Nguy cơ Việt Nam bị đưa vào danh sách các nước có rủi ro về rửa tiền cao

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ, tháng 6/2023, Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền đã đưa Việt Nam vào danh sách giám sát tăng cường.

Quyết liệt hành động đưa Việt Nam ra khỏi danh sách xám về chống rửa tiền (FATF)
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu. (Ảnh: VGP)

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng cho biết, đây là việc mới, khó, "không trường lớp nào dạy", việc FATF chính thức đưa Việt Nam vào danh sách giám sát tăng cường (danh sách xám) có tác động rất lớn.

Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng mong các bộ, ngành hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước thực hiện nhiệm vụ này. Đây là nhiệm vụ chung của quốc gia, không phải của riêng Ngân hàng Nhà nước.

Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng cho hay, hôm qua, một ngân hàng thương mại của nhà nước đã báo cáo một số chính sách, quan hệ của ngân hàng này với nước ngoài "đã bị siết, làm tăng cường".

Theo ông Dũng, nền kinh tế nước ta có độ mở lớn, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhiều thì việc bị đưa vào danh sách xám có tác động rất lớn.

Đồng thời, Phó Thống đốc cũng điểm ra hàng loạt tác động tiêu cực có thể xảy ra như tăng chi phí các khoản vay, cho vay đối với Việt Nam, chi phí hoạt động đầu tư, thương mại, dẫn đến giảm dòng vốn FDI do các nhà đầu tư có tâm lý e ngại, thận trọng.

"Việt Nam sẽ bị đưa vào danh sách các nước có rủi ro về rửa tiền cao của EU (Liên minh châu Âu) và có nguy cơ bị đưa vào danh sách đen nếu không chứng minh được việc hợp tác thực hiện các khuyến nghị của FATF, với những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Việc này khiến các doanh nghiệp tăng chi phí kinh doanh hoặc thậm chí ngừng hoạt động kinh doanh tại các quốc gia (như trường hợp của Myanmar năm 2022)", ông Phạm Tiến Dũng đặt vấn đề.

Mục tiêu 2 năm đưa Việt Nam ra khỏi danh sách xám

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đặt ra yêu cầu với Ban Chỉ đạo "quyết liệt triển khai mọi biện pháp để trong vòng 2 năm đưa Việt Nam ra khỏi danh sách xám".

Hoàn thiện thể chế theo khuyến cáo của FATF không chỉ vì mục tiêu ra khỏi danh sách giám sát tăng cường, mà còn có ý nghĩa rất thiết thực trong công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền, hoàn thiện môi trường pháp lý chung để phòng, chống tội phạm, trong đó có công tác phòng, chống tham nhũng.

Do đó, phải căn cứ vào chức năng nhiệm vụ của từng bộ, ngành để giao nhiệm vụ cho khả thi, với nguyên tắc một việc chỉ một cơ quan chủ trì, các đơn vị khác phối hợp chặt chẽ.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì phối hợp với bộ, ngành liên quan rà soát, hoàn thiện dự thảo kế hoạch, các cam kết của Việt Nam theo chỉ định của FATF để sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Đề nghị Bộ Công an đẩy mạnh công tác điều tra rửa tiền, nguồn của tội phạm rửa tiền phù hợp với rủi ro rửa tiền đã được xác định trong báo cáo. Viện Kiểm sát, Tòa án nhân dân tối cao phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an đẩy mạnh hoạt động tư pháp, truy tố, xét xử liên quan đến tội rửa tiền, tài trợ khủng bố.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu không để việc giao nhiệm vụ "giống như thả chim bay, không biết lúc nào quay trở về". Đồng thời yêu cầu các Bộ, ngành phải cộng đồng trách nhiệm, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ, đề xuất khen thưởng, xử lý kiểm điểm khi không thực hiện hoặc thực hiện không tốt nhiệm vụ./.

HUY HOÀNG