ISSN-2815-5823
Trọng Nghị
Thứ bảy, 13h15 30/07/2022

Bài 2: Rừng bị tàn phá uy hiếp đến kinh tế và môi trường sống

Cover image
(KDPT) - Những năm qua, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt để các địa phương bảo vệ rừng hiện có nhưng thực tế là rừng ở Tây Nguyên vẫn bị tàn phá nham nhở, kể cả vùng biên giới được bảo vệ nghiêm ngặt. Đáng nói, mất rừng vẫn chưa có điểm dừng ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế lâm nghiệp.
Phóng viên ghi nhận thực tế điểm phá rừng tại lô 101, khoảnh 1, tiểu khu 275 và tiểu khu 272, xã Ia Bă, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai.

Tàn phá biểu tượng Đà Lạt

Nhắc đến Đà Lạt nói riêng và Lâm Đồng nói chung, người dân các tỉnh đều nghĩ ngay đến những vạt rừng thông tuyệt đẹp mọc trên những triền núi khúc khuỷ. Cây thông gắn liền với tâm thức và trở thành biểu tượng của vùng đất này. Nhưng nay rừng thông bị “khai tử” khắp nơi.

Đêm một ngày gần cuối tháng 6, phóng viên nhận cuộc gọi với giọng thản thốt: “Rừng thông tiểu khu 122, xã Đạ Chais (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) bị lâm tặc xẻ thịt. Nhà báo xuống ngay để góp tiếng nói cùng nhau cứu lấy rừng chứ không rừng còn bị tàn phá nữa”. Nghe thế, tôi vội vã chuẩn bị đồ nghề cho chuyến đi rừng gồm áo mưa, giày bít gối để chống vắt cắn và xe sắt quấn xích. 4 giờ 30 sáng, xe chúng tôi nhả khói đâm xuyên qua màn sương lạnh lẽo. Trời lúc này mưa như thác đổ làm rát cả da mặt, gió lớn thổi ngược thỉnh thoảng làm “ngựa sắt” liêu xiêu. Sau 3 tiếng vật lộn trên những đoạn đường trơn trợt với nhiều lần bổ ngã trầy xước chân, tay, chúng tôi cũng có mặt tại tiểu khu 122.

Tại đây, khoảnh rừng rộng hơn 1 hécta đã bị phá trắng. Gốc thông được lâm tặc che giấu bằng cách dùng cành lá phủ lên trên. Lâm tặc cũng gom thân, cành thông còn xót lại chất từng đống và đốt bỏ nhằm phi tang nhưng do còn tươi nên gỗ chỉ bị cháy xém. Trên đất rừng thông bị “làm thịt”, cây mắc ca, sim tím, hoa anh đào to bằng ngón tay được trồng vội. Theo một “thổ địa” đi cùng, ở vị trí phá rừng này, lâm tặc không phá đại trà mà phá du kích, nghĩa là cắt hạ từng khoảnh nhỏ rồi hợp thức hoá bằng việc trồng cây lên trên hòng xí đất, sau đó ngồi nghe ngóng, thấy tình hình lắng dịu sẽ tiếp tục nhảy vào “gặm nhấm” rừng thông bên cạnh. Việc phá du kích cũng nhằm mục đích nếu “xui rủi” bị bắt quả tang, thì người vi phạm cũng chỉ bị xử lý hành chính chứ không thể xử lý hình sự vì không đủ diện tích thiệt hại.

Rừng thông vùng ven TP Đà Lạt bị cưa hạ nhằm mục đích lấy đất sản xuất.

Không chỉ ở vùng huyện, rừng thông TP Đà Lạt cũng bị tàn sát. Men theo sườn đồi gập ghềnh với những vực sâu hàng chục mét, chúng tôi đặt chân đến tại tiểu khu 114b, thuộc địa phận phường 8, TP Đà Lạt. Đập vào mắt là hàng trăm cây thông ba lá bị cưa hạ nằm ngổn ngang. Gỗ thông bị cưa hạ còn rất mới, nhựa đỏ lừ như máu. Từ đây, phóng tầm mắt ra các vạt thông lân cận, hàng chục cây thông khác cũng bị đầu độc bằng chiêu bài ken gốc. Qua đối chiếu, diện tích thông bị xẻ thịt thuộc quản lý của Ban Quản lý rừng Lâm Viên.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT Lâm Đồng cho biết, rừng bị tàn phá diễn ra ở nhiều huyện, thành phố như Bảo Lâm, Đam Rông, Lâm Hà, Đức Trọng, Lạc Dương và Đà Lạt. Các đối tượng phá rừng trên địa bàn ngày càng tinh vi, đặc biệt là thủ đoạn phá rừng bằng hình thức ken, khoan cây đổ hóa chất, hậu quả sau thời gian dài mới phát hiện, gây khó khăn cho điều tra. Cũng theo ông Sơn, đến nay, tỉnh đã thu hồi 208 dự án đầu tư liên quan đến rừng với tổng số hơn 30.400 hécta. Nguyên do một phần là do các chủ dự án không bố trí lực lượng bảo vệ rừng trên diện tích được thuê, để rừng bị phá, bị lấn chiếm.

