ISSN-2815-5823
Thứ tư, 04h50 22/04/2020

Thị trường bất động sản: Ngóng dòng vốn ngoại

Nhìn nhận về tiềm năng thị trường bất động sản tại 2 đô thị lớn là Hà Nội và TP.HCM, ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc JLL Việt Nam đánh giá, chính sách thân thiện với doanh nghiệp của Việt Nam và các hiệp định thương mại tự do với hơn 60 nền kinh tế trên thế giới đã giúp tạo ra sức hấp dẫn và động lực của Hà Nội và TP.HCM. JLL đánh giá, hai thành phố lớn nhất đất nước sẽ tiếp tục vượt trội về tăng trưởng kinh tế và vốn đầu tư nước ngoài trên toàn cầu.

(KDPT) – Dòng vốn ngoại không chỉ là nguồn lực đáng kể, mà còn cho thấy lòng tin và kỳ vọng mạnh mẽ của nhà đầu tư nước ngoài vào tiềm năng phát triển bền vững của thị trường bất động sản Việt Nam.

Tự tin vào dòng vốn ngoại

Với những kết quả rất đáng khen ngợi trong việc phòng chống dịch Covid-19, Việt Nam đang thực sự ghi điểm trong mắt bạn bè quốc tế, trong đó có cả các nhà đầu tư. Cùng với đó, Việt Nam đang được coi như một điểm đến an toàn cho các kế hoạch đầu tư dài hạn của một lượng lớn Việt kiều.

“Thị trường nhà ở TP.HCM được các nhà phân tích bất động sản đánh giá là thành phố ưa thích của các nhà đầu tư do tiềm năng tăng trưởng và năng suất cao hơn, vượt xa so với Bangkok (Thái Lan), Singapore”, ông Stephen Wyatt nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia, về lâu dài, khi Việt Nam thành công trong việc khống chế và kiểm soát dịch bệnh, ngành du lịch sẽ được hưởng lợi rất lớn từ vị thế của một điểm đến thân thiện, an toàn. Sự dịch chuyển nguồn vốn đầu tư trong khu vực sẽ dành lợi thế cho Việt Nam và việc trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn hơn sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng.

Thị trường bất động sản Việt Nam có sức hấp dẫn với nhiều nhà đầu tư nước ngoài.

Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội cho biết, ông tin với những chính sách kịp thời để ứng phó và kiểm soát dịch bệnh như hiện nay, kinh tế Việt Nam có thể sẽ hồi phục nhanh chóng hơn các nước khác.

“Thị trường vẫn thu hút rất nhiều nhà đầu tư và Savills hy vọng rằng, khi tình hình trên thế giới ổn định hơn, thì nhu cầu sẽ tăng trưởng trở lại”, đại diện Savills đánh giá và cho biết, doanh nghiệp này hiện vẫn trao đổi liên tục với các nhà đầu tư nước ngoài về thị trường Việt Nam và nhận thấy sự hứng thú mạnh mẽ của khối ngoại với thị trường địa ốc nội địa.

“Chúng tôi đã triển khai các buổi họp và thảo luận trực tiếp với đối tác nước ngoài về những cơ hội đầu tư lớn, chúng tôi cũng tiến hành và hoàn thiện các giao dịch tồn tại với các nhà đầu tư. Nhu cầu đầu tư của người Việt Nam tại nước ngoài (Việt kiều) cũng liên tục và tăng nhanh. Đó có thể xem là dấu hiệu tích cực của thị trường, tuy nhiên, vẫn rất khó để có thể dự đoán chính xác được tình hình lúc này”, ông Matthew Powell cho biết thêm.

Năm 2019, đã có 16,7 tỷ USD kiều hối về Việt Nam, tăng 4,4% so với năm 2018. Nếu tính từ năm 1993 đến nay, tổng lượng kiều hối về Việt Nam đạt hơn 167 tỷ USD, đứng thứ 9 trong Top 10 quốc gia và vùng lãnh thổ có kiều hồi nhiều nhất trên thế giới, theo Ngân hàng Thế giới.

