ISSN-2815-5823
MINH THÀNH
Chủ nhật, 08h54 22/10/2023

Xuất khẩu tôm có nhiều dấu hiệu tích cực

(KDPT) - Tháng 9, xuất khẩu tôm sang Mỹ tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu tháng thứ 3 liên tiếp tăng trưởng dương. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, tháng 9/2023, xuất khẩu tôm đạt 322 triệu USD, giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù chưa thoát khỏi tăng trưởng âm, nhưng mức giảm đã thu hẹp dần qua từng tháng.
Chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đánh giá xuất khẩu tôm vừa qua đã có một số dấu hiệu cải thiện. Tháng vừa qua, dù chưa thoát khỏi tăng trưởng âm (đạt 322 triệu USD, giảm 8%), mức giảm đã thu hẹp dần qua mỗi tháng. Lũy kế 9 tháng, xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt 2,5 tỷ USD, giảm 26% so với cùng kỳ 2022.

VASEP cho biết, nhiều thị trường như Mỹ, Australia, Canada, Bỉ, Đài Loan đã có tín hiệu tích cực nhờ mức tăng trưởng dương 1-54%. Trong đó, đáng chú ý là thị trường Mỹ.

Xuất khẩu tôm sang thị trường này tiếp tục xu hướng tăng trưởng dương trong tháng 9, và là tháng thứ 3 liên tiếp tăng. Mức tăng trưởng 23% trong tháng 9 cũng là mức cao nhất so với hai tháng trước đó. Tuy nhiên, nếu tính chung 9 tháng, tổng giá trị xuất khẩu sang Mỹ đạt 520 triệu USD, giảm 23%.

Số liệu cũng cho thấy, nhập khẩu tôm vào Mỹ thời gian qua có xu hướng tăng. Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là chi tiêu tiêu dùng của nước này đang ổn định hơn. Các dự báo về tăng trưởng kinh tế Mỹ cũng khá khả quan khi IMF nâng mức tăng trưởng của họ thêm 0,3 điểm phần trăm năm nay và 0,5% cho năm sau.

Tại các thị trường lớn còn lại như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, VASEP cho biết, mức tăng trưởng xuất khẩu tôm vẫn âm 10-26%, tuy nhiên, mức giảm đã thấp hơn so với những tháng trước đó.

Riêng thị trường Trung Quốc đại lục và Hong Kong, sau khi tăng trưởng dương trong 3 tháng 6-8, xuất khẩu tôm lại tiếp tục xu hướng giảm. Nguyên nhân là nước này đang có lượng hàng tồn kho cao do nhập nhiều tôm từ Ecuador. Theo VASEP, quý cuối năm, khả năng nhu cầu tiêu thụ tôm của Trung Quốc chưa thể phục hồi.

Bên cạnh những thuận lợi thì tình hình xuất khẩu của doanh nghiệp vẫn còn không ít khó khăn. Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, bên cạnh những thách thức nội tại như hoạt động nhỏ, tự phát; tỉ lệ nuôi thành công thấp, giá thành cao; tôm giống chất lượng chưa cao, còn do các yếu tố khách quan như tình hình lạm phát ảnh hưởng đến chi phí đầu vào tăng, đồng Euro mất giá, nhu cầu tiêu thụ trên thế giới giảm, cộng thêm tình hình chiến sự Nga - Ukraine kéo dài… đã làm ảnh hưởng đến xuất khẩu.

“Vào những tháng cao điểm xuất khẩu cuối năm, nhu cầu thị trường thế giới có thể có biến động khó dự đoán do lạm phát, cạnh tranh về giá với các nước xuất khẩu khác…”, đại diện Cục Xuất nhập khẩu đánh giá.

Ông Trương Đình Hòe – Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam khuyến nghị, thời gian tới, các doanh nghiệp phải tăng cường các sản phẩm thế mạnh như: sản phẩm hữu cơ, bền vững, giá trị gia tăng; có biện pháp bán hàng và thanh toán phù hợp; đồng thời, tận dụng triệt để các lợi thế từ Hiệp định EVFTA để nâng sức cạnh tranh để xuất khẩu vào thị trường này.

Dự báo, hết năm 2023 xuất khẩu tôm dừng lại ở mức 3 tỷ USD đã là thành công. Con số này thấp hơn so với kế hoạch mà ngành thủy sản đặt ra cho mặt hàng tôm xuất khẩu trong năm nay là trên 4,3 tỷ USD.

Về phía các doanh nghiệp, hiện cũng đang nỗ lực mạnh sản xuất, xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Đồng thời, mở rộng thêm thị trường như Mỹ, Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản… Tuy nhiên, để gia tăng xuất khẩu trong những tháng cuối năm, các doanh nghiệp cũng kiến nghị cần sự hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi để mở rộng, nâng cấp máy móc trang thiết bị, phục vụ nhu cầu xuất khẩu vào các thị trường khó tính.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 18/05/2024