Sức vóc doanh nhân Việt Nam
Việt Nam nỗ lực hiện thực hóa khát vọng hùng cường. (Ảnh minh họa)

1

Ở thời hiện tại khi cả thế giới đang hối hả trong guồng quay của thời kỳ trí tuệ nhân tạo, kinh tế số, chuyển đổi số… nhưng vóc dáng của doanh nhân Việt Nam vẫn có được một vị thế được thế giới công nhận. Để có được tâm thế của doanh nhân hôm nay, luôn thích ứng và vươn lên trước thời cuộc, doanh nhân, doanh nghiệp Việt mang trong mình hồn cốt của văn hóa Việt Nam. Bởi, văn hóa là nền tảng, cốt cách của mỗi con người và lớn hơn là của cả dân tộc.

Tại bài phát biểu trong Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ: “Văn kiện Đại hội đã nhấn mạnh một trong những quan điểm chỉ đạo cốt lõi và xuyên suốt là: "Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của nền văn hoá và con người Việt Nam,... kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất".

Để có được tâm thế của doanh nhân hôm nay, luôn thích ứng và vươn lên trước thời cuộc, doanh nhân, doanh nghiệp Việt mang trong mình hồn cốt của văn hóa Việt Nam. Bởi, văn hóa là nền tảng, cốt cách của mỗi con người và lớn hơn là của cả dân tộc

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh về những nhiệm vụ để tiếp tục xây dựng, chấn hưng, phát triển nền văn hóa dân tộc: “Khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của toàn dân tộc; phát huy cao độ những giá trị văn hoá, sức mạnh và tinh thần cống hiến của mọi người Việt Nam, tạo nguồn lực nội sinh và động lực đột phá để thực hiện thành công mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025, 2030, tầm nhìn 2045 mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hoá, giá trị của quốc gia - dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo. Những giá trị ấy được nuôi dưỡng bởi văn hoá gia đình Việt Nam với những giá trị cốt lõi: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; được bồi đắp, phát triển bởi nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với hệ giá trị: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học; trên nền tảng của hệ giá trị quốc gia và cũng là mục tiêu phấn đấu cao cả của dân tộc ta: Hoà bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc. Và: “Khắc phục tư tưởng "duy kinh tế", chỉ tập trung cho kinh tế mà ít quan tâm đến văn hoá. Phải quán triệt nghiêm túc quan điểm "văn hoá phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội".

Đại hội XIII của Đảng vừa qua đã xác định: "Chiến lược phát triển tổng thể của đất nước ta trong thời gian tới là đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phát triển nhanh và bền vững; bảo đảm gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó: Phát triển kinh tế là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hoá là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên. Đây là quan điểm chỉ đạo rất cơ bản cần phải được triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt trong nhiệm vụ của các ngành, các cấp”.

Bài phát biểu quan trọng có giá trị to lớn trong sự phát triển văn hóa đã cho thấy văn hóa đóng vai trò quan trọng trong sự sống còn của mỗi dân tộc. Do vậy doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam được sinh ra lớn lên, trưởng thành từ cái nôi văn hóa đó phải có sự tự hào để phát huy văn hóa ở doanh nghiệp mình và bản thân mình. Có như vậy doanh nhân, doanh nghiệp mới mang về những kỳ tích cho đất nước hùng cường và hạnh phúc.

Sức vóc doanh nhân Việt Nam
Văn hóa doanh nghiệp là trụ cột tinh thần làm nên cốt cách của doanh nghiệp. (Ảnh: VinFast)

2

Doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ, một trong những người khởi xướng cho ra mắt cuốn sách “Việt Nam nhỏ hay không nhỏ” với mục tiêu cao cả, khát vọng xây dựng Việt Nam hùng cường. Trong đó, đã ghi nhận, tố chất người Việt không hề thua kém người Nhật, người Hàn, người Israel, người Mỹ, điều kiện địa chính trị, tài nguyên đáp ứng phát triển kinh tế không hề bất lợi so với các đất nước Nhật, Hàn, Israel, Dubai. Tinh thần doanh nhân, tinh thần sáng tạo khởi nghiệp chưa được xây đắp để trở nên bản thể của văn hóa Việt, doanh nghiệp chân chính chưa có được sự ủng hộ toàn diện từ thiết chế và cộng đồng, đó là một lý do chính khiến cho nền kinh tế chúng ta chưa thực sự phồn vinh. Tinh thần doanh nhân cần được xem như tinh thần chiến đấu bảo vệ và phát triển đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa. "Biên giới" quốc gia được xác lập bằng biên cương hàng hóa, không gian sinh tồn của dân tộc tùy thuộc vào không gian chiếm cứ của thương hiệu quốc gia. Có tinh thần này, biên cương “mềm” của đất nước sẽ rộng mở, không gian phát triển cho dân tộc chúng ta sẽ rộng thoáng. Không được trang bị tinh thần này, chúng ta có thể sẽ là “nô thuộc” về kinh tế ngay chính tại sân nhà chúng ta. Vậy nên, tinh thần doanh nhân và tinh thần sáng tạo khởi nghiệp cần được nhanh chóng khởi phát mạnh mẽ trong cộng đồng bằng nhiều phương tiện liên hoàn để chúng ta có nền tảng mềm nhưng vô cùng quan trọng trong tiến trình phục hưng kinh tế đưa đất nước vào vị thế quốc gia thịnh vượng, bền vững. Tinh thần doanh nhân cần được hậu thuẫn mạnh mẽ từ văn hóa, giáo dục, truyền thông, sẽ làm thay đổi tâm thức của thế hệ trẻ hôm nay trên con đường kiến quốc dựng nghiệp.

