Xuất khẩu tôm đạt gần 3 tỷ USD.
Xuất khẩu tôm lần đầu tiên vượt mốc 4 tỷ USD.

Cách đây 22 năm (năm 2002) tại Hà Nội, VASEP đã tổ chức Lễ mừng xuất khẩu thủy sản vượt mốc 1 tỷ USD, một con số rất ấn tượng vào thời điểm đó. Và năm 2022 đánh dấu bước tiến của ngành thủy sản khi xuất khẩu vượt mốc 10 tỷ USD. Đây là một nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp trong ngành.

Ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký VASEP - cho biết, 10 tỷ là mức kỷ lục của ngành thủy sản Việt Nam trong hơn 20 năm xuất khẩu ra thị trường thế giới. Trong đó, xuất khẩu tôm đạt mức 4,3 tỉ USD, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu cá tra đã vượt 2 tỉ USD tăng hơn 80% cùng kỳ năm 2021 và có thể đạt mức 2,5 tỉ USD trong năm nay. Tương tự, sản phẩm cá ngừ lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu vượt mốc 1 tỉ USD.

Đặc biệt, mặt hàng tôm lần đầu tiên vượt mốc 4 tỷ USD. Đây là mặt hàng số 1 trong xuất khẩu thủy sản Việt Nam, chiếm tỷ trọng 39% trong tổng giá trị xuất khẩu của 11 tháng. Tiếp đó là cá tra với kim ngạch 2,3 tỷ USD, chiếm 22,4%; cá ngừ đạt 941 triệu USD, chiếm 9,2%; mực, bạch tuộc đạt 704 triệu USD, chiếm 6,9%; các loại khác mang lại kim ngạch 1,9 tỷ USD, chiếm 18,4%...

Trong 11 tháng qua, Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất của thủy sản Việt Nam với kim ngạch trên 2 tỷ USD. Đứng thứ 2 là Trung Quốc, khoảng 1,6 tỷ USD. Nhật Bản đứng thứ 3 với khoảng 1,6 tỷ USD. EU khoảng 1,2 tỷ USD. Khối thị trường CPTPP (tính cả Nhật Bản) đạt khoảng 2,7 tỷ USD.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá cao nỗ lực của cộng đồng nông dân, ngư dân và các doanh nghiệp trong toàn ngành thủy sản đã hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kế hoạch năm 2022 với giá trị xuất khẩu vượt mức 10 tỷ USD

"Năm 2022 ngành xuất khẩu thủy sản đối mặt với nhiều biến động và khó khăn. Hệ lụy của đại dịch COVID-19 vẫn ảnh hưởng đến sản xuất, xuất khẩu thủy sản, rồi xung đột Nga-Ukraine, lạm phát giá trong nước và ở các thị trường, chi phí sản xuất và kinh doanh tăng mạnh, biến động tỷ giá ngoại tệ… Nhưng trong bối cảnh đó, nhờ kinh tế và môi trường kinh doanh ở Việt Nam ổn định và thuận lợi, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đã biến những thách thức thành cơ hội, tận dụng lợi thế của các hiệp định FTA cũng như nhu cầu của thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu trong năm 2022", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chia sẻ.

Năm 2022, ước tính ngành thủy sản chiếm 3% tổng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. So với tổng kim ngạch xuất khẩu khu vực kinh tế trong nước, ngành thủy sản đóng góp gần 12% giá trị.

Trên bản đồ xuất khẩu thủy sản thế giới, Việt Nam đang là quốc gia xuất khẩu lớn thứ 3, chiếm trên 7% thị phần trên thị trường thế giới, chỉ đứng sau Trung Quốc và Na Uy.

Ngành thủy sản đặt mục tiêu tới năm 2030 xuất khẩu đạt 14 tỷ USD. Để đạt mục tiêu này trước các thách thức của các thị trường lớn, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, ngành thủy sản phải xoay chuyển thực tế bằng cách đi vào chế biến sâu, sử dụng nguồn nguyên liệu có thể truy xuất nguồn gốc và tăng cường xúc tiến thương mại linh hoạt với các thị trường tiềm năng.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP đánh giá vẫn còn nhiều thách thức về vấn đề con giống, thức ăn và quy hoạch diện tích đất để nuôi trồng thủy sản.

Đồng thời với tình hình kinh tế toàn cầu đang có nguy cơ suy thoái, lạm phát đang diễn ra và tỷ giá biến động, đại diện VASEP cho rằng tình hình xuất khẩu thủy sản đang chững lại khi sức mua và tỷ lệ đơn đặt hàng giảm.

Do đó, thời gian tới lượng hàng tồn kho sẽ tăng trong khi khâu bảo quản, lưu kho và hậu cần nói chung (logistics) vẫn là điểm yếu của nhiều công ty Việt. Ngoài ra còn có sự cạnh tranh gay gắt từ những đối thủ có chi phí và giá bán rẻ như Ecuador hay Ấn Độ.