ISSN-2815-5823
MINH THÀNH
Chủ nhật, 10h15 08/10/2023

AMRO: Tăng trưởng của Việt Nam năm 2024 đạt 6%

(KDPT) - Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) dự báo tăng trưởng của Việt Nam vào năm tới 2024 đạt 6%, vẫn cao hơn so với mức tăng trưởng bình quân của ASEAN là 5%

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 được đánh giá lại ở mức 4,7%, cao hơn mức trung bình của khu vực ASEAN và mức dự báo đưa ra trước đó cùng là 4,4%. Tuy nhiên so với mức tăng trưởng của năm ngoái đây vẫn là sự sụt giảm với nguyên nhân chính do xuất khẩu giảm.

"Bên cạnh đó, kinh tế Việt Nam còn bị ảnh hưởng từ thị trường bất động sản vốn đang trong giai đoạn điều chỉnh. Nhưng tôi cho rằng việc giảm tăng trưởng Việt Nam chủ yếu mang tính chu kỳ, xuất phát từ sụt giảm trong xuất khẩu", ông Hoe EE Khor - Nhà kinh tế trưởng, Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô ASEAN+3 đánh giá.

AMRO dự báo tăng trưởng của Việt Nam vào năm tới 2024 đạt 6% vẫn cao hơn so với mức tăng trường bình quân của khu vực ASEAN là 5%. Lạm phát được dự báo tiếp tục tăng cùng với một số nguy cơ tiềm ẩn.

Ông Hoe EE Khor nhận định: "Giá hàng hóa toàn cầu có thể tăng vọt trở lại do sự leo thang xung đột địa chính trị, hạn chế nguồn cung hoặc do El Nino. Việc tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ của Mỹ có thể dẫn đến khó khăn tài chính, điều đó có thể lan sang khu vực. Tăng trưởng của Trung Quốc có thể thấp hơn dự kiến".

Cũng theo AMRO, nhu cầu trong nước ổn định, sự hồi phục của xuất khẩu và du lịch sẽ là những động lực chính để cho khu vực củng cố đà tăng trưởng cho năm tới 2024.

Theo báo cáo của Chính phủ, trong 9 tháng qua, đất nước ta có khá nhiều kết quả nổi bật, trong đó tốc độ tăng trưởng GDP đạt 4,24%. Riêng quý III, GDP đạt 5,33% là con số rất tích cực so với cùng kỳ năm ngoái và đã bù cho kết quả các quý trước. Nhìn chung Việt Nam đã đạt kết quả tăng trưởng GDP khá cao so với các nước khác. Việt Nam đã ứng phó thành công với những "cơn gió ngược" trong bối cảnh kinh tế thế giới, tình hình lạm phát toàn cầu tác động không nhỏ. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, công tác điều hành tiền tệ linh hoạt, hiệu quả đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn thuận lợi, điều hành tỉ giá phù hợp, bảo đảm tính thanh khoản của toàn hệ thống.

Trên cơ sở kết quả 9 tháng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cập nhật kịch bản tăng trưởng quý IV và cả năm 2023. Theo đó, kịch bản 1: Tăng trưởng cả năm khoảng 5%, quý IV cần tăng 7% (quý IV năm 2022 tăng 5,92%). Kịch bản 2: Tăng trưởng cả năm khoảng 5,5%, quý IV cần tăng 8,8%. Kịch bản 3: Tăng trưởng cả năm khoảng 6%, quý IV cần tăng 10,6%.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, khó khăn của nền kinh tế vẫn tiếp diễn trong bối cảnh vĩ mô toàn cầu chưa ổn định, tình hình lạm phát, giá cả toàn cầu, chính sách tài khóa tiền tệ khó đoán, các nước không có kế hoạch rõ ràng. Tiếp theo là các vấn đề về địa chính trị, xung đột Nga - Ukraine, giá lương thực.... Các doanh nghiệp đối diện với thách thức khi phải đáp ứng các tiêu chí xanh, giảm phát thải cho sản phẩm xuất khẩu; chuyển đổi các mô hình truyền thống, chuyển đổi năng lượng… Do đó, ở bất kỳ kịch bản nào cũng cần nỗ lực, cố gắng lớn và phấn đấu đạt kết quả cao nhất có thể (kịch bản GDP đạt 6%), đòi hỏi có những đột phá trong các động lực của nền kinh tế.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 08/05/2024