ISSN-2815-5823
ÁNH DƯƠNG
Thứ năm, 15h53 12/10/2023

Tin tức khoa học - công nghệ 12/10: Bộ TT&TT thúc đẩy triển khai “định danh cuộc gọi”

(KDPT) - Bộ TT&TT thúc đẩy triển khai “định danh cuộc gọi”; iPhone 12 phát ra nhiều sóng điện từ hơn mức cho phép; Adobe ra mắt công cụ AI tạo sinh hình ảnh mới; Gà kháng được cúm gia cầm nhờ công nghệ chỉnh sửa gene;... là những tin tức tổng hợp về khoa học - công nghệ nổi bật hôm nay.

Bộ TT&TT thúc đẩy triển khai “định danh cuộc gọi” (voice brandname)

Theo phản ánh thời quan qua, thuê bao di động chính chủ đã thực hiện đầy đủ các nội dung theo yêu cầu của doanh nghiệp viễn thông nhưng quyền lợi của người sử dụng dịch vụ vẫn chưa được bảo vệ thỏa đáng, vẫn còn nhiều tin nhắn rác, những cuộc gọi với nội dung lừa đảo, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng.

Cần kịp thời cảnh báo, tuyên truyền tới người dân các hình thức, dấu hiệu lừa đảo. (Ảnh minh họa)

Trên cơ sở phản ánh, các đơn vị của Bộ TT&TT (Cục Viễn thông, Cục ATTT), các doanh nghiệp viễn thông đã tổ chức sàng lọc, xác thực, chuyển hơn 30 nghìn phản ánh về các cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo đến các đơn vị của Bộ Công an để phối hợp, điều tra xử lý.

Đồng thời có các giải pháp sẽ thực hiện trong thời gian tới như, thúc đẩy tăng cường triển khai Định danh cuộc gọi (voice brandname) theo quy định tại Nghị định số 91/2020/NĐ-CP ngày 14/8/2020 về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác.

Chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông di động tiếp tục kết nối, xác thực với CSDL quốc gia về Dân cư từ đó rà soát, chuẩn hoá thông tin thuê bao; Triển khai các biện pháp (thông báo, nhắn tin, tổ chức làm việc với các thuê bao; rà soát, làm rõ mục đích sử dụng, tạm dừng dịch vụ) bảo đảm thông tin thuê bao trùng khớp với thông tin của người sử dụng SIM đối với các thuê bao đang sở hữu, sử dụng.

Triển khai một số cuộc thanh tra chuyên đề về đảm bảo an toàn thông tin người dùng đối với các tổ chức, cá nhân quản lý thông tin người dùng số lượng lớn như: doanh nghiệp viễn thông, ngân hàng,… các doanh nghiệp kinh doanh bằng phương thức gọi điện bán hàng (telesale), các doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình chuỗi có thu thập thông tin người dùng nhằm phát hiện, xử lý, ngăn chặn tình trạng thu thập, sử dụng, xử lý dữ liệu người dùng không đúng pháp luật.

iPhone 12 phát ra nhiều sóng điện từ hơn mức cho phép

Đại diện Hãng Apple tại Việt Nam cho biết: Sản phẩm iPhone 12 của hãng Apple ra mắt năm 2020 và đã đạt được yêu cầu SAR khi nhập khẩu. Kết quả đo kiểm đăng tải trên website của ANFR(Cơ quan Tần số Quốc gia Pháp).

Khi ANFR kiểm tra trong lưu thông và đánh giá 141 mẫu điện thoại (trong đó có iPhone 12) để đối chiếu với yêu cầu về SAR. Kết quả được ANFR công bố ngày 12/9/2023. Cụ thể: Mẫu Iphone 12 không đáp ứng yêu cầu chỉ tiêu ngưỡng SAR trên chi theo quy trình đo của ANFR, chỉ tiêu ngưỡng SAR trên cơ thể ((on-body SAR) tuân thủ.

Trước đó, ngày 13/9/2023, ANFR đã yêu cầu Apple ngừng bày bán iPhone 12 tại Pháp với lý do chỉ số tỉ lệ hấp thụ theo khối lượng (Specific Absorption Rate - SAR) của mẫu điện thoại này vượt ngưỡng cho phép.

