ISSN-2815-5823

Thương hiệu Việt ngày ấy và xuân này…

(KDPT) – Không biết từ bao giờ, cụm từ “thương hiệu” đã đi vào tiềm thức của người dân Việt Nam, xuân này đôi điều muốn nhìn lại thăng trầm của thương hiệu những sản phẩm Việt đã có trong kí ức, đã vật lộn với thực tại để khẳng định đó là sản phẩm Việt, thương hiệu của người Việt. Cũng khó khăn lắm mới giữ được trước những bão tố của thương trường nhưng ngày ấy các thương gia người Việt, các nhà sản xuất người Việt (doanh nhân) đã ngẩng cao đầu vượt qua bão tố giữ gìn thương hiệu thế nhưng trong xu thế hội nhập mở cửa các thương hiệu đó đã đành đi vào “kiếp phôi pha”… Ngày ấy “vang bóng một thời”.

(Ảnh minh họa, nguồn internet)

Những thương hiệu vang bóng
Đã từng có một thời, có những sản phẩm mang thương hiệu Việt giành được thành công vang dội. Tuy nhiên chúng dần bị quên lãng bởi sự thâu tóm của doanh nghiệp nước ngoài. Và sự xúc động còn xuất phát từ việc một số thương hiệu đã trở thành những thương hiệu chỉ còn “vang bóng một thời”.
Cao Sao Vàng, xe đạp Thống Nhất, xà bông Cô Ba, kem đánh răng Dạ Lan, xá xị Chương Dương… là những thương hiệu mà giờ đây khi nhắc lại sẽ khiến không ít người xúc động bởi lẽ đây là những sản phẩm đã từng rất gắn bó với cuộc sống hàng ngày với người dân Việt Nam trước kia.
Đối với những người lớn tuổi, không ai lại không biết đến xà bông Cô Ba. Ở Sài Gòn vào những thập niên 40-50, nhãn hiệu xà bông Cô Ba rất phổ biến, không những tại Việt Nam mà còn lan rộng sang tận xứ Cao Miên và Lào. Xà bông thơm Cô Ba nổi danh trong mấy thập niên liền, đủ sức đánh bạt xà bông ngoại hoá, nhập cảng từ Pháp. Thương hiệu này được xây dựng vào năm 1932 bởi Trương Văn Bền, một thương gia nổi tiếng thời bấy giờ. Sản phẩm chính của Hãng xà bông Trương Văn Bền buổi đầu thành lập là loại xà bông bánh 72% dầu, phục vụ nhu cầu giặt tẩy. Giá bán rất bình dân, hợp với túi tiền của đông đảo tầng lớp lao động nghèo nên lập tức được nhiệt liệt đón chào, có tháng sản xuất và bán đến 600 tấn.
Tương tự Xà bông Cô Ba, kem đánh răng Dạ Lan do ông Trịnh Thành Nhơn thành lập năm 1988 cũng từng “đánh bật” kem đánh răng Trung Quốc và chiếm lĩnh 70% thị phần kem đánh răng nội địa năm 1993-1994, riêng từ Đà Nẵng trở vào đã chiếm tới 90% thị phần. Nhưng sau đó thương hiệu này đã bị bán cho Colgate Palmolive. Năm 2009, Dạ Lan lại được đưa trở lại thị trường Việt, và thuộc sở hữu của công ty Hóa Mỹ phẩm Quốc tế (ICC). Và còn nhiều những thương hiệu Việt Nam khác đã từng thành công nhưng đến nay chỉ còn là những dư âm xưa cũ mà nhiều người ngậm ngùi tiếc nuối.

Xà bông Cô Ba, một thương hiệu Việt vang bóng một thời ở Việt Nam.

Sản phẩm Việt chinh phục người Việt
Câu nói này đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại nhiều lần để muốn nói doanh nghiệp Việt phải nâng cao chất lượng sản phẩm của mình để được người Việt tin dùng và ưa chuộng những sản phẩm do trí tuệ của ngườiViệt, sức lực của người Việt làm nên. Đó cũng là điều tâm huyết của một thương gia tiền bối: cụ Bạch Thái Bưởi, ông là người đã xót xa đau đớn trước sự đè nén của các tập đoàn, thương gia nước ngoài muốn đè bẹp, cắt thương hiệu Việt. Chính ông cho dù phải trả giá để bảo vệ thương hiệu Việt nhưng là một tấm gương sáng cho hôm nay về trách nhiệm và lòng tự tôn dân tộc.
Thực tế đã cho thấy, thương hiệu của doanh nghiệp có thể đứng vững trên thị trường là nhờ sự uy tín và chất lượng. Nhưng có những “con sâu làm rầu nồi canh”, như sự việc dối lừa người tiêu dùng từ thương hiệu Khải Silk đã khiến biết bao người phải “choáng”. Chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển cho rằng, vụ chiếc khăn lụa có đến hai mác “made in China” và “made in Việt Nam” đã khiến cho doanh nhân Hoàng Khải đánh mất cả giá trị kinh tế lẫn giá trị cá nhân và là bài học lớn cho giới doanh nhân đã thành công.
Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, thương hiệu càng ngày càng trở thành một vấn đề nóng. Mục tiêu phát triển của bất kỳ một doanh nghiệp nào, trước hết, cũng là xây dựng thương hiệu và bảo vệ thương hiệu. Quá trình biến đổi vĩ đại của “thương hiệu xưa” trở thành “thương hiệu nay” đã làm nên một thị trường Việt Nam sôi động hơn, song cũng nhiều cạnh tranh khốc liệt hơn. Đã đến lúc, câu thành ngữ “hữu xạ tự nhiên hương” đã không còn hoàn toàn phù hợp với các doanh nghiệp, vì ngoài “hương tự nhiên”, doanh nghiệp còn rất cần một môi trường cạnh tranh lành mạnh, trong sáng mà giá trị của mỗi doanh nghiệp đều phải được coi trọng. Và trong mùa xuân này cùng những xuân tiếp tới sẽ có thêm nhiều thương hiệu Việt mang tầm vóc quốc tế, điều này không còn xa vời nữa.

    • Trong sách “Thương học phương châm”, cụ Lương Văn Can cổ xúy: “Đương buổi thế giới cạnh tranh này, các nước phú cường không đâu là chẳng đua tài thi sức ở trong trường thương chiến, văn minh càng tiến bộ, buôn bán càng thịnh đạt. Viêc buôn bán thịnh suy có quan hệ đến quốc dân thịnh suy như thế, ta há nên coi thường, xem khinh được sao?”. Vậy mà nền kinh doanh ở nước ta vẫn còn là một thảm cảnh bởi 10 lẽ như Lương Văn Can tổng kết: 1. Người mình không có thương phẩm; 2. Không có thương hội; 3. Không có tín thực; 4. Không có kiên tâm; 5. Không có nghị lực; 6. Không biết trọng nghề; 7. Không có thương học; 8. Kém đường giao thiệp; 9. Không biết tiết kiệm; 10. Khinh nội hóa!…

Nguyễn Ngân

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 19/05/2024