"Biên giới" quốc gia được xác lập bằng biên cương hàng hóa, không gian sinh tồn của dân tộc tùy thuộc vào không gian chiếm cứ của thương hiệu quốc gia. Có tinh thần này, biên cương “mềm” của đất nước sẽ rộng mở, không gian phát triển cho dân tộc chúng ta sẽ rộng thoáng.
Sức vóc doanh nhân Việt Nam
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và các đại biểu Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam tháng 10/2023. (Ảnh: TTXVN)

Doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ đã xác lập rất rõ về xây dựng cốt cách văn hóa doanh nghiệp, cốt cách văn hóa doanh nhân và cũng chính ông bằng những hành động thiết thực đã truyền cảm hứng, truyền thông điệp của doanh nhân Việt Nam với tâm thế của văn hóa Việt sẽ mang lại những cống hiến bền bỉ cho một Việt Nam không nhỏ trên bản đồ thế giới. Những tâm huyết, khát vọng của doanh nhân luôn được sáng bền để tạo nên một văn hóa doanh nghiệp mà doanh nhân là người lái con thuyền doanh nghiệp vượt sóng thắng lợi.

Bởi vậy văn hóa doanh nghiệp phải được xuất phát từ nhận thức của doanh nhân. Đúng như GS.TS. Từ Thị Loan trong bài viết “Văn hóa doannh nghiệp với sự phát triển bền vững của đất nước” đã nêu rõ: “Văn hóa doanh nghiệp là toàn bộ các giá trị văn hóa được gây dựng trong suốt quá trình tồn tại và phát triển của một doanh nghiệp, trở thành các giá trị, chuẩn mực, quan niệm, truyền thống ăn sâu vào hoạt động của doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp chi phối tình cảm, nếp suy nghĩ và hành vi của mọi thành viên doanh nghiệp trong việc theo đuổi và thực hiện các mục đích đề ra, tạo nên sự khác biệt giữa các doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp cũng chính là “trụ cột tinh thần” làm nên cốt cách của doanh nghiệp, là chất keo gắn kết các thành viên hướng tới những mục tiêu chung và hành động chung. Trong các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp lớn, thường tập hợp nhiều thành viên là những người khác nhau về trình độ, quan hệ xã hội, năng lực, tính cách… tạo nên một môi trường làm việc đa dạng và phức tạp. Muốn tồn tại và phát triển bền vững, doanh nghiệp cần là nơi tập hợp, phát huy mọi nguồn lực con người, xây dựng và duy trì một môi trường văn hóa mà ở đó các thành viên đều có những giá trị chung để chia sẻ và đồng thuận, cùng hướng đến mục tiêu chung. Văn hóa doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của các doanh nghiệp. Từ khi đất nước bước sang thời kỳ đổi mới, hoạt động xây dựng văn hóa doanh nghiệp đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Nhiều doanh nghiệp bước đầu gia nhập môi trường kinh doanh của thế giới, thích ứng được với môi trường cạnh tranh toàn cầu. Các chiến lược, mục tiêu kinh doanh được xác định rõ ràng, chuẩn xác, phù hợp. Triết lý kinh doanh được đúc rút sâu sắc, có bề dày văn hóa. Các nguyên tắc, quy định của doanh nghiệp được xây dựng gắn với thực tế và dễ thực hiện. Các giá trị cốt lõi dần dần được hình thành, tạo nên bản sắc riêng cho nhiều doanh nghiệp, tạo dấu ấn và giành được thiện cảm của đối tác và khách hàng. Những nội dung của văn hóa doanh nghiệp có tính linh hoạt, có khả năng thích ứng cao với sự thay đổi của môi trường và hoàn cảnh. Nhiều doanh nghiệp đã bước đầu áp dụng chế độ làm việc dựa trên hiệu quả công việc và sự hiện thực hóa những giá trị văn hóa, chuẩn mực văn hóa của doanh nghiệp. Trong hai thập niên gần đây, môi trường kinh doanh ở Việt Nam đã được cải thiện, cộng đồng doanh nghiệp ngày càng phát triển, hình thành được các thương hiệu nổi tiếng không chỉ trong nước mà còn vươn tầm ra khu vực và thế giới. Các doanh nghiệp cũng ngày càng quan tâm hơn đến việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đạo đức kinh doanh, thực thi trách nhiệm xã hội, tích cực hỗ trợ cộng đồng. Đã có hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng được quyên góp từ các doanh nghiệp để hỗ trợ người dân vùng thiên tai, bão lụt, dịch bệnh và bảo vệ môi trường”.