Nếu so lượng kiều hối với GDP, thì Việt Nam còn ở vị thế cao hơn (kiều hối của Việt Nam chiếm 6,3% GDP, cao hơn của Trung Quốc chiếm 0,5%, Ấn Độ 2,8%, Mexico chiếm 3,3%). Nếu tính bình quân đầu người, thì con số của Việt Nam năm 2019 đạt 173,1 USD/người, cũng được xếp cao hơn một số nước có tổng lượng kiều hối lớn hơn ở vị trí đứng trên. Cơ cấu nguồn kiều hối có sự chuyển dịch theo hướng tích cực.

Trong báo cáo của Công ty Tài chính UniTeller công bố hồi tháng 12/2019, lao động Việt Nam thuộc nhóm có thu nhập thấp tại nước ngoài, nhưng trung bình mỗi tháng gửi về 735 USD, cao xấp xỉ 10 lần so với thu nhập 73 USD/tháng của các hộ gia đình nhận tiền tại Việt Nam.

Còn Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) ước tính, chỉ riêng giai đoạn 1990 – 2015, có hơn 2,5 triệu người Việt đi lao động, định cư ở nước ngoài và trung bình mỗi năm tăng thêm gần 100.000 người. Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cũng ghi nhận, trong năm 2019 có 540.000 lao động Việt đang sinh sống và làm việc tại nước ngoài. Chỉ riêng năm 2019 có hơn 141.000 người Việt ra nước ngoài lao động.

Với những thông điệp an toàn mà Việt Nam đưa ra, các chuyên gia cho rằng, các Việt kiều có thể sẽ là các nhà đầu tư tương lai.

Vốn ngoại không ngại Covid-19

Nhìn nhận về triển vọng dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, theo bà Như Khương, Bộ phận Nghiên cứu thị trường Colliers Việt Nam, trên thực tế, thị trường bất động sản tại Việt Nam vẫn là điểm đến lý tưởng cho những nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh hưởng của dịch Covid-19 chỉ đang làm chậm lại quy trình đầu tư của các nhà đầu tư khi gặp khó khăn trong việc tiếp cận cũng như di chuyển từ nước ngoài vào Việt Nam.

Vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong 3 năm gần đầy luôn ghi nhận mức trên 35 tỷ USD, trong khi đó quý I/2020, vốn đầu tư nước ngoài chỉ mới đạt mức 3,6 tỷ USD.

Theo dự báo của Colliers, vốn ngoại sẽ lại được rót vào thị trường bất động sản Việt Nam sau khi tình trạng dịch Covid-19 tại cả Việt Nam và thế giới được kiểm soát.

Trước các lo ngại về việc đại dịch Covid-19 sẽ khiến dòng vốn ngoại đổ vào thị trường địa ốc bị suy giảm, bà Bùi Nguyễn Huyền Trang, Giám đốc cấp cao JLL Việt Nam cho rằng, do bất động sản là ngành hút vốn đầu tư, nên mặc dù kinh tế toàn cầu đang bị ảnh hưởng lớn, nhưng cũng không thể ngăn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

“Tôi không cho rằng dịch Covid-19 có thể ảnh hưởng nhiều đến dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy vào Việt Nam”, bà Trang nhấn mạnh.

Về câu chuyện “sửa mình” của khối nội để tăng sức hấp dẫn với các nhà đầu tư ngoài biên giới, theo bà Khương, đối với việc đầu tư ngắn hạn, điều quan trọng nhất đối với các nhà đầu tư khi bỏ tiền vào dự án là lợi nhuận, vì vậy, các nhà phát triển dự án cần chứng minh được tiềm năng của dự án, cũng như đưa ra những sản phẩm phù hợp với thị trường để đạt mức sinh lời kỳ vọng của các nhà đầu tư.

Còn đối với đầu tư dài hạn, các nhà phát triển dự án cần có chiến lược cụ thể về phân khúc, loại hình bất động sản để có thể kêu gọi hợp tác dài hạn từ các nhà đầu tư nước ngoài.

“Như An Gia, nhà phát triển dự án vừa mới lên sàn HOSE đầu năm 2020 đã gặt hái được những thành công nhất định sau khi hợp tác với đối tác đến từ Nhật Bản là Creed Group”, bà Khương ví dụ.

Thành Nguyễn

Nguồn baodautu.vn



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 26/11/2024