Nghị định 08/2023/NĐ-CP là cơ sở pháp lý mở đường cho việc thực hiện thỏa thuận đàm phán giữa doanh nghiệp phát hành trái phiếu sắp đến hạn và nhà đầu tư trái phiếu để cùng nhau tìm kiếm giải pháp tốt nhất, tìm được “điểm cân bằng về lợi ích”
Nghị định 08/2023/NĐ-CP là cơ sở pháp lý mở đường cho việc thực hiện thỏa thuận đàm phán giữa doanh nghiệp phát hành trái phiếu sắp đến hạn và nhà đầu tư trái phiếu để cùng nhau tìm kiếm giải pháp tốt nhất, tìm được “điểm cân bằng về lợi ích”

Đã có khởi sắc

Cụ thể, khoảng 23.800 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành thành công từ sau Nghị định này, chiếm 96% khối lượng phát hành quý đầu năm. Trong khi giai đoạn 5 tháng trước, doanh nghiệp huy động qua kênh trái phiếu không quá 2.000 tỷ đồng mỗi tháng.

Tuy nhiên, nhà đầu tư cá nhân vẫn đang đứng ngoài kênh đầu tư này trước ảnh hưởng của "khủng hoảng" niềm tin. Gần như toàn bộ trái phiếu phát hành quý đầu năm (99,99%) được hấp thụ bởi nhóm nhà đầu tư tổ chức, trong đó các nhà băng nắm giữ 77%.

Các doanh nghiệp bất động sản là chủ thể chính trong các đợt phát hành gần đây khi chiếm tới 98% khối lượng trái phiếu (khoảng 23.000 tỷ đồng trong tháng 3).

Theo dữ liệu từ Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), khoảng 4 doanh nghiệp bất động sản đã phát hành các lô trái phiếu với giá trị lớn trong tháng vừa qua, với lãi suất 6-13% một năm.

Cụ thể, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Đô thị Hưng Yên là doanh nghiệp huy động được các lô trái phiếu giá trị lớn thời gian gần đây. Doanh nghiệp này huy động thành công 7.200 tỷ đồng trái phiếu với kỳ hạn 1 năm nhưng không có thông tin cụ thể về lãi suất. Pháp nhân này mới được thành lập cách đây một năm, tiền thân là Công ty TNHH Masterise Hưng Yên. Hiện tại, tổng giám đốc của doanh nghiệp này là ông Ngô Văn Kiên, sinh năm 1996.

Cùng giai đoạn, Công ty TNHH Kinh doanh nội thất Luxury Living huy động 4.800 tỷ đồng thông qua lô trái phiếu kỳ hạn 5 năm, lãi suất 9% một năm. Trước khi kinh doanh bất động sản, Luxury Living tiền thân là Công ty TNHH Masterise Living, thành lập tháng 3/2020.

Công ty Đầu tư và Kinh Doanh Nam An cũng chào bán thành công 4.700 tỷ đồng trái phiếu, kỳ hạn 18 tháng, với lãi suất 13% một năm. Ông Hoàng Quốc Thủy là tổng giám đốc công ty này, vốn được biết đến là người cùng tỷ phú Phạm Nhật Vượng sáng lập nên Technocom - hãng sản xuất và kinh doanh mì ăn liền tại Ukraine.

Ngoài ra, Công ty cổ phần đầu tư kinh doanh và phát triển đô thị ngôi sao Phương Nam, từng là công ty con của Tập đoàn Vingroup (VIC) cũng phát hành thành công 4.695 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất 13% một năm, kỳ hạn 18 tháng.

Tháng 3, còn có Công ty TNHH Kinh doanh bất động sản Dream City Villas phát hành thành công lô trái phiếu 2.300 tỷ đồng, kỳ hạn 5 năm với lãi suất 6% một năm. Mức lãi suất này khá thấp nếu so sánh với các lô trái phiếu phát hành khác cùng thời gian.

Trái phiếu doanh nghiệp dần "phá băng" nhờ Nghị định 08, nhưng theo chuyên gia, thách thức mà doanh nghiệp phát hành phải đối mặt vẫn rất lớn trong giai đoạn còn lại của năm.

Mặc dù thị trường khởi sắc trở lại, song áp lực mua lại trái phiếu doanh nghiệp trước hạn của doanh nghiệp phát hành vẫn rất lớn. Tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn trong tháng 3/2023 là gần 14.300 tỷ đồng (tăng 137% so với tháng trước và tăng 64% so với cùng kỳ tháng 3/2022).

Xây dựng và hàng tiêu dùng là 2 nhóm ngành ghi nhận giá trị mua lại lớn nhất trong tháng, lần lượt đạt 5.000 tỷ đồng (chiếm 35% tổng giá trị mua lại) và 3.400 tỷ đồng (chiếm 24% tổng giá trị mua lại). Tính từ đầu năm tới nay, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại đạt hơn 29.860 tỷ đồng (tăng 63% so với cùng kỳ năm 2022).

Đáng lưu ý, tuần trước, vẫn có tới 21 lô trái phiếu thông báo không thanh toán được đúng hạn. Điều này cho thấy áp lực trả nợ của doanh nghiệp vẫn rất lớn. Trong tháng 4/2023, lượng trái phiếu đến hạn ước khoảng 14.540 tỷ đồng. Bất động sản và ngân hàng là hai nhóm ngành có giá trị đến hạn lớn nhất, chiếm 31% và 36% giá trị đến hạn.