Trong cuốn sách “Tôi tự hào là người Việt Nam”, doanh nhân Nguyễn Hữu Thái Hòa - Giám đốc chiến lược của Tập đoàn FPT đã phân tích: “Nhật Bản sau chiến tranh đã đưa ra khẩu hiệu phát triển đất nước vô cùng quan trọng “Kỹ nghệ phương Tây, hồn Nhật Bản” đề giữ vững tinh thần dân tộc. Chúng ta cần nhận diện thật rõ đâu là điểm mạnh của bản sắc văn hóa, lịch sử và truyền thống của con người Việt Nam để từ đó đưa ra một định hướng chiến lược phù hợp nhất”.

Trong hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Việt Nam đã là trái tim của nhân loại. Sau chiến tranh gần 50 năm, chúng ta đã đánh mất quá nhanh tình cảm đó vì nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, và cũng vì chính chúng ta đã không ý thức được tầm quan trọng và giá trị vô biên của việc trở thành một trung tâm thế giới. Phải nhìn nhận rằng qua bao cuộc bể dâu, dù trong thế yếu chống mạnh, người Việt luôn nêu cao truyền thống của tinh thần nhân nghĩa làm nền tảng:

“Đem đại nghĩa để thắng hung tàn

Lấy chí nhân để thay cường bạo”.

(Cáo bình Ngô, Nguyễn Trãi, 1428)

Vị trí địa lý, lịch sử đã trao vào tay Việt Nam Nhiều cơ hội lớn. Nhưng chỉ có dũng khí của người có tầm nhìn xa, dám đương đầu để nhận lấy trọng trách lớn, mới biết nắm bắt lấy cơ hội. Muốn như thế, thì Việt Nam phải phát huy tối đa sức mạnh chính trị của vị trí Tổng thư ký ASEAN và người nắm trọng trách này phải thật sự có tài thao lược, có tầm nhìn lớn.

Song điều đáng nói ở đây, doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam có thể đứng vững vàng là bởi chúng ta luôn tự hào là người Việt Nam. Từ đó mỗi doanh nhân sẽ có một tầm nhìn thời đại cho từng bước đi của mình. Trong đó yếu tố văn hóa là điều không thể thiếu mà phải được bồi đắp theo năm tháng thời gian để thăng hoa và phát triển của mỗi doanh nghiệp, doanh nhân.

Yếu tố văn hóa là điều không thể thiếu mà phải được bồi đắp theo năm tháng thời gian để thăng hoa và phát triển của mỗi doanh nghiệp, doanh nhân. Ảnh: phuhunglife.
Yếu tố văn hóa là điều không thể thiếu mà phải được bồi đắp theo năm tháng thời gian để thăng hoa và phát triển của mỗi doanh nghiệp, doanh nhân. (Ảnh minh họa)
Văn hóa doanh nghiệp cũng chính là “trụ cột tinh thần” làm nên cốt cách của doanh nghiệp, là chất keo gắn kết các thành viên hướng tới những mục tiêu chung và hành động chung.

3

Cách đây không lâu, một ông chủ du thuyền ở Vịnh Hạ Long đã đưa ra ý tưởng và thực hiện dự án du thuyền triệu đô lấy cảm ứng từ doanh nhân Bạch Thái Bưởi. Nhiều người lúc đó không mặn mà với dự án này. Nhưng với doanh nhân Phạm Hà - Chủ tịch HĐQT Lux Group lại khẳng định mục đích thực hiện dự án này là: “Chúng tôi đặt tên du thuyền là Bình Chuẩn, là tên của con tàu lừng lẫy của “Vua tàu thuỷ” Bạch Thái Bưởi. Chúng tôi kỳ vọng người Việt mình khi nhìn thấy tên du thuyền sẽ gợi nhớ một ký ức lịch sử sống dậy đầy kiêu hãnh về con tàu “made in Việt Nam” đầu tiên trong lịch sử của doanh nhân Bạch Thái Bưởi, còn du khách khi thấy du thuyền sẽ ấn tượng với những hình ảnh đậm đà bản sắc văn hoá, tinh thần Việt Nam tại đây”. Theo ông Phạm Hà: “Được học theo tinh thần kinh doanh của cụ Bạch Thái Bưởi, người từng chủ trương “Người Việt đi tàu Việt” trong cuộc cạnh tranh với các thương nhân Trung Hoa những năm đầu thế kỷ XX thực sự truyền cho tôi nguồn cảm hứng lớn lao. Với sự ủng hộ nhiệt tình của chị Bạch Quế Hương, chắt nội của cụ Bạch Thái Bưởi, chúng tôi có một niềm tin lớn vào sự thành công của đội tàu ở Hải Phòng”.

