ISSN-2815-5823
QUANG ĐỨC
Thứ bảy, 15h20 16/09/2023

Xuất khẩu thủy sản có thể cán mốc 10 tỷ USD

(KDPT) - Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) kỳ vọng ngành thủy sản có thể chạm mức kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD trong năm nay.
Xuất khẩu thủy sản được dự báo có thể cán mốc 10 tỷ USD năm nay
Xuất khẩu thủy sản được dự báo có thể cán mốc 10 tỷ USD năm nay

Xuất khẩu thủy sản đang ấm dần

Không riêng thị trường Mỹ, xuất khẩu thủy sản sang các thị trường khác từ nay đến cuối năm đang được VASEP đánh giá là có xu hướng khả quan hơn. Bởi thời gian tới, nhu cầu tiêu thụ thủy sản sẽ tốt lên, nhất là khi lễ Giáng sinh và Tết Dương lịch đang đến gần.

Nhìn vào biến chuyển kim ngạch trong những tháng qua có thể thấy xu hướng ấm dần lên của thị trường. Nếu tháng 6, kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt hơn 767 triệu USD, giảm trên 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Đến tháng 8, con số giảm đã rút ngắn là 15%, đây cũng là mức tăng trưởng âm thấp nhất trong 6 tháng qua và doanh số cao hơn so với những tháng trước.

Với đà này, ngành thủy sản có thể chạm mức kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD trong năm nay.

Thua thiệt lớn nếu không gỡ được "thẻ vàng"

Với thị trường châu Âu, về lâu dài còn là câu chuyện tác động từ cảnh báo thẻ vàng thủy sản. Nếu tiếp tục duy trì "thẻ vàng", sức cạnh tranh của hải sản Việt Nam sẽ còn thua thiệt trên thị trường thế giới.

Việt Nam đã rất nỗ lực trong gỡ thẻ vàng thủy sản. Điều này cũng đã được Ủy ban châu Âu (EC) ghi nhận và đánh giá cao. Tuy nhiên để tiến tới gỡ "thẻ vàng" sau hơn 6 năm bị cảnh báo cần sự nỗ lực hơn nữa từ nhiều phía, trong đó có vai trò to lớn của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy hải sản.

Thẻ vàng của Ủy ban châu Âu đã khiến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường này sụt giảm liên tục từ năm 2017 đến nay. Năm 2019, tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU vẫn đạt khoảng 1,3 tỷ USD, năm ngoái chỉ còn hơn 500 triệu USD. 1/3 trong số này là hải sản khai thác. Tuy nhiên khi đã bị cảnh báo, không chỉ riêng hải sản khai thác mới bị ảnh hưởng.

"Chúng tôi đánh giá rằng có khoảng 10% số mặt hàng từ nguồn nuôi cũng sẽ bị ảnh hưởng theo. Bởi vì theo cung cách chuỗi cung ứng khi họ mua hàng của chúng ta, họ không chỉ kinh doanh mỗi mặt hàng mực, mà nhiều khi là tôm nuôi, nghĩa là cộng với hải sản khai thác, với 10% hàng nuôi. Khi ụp một cái, trong trường hợp xấu nhất, chúng ta mất gần 500 triệu USD ở thị trường châu Âu", ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết.

Nếu không gỡ được thẻ vàng thì việc xuất khẩu vào thị trường này đã khó sẽ ngày càng khó khăn hơn.

"Khi có thẻ vàng thì thủ tục nhập khẩu rất phức tạp, trước đây chỉ lấy mẫu theo tỷ lệ %, bây giờ kiểm soát 100% lô hàng và thời gian kiểm soát có thể lên tới 2 - 3 tuần, lãng phí chi phí vào phần này rất lớn", ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhấn mạnh.

Tuy nhiên có những thiệt hại còn không thể đong đếm nếu thủy sản Việt Nam tiếp tục chịu thẻ vàng hoặc trường hợp xấu là thẻ đỏ. Đó là chuỗi việc làm của cả trăm nhà máy với hàng chục nghìn lao động. Đó còn là uy tín, là hình ảnh của Việt Nam - nguồn cung thủy sản lớn top 3 thế giới.

"Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường châu Âu trong thời gian tới cần có những giải pháp cụ thể hơn, kiên quyết không mua hàng thủy sản khai thác bất hợp pháp để làm sao đảm bảo tính minh bạch. Nếu bà con ngư dân đi khai thác bất hợp pháp thì sẽ không bán được các sản phẩm. Như vậy chúng ta sẽ hạn chế được điều này", ông Nguyễn Quang Hùng, Cục trưởng Cục Kiểm ngư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhận định.

Hiện không chỉ EU thực thi quy định chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và Không theo quy định IUU, mà Mỹ, Nhật Bản và nhiều quốc gia cũng có hệ thống giám sát nguồn gốc thủy, hải sản nhập khẩu tương tự.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine