Thời kỳ vàng của ngành Khí Việt Nam: Điểm danh các cổ phiếu được hưởng lợi
Một số cổ phiếu ngành Điện có thể hưởng lợi từ dự án đường dây 500 kV mạch 3 Cổ phiếu ngân hàng nào có ưu thế trong những tháng cuối năm? |
Giá dầu có xu hướng tăng trở lại gần đây do các động thái cắt giảm nguồn cung. Ngày 5/9, Arab Saudi cho biết họ gia hạn cắt giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày cho đến cuối năm. Nga cũng tuyên bố giảm xuất khẩu 300.000 thùng dầu/ngày cho đến cuối năm.
Sau giai đoạn tăng nóng 2021-2022 do Nga cắt nguồn cung qua đường ống đến Châu Âu, giá khí hạ nhiệt quay trở lại mức bình thường do sản lượng điện khí giảm thay bởi các nguồn năng lượng khác (than, sinh học) và nguồn cung tăng lên từ Mỹ.
Cung - cầu dầu hiện vẫn đang thâm hụt 0,58 triệu thùng theo số liệu gần nhất (8/2023). Các khoảng thời gian cung - cầu thâm hụt, giá dầu hầu như đều có xu hướng tăng. Tồn kho dầu ở cả khối OECD và Mỹ đều dự báo đi ngang đến 2024, mặc dù mức tổng tồn kho hiện tại của OECD và Mỹ - 2,5 tỷ thùng là cao hơn so với thời điểm 1/2022 nhưng vẫn thấp hơn giai đoạn trước COVID. Như vậy, giá dầu khó giảm mạnh trở lại.
Diễn biến giá dầu Brent (trái) và giá khí tự nhiên (phải). (Nguồn: Bloomberg, YSVN) |
Về chính sách, Luật Dầu khí sửa đổi (hiệu lực từ tháng 7/2023) tạo khung pháp lý rõ ràng hơn giúp đẩy nhanh tiến độ các dự án dầu khí. Quy định các hình thức đấu thầu. Bổ sung các tiêu chí phân loại dự án dầu khí để hưởng ưu đãi. Bổ sung chính sách ưu đãi cụ thể cho từng loại dự án dầu khí như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất khẩu dầu thô.
Về hợp đồng dầu khí: Tăng thời hạn hợp đồng dầu khí từ 25 năm lên 30 năm (đối với lô, mỏ, dự án dầu khí thông thường) và 35 năm (đối với các lô, mỏ, dự án ưu đãi đầu tư và đặc biệt ưu đãi đầu tư dầu khí), có sẵn mẫu hợp đồng dầu khí mới (phân chia sản phẩm PSC) sẽ quy định rõ chính sách ưu đãi áp dụng đối với các lô, mỏ dầu khí ngoài khơi.
Nguồn: FiinGroup, YSVN |
Luật Dầu khí (sửa đổi) cũng đã đồng bộ hóa với các luật khác gồm: Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đất đai để dễ áp dụng đối với các dự án trọng điểm theo tính chất chuỗi từ thượng, trung và hạ nguồn.
Luật đã phân định rất rõ thẩm quyền, Thủ tướng Chính phủ quyết định những vấn đề quan trọng, còn lại xác định rõ thẩm quyền ở từng khâu, trách nhiệm quản lý nhà nước của các bộ, ngành, trách nhiệm quản lý nhà nước và nhà thầu của PVN. Luật phân cấp cho HĐTV PVN quản lý, phê duyệt vốn đầu tư của PVN/PVEP trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí. Bổ sung, làm rõ các quy định đổi với doanh nghiệp nhà nước PVN và các công ty con.
Doanh thu các doanh nghiệp phân phối xăng dầu và khí đốt giảm 19% trong quý 2/2023 do nhu cầu giảm. Lợi nhuận sau thuế giảm mạnh hơn 42% do biên lãi gộp giảm cũng như các loại chi phí tăng.
Biên lợi nhuận gộp quý 2/2023 giảm xuống 13,7% do giá bán giảm và chi phí tăng. Tuy nhiên, biên lợi nhuận ròng chỉ giảm nhẹ do đặc tính các doanh nghiệp phân phối khí là vay nợ thấp nên ít bị ảnh hưởng bởi chi phí lãi vay.
Diễn biến nhóm cổ phiếu ngành khí
Ngành phân phối xăng dầu và khí đốt hiện đang có P/E 16,6x lần, khá thấp so với trung bình 3 năm và P/E giai đoạn 2021-2022. Theo đó, khi kết quả kinh doanh hồi phục, nhóm ngành này sẽ có cơ hội tăng giá trở lại.
Tương tự với P/B hiện tại 2,9x lần, khá thấp so với trung bình 3 năm và chỉ cao hơn thời gian COVID xuất hiện.