Lộ diện..."tập đoàn" phá rừng

Tại Đắk Lắk và Gia Lai, rừng mất tràn lan bởi… các "tập đoàn" phá rừng. Có mặt tại tiểu khu 205 và 222, xã Ia Tờ Mốt, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk , chúng tôi choáng ngợp khi chứng kiến hàng trăm hécta rừng đã bị triệt hạ. Hiện trường gỗ bị cưa hạ nằm la liệt trải dài qua nhiều quả đồi. Tiếp tục vòng qua tiểu khu 213 (xã Ia Tờ Mốt), hàng chục hécta rừng, đất rừng cũng đã bị san ủi, chia lô để trồng hoa màu. Tiếp tục đi sâu vào trong, nhiều cây rừng có đường kính từ 10-20cm cũng bị cắt hạ, nằm ngổn ngang. Tài liệu điều tra của chúng tôi cho thấy, vụ phá rừng ở 2 tiểu khu 205 và 22, có tổng cộng gần 400ha rừng bị phá. Cơ quan công an đã vào cuộc điều tra, xác định có 28 đối tượng tham gia tàn phá. Đối với vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng tại tiểu khu 213, Công an huyện Ea Súp cũng đã nắm được vụ việc và đang vào cuộc điều tra.

Hàng trăm hécta rừng ở tiểu khu 205, xã Ya Tờ Mốt, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk bị các đối tượng lâm tặc phá trắng.

Ngược về tiểu khu 1391, xã Đắk Phơi, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk (thuộc lâm phần quản lý của Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Mai - Chi nhánh Đắk Lắk, gọi tắt là Công ty Tân Mai), nhiều ngọn núi đã bị cạo trọc, đốt cháy nham nhở. Những khoảnh rừng còn sót lại chủ yếu là lồ ô, cây bụi và cây gỗ nhỏ. Từng tốp người ngang nhiên phát dọn rừng. Lân la tiếp cận, họ cho biết, diện tích rừng trên đã được cha ông khai hoang canh tác từ lâu, do nhiều năm không trồng tỉa nên hiện thành rừng, giờ phát dọn để trồng mì, tỉa bắp kiếm cơm. Nói về việc rừng và đất của công ty quản lý bị phá, lấn chiếm, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Tân Mai ngao ngán: “Người dân phá rừng, chiếm đất đa số ở buôn Jie Yuk và buôn Tu Má (xã Đắk Phơi). Mỗi lần đi phá rừng, họ thường tập trung vài chục người và sẵn sàng tấn công lại lực lượng của đơn vị nếu bị ngăn chặn. Tính từ đầu tháng 2 đến nay, đã có 63 hécta rừng và đất rừng ở tiểu khu 139,1392 của đơn vị quản lý bị người dân phá, lấn chiếm. Công ty bất lực với tình trạng này và đã báo chính quyền nhưng đến nay vẫn chưa có hướng thu hồi diện tích rừng bị lấn chiếm để trả về cho đơn vị”.

Thậm chí có nơi, có thời điểm, có cả đường dây phá rừng với lâm tặc chúa đứng sau hậu thuẫn kinh tài cho lâm tặc con đi khai thác gỗ. Ông Hồ Văn Thảo, Chủ tịch UBND huyện Krông Pa cho biết, vào năm 2021, để ngăn chặn nạn phá rừng, khai thác gỗ trái phép, huyện sử dụng phương châm muốn chống lâm tặc phải biết lâm tặc là ai. Vì thế, huyện đã chỉ đạo thống kê, xác định trên địa bàn có khoảng 1077 lâm tặc con có hộ khẩu ở 14 xã, thị trấn và khoảng 13 lâm tặc chúa. Lâm tặc chúa còn gọi là đầu nậu gỗ, hầu hết là người nơi khác đến. Lâm tặc chúa chuyên thu mua gỗ và sẵn sàng cho lâm tặc con ứng tiền trước để mua sắm vật dụng đi khai thác gỗ về bán cho chúng. “Không thể đổ thừa việc lâm tặc con vào rừng để khai thác gỗ trái phép là do thiếu đất sản xuất, nghèo khó. Bởi những người vào rừng cưa gỗ bán đều là những người khoẻ mạnh, có sức lao động gấp đôi những người ở nhà bình thường. Nếu lâm tặc con này ở nhà lao động những công việc bình thường thì thu nhập dư sức sống. Việc dân chọn đi khai thác gỗ trái phép là do hành vi, thói quen, trong đầu nghĩ cứ vô rừng cưa gỗ thì có thu nhập sống”, ông Thảo nói.

