Nhiều nhà đầu tư thành công với chiến lược “săn cổ phiếu, ăn cổ tức”Một số doanh nghiệp chốt quyền cổ tức trong tuần cuối tháng 3: Tỷ lệ tiền mặt cao nhất là 20%Nhịp điều chỉnh của thị trường chứng khoán chính là cơ hội cho nhà đầu tư

Cổ đông nhận cổ tức đều đặn

Công ty cổ phần Dược Hậu Giang (mã DHG) dự kiến trả cổ tức bằng tiền mặt năm 2023 với tỷ lệ 75%, tương ứng với mỗi cổ phiếu sẽ nhận được 7.500 đồng - ghi nhận tỷ lệ chi trả cổ tức cao nhất lịch sử của Dược Hậu Giang.

Phương án trả cổ tức năm 2023 của công ty sẽ được trình đại hội đồng cổ đông thông qua vào ngày 23/4. Năm 2020, Dược Hậu Giang đã chia cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 40%. Năm 2021 và 2022 đều chia cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 35%.

Thực tế, đây vẫn chưa phải doanh nghiệp có tỷ lệ chia cổ tức tốt nhất ngành. Trước đó, Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương 3 (mã DP3) trả cổ tức bằng tiền năm 2020 với tỷ lệ 80%, tương ứng mỗi cổ phiếu được nhận 8.000 đồng). Năm 2021, DP3 chia cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 50% và năm 2022 tiếp tục chia với tỷ lệ 80%. Năm 2023, DP3 giảm tỷ lệ trả cổ tức bằng tiền xuống còn 30%, nhưng chia cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 100:150, tương ứng với mỗi 100 cổ phiếu sẽ nhận thêm 150 cổ phiếu phát hành thêm. 

Nhà đầu tư yên tâm khi nắm giữ các cổ phiếu ngành dược
Nhà đầu tư yên tâm khi nắm giữ các cổ phiếu ngành dược

Cũng trên đường đua trả cổ tức cao, Công ty cổ phần Traphaco (mã TRA) cũng trả cổ tức bằng tiền cho năm 2021 và 2022 với tỷ lệ 30%, chia thành 2 đợt. Năm 2023, TRA tạm ứng cổ tức đợt 1 bằng tiền với tỷ lệ 20%. 

Trong khi đó, Công ty cổ phần Dược Trang thiết bị y tế Bình Định (Bidiphar, mã DBD) trả cổ tức bằng tiền năm 2020 với tỷ lệ 15%, năm 2021 với tổng tỷ lệ 25% (bao gồm 15% tiền mặt và 10% bằng cổ phiếu), năm 2022 và 2023 đều trả cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 30%.

Trong giai đoạn 2018-2021, Công ty cổ phần Y dược phẩm Vimedimex (mã VMD) đều trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 20%.

Giai đoạn 2018-2022, Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương 1 (mã DP1) trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ từ 15-18%/năm.

Các chuyên gia nhìn nhận, dược phẩm là nhóm cổ phiếu phòng thủ, mang tính ổn định của hoạt động kinh doanh và trả cổ tức bằng tiền đều đặn, nên nhà đầu tư có thể yên tâm nắm giữ.

Còn nhiều tiềm năng tăng trưởng

Tuy nhiên, giá cổ phiếu dược cũng sẽ bị điều chỉnh. Song nhờ tiềm năng tăng trưởng tích cực của hoạt động kinh doanh giúp giá cổ phiếu này nhanh chóng tiến về mốc giá trước khi chia cổ tức. 

Ví dụ với Dược Hậu Giang, trong lần trả cổ tức gần nhất với mức 3.500 đồng/cp, thị giá cổ phiếu DHG trở về mức trước khi chia chỉ sau 15 phiên. 

Trong đợt trả cổ tức giữa tháng 1 năm nay, cổ đông Traphaco hưởng trọn cổ tức bằng tiền 2.000 đồng, bởi chưa đầy 2 tháng (7/3/2024, thị giá cổ phiếu này cơ bản về mức ngay trước ngày điều chỉnh giá…

Ngành dược phẩm có tốc độ tăng trưởng ổn định, kể cả trong bối cảnh nền kinh tế chung đầy biến động. Do đó, đây là lĩnh vực thu hút đông đảo sự quan tâm của cả các nhà đầu tư nước ngoài, với hàng loạt thương vụ M&A thành công, bên mua là các tập đoàn dược phẩm hàng đầu thế giới. 

Ngành dược phẩm có tốc độ tăng trưởng ổn định trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn
Ngành dược phẩm có tốc độ tăng trưởng ổn định trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn

Điều này trở thành động lực cho giá cổ phiếu ngành trong ngắn hạn và dài hạn. Bởi, các tập đoàn dược phẩm đa quốc gia đã mang kinh nghiệm, mạng lưới, nguồn lực tài chính hỗ trợ các doanh nghiệp dược phẩm niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam nâng tầm hoạt động, tăng thêm dư địa.

Đơn cử như năm 2019, với tỷ lệ sở hữu gần 51%, Tập đoàn Taisho (Nhật Bản) trở thành cổ đông lớn nhất của Dược Hậu Giang. Với sự hỗ trợ từ tập đoàn lớn quốc tế, Dược Hậu Giang đã đầu tư được 2 dây chuyền sản xuất đạt tiêu chuẩn Japan GMP, nâng cao chất lượng, gia tăng năng lực cạnh tranh các sản phẩm dược theo tiêu chuẩn quốc tế. Qua đó, kết quả kinh doanh cũng đạt kỷ lục mới, giúp cổ phiếu DHG bứt phá.

