ISSN-2815-5823
Thứ hai, 08h23 08/10/2018

Sôi động ứng dụng gọi xe công nghệ: Bài học quản lý

(KDPT)- Mở ứng dụng smartphone chúng ta có thể dễ dàng thấy hàng loạt các hãng xe thời công nghệ được mời chào quảng cáo với nhiều tiện ích cho người tiêu dùng như Grab, Aber, FastGo, T.Net… Tuy nhiên, việc lựa chọn và quản lý dịch vụ xe công nghệ như thế nào vẫn đang là bài toán nan giải với các nhà quản lý.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Bích Liên

Sau khi Grab mua Uber, nhiều ý kiến cho rằng dịch vụ gọi xe công nghệ tại Việt Nam không còn hấp dẫn bởi Grab sẽ “ở thế độc quyền”. Tuy nhiên, sau đó không lâu, thị trường đã nhanh chóng đón nhận những hãng xe công nghệ mới như Go-Jek (Indonesia), Aber (nhóm kỹ sư trẻ người Việt du học Đức), FastGo (Công ty FastGo Việt Nam), T. NET (dịch vụ xe ôm của FPT), VATO (hãng xe Phương Trang)…

Có thể thấy, các ứng dụng gọi xe trong nước dù có tuổi đời non trẻ, nhưng đều đang ngày một nỗ lực cải thiện chất lượng dịch vụ, cũng như công nghệ, kĩ thuật để thu hút khách hàng.

Theo tìm hiểu của phóng viên cho thấy, Aber là một ứng dụng gọi xe của nhóm kỹ sư người Việt ở châu Âu. Các dịch vụ mà Aber cung cấp là xe hai bánh chở khách, xe hai bánh giao hàng, ô tô, xe cho thuê, xe tải chở hàng và xe khách đường dài. Để thu hút khách hàng, Aber cam kết không tăng phí trong giờ cao điểm. Đây là điểm cộng của Aber khiến khách hàng hài lòng.

Còn T.NET là ứng dụng gọi xe taxi do nhóm giảng viên và sinh viên Đại học FPT phát triển đã khắc phục được nhược điểm của Uber, Grab trước đây. T.NET được giới thiệu sẽ đem lại sự tiện lợi như các ứng dụng gọi xe cao cấp quốc tế với giá tương đương. T.NET còn có điểm nhấn là dịch vụ xe taxi truyền thống với giá rẻ hơn đặt xe trực tiếp với tổng đài. Ứng dụng này của các kỹ sư phần mềm Việt đánh trúng tâm lý người dùng Việt khi mang tính năng “tìm chuyến xe miễn phí” ra menu ngoài, giúp người dùng nhận biết tất cả các chương trình khuyến mãi hiện có trước khi đặt xe và sử dụng được ngay. Sau một thời gian sử dụng, đánh giá, người dùng còn có thể thêm tài xế vào danh sách yêu thích để ưu tiên đặt và gọi xe trong các chuyến sau.

Mặc dù có nhiều tính năng tiện ích thu hút khách hàng nhưng cũng không ít các hãng xe công nghệ hiện đang gặp vướng mắc nhiều từ sự phàn nàn từ phía khách hàng.

Chị Thu Hương (Yên Hòa, Cầu Giấy) – một người thường xuyên sử dụng gọi xe công nghệ để di chuyển cho hay, “tôi cài một số hãng xe hiện đang có mặt tại Việt Nam để tiện gọi. Theo tôi, FastGo được kì vọng là vậy, nhưng tới nay, FastGo vẫn chưa khiến người tiêu dùng thực sự hài lòng. Bởi mới ra mắt, nhưng hãng xe này liên tiếp gặp trục trặc về kĩ thuật”. Còn đối với Grap, một hãng xe có mặt tại Việt Nam lâu hơn cả, cũng chưa làm hài lòng khách hàng. Bởi hãng này thường xuyên tăng giá, đặc biệt mỗi khi trời mưa, trời nắng bất thường. “Hơn thế, lợi dụng ở thế độc quyền hơn sau khi Uber rút khỏi, Grap thường “dè dặt” hơn những chuyến khuyến mại so với trước đây, cước di chuyển thì đắt hơn. Đây là một điểm khiến người dùng như chúng tôi rất thất vọng”, chị Hương cho biết.

