Kể từ ngày 4/5/2023, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân lên 1.920,3732 đồng/kwh, tăng 3%, tương đương gần 56 đồng so với mức cũ.

Dù khẳng định mức tăng 3% là không cao, song các chuyên gia lo ngại việc “té nước theo mưa” sau việc tăng giá điện sẽ khiến giá cả hàng hóa tăng ồ ạt, ảnh hưởng đến đời sống của người dân và mục tiêu lạm phát của Việt Nam trong năm 2023.

Giá điện tăng 3% - tác động thấp đến lạm phát

Nhìn nhận về mức tăng này, bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê (TCTK) cho biết, điện là một ngành năng lượng chiến lược quan trọng đối với hoạt động sản xuất của doanh nghiệp cũng như tiêu dùng của người dân.

Chính vì vậy, khi giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất của ngành điện tăng rất cao trong suốt thời gian dài, thì việc điều chỉnh giá điện là cần thiết, vừa đảm bảo sản xuất kinh doanh của EVN, vừa đảm bảo nhu cầu điện của người dân và doanh nghiệp.

Theo bà Oanh, khi giá điện tăng sẽ tác động trực tiếp tới lạm phát và đồng thời cũng có tác động gián tiếp kéo theo giá của các hàng hóa khác cũng có thể tăng lên. Trong rổ hàng hóa tính CPI, điện chiếm tỷ trọng 3,31%, khi giá điện tăng 10% thì sẽ tác động đến CPI - làm tăng 0,33 điểm %.

“Với mức tăng 3% thì giá điện sẽ làm tăng CPI lên 0,1 điểm % - đây là mức tác động rất thấp”, bà Oanh nêu rõ.

Tăng giá điện: Cần tránh tình trạng hàng hoá "té nước theo mưa" ảnh 1
Bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê (TCTK)

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cho rằng, Bộ Công thương và EVN đã thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ không điều chỉnh giật cục, có lộ trình, đảm bảo hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và người dân - một cách nghiêm túc.

Dẫn chứng điều này, theo ông Thỏa, giá điện tăng 3% khiến giá thành các ngành sản xuất dùng nhiều điện tăng nhưng không lớn, như thép tăng 0,18%, xi măng tăng 0,45%, giấy tăng 0,4%. Còn với người tiêu dùng, bình quân của 25 triệu hộ sử dụng khoảng 200 kwh/tháng, cũng chỉ làm tăng tiền điện khoảng 12.000 đồng/tháng.

Tăng giá điện: Cần tránh tình trạng hàng hoá "té nước theo mưa" ảnh 2
Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam

Lo ngại tình trạng “té nước theo mưa”?

Tuy vậy, ông Thỏa cho rằng, việc tăng giá điện vào đúng giai đoạn nóng nắng sẽ làm cho chi phí tiền điện của người dân tăng cao, gây ra phản ứng không thuận của người tiêu dùng. Trong khi đó, tình trạng “té nước theo mưa” thường xảy ra trong các lần điều chỉnh giá xăng dầu, lương cơ bản trước đây nên cũng sẽ có hiện tượng lợi dụng giá điện tăng để tăng giá hàng hóa từ nay đến cuối năm.

Về giải pháp, ông Thỏa cho rằng, các cơ quan chức năng cần có chính sách tổng thể về mặt bình ổn giá. Trước hết, phải yêu cầu các doanh nghiệp đăng ký giá, phải kê khai giá, báo cáo chi tiết giá thành sản xuất kinh doanh khi mà điều chỉnh giá điện 3%.

“Cần tránh tình trạng giá điện tăng bao nhiêu thì giá hàng hoá lại tăng bấy nhiêu. Lợi dụng giá điện tăng để lôi kéo các mặt hàng tăng ở ngoài chợ tăng theo. Việc này sẽ ảnh hưởng đến lạm pháp và ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam”, ông Thỏa nêu rõ.

Còn theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên Học viện Tài chính cho rằng, với mức tăng 3% thì chưa giải quyết được bài toán lỗ của EVN hiện nay. Vì vậy, có thể ngay trong cuối năm nay cũng có thể có một đợt tăng giá điện nữa.

Trong khi đó, việc tăng giá điện dù thấp song chắc chắn có tác động đến đời sống của người dân nói chung. Không chỉ tác động trực tiếp mà còn tác động gián tiếp bởi các hàng hóa khác. Vì vậy, các cơ quan quản lý giá như Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) hay Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) phải vào cuộc để ổn định giá cả thị trường.

“Tổng cục Quản lý thị trường phải đảm bảo kiểm tra, giám sát thường xuyên, nắm bắt tình hình thị trường. Còn Bộ Tài chính phải xây dựng chính sách về giá cả cho những mặt hàng nhà nước quản lý và mặt hàng thiết yếu trong nền kinh tế một cách hợp lý cho từng loại hàng, ngành hàng”, ông Thịnh nêu rõ.

Việc kìm giữ mặt bằng giá chung còn liên quan tới các bộ ngành chức năng hiện vẫn đang quản lý hàng loạt doanh nghiệp. Các bộ ngành này phải đánh giá chính xác mức độ tác động của giá điện với ngành hàng mình quản lý, từ đó kiểm soát các doanh nghiệp không tăng ồ ạt và bất hợp lý.

“Hàng hóa tăng giá là điều khó tránh khỏi nhưng phải phù hợp, bởi trong lúc giá nguyên vật liệu, xăng dầu giảm thì giá điện tăng sẽ không thể tăng giá hàng hóa mạnh được. Do đó, cần phải có sự giám sát của cơ quan chức năng để bình ổn giá thị trường”, ông Thịnh nêu rõ.

Tăng giá điện: Cần tránh tình trạng hàng hoá "té nước theo mưa" ảnh 3
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên Học viện Tài chính

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thu Oanh, ngoài giá điện, có nhiều yếu tố khác tác động lên lạm phát như giá nguyên nhiên vật liệu vẫn ở mức cao, sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc cũng làm tăng giá cả của hàng hóa thế giới.

Ngoài ra, việc tăng lương cơ bản từ 1/7, điều chỉnh tăng giá dịch vụ do nhà nước quản lý như y tế, giáo dục, hay việc thực hiện các gói hỗ trợ cũng như triển khai thực hiện vốn đầu tư công quyết liệt hay du lịch tăng cao sẽ là yếu tố tác động lên lạm phát.

Vì vậy, bà Oanh cho rằng, Chính phủ và các bộ, ngành cần theo dõi sát diễn biến tình hình giá cả của thế giới để kịp thời nắm bắt các yếu tố có thể tác động lên lạm phát việt Nam để có giải pháp phù hợp.

Đồng thời, việc điều chỉnh giá các dịch vụ do nhà nước quản lý trong năm 2023 cần nghiên cứu và xem xét điều chỉnh ở thời điểm nhất định và ở mức độ hợp lý. Các bộ ngành và địa phương cũng cần chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng đáp nhu cầu của người dân, nhất là lương thực, thực phẩm và tiêu dùng thiết yếu.

"Ngân hàng Nhà nước cũng cần điều hành chính sách tiền tệ một cách phù hợp với các chính sách kinh tế vĩ mô khác để kiểm soát lạm phát, từ đó hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong đời sống và sản xuất kinh doanh.", bà Oanh nêu.