Rừng trên giấy nhiều hơn thực địa

Tại Kon Tum, rừng cũng bị tàn phá nham nhở. Huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) là nơi có trữ lượng rừng lớn nhất Kon Tum. Thị trấn Măng Đen được mệnh danh là Đà Lạt 2, đang trở thành vùng du lịch sinh thái, vựa rau công nghệ cao của tỉnh. Tuy nhiên, rừng tự nhiên, đặc sản của “trái tim” Măng Đen đang bị băm vằm. Từ thị trấn Măng Đen, xe chúng tôi men theo con đường mòn nhão nhoẹt thì đến được khoảnh 11, tiểu khu 486, thị trấn Măng Đen. Tại đây, gỗ cổ thụ khổng lồ to bằng người ôm bị xẻ thịt còn trơ gốc, bìa. Gỗ bị cưa hạ còn mới, nhiều chủng loại. Nhẩm đến, vị trí này có khoảng 26 cây bị cưa hạ. Tiếp tục di chuyển qua khoảnh 13, tiểu khu 486 thì cũng thấy có 18 cây gỗ bị khai thác, nằm dàn trải. Các điểm phá rừng trên do UBND thị trấn Măng Đen quản lý. Theo Công an huyện Kon Plông, sau khi tiếp nhận 2 vụ việc, cơ quan công an đã nhanh chóng điều tra và khởi tố 7 đối tượng tham gia khai thác. Những đối tượng thu mua gỗ cũng bị công an bóc trần. Còn theo UBND tỉnh Kon Tum, đơn vị đã giao các đơn vị liên quan chỉ đạo kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với chủ rừng và các tập thể, cá nhân để xảy ra vi phạm lâm luật ở tiểu khu 486.

Trong khi đó, rừng ở biên giới được quản lý nghiêm ngặt, lâm tặc cũng không tha. Trong số các đơn vị chủ rừng để xảy ra mất rừng, khai thác lâm sản trái phép ở Kon Tum thì Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ia Hdrai (đóng tại huyện Ia Hdrai) đứng tóp đầu. Từ năm 2018 đến năm 2020, trên lâm phần đơn vị này quản lý xảy ra 34 vụ vi phạm với khối lượng hơn 941m3 gỗ. Đáng nói hơn, một số diện tích rừng đơn vị này quản lý chỉ có trên giấy, còn thực tế thì không còn rừng. Cụ thể, theo kế hoạch, diện tích đất sẽ bàn giao từ đơn vị này về xã Ia Tơi, huyện Ia Hdrai quản lý là hơn 3.247ha nhưng nhiều năm chưa bàn giao được. Nguyên nhân là địa phương không nhận giao đất thực địa bởi huyện này đã lập đoàn rà soát, đánh giá hiện trạng đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên, cho thấy diện tích giảm hơn so với diện tích dự kiến giao.

Theo Chi cục Kiểm lâm vùng IV (đơn vị quản lý bảo vệ rừng 11 tỉnh thuộc khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, thuộc Cục Kiểm lâm), 11 tháng đầu năm 2021, tại 5 tỉnh Tây Nguyên xảy ra 1.504 vụ khai thác rừng và phá rừng trái pháp luật. Diện tích rừng thiệt hại là 363ha. Trong quý I năm 2022, toàn vùng xảy ra 77 vụ khai thác trái phép thì hầu hết đều diễn ra ở các tỉnh Tây Nguyên; xảy ra 341 vụ phá rừng trái pháp luật gây thiệt hại 124ha, trong đó tập trung nhiều ở 4 tỉnh, riêng Tây Nguyên có 3 tỉnh gồm Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Tại Gia Lai, tỉnh này cho biết, trong 6 tháng đầu năm, tỉnh xảy ra 169 vụ vi phạm lâm luật, trong đó xử lý hành chính 68 vụ, xử lý hình sự 11 vụ, tịch thu 271m3 gỗ.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

Longform
kinhdoanhvaphattrien.vn | 04/05/2024