tiếng nước ngoài”.

Còn theo Nghị định số 103/2009/NĐ-CP, ban hành Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng, cũng đã có những quy định cụ thể hơn. Điều 23 về “Mỹ quan, chữ viết, vị trí và nội dung biển hiệu” nêu rõ: a) Biển hiệu phải bảo đảm mỹ quan; b) Biển hiệu phải viết bằng chữ Việt Nam; trường hợp muốn thể hiện tên viết tắt, tên giao dịch quốc tế, tên, chữ nước ngoài phải ghi ở phía dưới, kích thước nhỏ hơn chữ Việt Nam.

Bên cạnh đó, mục 3 về “Nội dung biển hiệu” quy định trên biển hiệu cần thể hiện: a) Tên cơ quan chủ quản trực tiếp (nếu có); b) Tên gọi đầy đủ bằng chữ Việt Nam đúng với quyết định thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do cơ quan có thẩm quyền cấp; c) Loại hình doanh nghiệp hoặc hợp tác xã; d) Ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh chính (đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ); đ) Địa chỉ giao dịch, số điện thoại (nếu có); e) Trên biển hiệu được thể hiện biểu tượng (logo) đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền, diện tích logo không quá 20% diện tích biển hiệu, không được thể hiện thông tin, hình ảnh quảng cáo cho bất cứ loại hàng hóa, dịch vụ nào.

Luật quy định cụ thể như vậy, tuy nhiên hiện nay không khó để thấy các doanh nghiệp, thương hiệu, thậm chí là các đơn vị có uy tín lại đang vi phạm Luật Quảng cáo một cách có hệ thống. Dạo qua vài con phố chính của Hà Nội có thể bắt gặp hàng chục trụ sở, chi nhánh, phòng giao dịch của các ngân hàng treo biển hiệu với thông tin thể hiện không đúng theo Luật Quảng cáo cũng như Nghị định 103/2009/NĐ-CP ban hành Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng.

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VP Bank) để tên viết tắt bằng tiếng Anh “lấn át” tên giao dịch bằng tiếng Việt.

Ngân hàng Ngân Hàng Đại Dương (Oceanbank) – Phòng giao dịch Phương Mai thậm chí không có tên tiếng Việt trên biển hiệu.

Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) đề tên tiếng Việt ở trên chữ viết tắt bằng tiếng Anh, tuy nhiên chữ quá nhỏ.

Một biển quảng cáo của Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam tại ngã sáu Ô Chợ Dừa.

Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á cũng “bỏ qua” các quy định về quảng cáo, biển hiệu không thể hiện tên đầy đủ bằng tiếng Việt.

Việc vi phạm các quy định của Luật Quảng cáo được “phổ biến” đến nhiều ngân hàng khác như Ngân hàng TNHH Một thành viên HSBC (Việt Nam);Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Á; Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội (MB); Ngân hàng Tiên phong (TP Bank); Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PV Com Bank); Ngân hàng Sài Gòn Hà Nội (SH Bank)

Ngay cả “ông lớn” như Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng “hồn nhiên” vi phạm.

Việc vi phạm luật pháp về quảng cáo, biển hiệu như đối với các ngân hàng nêu trên lâu nay chưa được quan tâm, xử lý kịp thời. Điều này dễ dẫn đến tình trạng “chuẩn hóa các sai phạm”, khiến người dân lâu dần thành quen với cách thức bố trí, thể hiện nội dung trên biển hiệu. Không phải ngẫu nhiên mà cơ quan ban hành Luật lại đưa ra những quy định chi tiết về việc đặt chữ Việt Nam lên trên và lớn hơn chữ nước ngoài. Bởi đó còn là ý thức tự tôn dân tộc, tôn trọng và gìn giữ những giá trị văn hóa của đất nước, thể hiện chủ quyền đối với hoạt động kinh doanh, quảng cáo trên lãnh thổ Việt Nam. Do vậy, các cơ quan chức năng cần sớm kiểm tra, làm rõ những sai phạm nêu trên để kịp thời chấn chỉnh, trả lại sự nghiêm minh của luật pháp.

DUY KHÁNH



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 25/11/2024