Dự kiến trong thời gian tới, thị trường xe công nghệ sẽ ngày càng sôi động hơn, tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với những khó khăn đi kèm trong công tác quản lý hiện nay.

Theo đánh giá của giới chuyên môn, thị trường gọi xe công nghệ có thể xem là khá lộn xộn, không chỉ đơn thuần là xe công nghệ mà có cả chục ngàn taxi truyền thống cũng tham gia vào chạy xe công nghệ. Do đó, việc thống kê thị trường này có bao nhiêu xe công nghệ là không dễ, số liệu một số hãng đưa ra có bao nhiêu xe cũng chưa có ai kiểm chứng. Ngay cả cơ quan chức năng cũng không biết chính xác từng hãng có bao nhiêu xe. Đặc biệt, nhiều hãng xe đưa ra nhiều chiêu trò đánh lừa người tiêu dùng nhưng khi triển khai mọi tiện ích không giống với những gì họ tung ra quảng cáo.

Bên cạnh giá cước cạnh tranh, giúp hành khách có thêm lựa chọn, thì sự bùng nổ loại hình taxi, xe ôm công nghệ của các hãng cũng gây nhiều khó khăn cho cơ quan quản lý. Trong đó, vướng mắc lớn nhất là thiếu chế tài bảo đảm trật tự an toàn giao thông cũng như xử lý vi phạm.

Nói về tình trạng này, đại diện Sở Giao thông-Vận tải Hà Nội cho biết, công tác quản lý loại hình xe công nghệ gặp nhiều khó khăn do phương tiện gia tăng quá nhanh. Phần lớn đây là phương tiện người dân mua để “chạy” nên tác động rất lớn đến giao thông đô thị, ảnh hưởng đến chủ trương phát triển hành khách công cộng và công tác tổ chức giao thông, đặc biệt là việc quản lý, hạn chế xe taxi và phương tiện cá nhân.

Cùng với taxi công nghệ, thời gian qua, xe ôm công nghệ (GrabBike, Go Viet) cũng bùng nổ. Có thể dễ dàng nhận thấy, lái xe ôm công nghệ có mặt ở bất cứ đâu, từ trong ngõ ngách, trên các tuyến đường, đến các tòa chung cư, trung tâm thương mại…

Ông Chiến Thắng (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: “Ban đầu thì thấy thật tiện lợi, giá rẻ và an toàn, nhưng càng ngày càng thấy bất ổn. Nhiều người chạy xe ôm công nghệ vốn là sinh viên ngoại tỉnh tranh thủ làm thêm. Động lực và trách nhiệm làm việc thì tốt nhưng các sinh viên không thuộc đường, vừa lái xe vừa nhìn phần mềm dẫn đường trên điện thoại nên rất nguy hiểm”.

Như vậy, có thể thấy bài toán quản lý xe công nghệ hiện nay vẫn đang khiến nhiều cơ quan chức năng bối rối trong việc quản lý.

Theo các chuyên gia, xe công nghệ là một dịch vụ rất văn minh, thực tế đã đem lại nhiều lợi ích cho người dân. Chúng ta không ngăn cấm, thậm chí còn rất khuyến khích các hãng xe truyền thống học tập mô hình này. Tuy nhiên cũng cần phải đưa xe công nghệ vào khuôn khổ pháp luật, quản lý chặt chẽ nhằm hạn chế sự gia tăng phương tiện, đảm bảo an toàn, lợi ích cho người dân và chống thất thu thuế.

Để giải quyết tình trạng trên, theo Bộ Giao thông và Vận tải, Bộ luôn ủng hộ việc ứng dụng khoa học công nghệ nhằm hỗ trợ hoạt động kinh doanh, tuy nhiên, việc ứng dụng chỉ được áp dụng với các đơn vị vận tải đã được cấp giấy phép kinh doanh và phương tiện đã được cấp phù hiệu vận tải. Đồng thời, các đơn vị phải chấp hành các điều kiện kinh doanh vận tải, cạnh tranh lành mạnh, công khai, minh bạch và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế với Nhà nước.

Theo Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 20/05/2024