Phát triển nguồn nhân lực ngành du lịch – Bài 2: Những đột phá trong đào tạo
Ngoài ra, các đơn vị thực hiện chức năng quản lý nhà nước và mỗi doanh nghiệp lĩnh vực dịch vụ du lịch cũng chủ động vào cuộc, thường xuyên tổ chức bồi dưỡng, nâng cao tay nghề, cập nhật kiến thức mới cho người lao động, đặc biệt là nhóm lao động trực tiếp.
Đào tạo gắn liền với thực tế
Với mục đích tổ chức đào tạo và phát triển nguồn nhân lực ngành du lịch theo hướng kết nối giữa doanh nghiệp và nhà trường, với các cơ sở đào tạo quốc tế, thực hiện mục tiêu chung là xây dựng ngành kinh tế dịch vụ tiên tiến và hiện đại, nguồn nhân lực có trình độ cao đáp ứng nhu cầu triển của xã hội, bắt kịp sự phát triển chung của ngành du lịch trên thế giới và trong khu vực, một số cơ sở đào tạo đã xây dựng và bước đầu thực hiện hiệu quả mô hình đào tạo nhân lực du lịch trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Trường Đại học Hoa Sen là một trong 5 cơ sở đào tạo đã được vinh danh là “Cơ sở đào tạo nguồn nhân lực du lịch tiêu biểu của Việt Nam” tại Lễ trao tặng Giải thưởng du lịch Việt Nam năm 2019 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam tổ chức vào dịp kỷ niệm 59 năm ngày thành lập ngành Du lịch Việt Nam (9/7/1960 – 9/7/1019).
Giáo sư Mai Hồng Quỳ – Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen cho biết: Thực hiện mô hình gắn kết giữa trường đại học với doanh nghiệp là xu hướng chung của thế giới trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Đối với đào tạo nhân lực ngành Du lịch, Trường Đại học Hoa Sen xây dựng chương trình thực tập với sự liên kết chặt chẽ với nhiều doanh nghiệp lữ hành, khách sạn và nhà hàng để sinh viên có cơ hội thực tập, trải nghiệm tại các doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn quốc tế ở trong và ngoài nước. Trong khóa học, hai kỳ thực tập dài hạn và các kỳ thực địa tại doanh nghiệp chính là cơ hội để sinh viên cọ xát với thực tế ngành nghề.
Đơn cử, chương trình đào tạo chuyên ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành được nhà trường xây dựng và cập nhật theo xu hướng du lịch trong nước và quốc tế. Sinh viên được tiếp thu thêm nhiều kiến thức, kỹ năng qua những chuyến đi thực địa trong và ngoài nước. Đặc biệt, sinh viên được trang bị khả năng ngoại ngữ, có cơ hội tiếp xúc tốt nhất với thị trường du lịch quốc tế. Giảng viên là những người tốt nghiệp các chương trình đào tạo quốc tế và xuất thân từ doanh nghiệp nên có thể chia sẻ với sinh viên nhiều kinh nghiệm từ thực tế làm nghề. Ngoài việc học lý thuyết, nhờ được học từ thực tế qua các chuyến đi và hoạt động, sự kiện liên quan đến du lịch, có cơ hội được trao đổi và thực tập ở nước ngoài, tỉ lệ sinh viên được nhận vào làm việc tại các cơ sở du lịch ngay từ trước khi các em tốt nghiệp là 100%.
Theo lãnh đạo Trường Đại học Hoa Sen, việc chọn đối tác doanh nghiệp thế nào để trường đại học phát huy được vai trò đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, mang lại lợi ích lớn nhất cho người học, giảng viên và cả doanh nghiệp sử dụng lao động là mối quan tâm chiến lược. Hiện Khoa Du lịch của trường có 3 ngành đào tạo gồm: Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, quản trị khách sạn, quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống. Đặc biệt, khoa có chương trình đào tạo cử nhân Quản lý khách sạn – Nhà hàng quốc tế, hợp tác với trường Du lịch và Khách sạn quốc tế Vatel, Pháp. Sinh viên theo học chương trình được thực tập 4 tháng trong năm thứ nhất và năm thứ hai, 6 tháng cho năm học thứ 3 tại các khách sạn 5 sao trong và ngoài nước…
Sau khi hoàn thành chương trình học, sinh viên được cấp bằng cử nhân quốc tế được Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam công nhận và đồng thời còn nằm trong hệ thống văn bằng chuyên nghiệp quốc gia của Bộ Giáo dục Pháp. Điều này mang đến nhiều lợi thế cho sinh viên sau khi tốt nghiệp khi ứng tuyển vào các vị trí công việc thuộc lĩnh vực du lịch, nhà hàng – khách sạn ở cả trong nước và quốc tế.
