Ảnh minh hoạ

Theo báo cáo từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) trong tháng 7 vừa qua các doanh nghiệp ô tô tiêu thụ được 16.035 xe các loại, giảm 32% so với tháng trước đó. Cụ thể, sản lượng xe lắp ráp trong nước có 9.024 chiếc được bán ra, xe nhập khẩu nguyên chiếc có 7.011 xe được bán.

Trong tháng 7, có nhiều mẫu xe chỉ bán được vài chiếc như Honda Accord (5 chiếc), Suzuki (5 chiếc), Ford Tourneo (6 chiếc). Thậm chí, có khá nhiều mẫu xe không bán được chiếc nào trong tháng rồi như Alphard, Avanza của Toyota, Explorer của Ford, Jazz và Odyssey của Honda.

Trong số hơn 16.035 xe do VAMA bán ra có 10.411 xe du lịch, giảm 34% so với tháng trước; 5.163 xe thương mại, giảm 27% so với tháng trước; và 461 xe chuyên dụng, giảm 30% so với tháng trước.

Tính theo nguồn gốc xuất xứ, sản lượng của xe lắp ráp trong nước đạt 9.024 xe, giảm 32% so với tháng trước; số lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc là 7.011 xe, giảm 31% so với tháng trước.

Theo VAMA, 10 mẫu xe bán chạy nhất trong tháng 7này chỉ có duy nhất VinFast Fadil đạt doanh số trên 2.000 xe, tiêu thụ 2.928 xe và tiếp tục đứng đầu toàn thị trường. Các vị trí còn lại lần lượt thuộc về Toyota Vios (1.344 xe), Ford Ranger (1.310 xe), Kia Cerato (1.013 xe), Hyundai Accent (983 xe), Hyundai Santa Fe (912 xe), Toyota Corolla Cross (863 xe)…

Tại Việt Nam, Mercedes vẫn là hãng xe bán chạy nhất với hàng nghìn xe bán ra mỗi năm do đa dạng về sản phẩm và giá thành dễ tiếp cận nhờ lắp ráp trong nước.

Ngoài việc giảm chung do ảnh hưởng bởi dịch, khách hàng không thể đăng ký mới trong giai đoạn giãn cách ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cũng làm giảm nhu cầu lấy xe ngay của nhiều khách hàng.

Một nguồn tin của Mercedes cho biết, hãng này bán khoảng 3.000 xe sau 6 tháng đầu 2021, giảm nhẹ so với cùng kỳ 2020. Trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh chưa có dấu hiệu được kiểm soát, nhiều mẫu xe nhập khẩu của Mercedes vẫn khan hàng.

Đối với Volvo, thời gian đặt hàng ảnh hưởng lớn, nhất là mẫu XC60 nhập khẩu từ Malaysia, bởi tình hình dịch bệnh vẫn đang tương đối phức tạp tại nước này. Chỉ một số ít nhập từ Thụy Điển thì thời gian chờ ngắn hơn.

Việc giao xe hiện nay tại phía Nam, miền Trung chậm hơn phía Bắc do tình hình bệnh dịch phức tạp. Đến hết tháng 7/2021, doanh số đạt 150% so với cùng kỳ 2020, tức tăng 50%.

Theo đại diện của Volvo, bốn tháng cuối năm nay, đặc biệt là quý 4 sẽ quyết định nhiều vấn đề cả năm 2021 trong phân khúc xe sang, có thể do đình trệ từ sản xuất, và chậm giao hàng.

Với doanh số thấp, nhiều mẫu ô tô dừng bán tại thị trường Việt Nam năm 2021 được kể đến như: Toyota Vios GR-S, Kia Optima, Ford Explorer hay Tourneo đã “âm thầm” rút khỏi thị trường Việt Nam sau thời gian kinh doanh không hiệu quả.

Về tâm lý người mua, một nhân viên bán hàng tại showroom bán xe tại Hà Nội chia sẻ, lượng khách hàng mua xe có xu hướng giảm trong tháng 7 âm lịchđây là thời điểm theo quan niệm của nhiều người Việt sẽ không mua bán, giao dịch những tài sản giá trị. Ô tô cũng thuộc nhóm bị kiêng trong thời gian này. Yếu tố này cũng sẽ tác động không nhỏ tới kết quả bán hàng chung của thị trường ô tô trong tháng 8/2021.

Trong thời gian này, đa phần khách hàng chỉ xem và tìm hiểu về các chương trình khuyến mãi, giảm giá xe. Lượng khách mua giảm hẳn so với trước đó.Điều này buộc các hãng ô tô, đại lý muốn bán được hàng phải giảm giá mạnh cũng như có chính sách ưu đãi hấp dẫn.

Theo đánh giá của giới chuyên môn, sự sụt giảm của thị trường ô tô Việt Nam thời gian qua không quá bất ngờ, khi diễn biến đại dịch Covid-19 ngày càng phức tạp, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội. Nhìn về cuối năm, các dự báo đều cho rằng, doanh số bán hàng của toàn thị trường ô tô Việt Nam sẽ duy trì ở mức thấp.

QUỲNH ANH