ISSN-2815-5823
Thứ tư, 10h29 27/01/2021

Singapore đối mặt với tình trạng khan hiếm nhân tài

(KDPT) – Mặc dù có nền tảng mạnh mẽ về lĩnh vực công nghệ thông tin, nhưng Singapore lại đang thiếu trầm trọng nguồn nhân lực ở lĩnh vực này, trong bối cảnh các công ty công nghệ mở rộng quy mô hơn.

Singapore đang đặt mục tiêu trở thành trung tâm công nghệ của khu vực nhưng phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nhân tài, khi ngày càng có nhiều công ty nước ngoài chuyển đến.

Ít nhất mỗi ngày có ba nhà tuyển dụng đã tiếp cận và mời kỹ sư phần mềm Xiao Yuguang (người Singapore) về làm việc.

Singapore đang đặt mục tiêu trở thành trung tâm công nghệ của khu vực nhưng phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nhân tài khi nhiều công ty chuyển đến. (Ảnh: straitstimes).

Kỹ năng trong công việc của Xiao đã tăng vọt kể từ khi anh tốt nghiệp năm 2014 với bằng kỹ sư máy tính. Cho đến giờ, anh đã bỏ qua những lời mời chào để gia nhập Bytedance – chủ sở hữu của TikTok, sau vài năm đầu quân cho Grab ở Đông Nam Á. Có thể thấy, Tencent của Trung Quốc, Bytedance, Zoom Video Communications, “kỳ lân” Grab hay Tập đoàn Sea đều nằm trong số các công ty đang mở rộng hoạt động tại Singapore. Điều này thúc đẩy cuộc chiến tranh giành nhân tài công nghệ ở nước này, dù tỷ lệ thất nghiệp đã đạt mức cao nhất trong 16 năm qua do Covid-19 gây ra.

Lei Hsien-Hsien – Giám đốc điều hành tại Phòng Thương mại Mỹ tại Singapore, cho biết: “Một số công ty thành viên đã và đang mở rộng hoạt động của họ và tìm cách thuê nhiều nhà khoa học dữ liệu hơn, nhiều lập trình viên hơn. Vì vậy, nhu cầu rất mạnh nhưng nguồn cung tương đối yếu, điều này khiến một số kế hoạch mở rộng bị chậm lại”.

Theo NodeFlair – công ty đang hỗ trợ tuyển dụng cho Bytedance và công ty kinh doanh thương mại điện tử Shopee của Sea, có tới 500 vị trí tuyển dụng công nghệ mới được đăng mỗi tuần trên các trang web việc làm.

Bộ trưởng bộ Nội vụ Vivian Balakrishnan cho biết hồi tháng 6/2020, lĩnh vực truyền thông thông tin sẽ cần thêm 60.000 chuyên gia trong vòng 3 năm tới.

Trả lời câu hỏi của Reuters về con số này, Bộ Truyền thông cho biết, vào giữa tháng 9/2020, có gần 10.000 tin tuyển dụng liên quan đến công nghệ trên cổng thông tin nghề nghiệp do chính phủ điều hành. Và vào tháng 6 năm nay, thông qua các mối quan hệ đối tác trong ngành, sẽ có khoảng 6.800 công việc và thực tập sinh được hình thành.

Một số công ty “săn đầu người” cho biết, việc đóng cửa biên giới do đại dịch Covid-19 và các chính sách thắt chặt đối với lao động nước ngoài đang làm trì hoãn việc tuyển dụng lao động ở các quốc gia khác, làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt. Một số chuyên gia công nghệ có thể yêu cầu tăng lương lên đến 30% khi họ chuyển việc.

Daljit Sall – nhân viên của công ty tuyển dụng Randstad, người hy vọng tiền lương sẽ tăng ngay khi biên giới mở cửa trở lại và khi đội ngũ nhân tài phát triển, khẳng định: “Điều này không hề bền vững”.

Được biết Chính phủ Singapore đã và đang đào tạo lại hàng nghìn người có kỹ năng công nghệ, trong khi tỷ lệ nhập học các khóa học Công nghệ thông tin tại các trường đại học, cao đẳng Singapore đã tăng 17% trong 3 năm qua, lên khoảng 7.600 trong năm học 2020.

Singapore là một trung tâm tài chính, công nghệ của châu Á, với dân số 5,7 triệu dân, hiện chưa có đủ năng lực để đáp ứng nhanh chóng các kỹ năng công nghệ và kinh nghiệm mà ngành công nghiệp cần.

Raagulan Pathy, người đứng đầu mảng kinh doanh khu vực châu Á Thái Bình Dương tại Zoom, cho biết: “Có rất nhiều công ty công nghệ đến và đó chỉ là một hòn đảo nhỏ thôi. Phép toán đơn giản là đến một thời điểm nào khi bạn cạn kiệt tài năng, bạn có còn được trọng dụng không”. Ông cho biết thêm rằng chương trình cấp thị thực cho lao động nước ngoài của Singapore chỉ mang tính thực dụng.

Hiện tại, việc thiếu hụt nhân lực trong lĩnh vực công nghệ dường như chưa mang lại hậu quả gì to lớn. Ủy ban Phát triển Kinh tế (EDB) vẫn đang nhận được sự quan tâm lành mạnh từ các công ty công nghệ toàn cầu muốn mở rộng hoạt động.

Giám đốc điều hành Chng Kai Fong cho biết: “Chúng tôi liên tục tìm cách đảm bảo các công ty thành lập tại đây có thể tiếp cận với lực lượng lao động Singapore, hoặc được bổ sung bởi lực lượng lao động nước ngoài”.

EDB có nhiều chương trình khác nhau để thu hẹp sự thiếu hụt kỹ năng, bao gồm một chương trình giúp các công ty công nghệ thu hút nhân tài từ nước ngoài và cung cấp thị thực làm việc mới cho các giám đốc điều hành công nghệ hàng đầu.

Các nhà tuyển dụng cho biết, việc cấp thị thực lao động được đưa ra trong tháng này đã thu hút nhiều sự quan tâm. Nhưng nó chỉ giới hạn ở 500 người tham gia cùng các tiêu chí nghiêm ngặt.

Các công ty đang tìm cách đối phó. Như nền tảng mua sắm hoàn tiền ShopBack đang yêu cầu phân bổ lại khối lượng công việc cho các kỹ sư hiện có của mình để đáp ứng nhu cầu mới.

Hoặc công ty Fintech Nium đã cử đội ngũ hùng hậu gồm 250 kỹ sư đến Ấn Độ. Giám đốc điều hành Prajit Nanu cho biết: “Hiện chúng tôi có 13 giám đốc sản phẩm tại Singapore rồi, con số này dự kiến sẽ được tăng lên gấp đôi”.

Nền kinh tế mở của Singapore đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, đặc biệt là các hãng hàng không và du lịch. Cựu tiếp viên hàng không của Singapore Airlines, Alloysius Lee, 32 tuổi đã thấy rất biết ơn khi ông quyết định theo học ngành phân tích dữ liệu.

“Tôi cảm thấy may mắn. Tôi đã dành vài năm qua để học hỏi và phát triển một kỹ năng mới”, Lee nói.

MINH HẠ



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 30/12/2024