Nhà tư sản Bạch Thái Bưởi (1874-1932) là một doanh nhân nổi tiếng đã truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ người Việt trong những năm đầu thế kỷ XX. Ông sinh ra trong một gia đình nghèo, nhưng đã vươn lên trở thành một trong bốn người giàu có nhất Việt Nam trong những năm đầu thế kỷ XX. Ông là một nhà kinh doanh yêu nước và đề ra chủ trương “Người Việt dùng hàng Việt” và “Người Việt Nam đi tàu Việt Nam”.

Trong cuộc chiến tranh thương mại những năm đầu thế kỷ XX, doanh nhân Bạch Thái Bưởi đã đánh bại các nhà tư bản Pháp, Trung Quốc để tạo ra một bước chuyển biến lớn mang tầm quốc gia dân tộc với tinh thần “người Việt giúp người Việt” “Người Việt Nam đi tàu Việt Nam”. Cụ nắm trong tay 3 con tàu tên Phi Long, Phi Phượng và Fai Tsi Long (Bái Tử Long) và mở rộng thành đội tàu riêng 30 chiếc tàu, chạy 17 tuyến, trung bình mỗi năm chuyên chở 5.000 chuyến, trên dưới 1,5 triệu hành khách, hơn 15 vạn tấn hàng, mang lại rất nhiều lợi ích cho người Việt Nam thời ấy.

Du thuyền Bình Chuẩn còn đang trên lộ trình trở thành một bảo tàng đặc biệt về doanh nhân Bạch Thái Bưởi với sự giúp đỡ của bà Bạch Thái Hương. Theo đó, sắp tới, một cuốn sách về “Vua” tàu thủy Bạch Thái Bưởi sẽ được xuất bản với sự hỗ trợ của bà Bạch Thái Hương, và một thư viện mini gồm cuốn sách này và các tài liệu khác, kỷ vật về nhà tư bản công nghiệp hiếm hoi trong một xã hội trọng nông thời đầu thế kỷ XX cũng đang được khẩn trương xây dựng để có thể sớm ra mắt du khách của du thuyền. Nêu ra một điển hình thí dụ này để minh chứng rằng doanh nhân Việt Nam hôm nay vẫn tiếp nối những truyền thống của cha ông bằng lòng tự tôn dân tộc và văn hóa hành nghề để mang lại những ích lợi, thụ hưởng cho dân ta và cho nước ta. Điều này đã đang và sẽ được giới doanh nhân Việt Nam kế thừa phát huy để tạo nên một sức vóc đích thực, góp vào sự hòa khí của dân tộc Việt Nam”.

Văn hóa là điểm tựa tăng trưởng doanh nghiệp. Ảnh: gdnn.gov.vn
Văn hóa là điểm tựa tăng trưởng doanh nghiệp. (Ảnh: gdnn.gov.vn)

Xin trích ra đây lời thơ nhưng cũng là như một lời tuyên thệ của mỗi doanh nhân Việt Nam do TS.LS Phạm Hồng Điệp - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Shinec ( Hải Phòng) đã viết trong bài “ Doanh nhân Việt Nam” của mình.

Nào ta đi một lòng quyết tâm xây đời

Nào ta đi trùng trùng trái tim Vịệt Nam

Vì ngày mai ta cùng nắm tay, sát lại

Chung sức một lòng xây dựng nước Nam ta.

Vóc hình đất nước tạc trong tim này

Trí vững tâm bền nuôi khát vọng vươn lên

Nào chung tay, một lòng quyết tâm dâng đời

Tự hào ta là doanh nhân Việt Nam.

Từ muôn phương ta nuôi chí tâm hướng về

Góp cho đời từ khối óc con tim

Vì nước Việt bay lên tầm cao mới

Tự hào ta là Doanh nhân Việt Nam.

Chúng ta tin tưởng và hy vọng rằng trong xu thế phát triển không ngừng của đất nước Việt Nam, doanh nhân Việt Nam sẽ có những sức vóc mới góp vào làm rạng rỡ “vóc hình đất nước tạc vào trái tim này”./.