P/E ngành phân phối xăng dầu và khí đốt. (Nguồn: FiinGroup, YSVN) |
Chỉ số giá cổ phiếu ngành phân phối xăng dầu khí đốt nhìn chung là không giảm theo thị trường chung trong 2022. Tính từ đầu năm 2020 đến nay vẫn đang được các chuyên gia đánh giá, kỳ vọng rằng lợi nhuận cao hơn thị trường chung.
Khối ngoại bắt đầu xu hướng mua ròng nhóm này từ tháng 10/2021. Trong năm 2022, bất chấp bán ròng trên thị trường chung nhưng khối ngoại vẫn mua ròng nhóm này.
CNG và GAS được các chuyên gia phân tích của chứng khoán Yuanta đánh giá là hai cổ phiếu được hưởng lợi. CNG tích cực trong ngắn hạn, tiềm năng trung hạn. Với GAS, có hai dự án LNG là trọng tâm trong thời gian tới.
Công ty Cổ phần CNG Việt Nam (HOSE: CNG)
CNG ghi nhận doanh thu quý 2/2023 đạt 842 tỷ đồng (-30%), lợi nhuận sau thuế đạt 14 tỷ đồng (-63%). Lũy kế 6 tháng 2023, CNG ghi nhận doanh thu 1,581 tỷ đồng (-28%) và lợi nhuận sau thuế 37 tỷ đồng (-50%).
Biên lợi nhuận gộp giảm nhẹ xuống mức 6,4% (cùng kỳ 7,0%). Lợi nhuận giảm mạnh còn do chi phí tài chính tăng 28% và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 10% do CNG tăng cường các chi phí văn phòng và chi phí nhân viên để chuẩn bị cho việc vận hành dự án mới LNG Thị Vải.
Điểm tích cực là cơ cấu nguồn vốn CNG tiếp tục lành mạnh, tổng nợ vay cuối quý 2/2023 là 59 tỷ đồng (-21%). Tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu ở mức 0,11 lần, rất an toàn. Trong khi đó, lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng đạt 398 tỷ đồng, tương đương 33% tổng tài sản, tương đương 14,737 đồng/CP.
CNG có tiềm năng lớn từ mảng mới phân phối LNG. CNG hiện đang phối hợp với GAS và PVGas LNG vận hành thương mại kho LNG công suất 1 triệu tấn/năm tại Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu). Với lợi thế CNG nắm 70% thị phần khí CNG và sở hữu hệ thống phân phối CNG sẵn có (xe bồn và đường ống đến các KCN), các nhà phân tích của Yuanta kỳ vọng CNG sẽ là một trong các công ty chính trong công việc phân phối LNG tại Việt Nam.
Với việc giá dầu tăng mạnh từ đầu quý 3/2023 đến nay, các chuyên gia trên kỳ vọng CNG cải thiện lợi nhuận tốt trong nửa cuối năm.
Tổng Công ty khí Việt Nam - CTCP (HoSE: GAS)
GAS ghi nhận doanh thu trong quý 2/2023 đạt 24,042 tỷ đồng (-13%), lợi nhuận sau thuế đạt 3,196 tỷ đồng (-38%). Nguyên nhân sụt giảm chủ yếu do giá bán trung bình giảm khi giá dầu bình quân trong quý 2/2023 đạt 78 USD/thùng thấp hơn 31% so với cùng kỳ.
Biên lợi nhuận gộp quý 2/2023 giảm xuống 18,1% (cùng kỳ 25,0%) do tốc độ giảm của giá vốn chậm hơn doanh thu cũng như giá bán giảm theo giá dầu Brent. Trong kỳ, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 75% lên mức 306 tỷ đồng, trong khi chi phí bán hàng gần như không thay đổi còn chi phí tài chính giảm 53%. Điểm tích cực trong quý 2/2023 của GAS là doanh thu tài chính tăng 58% lên 598 tỷ đồng nhờ lãi tiền gửi.
Cơ cấu nguồn vốn của GAS lành mạnh, tổng nợ vay cuối quý 2/2023 là 6,036 tỷ đồng (-27%). Tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu ở mức thấp chỉ 0,09 lần.
Hai dự án LNG là trọng tâm sắp tới. Động lực tăng trưởng trung hạn từ hai dự án LNG: Dự án kho LNG đã bắt đầu vận hành chính thức từ tháng 7/2023 và Dự án Lô B, GAS sẽ có quyền lợi trong khoảng 6-7 tỷ m3 khí tại đây (tương đương 55-70% sản lượng hiện tại) và nắm 51% cổ phần của dự án đường ống dẫn khí tại đây, dự án Lô B dự kiến sẽ được thông qua Quyết định đầu tư (FID) cuối cùng trong quý 4/2023 hoặc quý 1/2024.
Kỳ vọng GAS sẽ phục hồi lợi nhuận tốt trong nửa cuối năm nhờ giá dầu tăng cao trở lại, doanh thu kỳ vọng tăng trưởng trở lại khi kinh tế hồi phục và nhu cầu tăng từ các doanh nghiệp FDI, kho LNG Thị Vải bắt đầu đóng góp doanh thu./.
BÌNH NGUYÊN