Theo Phó Giáo sư Huỳnh Quốc Thắng, Trưởng ban Đào tạo – Hiệp hội Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay du lịch Việt Nam đã hội nhập mạnh mẽ hơn vào cộng đồng du lịch thế giới, bằng việc trở thành thành viên của các tổ chức du lịch như Tổ chức du lịch thế giới, Hiệp hội du lịch châu Á- Thái Bình Dương và Hiệp hội Du lịch Đông Nam Á. Do đó, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao mang ý nghĩa chiến lược trong việc khẳng định vị thế của Việt Nam trên thị trường khu vực và thế giới. Hợp tác đào tạo giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp, phát triển sản phẩm du lịch trên nền tảng kỹ năng của nguồn nhân lực theo tiêu chuẩn của khu vực, thế giới là các giải pháp thiết thực nâng cao hiệu quả đào tạo, sử dụng, phát huy nguồn nhân lực du lịch.
Thường xuyên nâng cao tay nghề
Bên cạnh việc đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực đảm bảo yêu cầu sử dụng lao động cho các đơn vị, doanh nghiệp lĩnh vực du lịch, để phát triển nhân lực ngành Du lịch, hoạt động đào tạo nâng cao, bồi dưỡng tay nghề cho các lao động đã được tuyển dụng của chính các đơn vị sử dụng lao động cũng là một giải pháp cần thiết.
Với sự thay đổi các xu hướng du lịch, đòi hỏi về nhu cầu của khách hàng là liên tục và không ngừng biến đổi, đòi hỏi lao động trong lĩnh vực này phải luôn cập nhật thông tin, trau dồi kĩ năng thường xuyên. Theo lãnh đạo Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist, cùng với việc tuyển dụng chuyên nghiệp nhằm tìm kiếm những hướng dẫn viên có tâm huyết, tài năng, doanh nghiệp này luôn tuân thủ quy trình đào tạo – quản lý – điều hành chặt chẽ, xuyên suốt trên toàn hệ thống.
Chẳng hạn, với đội ngũ hướng dẫn viên, công ty đã có quy định chuẩn hóa các bước chuẩn bị bắt buộc trong suốt quá trình dẫn đoàn để các hướng dẫn viên có cơ sở thực hiện. Hơn 1.000 hướng dẫn viên, cộng tác viên quốc tế (thuộc các ngữ Anh, Pháp, Đức, Nhật, Nga…), du lịch nước ngoài và nội địa liên tục được Công ty dịch vụ Lữ hành Saigontourist củng cố nghiệp vụ, kiến thức, nâng cao ý thức nghề nghiệp, kỹ năng, tính chuyên nghiệp định kỳ hằng năm. Lực lượng lao động được bồi dưỡng, nâng cao nghề thường xuyên đã giúp doanh nghiệp này phát triển các chiến lược kinh doanh đạt hiệu quả cao.
Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist là một trong những doanh nghiệp đoạt hàng loạt giải thưởng của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch: Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế tốt nhất đón khách du lịch vào Việt Nam (inbound) năm 2019; Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế đưa khách du lịch ra nước ngoài tốt nhất Việt Nam (outbound) năm 2019 và Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa tốt nhất Việt Nam năm 2019.
Đề cập về vai trò cũng như những giải pháp mà một cơ quan quản lý nhà nước thực hiện để góp phần phát triển nhân lực du lịch, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa – Phó Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Những năm gần đây, du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đã có những bước tiến đáng mừng trên lộ trình hội nhập với du lịch khu vực và thế giới.
Nhằm góp phần khẳng định vị thế của ngành du lịch, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng thỏa thuận ASEAN về tự do luân chuyển nguồn nhân lực giữa các nước trong khu vực, Sở Du lịch thành phố đặc biệt coi trọng việc nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn và ngoại ngữ cho đội ngũ nhân lực lĩnh vực du lịch, đặc biệt là đội ngũ lao động trực tiếp như hướng dẫn viên, phục vụ nhà hàng, buồng, phòng, lễ tân…
Năm 2019, đơn vị đã phối hợp với Hiệp hội Du lịch thành phố tổ chức các hội thi hướng dẫn viên du lịch giỏi, thi nghiệp vụ nhà hàng, thi thiết kế tour du lịch, tạo điều kiện để đội ngũ lao động lĩnh vực du lịch cập nhật, bổ sung các thông tin mới, học hỏi, trao đổi nâng cao trình độ.
Trong năm 2020, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức một số chuyên đề bồi dưỡng nâng cao về quản lý du lịch, hiệu quả kinh doanh trong thời đại công nghệ 4.0 dành cho bộ phận quản lý cấp cao và bộ phận điều hành qua hình thức “du học tại chỗ” với kinh phí xã hội hóa. Đơn vị cũng tổ chức các khóa bồi dưỡng về du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch có trách nhiệm dành cho cộng đồng dân cư tham gia làm du lịch tại một số quận, huyện; đào tạo nhân sự phục vụ công tác xúc tiến và tư vấn hỗ trợ khách du lịch.
Bài cuối: Trang bị kỹ năng làm du lịch cho nông dân