ISSN-2815-5823

TP Hồ Chí Minh: Giảm túi nilon để bảo vệ môi trường

(KDPT) – Nhằm hạn chế việc xả túi nilon, túi bì nhựa ra môi trường, hiện nay nhiều siêu thị tại TP Hồ Chí Minh đã không dùng túi nilon để đựng hàng hóa bán cho khách hàng, mà thay bằng túi tự hủy, túi đựng sử dụng nhiều lần. Phong trào này đang được nhiều người dân, doanh nghiệp thực hiện. Tuy nhiên, việc duy trì và nhân rộng phong trào còn nhiều khó khăn, rào cản.

Vì thành phố không túi nilon

Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện lồng ghép nội dung kiểm soát ô nhiễm môi trường do túi nilon khó phân hủy vào các hoạt động giáo dục, truyền thông phù hợp cho học sinh tại các trường học. UBND TP Hồ Chí Minh cũng yêu cầu Sở Công thương thành phố phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các quận, huyện tiếp tục tuyên truyền, vận động cá nhân, tổ chức bán lẻ, đặc biệt là các tiểu thương tại chợ, các hệ thống siêu thị không cấp phát miễn phí túi nilon cho người tiêu dùng; khuyến khích người tiêu dùng sử dụng túi nilon thân thiện môi trường thay thế túi nilon khó phân hủy; đánh giá hiệu quả công tác tuyên truyền theo các nhóm đối tượng và đề xuất giải pháp kinh tế để tác động đến người tiêu dùng, tiểu thương, các đơn vị kinh doanh, sản xuất.

Ngập tràn túi nilon tại các bãi rác, điểm tập kết rác

Ngoài ra, đối với cơ quan thuế cần kiểm tra, giám sát và xử phạt các doanh nghiệp vi phạm các quy định về nộp thuế bảo vệ môi trường đối với túi nilon khó phân hủy. Chi cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh cũng cần tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm các đơn vị sản xuất, kinh doanh túi nilon. UBND các quận, huyện cần khảo sát các cơ sở thu mua phế liệu, tái chế và xử lý túi nilon tại địa phương, đánh giá công nghệ tái chế túi nilon, kiểm soát mức độ ô nhiễm của các cơ sở này nhằm đưa ra biện pháp quản lý chặt chẽ đối với hệ thống thu mua phế liệu, tái chế hiện nay trên địa bàn thành phố.

Bên cạnh đó, cần phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cơ quan và cộng đồng thực hiện các chiến dịch truyền thông về nguy cơ ô nhiễm nhựa và nilon nhằm thay đổi, tiến tới từ bỏ thói quen sử dụng túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần.

Còn khó khăn, thử thách

Vài năm gần đây, nhiều hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã tuyên truyền, vận động khách hàng hạn chế sử dụng túi nilon. Theo quy định, các quầy thanh toán đều không cung cấp túi nilon để gói hàng hóa. Những chiếc túi tự hủy được đặt nơi thanh toán tiền để đựng hàng hóa cho khách.

Đại diện các siêu thị cho hay, có thể khách hàng sẽ cảm thấy khó chịu vì sự bất tiện khi siêu thị không cung cấp túi nilon để đựng hàng hóa nhưng nếu hiểu rằng túi nilon thải ra môi trường cả mấy trăm năm vẫn chưa phân hủy, khách hàng sẽ thấy không nên chỉ vì tiện lợi chốc lát mà gây ô nhiễm môi trường. Với cách vận động khách hàng bỏ qua tiện lợi để bảo vệ môi trường, nhiều người mua sắm ở siêu thị đã dần hình thành thói quen mang theo túi đựng sử dụng nhiều lần để chứa hàng hóa, thực phẩm.

Cũng sẵn sàng bỏ qua tiện lợi để bảo vệ môi trường, hiện nay, một số quán cà phê, trà sữa, quán ăn đã không dùng ly nhựa, ống hút nhựa mà phục vụ bằng ly kim loại, chén, dĩa bằng sành sứ, muỗng tre, ống hút tre, ống hút thủy tinh và cả ống hút bằng cỏ bàng tươi. Đồ ăn, thức uống mang đi cũng được đựng trong hộp, ly làm từ bã mía, bột tre… Theo các chuyên gia, đây được xem là việc làm tích cực hưởng ứng việc vận động không sử dụng túi nilon, hộp xốp.

Tuy nhiên, chính những quán ưu tiên bảo vệ môi trường lại đang gặp khó khăn vì tăng giá thành trong bối cảnh cạnh tranh giá cả khá gay gắt. Bởi, giá ống hút nhựa chỉ khoảng 60.000 đồng/kg, trong khi giá ống hút giấy gần 1.000 đồng/ống. Giá hộp xốp chỉ 400 đồng/hộp, trong khi giá hộp làm bằng bã mía, bột tre gần 2.000 đồng/hộp. Nguyên liệu có giá cao nên giá bán một ly cà phê, một hộp cơm sẽ tăng lên, nhiều người đã quen với giá rẻ, với sự tiện dụng của túi nilon và hộp xốp, nên không muốn phải chi ra một số tiền nhiều hơn để mua cà phê, hộp cơm với ống hút và hộp đựng thân thiện môi trường.

Trong khi, ống hút nhựa, hộp xốp… tái chế nhiều lần rất độc hại. Thậm chí các cơ sở tái chế cũng không thu lại loại chai nhựa, hộp xốp do chính họ cung cấp. Chính vì vậy, rác thải là ống hút nhựa, hộp xốp thải ra môi trường ngày càng nhiều, gây nghẽn hệ thống thoát nước đô thị. Thực tế cảnh báo đã đến lúc nên bỏ qua tiện lợi của túi nilon, ống hút nhựa, hộp xốp để bảo vệ môi trường.

Các chuyên gia môi trường đang đưa ra cảnh báo “ô nhiễm trắng” do rác thải là túi nilon gây ra. Theo các nhà khoa học, túi nilon được làm từ những chất khó phân hủy. Sự tồn tại của túi nilon trong môi trường gây ô nhiễm thứ cấp, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đất và nước bởi túi lẫn vào đất sẽ ngăn cản oxi đi qua đất, gây xói mòn đất, làm đất bạc màu, không tơi xốp, kém chất dinh dưỡng, từ đó làm cho cây trồng chậm tăng trưởng. Nghiêm trọng hơn, từ đất và nước bị ô nhiễm bởi túi nilon sẽ ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tới sức khỏe con người.

Theo Báo Đại biểu nhân dân



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 19/09/2024