ISSN-2815-5823
Thứ năm, 03h00 07/10/2021

Tết năm nay có nguy cơ thiếu thịt lợn

(KDPT) – Đầu ra ách tắc vì giãn cách kéo dài, cộng thêm chi phí chăn nuôi tăng cao, giá bán lại quá rẻ, thậm chí không có người mua nên nhiều trang trại gà, heo tại thủ phủ chăn nuôi Đông Nam bộ không dám tái đàn. Tình trạng này đang khiến các cơ quan quản lý, chuyên gia lo ngại sẽ thiếu hụt nguồn cung thịt vào cuối năm và dịp tết Nguyên đán.

Giá lợn hơi hiện đang ở mức thấp nhất trong vòng 2 năm qua

Giá lợn hơi tiếp tục giảm và ở mức thấp nhất trong vòng 2 năm qua, hiện chỉ còn 38.000 – 47.000 đồng/kg. Ngày 6/10 tại khu vực miền Bắc, giá lợn hơi dao động trong khoảng 38.000 – 42.000 đồng/kg; tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên dao động trong khoảng 41.000 – 47.000 đồng/kg; tại khu vực miền Nam dao động trong khoảng 43.000 – 46.000 đồng/kg.

Tuy nhiên,trái ngược với giá lợn hơi, thịt lợn thành phẩm tại các địa phương vẫn giữ ở mức cao. Tại TP Hồ Chí Minh vẫn ở mức cao dao động từ 130.000 – 160.000 đồng/kg, còn tại Hà Nội giá thịt lợn chỉ còn 80.000 – 120.000 đồng/kg.

Nhập khẩu thịt lợn có xu hướng giảm do nhu cầu yếu, trong khi nguồn cung trong nước tăng. Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết, trong tháng 8/2021, Việt Nam nhập khẩu 14,56 nghìn tấn thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh, với trị giá 33,52 triệu USD, giảm 26,5% về lượng và giảm 27,4% về trị giá so với tháng 8/2020, giá nhập khẩu trung bình đạt 2.302 USD/tấn, giảm 1,2% so với tháng 8/2020.

Lũy kế 8 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh đạt 109,99 nghìn tấn, trị giá 254,79 triệu USD, tăng 70,1% về lượng và tăng 67% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Trong 8 tháng đầu năm 2021, thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh chủ yếu được nhập khẩu từ Nga chiếm 40,7%; Brazil chiếm 14%; Canada chiếm 12,5%; Đức chiếm 11,6% và Ba Lan chiếm 5,3%…

Cục Xuất nhập khẩu nhận định, xu hướng giảm giá có thể kéo dài đến hết tháng 10/2021. Dự báo đầu tháng 11/2021, khi nhu cầu tăng theo quy luật thị trường, thì giá thịt lợn sẽ bắt đầu tăng trở lại.

Thời gian qua, các hộ chăn nuôi lợn quy mô nhỏ khá lao đao vì giá lợn ở mức thấp trong nhiều tháng. Trong khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát trở lại tại một số địa phương và giá thức ăn chăn nuôi cao tiếp tục gây áp lực lên các công ty và hộ chăn nuôi.

Ông Nguyễn Văn Trọng Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, thông thường, thời điểm thả giống để phục vụ dịp Tết rơi vào khoảng tháng 7 bởi phải mất 6 – 8 tháng mới có thể xuất chuồng. Tuy nhiên, hiện nhiều hộ chăn nuôi và trang trại nhỏ vẫn đang phải nuôi cầm cự lợn quá lứa trong khi chi phí thức ăn chăn nuôi trong những tháng qua đã tăng phi mã tới 40%. Điều này khiến các hộ chăn nuôi rơi vào tình trạng cạn vốn.

“Triển vọng giá lợn hơi có thể phục hồi mạnh vào cuối năm được xem là cơ hội cho các ông lớn của ngành chăn nuôi trong khi lại là điều tiếc nuối với những hộ, trang trại nhỏ lẻ khi họ vẫn đang “mắc kẹt” với số lợn quá lứa, trong khi vốn đã cạn dần, chưa thể thả mới để kịp lễ Tết”, ông Trọng cho hay.

Do đó, nếu không nhanh chóng có giải pháp tháo gỡ khâu tiêu thụ, tái đàn thì nguy cơ thiếu thịt lợn cục bộ trong quý IV/2021, Tết Nguyên đán năm nay là rất cao. Ông Trọng cũng cảnh báo giá lợn hơi cuối năm có thể tăng cao do chịu tác động cộng hưởng thiếu cung và cầu tăng mạnh.

Giải pháp trước mắt là tiêu thụ hết được số lợn hơi đang tồn đọng trong chuồng, vì hiện nay trọng lượng của lợn nhiều con dao động từ 1,2 – 1,4 tạ vẫn chưa được xuất chuồng do giá lợn xuống thấp 50.000 đồng/kg, bà con không có lãi. Hiện nay, các hộ chăn nuôi lợn cũng gặp khó khăn về việc đảm bảo an toàn sinh học khi tái đàn, thiếu vốn. Do vậy, ông Trọng cho rằng cần phải có giải pháp hỗ trợ về vốn, cũng như khuyến nghị các doanh nghiệp chăn nuôi lớn chủ động tái đàn để đảm bảo nguồn cung trong thời gian tới.

QUANG ĐỨC



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 14/12/2024