Đại diện Vụ KHCN, Bộ TT&TT cho biết, mức hấp thụ riêng (Specific Absoprtion Rate – SAR) là chỉ số dùng để đo mức độ hấp thụ năng lượng sóng vô tuyến điện vào cơ thể con người, có đơn vị là W/kg. Tổ chức Y tế thế giới (World Health Organization - WHO) đã chỉ ra rằng: Khi con người sử dụng điện thoại di động, các mô trên cơ thể sẽ chịu hiệu ứng tăng nhiệt do ảnh hưởng từ năng lượng sóng vô tuyến điện từ điện thoại di động; trường hợp tiếp xúc liên tục trong thời gian dài có thể ảnh hưởng xấu cho sức khỏe con người.

Ngoài ra, Liên minh Viễn thông quốc tế (International Telecommunication Union – ITU) có báo cáo, SAR liên quan đến hiện tượng tăng nhiệt trên cơ thể con người do tiếp xúc gần với năng lượng sóng vô tuyến điện từ các thiết bị cầm tay, điển hình là điện thoại di động.

Do SAR có thể ảnh hưởng đến sức khỏe con người nên nhiều tổ chức quốc tế đã quan tâm nghiên cứu để đưa ra các tiêu chuẩn nhằm hạn chế ảnh hưởng của SAR đến sức khỏe con người. Tiêu chuẩn về SAR đầu tiên được ban hành năm 1982 bởi Viện Kỹ thuật Điện và Điện tử (Institute of Electrical and Electronics Engineers - IEEE). Sau đó, Ủy ban quốc tế về Bảo vệ bức xạ không ion hóa (International Commission on Non-Ionizing Radiation Protection - ICNIRP), Ủy ban Kỹ thuật điện quốc tế (International Electrotechnical Commission - IEC), ITU,… đều có nghiên cứu ban hành tiêu chuẩn về SAR. Mức giới hạn SAR trongcác tiêu chuẩn này bao gồm: Áp dụng mức giới hạn là 2 W/kg (đối với vùng đầu và thân), 4 W/kg (đối với các chi) và 0,08 W/kg (đối với toàn bộ cơ thể).

Các cơ quan chức năng của Bộ là các đơn vị: Vụ Khoa học và Công nghệ, Cục Viễn Thông, Cục Tần số theo chức năng nhiệm vụ cũng sẽ tiếp tục theo dõi cập nhật vụ việc để có tham mưu kịp thời về việc quản lý an toàn phơi nhiễm trường điện từ SAR đối với thiết bị đầu cuối.

Ứng dụng công nghệ máy cắt Laser Fiber hỗ trợ doanh nghiệp trong sản xuất

Máy cắt laser khổ lớn là loại máy cắt laser có vùng làm việc lớn, thường từ 3x6m trở lên, và nguồn laser công suất từ 6kw trở lên. Vùng làm việc lớn cho phép máy có thể cắt các tấm kim loại có kích thước lớn. Công suất laser càng cao thì khả năng cắt kim loại càng mạnh mẽ, cho phép cắt được các tấm kim loại dày hơn, lớn hơn và có độ chính xác cao hơn.

Máy cắt laser khổ lớn được sử dụng rộng rãi trong các ngành công nghiệp nặng, đặc biệt là ngành kết cấu thép, đóng tàu, cơ khí chế tạo, ô tô, hàng không vũ trụ,… Nói chung, máy cắt laser khổ lớn đáp ứng nhu cầu của các ngành công nghiệp sản xuất quy mô lớn.

Theo đó, dòng máy cắt laser CNC này sử dụng công nghệ laser fiber sợi quang. Đây là sản phẩm được ưa chuộng nhất tại các quốc gia châu Âu.

Sản phẩm có thể cắt chính xác, tỉ mỉ mà vẫn đảm bảo tính thẩm mỹ. Máy cũng có thể cắt được trên đa dạng nhiều vật liệu kim loại khác nhau như đồng, sắt, thép, inox, nhôm và nhiều vật liệu phi kim khác. Máy cũng cắt tốt trên vật liệu dày, xử lý hoàn hảo những chi tiết cầu kỳ chất lượng nhất. Các kỹ sư đánh giá, máy hỗ trợ rất nhiều trong việc gia công vật liệu tại các cơ sở, xí nghiệp từ nhỏ đến lớn, hỗ trợ tối ưu nhất cho người sử dụng máy, tăng hiệu suất công việc tốt hơn.

Adobe ra mắt công cụ AI tạo sinh hình ảnh mới

Sự bùng nổ AI tạo sinh giúp những người chơi mới như Midjourney và Stable Diffusion thu hút lượng khách hàng cơ sở của Adobe, chẳng hạn như các chuyên gia sáng tạo đang sử dụng phần mềm Photoshop.

Công ty có trụ sở tại San Jose, California đã phản ứng bằng cách tích cực phát triển công nghệ riêng và tích hợp vào danh mục ứng dụng sẵn có. Họ cũng cam kết với khách hàng rằng những hình ảnh được tạo ra là hợp pháp.

Trong khi đó, công cụ mới công bố vào ngày 10/10 có tên “Kết hợp sáng tạo”, hoạt động bên cạnh nguyên lý cơ bản là tạo hình ảnh dựa trên lời nhắc văn bản, còn có tính năng cho phép người dùng tải lên từ 10 đến 20 bức ảnh là cơ sở tham chiếu cho sản phẩm đầu ra.

“Mới vài tháng trước đây, toàn bộ công đoạn này vẫn là một quy trình thủ công, từ bước chụp hình cho đến xử lý hình ảnh”, Greenfield cho hay. “Một bộ phận ngành công nghiệp sẽ chuyển sang nhiếp ảnh ảo khi bạn tạo ra những bức ảnh bằng máy tính. Có thể không phải toàn bộ, nhưng phần lớn sẽ là như vậy. Người dùng vẫn tiến hành chụp hoặc làm việc sáng tạo truyền thống, nhưng sau đó họ có thể áp dụng công nghệ tạo sinh để ra thành phẩm cuối cùng”.

Cũng trong ngày 10/10, Adobe còn phát hành công cụ đồ hoạ vector, dễ dàng thay đổi kích thước, thường sử dụng trong thiết kế logo và nhãn sản phẩm cũng như các tác vụ tiếp thị khác.

Gà kháng được cúm gia cầm nhờ công nghệ chỉnh sửa gene

Theo một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí New York Times (Mỹ) các nhà khoa học đã sử dụng công nghệ chỉnh sửa gene có tên Crispr để tạo ra gà có khả năng kháng cúm gia cầm ở mức nhất định. Đánh giá nghiên cứu này cho thấy kỹ thuật di truyền có thể là công cụ tiềm năng giúp giảm cúm gia cầm - nhóm virus gây nguy hiểm nghiêm trọng cho cả động vật và con người. Nhưng các nhà khoa học cũng nêu bật hạn chế và rủi ro tiềm ẩn của phương pháp Crispr trong nghiên cứu này.

Kỹ thuật di truyền có thể là công cụ tiềm năng giúp giảm cúm gia cầm - nhóm virus gây nguy hiểm nghiêm trọng cho cả động vật và con người. (Ảnh minh họa)

Các nhà nghiên cứu nhận thấy gà chỉnh sửa gene vẫn có thể mắc cúm gia cầm, đặc biệt là khi chúng tiếp xúc với virus ở liều lượng rất cao. Khi các nhà khoa học chỉ chỉnh sửa một gene của gà, virus đã nhanh chóng thích nghi.

Các tác giả của nghiên cứu cho biết, phát hiện này cho thấy rằng cần phải chỉnh sửa nhiều gene để tạo ra những con gà kháng cúm giá cầm. Ngoài ra, họ cũng cần phải tiến hành cẩn thận để tránh thúc đẩy virus tiến hóa.

Crispr là một công cụ phân tử tạo điều kiện cho các nhà khoa học thực hiện chỉnh sửa có chủ đích trong ADN, thay đổi mã di truyền tại một điểm chính xác trong bộ gene. Các nhà nghiên cứu đã sử dụng phương pháp này để điều chỉnh một gene gà mã hóa cho loại protein có tên ANP32A. Virus cúm gia cầm có thể “chiếm ANP32A” để tự sao chép. Những cải tiến này được thiết kế để ngăn chặn virus cúm gia cầm liên kết với protein - và do đó ngăn không cho virus nhân lên bên trong gà.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 17/09/2024