ISSN-2815-5823
Thứ tư, 09h41 11/10/2023

TS. Cấn Văn Lực: "Nên tăng quyền cho các công ty chứng khoán tự thẩm định rủi ro"

(KDPT) - Theo TS. Cấn Văn Lực, để quản lý rủi ro khi bỏ ký quỹ trước giao dịch, một trong những cách là tăng thẩm quyền cho các công ty chứng khoán (CTCK) để thẩm định rủi ro và tự đưa ra quyết định, CTCK được phép quyết định một nhà đầu tư cần ký quỹ hay không.
DSC: Thị trường đi xuống nhưng cơ hội vẫn thắp lên ở một số nhóm cổ phiếu

Tại hội thảo "Nâng hạng thị trường chứng khoán và việc minh bạch thông tin của công ty niêm yết", TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tiền tệ của Thủ tướng cho biết, chúng ta có 2 cấp độ nâng hạng là FTSE và MSCI.

TS Cấn Văn Lực
TS Cấn Văn Lực (Ảnh: Nhadautu.vn)

Ông ví von cấp độ 1 như sân chơi Sea Games (FTSE), cấp độ 2 là vươn tầm châu Á (MSCI). Chúng ta cần phải chịu sức ép cải cách lớn hơn nữa, đặc biệt liên quan đến các quy định pháp luật liên quan đến tính công khai và minh bạch.

Việt Nam đang rất thiếu yếu tố này, trong khi đây là nền tảng phát triển vững chắc cho thị trường chứng khoán. Việt Nam cần tạo sức ép quản trị, giám sát, và nâng tầm quản trị. Quy mô thị trường ngày càng lớn khi có những thời điểm chiếm 100-120% GDP, các doanh nghiệp niêm yết cần có cách thức quản trị khác.

TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh, nâng hạng thị trường chứng khoán gắn với câu chuyện thành lập trung tâm tài chính quốc tế ở TP. HCM và TP. Đà Nẵng.

Hiện tại, với cấp độ FTSE, chúng ta đang gặp vấn đề ở yêu cầu ký quỹ trước giao dịch. Nhiều người lo rằng nếu không giao dịch ký quỹ thì có rủi ro nhà đầu tư không thanh toán.

“Tôi nghĩ chúng ta cần phải có giải pháp. Khảo sát cho thấy, trường hợp không ký quỹ, tỷ lệ nhà đầu tư trên thế giới không thanh toán chỉ có 2% mà thôi”, ông Cấn Văn Lực nhấn mạnh.

Để giải quyết vấn đề này, ông đề xuất 3 biện pháp phòng ngừa rủi ro:

Thứ nhất, Việt Nam cần dứt khoát nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin để tránh lỗi sai sót.

Thứ hai, kiểm soát hành vi của nhà đầu tư bằng cách tăng chế tài, xử phạt 1.000-5.000 USD, hoặc tính tiền phạt dựa trên tỷ lệ số tiền.

Cuối cùng, tăng thẩm quyền cho các công ty chứng khoán để thẩm định rủi ro và tự đưa ra quyết định, công ty chứng khoán được phép quyết định một nhà đầu tư cần ký quỹ hay không. Như vậy cũng cần cơ chế xử lý rủi ro, công ty chứng khoán được phép tịch thu tài sản, chứng khoán, thanh lý chứng khoán trong trường hợp họ không thể thanh toán.

Về các tiêu chí của MSCI, TS. Cấn Văn Lực cho biết, hiện này chúng ta thiếu 9 tiêu chí gồm: Giới hạn sở hữu nước ngoài; "room" khối ngoại còn lại; quyền bình đẳng đầu tư nước ngoài; mức độ tự do hóa thị trường ngoại hối; luồng thông tin; thanh toán bù trừ; khả năng chuyển nhượng không qua sàn; cho vay chứng khoán; và bán khống.

Về vấn đề sở hữu nhà đầu tư nước ngoài, theo vị chuyên gia này, cần tư vấn, rà soát các lĩnh vực cần và không cần kiểm soát. Theo TS. Lực, chúng ta cần rà soát Quyết định 155 và một số quyết định khác. Ngoài ra, về tự do dòng chuyển vốn và giao dịch ngoại hối, đây là yếu tố vô cùng quan trọng với thị trường tài chính quốc tế.

“Chúng ta cần tự do hóa hơn dịch chuyển dòng vốn và giao dịch ngoại hối. Cần nâng tính hấp dẫn của tiền đồng, để tiền đồng tự do chuyển đổi hơn cả trong và ngoài nước. Cuối cùng, mong Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đề xuất có đề án"“lấp lại" những khoảng trống chúng ta còn thiếu. Đâu đó chúng ta có những kế hoạch nhưng chưa có đề án cụ thể”, TS. Cấn Văn Lực khuyến nghị.

HẢI THU



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 03/10/2024