Sàn thương mại điện tử: Nỗ lực đưa hàng Việt hiện diện nhiều hơn trên thị trường quốc tế
Thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang phát triển mạnh
Theo bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, trong năm 2023, Việt Nam đã chứng kiến bước phát triển đầy tự hào của thương mại điện tử số; 5 năm qua, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam tăng lên nhanh chóng.
Dẫn số liệu từ báo cáo của Amazon Global Selling Việt Nam, bà Oanh cho biết, trong năm qua, hơn 17 triệu sản phẩm của doanh nghiệp Việt đã được xuất khẩu, tăng 50% về giá trị và 40% về số lượng đối tác bán hàng. Tổng quan thương mại điện tử xuyên biên giới đã tăng trưởng 26% so với năm trước.
Năm 2023, quy mô thương mại điện tử của ta đã đạt 20,5 tỷ USD, quy mô kinh tế số 30 tỷ USD, nằm trong tốp 3 Đông Nam Á, và số liệu này dự kiến sẽ đạt 45 tỷ USD năm 2025.
Những con số trên là minh chứng rõ nét cho tiềm năng to lớn và sự nỗ lực không ngừng của các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tận dụng nền tảng số để mở rộng thị trường quốc tế.
Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay, thương mại điện tử xuyên biên giới trở thành kênh xuất khẩu hàng hóa quan trọng, mở rộng thị trường tiêu thụ cho hàng hóa Việt Nam.
Việt Nam trong những năm gần đây đã có sự phát triển đáng chú ý trong lĩnh vực thương mại điện tử, với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm vượt 25%, cùng lượng lớn người tiêu dùng trẻ, nhu cầu mua sắm trực tuyến quốc tế mạnh mẽ.
Ông Liu Liang, đại diện Sở Thương mại Vân Nam (Trung Quốc), Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Vân Nam (Trung Quốc) cho hay, các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như nông sản, hàng thủ công mỹ nghệ, quần áo và giày dép có tiềm năng rất lớn trên thị trường Trung Quốc. Thí dụ, thanh long, hạt điều và hạt cà phê của Việt Nam đã thông qua các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới của Vân Nam xuất hiện trên bàn ăn của người tiêu dùng Trung Quốc.
Ông cũng cho rằng, trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển nhanh chóng hiện nay, hợp tác giữa Vân Nam và Việt Nam đã bước vào giai đoạn mới. Qua đó, tận dụng lợi thế địa lý, chính sách, công nghệ và dịch vụ của Vân Nam, các sản phẩm chất lượng cao của doanh nghiệp Việt có thể thâm nhập sâu hơn vào thị trường Trung Quốc và thế giới.
Giải pháp nào cho hàng Việt bứt phá trên thị trường thương mại quốc tế ?
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay, thương mại điện tử xuyên biên giới trở thành kênh xuất khẩu hàng hóa quan trọng, mở rộng thị trường tiêu thụ cho hàng hóa Việt Nam. Với tiềm năng to lớn và sự nỗ lực không ngừng, các doanh nghiệp Việt được kỳ vọng sẽ tận dụng nền tảng số để mở rộng thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ tại Việt Nam vẫn đang gặp nhiều khó khăn, thách thức trong tiếp cận, triển khai ứng dụng thương mại điện tử xuyên biên giới, như hạn chế về kiến thức, kỹ năng số; năng lực cạnh tranh chưa cao; thiếu thông tin thị trường và các vấn đề khó khăn liên quan đến rào cản pháp lý, thuế quan, logistics, thanh toán,...
Bên cạnh đó, những biến động của thị trường quốc tế, căng thẳng thương mại, cùng yêu cầu ngày càng cao về tiêu chuẩn chất lượng đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn từ phía cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ.
Hiểu rõ những khó khăn, hạn chế của doanh nghiệp, bà Lê Hoàng Oanh cho biết, thời gian qua, Chính phủ đã hỗ trợ mạnh mẽ cho thương mại điện tử xuyên biên giới, trong đó có việc phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025; hoàn thiện khung khổ pháp lý cho lĩnh vực này (như Luật Thương mại điện tử, Nghị định quản lý xuất nhập khẩu qua thương mại điện tử…); ban hành, thực hiện Kế hoạch phát triển thương mại điện tử quốc gia 2026-2030; tập trung phát triển, tối ưu hóa hệ thống logistics, thanh toán phục vụ thương mại điện tử xuyên biên giới.
Với việc định hướng phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới xanh, bền vững, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số cũng thông tin, các cơ quan chức năng cũng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp thông qua tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn xuất khẩu trực tuyến, tăng cường quản lý hàng xuất nhập khẩu thương mại điện tử qua chuyển phát nhanh, kết nối khai báo thuế cho thương mại điện tử xuyên biên giới.
Về phía doanh nghiệp, bà Oanh khuyến nghị, các doanh nghiệp Việt nên tham gia các sàn thương mại điện tử uy tín, tập trung đầu tư cho thương hiệu, sản phẩm, đồng thời cần nắm bắt thị hiếu thị trường, nghiên cứu kỹ quy định nước sở tại và tìm đối tác bản địa để hỗ trợ logistics và chăm sóc khách hàng./.
- Sàn thương mại Temu: Một cuộc điều tra diện rộng đang diễn ra
- Temu đổ bộ vào thị trường Việt Nam: Một cuộc chiến kinh doanh mới