ISSN-2815-5823
Thứ hai, 02h31 17/08/2020

Tránh gián đoạn xuất khẩu trái cây tươi sang Mỹ

(KDPT) – Không chỉ khó tiếp cận thị trường do chuỗi cung ứng gián đoạn vì dịch Covid-19, xuất khẩu trái cây tươi còn phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân viên kiểm dịch của nước sở tại. Đầu năm nay, vải thiều tưởng chừng không thể sang Nhật Bản vì lý do này, giờ đến lượt 6 loại quả tươi “tắc đường” sang Mỹ. Cục Bảo vệ thực vật – cơ quan đầu mối phụ trách đàm phán mở cửa thị trường trái cây tươi – đang nỗ lực tháo gỡ vấn đề này.

Thiếu nhân sự kiểm dịch

Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, để vào thị trường Mỹ, trái cây tươi sau khi đóng gói được chuyển đến Nhà máy chiếu xạ Sơn Sơn ở TP Hồ Chí Minh – là cơ sở chiếu xạ được Cơ quan kiểm dịch động thực vật Mỹ (APHIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ công nhận. Tại đây, nhân viên kiểm dịch của Mỹ kiểm tra, kiểm dịch thực vật. Nếu lô hàng đạt yêu cầu, không có vi sinh vật sẽ được chiếu xạ để xuất sang Mỹ. Nếu không đạt yêu cầu, lô hàng sẽ bị trả lại.

Tuy nhiên, từ tháng 3 năm nay, khi dịch Covid-19 bùng phát, Mỹ yêu cầu nhân viên bản xứ phải quay về nước, trong đó có nhân viên của Cơ quan kiểm dịch động thực vật Mỹ. Từ đó đến nay, Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam cử người đến kiêm nhiệm việc kiểm dịch. Tuy nhiên, Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam đang áp dụng chế độ làm việc 50% thời gian do Covid-19 và những nhân viên này được tuyển dụng không phải để làm công việc kiểm dịch nên họ không thể kiêm nhiệm lâu dài.

Chính vì vậy, từ khoảng một tuần trở lại đây, việc xuất khẩu trái cây tươi như nhãn, xoài, thanh long, chôm chôm… của Việt Nam sang thị trường Mỹ bị đình trệ. Riêng những loại trái cây đông lạnh như sầu riêng hoặc dừa vẫn xuất khẩu bình thường vì không phải thực hiện kiểm dịch thực vật. Tuy đây là yếu tố khách quan nhưng nếu tình hình này kéo dài, nhiều doanh nghiệp sẽ chịu thiệt hại lớn. Kéo theo đó, các nhà vườn, trang trại cũng chịu ảnh hưởng.

Đây không phải lần đầu tiên trái cây xuất ngoại gặp khó khăn do thiếu nhân lực kiểm dịch kể từ khi xảy ra dịch Covid-19. Chuyện tương tự đã diễn ra với quả vải thiều. Cuối tháng 3, chuyên gia Nhật Bản lần lượt rút khỏi Việt Nam và Nhật Bản cũng không cho phép họ xuất cảnh vào Việt Nam. Trải qua nhiều khâu liên lạc, trao đổi, đến cuối tháng 5, khi có một chuyến bay chở hàng của Vietnam Airlines từ Nhật Bản về Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tỉnh Bắc Giang đã hoàn thiện mọi thủ tục để một chuyên gia Nhật Bản sang nước ta. Nhờ những nỗ lực này, 100 tấn vải thiều mới vào thị trường Nhật Bản thành công.

Nhân viên Mỹ kiểm tra trái cây tươi tại Việt Nam.

Không để “tắc nghẽn” thị trường

Để tháo gỡ khó khăn, Cục Bảo vệ thực vật đã đề nghị Đại sứ quán Mỹ hỗ trợ, tiếp tục cử cán bộ kiêm nhiệm đến làm việc tại cơ sở chiếu xạ; đồng thời liên hệ để đưa chuyên gia Mỹ đến Việt Nam làm việc.

Ông Nguyễn Quang Hiếu, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và truyền thông, Cục Bảo vệ thực vật cho biết, việc đưa chuyên gia kiểm dịch nước ngoài sang Việt Nam trong bối cảnh hiện nay đòi hỏi sự nỗ lực, phối hợp chặt chẽ của nhiều cơ quan liên quan. Bởi, để bảo đảm an toàn cho các chuyên gia, các nước đối tác yêu cầu phải có chuyến bay riêng, nơi cách ly đạt chuẩn… Cục Bảo vệ thực vật đang gấp rút phối hợp với các bên để tháo gỡ khó khăn nhằm không làm tắc nghẽn thêm bất kỳ thị trường xuất khẩu nào, đặc biệt là thị trường giàu tiềm năng như Mỹ.

“Hiện phía Mỹ đã cử chuyên gia, làm xong thủ tục visa, hộ chiếu để sang Việt Nam nhưng do thời điểm này chưa có các chuyến bay thương mại. Vì vậy, chúng tôi đang làm việc với các cơ quan liên quan để trong thời gian sớm nhất có thể đưa chuyên gia về Việt Nam”, ông Hiếu cho biết. Tuy vậy, theo ông, giải pháp dài hạn là đề nghị phía Mỹ tuyển nhân sự người Việt Nam để tránh gián đoạn hoạt động kiểm dịch do những tình huống như thế này.

Đối với các thị trường quan trọng khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, ngay từ khi dịch Covid-19 bắt đầu, Cục Bảo vệ thực vật đã làm việc với các nước để làm thủ tục ủy quyền cho Cục Bảo vệ thực vật làm công tác kiểm dịch thực vật tại các cơ sở xử lý chiếu xạ. Do đó, hoạt động xuất khẩu diễn ra bình thường.

“Dịch Covid-19 có ảnh hưởng tới các đơn hàng xuất khẩu rau quả nhưng công tác kiểm dịch thực vật diễn ra bình thường. Theo số liệu Cục Bảo vệ thực vật nhận được, rau quả xuất sang thị trường Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc cao hơn cùng kỳ năm ngoái”, ông Hiếu cho biết thêm.

CHI AN

Theo link gốc: https://daibieunhandan.vn/tranh-gian-doan-xuat-khau-trai-cay-tuoi-sang-my-df4udmcc5c-45856



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 20/09/2024