Số liệu của FiinGroup cho thấy, tính đến ngày 17/3/2023, đã có 69 tổ chức phát hành có một hoặc nhiều hơn lô trái phiếu lưu hành đã không thể đáp ứng nghĩa vụ nợ với tổng giá trị 94.430 tỷ đồng, chiếm 8,15% giá trị trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành. Trong số 69 doanh nghiệp phát hành này, có 43 doanh nghiệp bất động sản (62,3%) với tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp chậm trả nợ ở mức 78.900 tỷ đồng, chiếm 83,6% với tổng giá trái phiếu doanh nghiệp của các doanh nghiệp chậm trả nợ trái phiếu.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Vẫn cần gỡ khó

Tính chung toàn ngành, FiinGroup cho hay, ngành năng lượng có tỷ lệ nợ xấu trái phiếu doanh nghiệp cao nhất: 63,1%, song quy mô trái phiếu năng lượng nhỏ và tập trung vào số ít doanh nghiệp (chỉ chiếm 0,3% tổng giá trị lưu hành).

Đáng lo nhất là nợ xấu trái phiếu bất động sản. Ngành bất động sản là ngành có tỷ lệ nợ xấu trái phiếu ở mức 20,17% cao thứ hai sau ngành năng lượng. Trái phiếu doanh nghiệp bất động sản hiện đang có quy mô lưu hành lên tới hơn 396.300 tỷ đồng, chiếm 33,8% tổng giá trị lưu hành.

Việc triển khai Nghị định 08 cần thêm thời gian để đánh giá, song chuyên gia cho rằng, trước mắt, không nên đề cập đến vấn đề đổ vỡ thị trường trái phiếu doanh nghiệp vì sẽ ảnh hưởng đến tâm lý thị trường và ảnh hưởng dây chuyền. Khi đó, các hệ lụy có thể xảy ra là: mất mát tài sản của nhà đầu tư cá nhân, chủ doanh nghiệp phải bán tài sản để trả nợ, ảnh hưởng đến kết quả xếp hạng tín nhiệm quốc gia…

Cần cân nhắc dự phòng các giải pháp mạnh hơn, đơn cử thành lập quỹ hỗ trợ trái phiếu. Nhìn xa hơn, cần phối hợp giải pháp khác khi nguồn cầu từ nhà đầu tư cá nhân trong thời gian tới sụt giảm, có giải pháp khuyến khích nguồn cầu của nhà đầu tư tổ chức.

Về Nghị định 08/2023/NĐ-CP, ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng Thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam cho rằng, Nghị định chủ yếu hỗ trợ doanh nghiệp phát hành tái cấu trúc. Riêng với phát hành trái phiếu doanh nghiệp mới vẫn sẽ khó khăn do tâm lý nhà đầu tư vẫn rất yếu (nguồn cầu). Về phía cung, nhu cầu phát hành của doanh nghiệp vẫn rất lớn nhưng năng lực, chất lượng tổ chức phát hành bị hạn chế, cần có thời gian để doanh nghiệp nâng tầm lên và thích ứng với bối cảnh thị trường.

Chìa khóa để lấy lại niềm tin của nhà đầu tư, theo ông Quỳnh, phải đến từ sự minh bạch. Minh bạch đến từ sự chủ động của doanh nghiệp, đến từ yêu cầu của cơ quan quản lý, các quy định của pháp luật.

Ngoài ra, minh bạch chưa đủ mà phải đi kèm với sự nâng cao hiểu biết của nhà đầu tư. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp phát hành đã minh bạch thông tin song nhiều nhà đầu tư chỉ mua theo phong trào mà không hiểu được nội dung của các bản cáo bạch. Vì vậy, nâng cao hiểu biết của các thành viên tham gia thị trường là rất quan trọng.

Ngoài ra, cần một thể chế giám sát để các thành phần tham gia thị trường được đảm bảo công bằng. Cuối cùng là nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp - chất lượng của con nợ - và tổ chức phát hành. Làm được như vậy thị trường TPDN sẽ phát triển bền vững.

Để khơi thông nguồn vốn cho thị trường, ông Nguyễn Hải Nam, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội ví von, tình cảnh hiện nay giống như tắc đường, mỗi bên phải lùi lại một chút, không chỉ khư khư giữ lại quyền lợi của mình, tạo điều kiện cho các kênh vốn.

Nghị định 08/2023/NĐ-CP mở đường cho doanh nghiệp đàm phán với trái chủ. Tuy nhiên, để có thể gỡ khó, cả ngân hàng thương mại, công ty quản lý quỹ, trái chủ nhìn bức tranh rộng ra, xem xét, cân nhắc giãn nợ cho doanh nghiệp.

Về phía doanh nghiệp cần có sự cơ cấu lại. Về phía cơ quan quản lý cần có sự kiểm soát, tăng cường công khai, minh bạch, nắm chắc dữ liệu nhà đầu tư để phân biệt. Các ngân hàng thương mại cần tích cực, thiện chí trong gỡ khó, khơi thông, thời hạn nợ, phân loại nợ, chuyển nhóm nợ nhằm giải quyết vấn đề về thanh khoản.

Ngoài ra, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước cần thực hiện nhanh, quyết liệt hơn nữa để đảm bảo củng cố niềm tin nhà đầu tư. Sự phản ứng rất nhanh của Mỹ trong xử lý vấn đề thanh khoản là một bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.