Hay đối với Traphaco, từ khi Tập đoàn Dược phẩm DaeWoong trở thành cổ đông lớn, lĩnh vực R&D của công ty dược phẩm này được thúc đẩy mạnh mẽ, giúp danh mục thuốc tân dược đạt mức tăng trưởng cao vụt.

Theo nhận định của Kirin Capital: “Thị trường M&A Việt Nam đã sẵn sàng để tăng trưởng trong năm 2024. Điều này được hỗ trợ từ những bước tiến kinh tế và cải cách để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, giao dịch gia tăng ổn định trong các lĩnh vực chính như năng lượng xanh, công nghệ, bất động sản và chăm sóc sức khỏe”.

Các doanh nghiệp dược Việt Nam đang niêm yết đều sở hữu các thế mạnh riêng. Chẳng hạn, Bidiphar tiên phong trong hoạt động sản xuất thuốc điều trị ung thư tại Việt Nam, cho ra thị trường 35 sản phẩm thuốc điều trị ung thư, được sử dụng rộng rãi tại nhiều cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc. 

Kirin Capital đánh giá, việc Bidiphar cho ra đời thuốc điều trị ung thư đã giúp doanh nghiệp này chiếm thị phần lớn trên kênh ETC (kênh đấu thầu mua bán thuốc) tại nhóm 3-4-5. Riêng năm 2022, thị phần của họ lên tới 37,6%. Song, điểm hạn chế của Bidiphar trên kênh ETC (kênh bệnh viện) tại nhóm 3-4-5 là sự cạnh tranh về giá, vì không được ưu tiên các sản phẩm trong nước sản xuất. Ngoài ra, thị phần toàn bộ nhóm 3-4-5 trên kênh ETC chỉ chiếm 12,7% trên tổng dược phẩm điều trị ung thư được đấu thầu.

Theo đó, Bidiphar liên tục ghi nhận sự tăng trưởng của kết quả kinh doanh qua từng năm. Năm 2021, doanh thu đạt 1.558 tỷ đồng, lợi nhuận 189 tỷ đồng. Năm 2022, doanh thu đi ngang với 1.554 tỷ đồng, song lợi nhuận sau thuế tăng trên 28% so với thực hiện năm 2022, đạt hơn 243,5 tỷ đồng. Năm 2023, doanh thu và lợi nhuận đều tăng lần lượt 6,2% và 10,6%, đạt 1.651 tỷ đồng và 269 tỷ đồng.

Đặc biệt, mới đây, một quỹ đầu tư từ Thụy Sỹ - Kwe Beteiligungen AG đã mua vào 222.000 cổ phiếu DBD, tăng tỷ lệ sở hữu từ 6,99% lên 7,29% tại Bidiphar.

Sự hỗ trợ của các tập đoàn dược quốc tế giúp doanh nghiệp trong nước nâng cao hoạt động sản xuất dược phẩm
Sự hỗ trợ của các tập đoàn dược quốc tế giúp doanh nghiệp trong nước nâng cao hoạt động sản xuất dược phẩm

Trở lại với Dược Hậu Giang, sau khi ghi nhận lợi nhuận kỷ lục trong năm 2023 với hơn 1.100 tỷ đồng, năm 2024 đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế giảm nhẹ, còn 1.080 tỷ đồng, doanh thu kế hoạch hơn 5.200 tỷ đồng, tăng trưởng 4% so với mức thực hiện năm 2023.

Theo dự phòng của Công ty Chứng khoán ABS, năm 2024, Dược Hậu Giang có thể đạt doanh thu tới 5.546 tỷ đồng và lợi nhuận 1.137 tỷ đồng, tăng lần lượt 11% và 5,4% so với năm ngoái. 

Dược Hậu Giang đang đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, thông qua sự hỗ trợ từ công ty mẹ Taiso và những nỗ lực nâng cấp dây chuyền sản xuất nhằm năng cao số lượng sản phẩm đạt chuẩn xuất khẩu. Đồng thời, nâng cao khả năng cạnh tranh khi đấu thầu thuộc nhóm 1 và nhóm 2 trên kênh ETC. Biên lợi nhuận dự kiến sẽ cải thiện nhờ việc Trung Quốc mở cửa giao thương kinh tế, nguồn cung phục hồi trở lại giúp bình ổn giá nguyên liệu đầu vào.

Tới đây, Traphaco dự kiến tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2024 vào ngày 12/4 tại nhà máy ở Hoàng Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội). Hiện, tài liệu đại hội và dự thảo kế hoạch kinh doanh năm 2024 vẫn chưa được công bố.

Tổng giám đốc Traphaco - Ông Trần Túc Mã cho biết, năm 2024 tiếp tục có nhiều thách thức đối với ngành dược nói riêng và toàn nền kinh tế nói chung, nhưng Traphaco đang có rất nhiều cơ hội phát triển mạnh mẽ, nhờ vị thế được nâng cao và tiềm lực tài chính vững mạnh.

Có thể thấy, ngành dược Việt Nam có dư địa tăng trưởng dài hạn nhờ dân số già hóa và thu nhập của người tiêu dùng ngày càng tăng cao trong bối cảnh chi tiêu thuốc bình quân đầu người vẫn thấp. Chính phủ cũng đã có những chính sách ưu đãi đối với sản phẩm thuốc chất lượng cao, sản xuất trong nước ở kênh bệnh viện, qua đó giúp các nhà sản xuất thuốc nội địa được trang bị các tiêu chuẩn sản xuất hàng đầu hưởng nhiều lợi ích hơn. Như vậy, ngoài câu chuyện trả cổ tức cao, cổ phiếu ngành dược còn có triển vọng tăng trưởng dài hạn./.